Theo đánh giá của các nhà khoa học, biến đổi khí hậu đã trở thành một vấn đề vừa cấp thiết, vừa phổ biến đối với các quốc gia, biến đổi khí hậu đang
ảnh hưởng đến cuộc sống của con người.
Biến đổi khí hậu khiến thời tiết trở nên khắc nghiệt và lũ lụt dễ làm phát sinh nhiều loại bệnh tật, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đông
Biến đổi khí hậu làm nảy sinh bệnh tật
Biến đổi khí hậu làm nảy sinh những điều kiện thời tiết khắc nghiệt, từ đó khiến cho sức khỏe của nhiều người suy giảm nghiêm trọng. Bên cạnh đó, nhiều bệnh dịch nảy sinh, đe dọa sức khỏe người dân trên toàn
thế giới.
Báo cáo của Uỷ ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) đã khẳng định biến đổi khí hậu gây tử vong và bệnh tật thông qua hậu quả của các dạng thiên tai như sóng nhiệt/nóng, bão, lũ lụt, hạn hán… nhiều bệnh, dịch gia tăng dưới tác động của sự thay đổi nhiệt độ và hoàn cảnh sống, nhất là các bệnh truyền qua vật trung gian như sốt rét, sốt xuất huyết, viêm não, các
bệnh đường ruột và các bệnh khác…
Những
bệnh này, đặc biệt phát tán nhanh ở các vùng kém phát triển, đông dân cư và có tỉ lệ đói, nghèo cao thuộc các nước đang phát triển.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, ở Việt Nam tình trạng biến đổi khí hậu đã và đang tác động nghiêm trọng đến
sức khỏe người dân. Trong hơn 10 năm qua, diễn biến của một số bệnh truyền nhiễm gây dịch, bệnh lây truyền tăng dần qua các năm.
Trong đó sự biến động của thời tiết có tác động rõ rệt đến sự gia tăng nguy cơ bùng phát các bệnh dịch truyền nhiễm, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa và
bệnh đường hô hấp…
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, hàng năm Việt Nam có khoảng 3,5 triệu người mắc các bệnh truyền nhiễm với hàng nghìn trường hợp tử vong. Nguyên nhân khiến xuất hiện các bệnh mới nổi và tái nổi là do biến đổi khí hậu, môi trường, sự thay đổi và thích nghi của các vi sinh vật, mật độ dân cư tăng lên, hệ miễn dịch yếu, con người sử dụng thực phẩm biến đổi gene…
Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế) cho rằng biến đổi khí hậu và sự phát sinh, phát triển bệnh truyền nhiễm là một quá trình có liên quan với nhau thông qua nhiều cơ chế.
Thông thường sau thiên tai, môi trường bị xáo trộn lớn, nguồn nước bị ô nhiễm nặng và đây là một trong những nguyên nhân chính gây bùng phát các dịch bệnh đường tiêu hóa và các bệnh khác lây lan theo nguồn nước bao gồm cả các bệnh của động vật, bệnh có ổ dịch tự nhiên, bệnh từ nơi khác đến.
Mực nước biển dâng, gia tăng nhiệt độ môi trường, thay đổi lượng mưa… là các yếu tố thuận lợi cho sự phát triển của một số loài muỗi truyền bệnh (sốt rét, sốt xuất huyết…).
(Phần tiếp theo: Biến đổi khí hậu làm gia tăng các bệnh truyền nhiễm)