Phần 8: Đe dọa nơi ở
Ngày 13/11/2013, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) thuộc Liên Hợp Quốc (LHQ) công bố báo cáo khẳng định năm 2013, mực nước biển toàn cầu dâng lên mức cao kỷ lục,
đe dọa các vùng bờ biển
thế giới.
Mực nước biển tăng cao
kỷ lục vào tháng 3/2013. Tốc độ mực nước biển dâng hiện tại là 3,2mm/năm, cao gấp đôi con số 1,6mm/năm của thế kỷ 20.
“Mực nước biển dâng cao khiến các khu vực ven biển dễ bị tổn thương hơn trước sóng lớn do bão gây ra. Chúng ta đã được thấy tận mắt điều này từ thảm họa bão tố ở Philippines” - WMO cho biết.
Theo số liệu thống kê, khoảng 44% dân số thế giới sống ở các khu vực gần bờ biển, và con số này có xu hướng tăng trong tương lai. Trong khi số lượng người sinh sống tại các khu vực ven biển tăng, mực nước biển trên toàn thế giới cũng đồng thời tăng theo. Trong giai đoạn từ 1950 đến 2009, mực nước tại các bờ biển trên toàn
thế giới đã tăng từ 0,6 đến 1 milimet mỗi năm.
Mực nước biển từ nay đến năm 2030 có thể tăng đến 16cm và đến 50cm vào năm 2070. Từ dự báo này, các nhà khoa học thuộc Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp (CSIRO) của Australia khuyến cáo nếu mực nước biển tăng lên 1m thì sẽ có từ 75 đến 150 triệu người ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương mất nơi cư trú.
Trên
thế giới, những nơi phải đối mặt nhiều nhất với nguy cơ này là các vùng châu thổ thấp ở Bangladesh, Ấn Độ, Việt Nam, và Trung Quốc cũng như các quốc đảo nhỏ ở Thái Bình Dương.
Theo báo cáo của Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc, từ nay đến năm 2050 sẽ có hơn 50 triệu người tị nạn vì lý do
khí hậu. Nhưng nhiều công trình nghiên cứu khác cho thấy số này có thể lên tới 200 triệu.
Theo tổ chức Liên Hợp quốc tại Việt Nam, trong vòng 30 năm tới, Việt Nam là một trong 30 quốc gia "có nguy cơ cực lớn" do các tác động của biến đổi khí hậu. Nếu mực nước biển dâng cao 1m tính trung bình dọc theo bờ biển Việt Nam sẽ gây ngập lụt nghiêm trọng 17.423km2, tương đương 5,3% tổng diện tích đất cả nước, trong đó có
39% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long, 10% diện tích Đồng bằng sông Hồng, hơn 2,5% các tỉnh ven biển miền Trung và hơn 20% diện tích Thành phố Hồ Chí Minh.
Nghiên cứu của Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên & Môi trường (Bộ Tài nguyên & Môi trường) cho biết với khoảng 3.260km đường bờ biển chạy dài suốt từ Bắc xuống Nam, cùng với khoảng 50% dân số cả nước đều là các vùng đất thấp, Việt Nam được đánh giá là một trong các quốc gia dễ bị tổn thương và chịu nhiều tác động tiêu cực do nước biển dâng.
22 triệu người
Việt Nam sẽ bị mất nhà cửa do tác động của
biến đổi khí hậu. Đây là khẳng định của các nhà nghiên cứu đưa ra trong Báo cáo Phát triển Con người Năm 2008 do Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam và Bộ Tài nguyên & Môi trường công bố.
Mực nước biển đang ngày một dâng cao, đồng nghĩa những khu vực duyên hải tập trung nhiều dân cư sinh sống có nguy cơ bị nhấn chìm dưới đáy biển, song không phải ai cũng nhận biết được bởi chúng diễn ra rất chậm chạp và lâu dài - các nhà khoa học cảnh báo.
(Còn nữa)