Theo các chuyên gia môi trường, tiến trình công nghiệp hóa và đô thị hóa được đẩy tới một cách thiếu cân nhắc thì môi trường ngày càng bị ô nhiễm, cảnh quan nông thôn càng bị tàn phá khốc liệt.
Môi trường ô nhiễm trầm trọng
TS Phạm Khánh Nam, Trưởng khoa Kinh tế Phát triển – Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, nhận xét rằng sau hơn 25 năm đổi mới, trong khi thu nhập của nền kinh tế ngày càng gia tăng, suy thoái môi trường và tài nguyên ngày càng trầm trọng.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, Tổng Thư ký Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam, bùng nổ dân số cùng với quá trình di dân, đô thị hóa và hậu quả của tăng trưởng nóng, thậm chí có nơi có lúc tăng trưởng bằng mọi giá đã trực tiếp góp phần làm gia tăng ô nhiễm và suy thoái môi trường tự nhiên trầm trọng.
“Người bình thường cũng có thể thấy không khí ô nhiễm nhiều hơn, ra đường nhiều khói bụi hơn, sông rạch đen hơn, ít cây rừng hơn, tôm cá đánh bắt được ngày càng ít”, ông Nam khẳng định.
Môi trường xuống cấp, xuất hiện những làng ung thư ở Phú Thọ, Nghệ An khiến nguồn chi để khám chữa bệnh gia tăng. Trong khi đó nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật gây hại môi trường nước, thực phẩm sản xuất ra không đạt yêu cầu nên không thể xuất khẩu, đã gây thiệt hại lớn về kinh tế.
“Chưa bao giờ môi trường lại tác động đến nồi cơm, manh áo, và sức khỏe của từng người, từng gia đình và cả xã hội rõ rệt như những năm gần đây –, chia sẻ về hiện trạng môi trường Việt Nam ngày càng xuống cấp.”, ông Hòe nói.
Không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, một trong những tác động nguy hại nhất của các vấn đề môi trường là làm suy giảm chất lượng cuộc sống và sức khỏe.
Theo ông Nguyễn Trung Việt, Sở Tài nguyên&Môi trường TP Hồ Chí Minh, hầu hết các loại chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại đều được xử lý thiếu bền vững do nhiều lý do, như công nghệ lạc hậu, thiếu vốn đầu tư, thiếu kết hợp giữa các trung tâm nghiên cứu và công ty xử lý, nguồn chất thải xử lý không ổn định.
Ông Việt nói: “Những thành tựu đạt được về xóa đói giảm nghèo, sức khỏe cộng đồng và vệ sinh môi trườngdo quá trình phát triển kinh tế và xã hội mang lại trong nhiều năm qua, có nguy cơ đổ vỡ hoàn toàn do nạn ô nhiễm môi trường.”
Thiệt hại kinh tế
Ô nhiễm môi trường không khí gây ảnh hưởng với sức khỏe cộng đồng và gây thiệt hại đáng kể đối với các ngành kinh tế sản xuất với nông lâm nghiệp, ngành công nghiệp, ngành du lịch - PGS Nguyễn Đinh Tuấn, nguyên hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên&Môi, cho biết.
Thiệt hại kinh tế do ốm đau các bệnh đượng hô hấp chi phí khám chữa bệnh, giảm thu nhập do nghỉ ốm, chi phí người chăm sóc
Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế thì số người bị các bệnh đường hô hấp (thường do ô nhiễm không khí gây ra) chiếm từ 3-4% tổng dân số. 74,5 % số người bị bệnh bụi phổi toàn quốc là công nhân của các ngành mỏ, xây dựng, cơ khí và luyện kim, là những người thường xuyên tiếp xúc với ô nhiễm bụi.
Số liệu thống kê thực tế cũng cho thấy tỷ lệ số người bị các bệnh hô hấp ở các địa phương có trình độ phát triển hơn, bị ô nhiễm không khí hơn, như TPHCM, Đồng Nai, Hà Nội, Hải Phòng…, cao hơn từ 4-5 lần so với các địa phương kém phát triển như Bắc Kạn, Điện Biên.
Theo số liệu điều tra, khảo sát của Cục Y tế Bộ Giao thông Vận tải, thiệt hại kinh tế do ốm đau các bệnh đượng hô hấp (chi phí khám chữa bệnh, giảm thu nhập do nghỉ ốm, chi phí người chăm sóc) tính trung bình trên đầu người dân nội thành Hà Nội là 1.538 đồng/ngày.
Còn đối với người dân nội thành TPHCM là 729 đồng/ngày. Đáng lo ngại hơn, Tổ chức Y tế thế giới vừa qua đã chính thức công bố, ô nhiễm không khí đã và đang là nguyên nhân gia tăng số người mắc các bệnh về ung thư.
Theo Bộ Tài nguyên&Môi trường, Trung tâm Nghiên cứu Môi trường của trường Đại học Yale và Đại học Columbia của Mỹ đã công bố tại Diễn đàn kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sỹ, cho rằng Việt Nam nằm trong 10 nước có môi trường không khí bị ô nhiễm nhất thế giới. Nguyên nhân là vì nước ta chưa kiểm soát được các nguồn khí thải công nghiệp, giao thông và xây dựng, phát sinh ngày càng lớn cùng với quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa rất nhanh.
Số lượng xe mô tô, xe máy lưu hành trên phạm vi toàn quốc khoảng 37 triệu chiếc, ô tô khoảng 2 triệu chiếc, ước lượng từ năm 2005 đến nay, nguồn thải gây ô nhiễm do hoạt động giao thông vận tải tăng 2,5 lần.
Riêng về công nghiệp, hiện cả nước có 289 khu công nghiệp với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 80.000 ha. Hơn một nữa số khu công nghiệp trên đã được phủ kín. Và tình trạng thiếu văn bản pháp lý đủ để kiểm soát hoạt động xả thải của các doanh nghiệp đã và đang khiến cho môi trường không khí xung quanh khu vực các khu công nghiệp và phát tán theo hướng gió vào khu dân cư ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng.