Phần 12: Lời cảnh tỉnh từ những con số
Kết quả thống kê của các tổ chức quốc tế còn cho biết, trong vài thập kỷ gần đây, GDP toàn cầu đã giảm 20% do biến đổi khí hậu - mức thiệt hại còn lớn hơn tổn thất từ hai cuộc chiến tranh thế giới và cuộc đại suy thoái vào những
năm 1930 cộng lại.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), biến đổi khí hậu hay sự ấm lên của trái đất đã gây ra cái chết của hơn 140.000 người trên thế giới mỗi năm. Tác động của biến đổi khí hậu làm giảm 1,6% GDP
thế giới mỗi năm, tương đương 1.200 tỉ USD. Và con số thiệt hại này có thể tăng lên 3,2% trước năm 2030 nếu nhiệt độ toàn cầu tăng cao – theo báo cáo của Tổ chức Nhân đạo Quốc tế DARA ở Tây Ban Nha tính toán tác động biến đổi khí hậu lên kinh tế và con người ở 184 quốc gia từ năm 2010 – 2030.
Nghiên cứu của Diễn đàn Nhân đạo Toàn cầu (GHF) lần đầu tiên đưa ra so sánh về số người bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu ở những nước giàu và những nước nghèo cho thấy gần 98% số người bị ảnh hưởng nghiêm trọng, 99% trường hợp thiệt mạng vì lý do liên quan tới biến đổi
khí hậu và 90% tổn thất về kinh tế là ở các nước đang phát triển.
Theo báo cáo của Tổ chức Diễn đàn Nhân đạo Toàn cầu (GHF), thiệt hại về kinh tế do biến đổi khí hậu hiện nay ước tính ở mức 125
tỉ USD/năm, nhiều hơn toàn bộ viện trợ của thế giới hiện nay và tới năm 2030 con số đó có thể là 600 tỉ USD. Đó là chưa kể tình trạng bất ổn xã hội có thể sẽ gia tăng vì các thảm họa thiên nhiên.
Trong hai thập kỷ qua, ước tính mỗi năm
Việt Nam đã thiệt hại từ 1% đến 1,5% GDP do các thảm họa thiên nhiên. Chẳng hạn như cơn bão Xangsane năm 2006 đã gây thiệt hại tới 1,2 tỉ đô la Mỹ ở 15 tỉnh ở khu vực miền Trung.
Theo báo cáo đăng tải trên Tạp chí Biến đổi khí hậu Tự nhiên số ra ngày 18/8/
2013, biến đổi khí hậu gây ra lũ lụt có thể khiến 136 thành phố ven biển lớn nhất thế giới thiệt hại tới 1.000 tỷ USD (tương đương với 750 tỷ euro) vào năm 2050, nếu không có các biện pháp bảo vệ ngay lập tức. Đây được xem là kịch bản tồi tệ nhất khi mức thiệt hại này tương đương với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2012 của Iran.
Dự kiến chi phí thích ứng khí hậu của riêng Châu Á-Thái Bình Dương lên đến 40 tỉ USD vào năm 2050, trong khi hiện nay không có một quỹ môi trường nào dành riêng để giải quyết vấn đề di cư
khí hậu.
Từ những con số đã nêu ở trên, để hạn chế nước biển dâng, các nhà khoa học cho rằng cùng nỗ lực giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính,
thế giới cần phải hạn chế tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức dưới 2 độ C trong thế kỷ 21 này nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đang tàn phá mùa màng cũng như làm tan chảy dải băng ở các đầu cực Trái Đất.
Hiện nay các chính phủ đang tập trung vào việc giảm phát thải khí nhà kính, tình trạng
biến đổi khí hậu bị cho là do những biến đổi về thời tiết, nhưng báo cáo của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho rằng họ nên bắt đầu đưa ra các chính sách và cơ chế để giải quyết vấn đề thay đổi dân cư.
Bất kể những nỗ lực hiện tại và trong thời gian tới toàn thế giới cắt giảm khí thải nhà kính, cũng không thể ngăn chặn ngay được những tác động tiêu cực do mực nước biển dâng cao.
Bởi vậy, thích ứng với nước biển dâng trong bối cảnh hiện tại là một việc quan trọng để giảm thiểu tính dễ tổn thương, giúp tăng cường khả năng sống chung với lũ, hạn chế các rủi ro mà nước biển dâng mang lại.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng tình trạng di cư và mất chỗ ở liên quan đến khí hậu chỉ có thể giải quyết thành công khi nó được nhìn nhận như một tiến trình mang tính
toàn cầu chứ không chỉ là sự khủng hoảng địa phương.
Báo cáo của ADB cho rằng vấn đề di cư do
biến đổi khí hậu sẽ tăng theo mức độ và cộng đồng thế giới cần phải khẩn trương giải quyết vấn đề một cách chủ động. Hành động sai lầm có thể dẫn tới những khủng hoảng nhân đạo tốn nhiều chi phí xã hội và kinh tế.
(Hết)