Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)
Trong mỗi một giai đoạn lịch sử, trước yêu cầu bảo vệ và phát triển của đất nước, chủ trương, chính sách về đất đai của Đảng và Nhà nước liên tục được đổi mới.
Nguồn tài nguyên đất đai dần trở thành nguồn lực, nguồn vốn cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang, qua tổng kết thực tiễn triển khai cho thấy công tác quản lý Nhà nước về đất đai vẫn còn hạn chế, bất cập, nhất là trong quy hoạch sử dụng đất, định giá đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư, thủ tục hành chính về đất đai.
Lợi ích của Nhà nước và người dân có đất bị thu hồi chưa được bảo đảm tương xứng; nguồn lực về đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Thị trường bất động sản phát triển không ổn định, thiếu lành mạnh, giao dịch “ ngầm” còn khá phổ biến; tình hình khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai còn diễn biến phức tạp.
Từ thực tế trên cùng với yêu cầu cần phải phát huy nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế sâu rộng đòi hỏi phải tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai.
Nhiều bất cập trong công tác quản lý
Tiến sỹ Đào Trung Chính, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, cho rằng trong gần 30 năm qua, chính sách, pháp luật đất đai đã có nhiều đổi mới và đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế, ổn định xã hội của đất nước.
Tuy vậy, công tác quản lý Nhà nước về đất đai vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, yếu kém như quy hoạch sử dụng đất chất lượng chưa cao, chưa đồng bộ với các quy hoạch chuyên ngành. Tính kết nối liên vùng, liên tỉnh và quản lý quy hoạch còn yếu.
Các quy định pháp luật về đất đai vẫn còn một số nội dung chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý và sử dụng đất. Quyền định đoạt của Nhà nước với vai trò là đại diện chủ sở hữu đất đai chưa được làm rõ. Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất cũng chưa rõ và còn nhiều vướng mắc.
Bên cạnh đó, công tác giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư còn nhiều bất cập, chưa giải quyết hài hòa lợi ích của người có đất bị thu hồi.
Quy định pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai còn diễn biến phức tạp, phải giải quyết qua nhiều cấp, kéo dài.
Nhiều bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng chưa được thi hành. Nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Cũng theo tiến sỹ Đào Trung Chính, thị trường bất động sản trong đó có quyền sử dụng đất còn bộc lộ những yếu kém, không ổn định, phát triển thiếu lành mạnh, giao dịch " ngầm" khá phổ biến.
Tình trạng đầu cơ đất đai còn xảy ra, đẩy giá đất tăng cao đã có tác động không nhỏ đến ổn định kinh tế vĩ mô. Hiện nay, nhu cầu nhà ở của các đối tượng chính sách xã hội, cán bộ công chức, người có thu nhập thấp còn chưa được đáp ứng đầy đủ.
Với yêu cầu phát huy nguồn tài nguyên, nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế-xã hội, Nhà nước cần tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng
Theo tiến sỹ Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014 đã quán triệt đầy đủ quan điểm Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 31/12/2012 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Quyền của Nhà nước trong việc điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất không do người sử dụng đất tạo ra để phục vụ lợi ích chung đã được cụ thể hóa.
Luật cũng quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất gắn với từng đối tượng, từng loại đất cụ thể và điều kiện thực hiện các quyền.
Luật Đất đai năm 2013 ra đời tiếp tục công tác hoàn thiện chính sách đất đai đối với khu vực nông nghiệp nông thôn thông qua việc nâng thời hạn giao đất nông nghiệp trong hạn mức cho hộ gia đình, cá nhân 50 năm; mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân; khuyến khích tích tụ đất đai bằng việc góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất, nhận quyền thuê đất.
Luật Đất đai cũng quy định cụ thể nội dung kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện để làm căn cứ thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đảm bảo phù hợp với khả năng đầu tư và huy động nguồn lực, khắc phục lãng phí trong việc giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư.
Bên cạnh đó, Luật Đất đai 2013 còn giúp hoàn thiện hơn cơ chế nhằm phát huy nguồn lực từ đất đai cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước thông qua quy định Nhà nước chủ động thu hồi đất theo kế hoạch sử dụng đất; lập Quỹ phát triển đất, tạo quỹ đất “sạch” để đấu giá quyền sử dụng đất.
Đồng thời, nhờ có Luật, các chính sách pháp luật đã tăng cường hơn công khai minh bạch và dân chủ trong quản lý, sử dụng đất, góp phần phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, giảm khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai.
Sau hơn hai tháng triển khai kể từ 1/7/2014, đến nay Luật Đất đai năm 2013 bước đầu đã có những tác động tới phát triển kinh tế-xã hội.
Nhưng hiện vẫn còn một số vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu, làm rõ để hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai như việc cho phép doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được nhận chuyển quyền sử dụng đất của hộ gia đinh, cá nhân; vấn đề thế chấp tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất tại các ngân hàng nước ngoài.
Theo Thu Phương (TTXVN/Vietnam+)