Tài liệu trên cho rằng nhiều quốc gia sẽ bị đe dọa bởi mực nước biển dâng trong đó Đồng Bằng Sông Cửu Long của Việt Nam có nguy cơ chìm trong nước biển.
Phần 9: Nước biển đang nuốt chửng những nơi đất thấp
Trên thực tế, rất ít người tỏ ra quan tâm nếu một vùng đất, một hòn đảo hay thậm chí là một quốc gia nào đó trên Thái Bình Dương bị nhấn chìm trong một vài thập kỷ tới do tác động của
biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, vấn đề là quá trình này diễn ra rất chậm và lâu dài, do đó những người dân sống ở những khu vực này sẽ không thể nhận ra mối nguy cơ để di chuyển tới những vùng đất có địa thế cao hơn.
Theo các nhà khoa học, nước biển mỗi năm dâng lên khoảng 0,20 cm. Và, với đà này, các đảo quốc như Maldives ở Ấn Độ Dương hoặc Tuvalu ở Thái Bình Dương sẽ bị biển xóa tên khỏi bản đồ
thế giới trong khoảng 100 năm tới.
Nước biển dâng đang "nuốt chửng" các hòn đảo tại Thái Bình Dương và nạn nhân sắp tới chính là quốc đảo Kiribati xinh đẹp. Hiện nay, với việc chỉ nằm trên mực nước biển 10cm, quốc đảo xinh đẹp Kiribati đang phải đối diện với nguy cơ bị nhấn chìm vĩnh viễn trong vài thập kỷ tới đây. Điều này sẽ khiến cuộc sống của hơn 105.000
người dân nơi đây bị xáo trộn và buộc phải di cư.
Có vẻ như không còn cách nào khác nên Chính phủ Kiribati cũng tính đến một phương án di dời cả đất nước đến một nơi khác bằng việc xúc tiến mua 2.400 hecta đất trên hòn đảo chính của đảo quốc Fiji (một đảo quốc thuộc châu Đại Dương) là Viti Levu.
Chuyên gia M.MacCracken của Viện Khí hậu Washington (Mỹ) nói rằng hiện tượng nước biển dâng lên không chỉ đe dọa các đảo quốc nhỏ mà còn là một nguy cơ khủng khiếp đối với nhiều nước nằm trong lục địa, không loại trừ những cường quốc kinh tế.
Như chúng ta đã biết, nhiều
thành phố lớn trên thế giới như Calcutta, London, New York, Tokyo, Thượng Hải... đều nằm sát bên bờ đại dương. Sự dâng lên của nước biển có thể gây thiệt hại hàng tỉ USD đối với những thành phố này.
Tại Bangladesh, có đến 17 triệu người sống ở độ cao chưa đầy 1 mét so với mực nước biển. Nhiều vùng đất tại Hà Lan, Sri Lanka và Nam Mỹ cũng thấp hơn mực nước biển.
Tình hình thời tiết khắc nghiệt thời gian qua đã làm vấn đề mực nước biển càng trở nên nghiêm trọng hơn, điển hình là trận siêu bão Sandy đổ bộ vào nước Mỹ cuối năm 2012.
Có thể nói, cơn bão Sandy khiến nhiều người tưởng nhớ lại thảm họa bão Katrina hồi 2005 tại thành phố New Orleans. Cũng giống bão Katrina, Sandy chính là lời cảnh báo về sự diệt vong của các thành phố ven biển trong tương lai.
Những kịch bản đen tối nhất đã nói đến nguy cơ mực nước biển dâng cao thêm 2 mét trong chưa đầy một thế kỷ tới, đe dọa trực tiếp đến sự sống còn của 60% trong số 39 thành phố lớn của
thế giới, trong số này phải nói đến New York, Amsterdam, Roma, Thượng Hải, Hồng Kông hay Sydney.
Chỉ riêng tại Đông Nam Á, căn cứ trên giả thuyết mực nước biển dâng cao thêm nửa mét, báo cáo được Quỹ Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), nêu đích danh 11 thành phố lớn nằm sát ven biển hoặc ở ở các vùng đồng bằng có nguy cơ cao phải đối phó với lũ lụt và thiên tai.
Đứng đầu danh sách đó là Dhaka của Bangladesh, kế tiếp là Jakarta, Manila của Indonesia và Philippines, Calcultta của Ấn Độ. Thủ đô Cam Bốt, Phom Penh đứng hạng thứ 5 ; theo sau là
TP Hồ Chí Minh, Thượng Hải, Bangkok, Hồng Kông, Kuala Lumpur, và Singapore.
Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã và đang gây ra tình trạng di cư và mất chỗ ở của loài người. Mặc dù chưa có con số dự báo chính xác về lượng người phải di cư trong vòng nửa thế kỷ tới, song phạm vi và mức độ của tình trạng này có thể sẽ lớn chưa từng có.
(Còn nữa)