Phần 11: Thích ứng để tồn tại
Hàng thiên niên kỷ qua, con người đã tiến hành di cư cả ngắn hạn và dài hạn như một cách ứng phó mang tính thích nghi với những sức ép từ khí hậu,
thời tiết. Ngày nay, hàng triệu cá nhân và gia đình cũng đang trải qua tình trạng này dưới nhiều hình thức khác nhau.
Di cư vẫn thường được xem là kết quả của sự thất bại trong phát triển nông thôn, chứ không phải là minh chứng cho sự thích ứng thành công đối với
biến đổi khí hậu.
Biến đổi khí hậu sẽ gây ra tình trạng di cư tăng đột biến trong thế kỷ này, buộc các nước Châu Á - Thái Bình Dương nằm trong vùng tổn thương phải kịp thời ban hành các biện pháp ngăn chặn khủng hoảng nhân đạo trong tương lai, theo báo cáo "Giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và di cư ở châu Á - Thái Bình Dương" do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) phát hành năm 2012.
Đây là một trong những báo cáo đầu tiên xác định chính sách phản ứng trước các tác động của môi trường lên tình trạng di cư ở châu Á – Thái Bình Dương. ADB chỉ ra rằng di cư xuyên biên giới sẽ là xu hướng trong tương lai và các chính phủ cần hợp tác chặt chẽ hơn để thích ứng với dòng di cư lớn dự kiến đổ về các "siêu đô thị" trong khu vực.
Thông thường, khí hậu không phải là một nguyên nhân của di cư, tuy nhiên, trong thực tế, di cư hiện đang là một chiến lược thích ứng hiệu quả với
biến đổi khí hậu, giúp mọi người chuẩn bị và phục hồi sau các tác động và biến động môi trường.
Trong hầu hết các trường hợp, những nỗ lực di cư và tái định cư cho các dự án phát triển thường chưa mang lại thành công trong việc đảm bảo quyền lợi cho cộng đồng buộc phải di cư.
Trong một nghiên cứu, Liên Hợp quốc cũng chỉ ra một số khó khăn trong việc xây dựng hướng dẫn quản lý di cư do biến đổi khí hậu, bao gồm cả việc đưa ra một định nghĩa được quốc tế chấp nhận về một mảnh đất không thể duy trì sự sống và nguyên nhân là do biến đổi khí hậu chứ không phải một lý do nào khác.
Nghiên cứu của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc (OHCHR) kêu gọi sự hợp tác giữa các nhà lãnh đạo trong lĩnh vực phát triển và hoạt động nhân đạo lập nên các nguyên tắc chung nhằm ngăn ngừa tình trạng di dân tự do, đảm bảo quyền tham vấn của cộng đồng và giúp người dân buộc phải di dân do biến đổi khí hậu làm quen và cải thiện cuộc sống ở nơi ở mới.
Nhiều người sẽ không thể di chuyển đủ xa để tránh những ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, trừ khi họ nhận được hỗ trợ. Bên cạnh đó, các nghiên cứu tình huống điển hình cho thấy những người di cư vì lý do môi trường có thể lại tìm đến những nơi có điều kiện sống bấp bênh y như những vùng đất mà họ buộc phải rời đi.
Biến đổi khí hậu sẽ tạo ra các quốc gia biến mất và những xứ sở không thể sinh tồn. Không giống những người bị mất chỗ ở do xung đột hoặc khủng bố, vì họ vẫn có hy vọng trở lại quê hương một ngày nào đó, những người bị mất chỗ ở do ảnh hưởng liên tục và thường xuyên của biến đổi khí hậu cần được tái định cư vĩnh viễn ở một vùng đất khác.
Báo cáo "Giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và di cư ở châu Á - Thái Bình Dương" do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) khuyến nghị các nước tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng đô thị và dịch vụ cơ bản, bảo vệ quyền nhập cư, bình đẳng tiếp cận giáo dục, y tế, nước sạch và vệ sinh môi trường, cải thiện quản lý rủi ro thiên tai và tạo nhiều cơ hội sinh kế. Đồng thời nhấn mạnh việc giảm chi phí vận chuyển kiều hối có thể cung cấp các nguồn lực bổ sung cho cộng đồng di cư nâng cao khả năng thích ứng với môi trường.
Trong nghiên cứu của mình, bà Elizabeth Feriris, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp quốc (OHCHR), lưu ý rằng di dân có kế hoạch không được quan tâm như các loại hình di dân khác nhưng có vai trò quan trọng.
Và các cơ quan nhà nước cần có nhiều biện pháp chủ động hơn để đảm bảo rằng nếu buộc phải di dân do môi trường không duy trì được sự sống thì việc di dân phải được thực hiện theo hướng đảm bảo quyền lợi của người dân.
Các nhà hoạch định chính sách cần coi giúp đỡ người dân rời khỏi vùng nguy hiểm như một cách để đối phó với
biến đổi khí hậu, nếu không, những con người nghèo khổ đó có thể vô tình di chuyển tới các khu vực dễ bị tổn thương hoặc vẫn bị kẹt trong các điều kiện sống nguy hiểm.
Bởi vậy sự di chuyển của loài người – cả vĩnh viễn và tạm thời, cả bên trong biên giới và xuyên biên giới – phải được tính đến trong các kế hoạch thích nghi của mỗi quốc gia và toàn
thế giới.
(Còn nữa)