quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
HỘI THẢO KH

Thực tiễn Đánh đổi (Trade – off) trong Bảo tồn Đa dạng sinh học Dãy Trường Sơn - Phần 2

Thứ Hai, 14/11/2011 | 11:37:00 AM

Báo cáo tại Hội thảo ĐDSH Dãy Trường Sơn lần thứ 4.


Nguyễn Đình Hòe và Nguyễn Ngọc Sinh, VACNE


3.2. Ví dụ về đánh đổi phi bảo tồn ở các khu BTTN cấp tỉnh
(i) Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu-Phước Bửu thuộc địa phận huyện Xuyên Mộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, được thành lập năm 1978 theo Quyết định số 634/UB ngày 6/5/1978 của Chủ tịch UBND Tỉnh Đồng Nai (cũ), ban đầu có tên gọi là Khu Rừng cấm Bình Châu - Phước Bửu. Năm 1986, khu rừng cấm này được công nhận trong hệ thống các khu rừng đặc dụng của Việt Nam theo Quyết định 194-CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Vào năm 2008, có gần 55 ngàn dân sống ở vùng đệm khu bảo tồn. Ngay vùng lõi cũng có 6 xã, người dân sống bằng nông nghiệp nhưng lại thiếu đất canh tác, đời sống phần lớn là phụ thuộc vào rừng. Việc chuyển đổi diện tích quanh nơi ở từ lâu đời thành khu BTTN đã đặt nhiều người dân địa phương vào cái thế trở thành lâm tặc. Mạng đường liên xã, liên thôn và đường mòn khá phát triển khiến cho việc vi phạm lâm luật dễ có điều kiện nảy sinh. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2008, Hạt Kiểm lâm Xuyên Mộc đã phối hợp với Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu- Phước Bửu xử lý 57 vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng (7).
Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất khu BTTN Bình Châu – Phước Bửu để chuyển đổi một diện tích đáng kể sang xây dựng resort du lịch và giao cho các resort này giữ rừng, vừa phát tiển du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng, vừa bảo vệ khu BTTN là một hướng đi của Bà Rịa – Vũng Tàu. Tính đến tháng 5/2009 đã có 20 dự án du lịch đầu tư vào hoặc liên quan đến khu bảo tồn này theo loại hình du lịch sinh thái hoặc du lịch thiên nhiên, nghỉ dưỡng. Tổng diện tích đầu tư của các dự án này khoảng 1.500ha. Trong số này có 9 dự án du lịch đã làm xong thủ tục đất đai và một số dự án đã đi vào hoạt động như khu du lịch Sài Gòn-Bình Châu-Hồ Cốc, Viễn Đông, Vên Vên, Hương Phong… Trung bình mỗi năm khu bảo tồn này đón khoảng 2.000 lượt khách tham quan có hướng dẫn và khoảng 5.000 lượt khách là học sinh, sinh viên đến tìm hiểu về khu bảo tồn. Nhờ sự đánh đổi này mà Bình Châu – Phước Bửu đã được Tổ chức Du lịch Thế giới (WTO) công nhận là một trong 65 “Khu du lịch sinh thái bền vững nhất trên thế giới” (8,9) . Bình Châu – Phước Bửu chứng minh một phản đề trong bảo tồn thiên nhiên : “muốn bảo tồn nhiều thì bảo tồn ít thôi”. Có nghĩa là Ban quản lí khu BTTN chỉ bảo vệ những diện tích có giá trị nhất, phù hợp với nguồn lực của họ, những diện tích khác giao cho cộng đồng (doanh nghiệp hay người dân) bảo vệ kèm phát triển kinh tế. Nếu với nguồn lực ít ỏi mà Ban quản lí khu BTTN ôm lấy mọi việc, mọi chỗ thì trên thực tế, sự xâm hại khu BTTN là bất khả kháng.

(ii) Khu BTTN Bà Nà – Đà Nẵng.Cách thành phố Đà Nẵng khoảng 30 km, điểm du lịch Bà Nà được xây dựng từ thời Pháp với hàng trăm biệt thự,ngoài ra là nhà hàng, nhà thờ, kho rượu,… Nhờ bỏ hoang lâu ngày mà hệ động thực vật tự nhiên của Bà Nà được bảo tồn khá tốt từ độ cao khoảng 800 mét trở lên.Theo số liệu mới nhất, Bà Nà - Núi Chúa có 544 loài thực vật, 266 loài động vật, trong đó có 44 loài động vật và 6 loài thực vật có tên trong Sách đỏ Việt Nam. Nơi đây tập trung các loài chim quý hiếm như gà lôi trắng, gà lôi lam mào trắng, gà lôi lông tía và có cả trĩ sao, vượn má hồng. Đặc biệt, trên đỉnh núi Bà Nà có cây thông quỳ (thân cây cong như quỳ) gần trăm tuổi. Ngoài ra, Bà Nà - Núi Chúa còn có trầm hương, ba kích, cây lười ươi, họ trôm, cây thổ phục... Bà Nà có 251 loài cây làm thuốc thuộc 89 họ thực vật phân bố ở các độ cao khác nhau (11). Xây dựng khu BTTN Bà Nà - Núi Chúa chính là để bảo vệ, phát triển hệ sinh thái rừng, bảo vệ nguồn gen động thực vật quý hiếm, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và du lịch sinh thái. 

Những năm gần đây, vùng đỉnh núi Bà Nà đã trở thành một khu du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng với cả trăm nhà hàng, biệt thự, khách sạn (được giới du lịch gọi là Bà Nà Tiên cảnh). Có thể lên Bà Nà theo đường xe cơ giới hay cáp treo. Trên đỉnh Bà Nà có ngôi chùa Linh Ứng với pho tượng Phật khổng lồ và vườn Phật. Đất hẹp nên đường đi dạo phải đi trong nhà nối khách sạn này với khách sạn kia. Thật khó tìm ra một thiên nhiên hoang dã trên đỉnh Bà Nà bây giờ, trừ phi phải men theo các khe suối đi xuống sườn núi cả giờ đồng hồ. Tuy vậy, Bà Nà là niềm tự hào và cũng là nguồn thu ngân sách của Đà Nẵng. Phần đáng kể thiên nhiên hoang dã vẫn còn đó vì chúng được bảo vệ tốt hơn để phục vụ cho du lịch.

3.3. Ví dụ về đánh đổi vị bảo tồn

(i) Rạn Trào gồm một số rạn san hô nhỏ ở vùng ven bờ xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Đây là một vụng biển nhỏ do các dãy núi từ Nam trường Sơn cắt ngang ra biển tạo thành. Với tổng diện tích vỏn vẹn 0.4km2, Rạn Trào nằm trong khu vực vụng Bến Gỏi - vịnh Vân Phong là một trong 4 khu vực được Chính phủ xác định là khu phát triển tổng hợp trọng điểm trong tương lai. Khu vực biển ven bờ xã vạn Hưng có cả rừng ngập mặn, cỏ biển, rạn san hô và nguồn lợi biển trước đây rất phong phú như: bào ngư, hải sâm, cá ngựa, cỏ chân ngỗng …
Những hoạt động khai thác huỷ diệt đã gây tác hại nghiêm trọng cho các rạn san hô trong vùng. Hiện độ phủ của rạn san hô cứng với chất lượng tốt chỉ còn khoảng 10%, thấp hơn so với mức trung bình vốn đã đáng báo động của toàn quốc (là 25%). Tình trạng trên càng trở nên trầm trọng do tác hại của việc nuôi tôm hùm và tôm sú bừa bãi, thiếu quy hoạch, làm ô nhiễm môi trường nước, tăng dịch bệnh và gây những mâu thuẫn xã hội trong cộng đồng. Trước tình hình suy thoái môi trường và suy giảm nguồn lợi, từ năm 2001, Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển Cộng đồng (MCD), mà tiền thân là chi nhánh tại Việt Nam của Liên minh Sinh vật biển Quốc tế (IMA), cùng phối hợp với sở KHCN và MT tỉnh Khánh Hòa khi đó đã hỗ trợ cộng đồng địa phương xã Vạn Hưng thành lập Khu bảo tồn biển Rạn Trào do địa phương quản lý. Dĩ nhiên để làm việc này, các hoạt động đánh bắt và nuôi trồng thủy sản ngay tại diện tích Rạn Trào đã bị cấm tuyệt đối.



KBT  Rạn Trào
Khu bảo tồn biển được hình thành và phát triển với các hoạt động đa dạng, bao gồm nâng cao nhận thức về môi trường và tăng cường kỹ năng quản lý cho cán bộ và người dân địa phương, thành lập Ban quản lý và nhóm hạt nhân. Đồng thời, quy chế quản lý khu bảo tồn biển cũng được soạn thảo và do các bên liên quan cùng cộng đồng thông qua, sau đó được ủy ban nhân dân huyện Vạn Ninh ban hành chính thức. Hoạt động của Khu Bảo tồn biển Rạn Trào đã giúp phục hồi nguồn lợi và cải thiện môi trường cũng như cuộc sống người dân.

Ở khu bảo tồn Rạn Trào, nguồn lợi thuỷ sản (số loài thuỷ sản, con giống..) đã gia tăng theo thời gian, chất lượng môi trường nước biển được cải thiện đã giúp cho hoạt động nuôi trồng thuỷ sản trong khu vực ít bị dịch bệnh, tăng thu nhập và cải thiện đời sống của cộng đồng. Thông qua việc cùng tham gia các hoạt động bảo vệ tài nguyên, môi trường, tìm kiếm sinh kế đã giúp cho việc sự gắn kết giữa các gia đình trong cộng đồng tăng lên. Vùng đệm xung quanh rạn nay đã là vùng nuôi tôm hùm và cá lồng bè. Hoạt động du lịch thăm rạn phát triển, dịch vụ du lịch kể cả nơi ăn nghỉ  trở thành sinh kế mới của cộng đồng thôn Xuân Tự(13) .   

     
Như vậy một rạn san hô đã đượcphép bảo tồn trong một vùng vịnh có chức năng phát triển kinh tế là chính. Đây là một ví dụ điển hình của mô hình “đánh đổi vị bảo tồn”

(ii) Cách thành phố Huế chừng 40 km về phía bắc, làng Siêu Quần, xã Phong Bình (Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) có một tập đoàn cây lộc vừng cổ thụ bao quanh dễ đến 400 năm tuổi (người làng gọi là cây mưng). Hàng nghìn cây lộc vừng xanh mướt mọc trên con đê ngăn mặn chạy dọc cánh đồng.Người xưa đã đắp đê ngăn mặn và chọn cây lộc vừng trồng thành bốn vòng bao quanh làng để giữ đất, chắn sóng. Đến nay, cây lộc vừng không ngừng phát triển với diện tích khoảng 20 ha, chiếm 1/5 diện tích làng năm. Lũ năm 1999 dâng cao càn quét tất cả làng mạc vùng phá Tam Giang. Riêng làng Siêu Quần không thiệt hại vì được rừng lộc vừng bao bọc. Cây mọc san sát trên bờ đê đã phát huy tác dụng chắn sóng dữ.

Từ năm 2000 đến nay, lộc vừng cổ thụ bỗng được giá đến cả tỷ đồng mỗi cây, được nhiều người buôn cây cảnh săn lùng. Sau nhiều vụ lộc vừng bị đào trộm, làng Siêu Quần thành lập một đội chuyên bảo vệ rừng lộc vừng, gồm toàn thanh niên trai tráng trong làng. Mặc dù lộc vừng ở làng được trả giá có trường hợp lên đến hàng chục tỷ đồng nhưng làng nhất quyết không bán. "Tính ra tiền thì rừng mưng của làng có giá hàng nghìn tỷ đồng, nhưng với người dân rừng, mưng là linh hồn của làng, không thể mang ra mua bán được...”, một phụ lão trong làng cho biết (16) .

4. Một số nguyên tắc của sự đánh đổi trong hoạt động bảo tồn
4.1. Bài học kinh nghiệm của Phần Lan : bảo vệ rừng già khỏi nạn khai thác gỗ tràn lan – nghịch lý “muốn bảo tồn nhiều thì hãy bảo tồn ít thôi”
76% diện tích tự nhiên của Phần Lan là rừng. Bảo vệ thiên nhiên được coi là ưu tiên số 1 trong chiến lược phát triển của đất nước. Khu bảo tồn thiên nhiên đầu tiên được thành lập cách đây trên 60 năm và trở thành niềm tự hào của Phần Lan. Việc triển khai dự án khai thác cây quá già tại các khu rừng già đã làm bùng phát một phong trào phản kháng trong xã hội. Xuất phát từ Phần Lan, sau đó lan tỏa ra toàn bộ bán đảo Scandinavia, phong trào phản đối cho rằng việc khai thác gỗ từ những khu rừng già (thuộc sở hữu nhà nước) sẽ tàn phá các hệ sinh thái ôn đới và bán ôn đới có giá trị.
Người ta đã dự tính có đến trên 700 loài động vật sống dựa vào rừng già sẽ lâm vào cảnh nguy hiểm thậm chí biến mất do khai thác gỗ. Mặc cảnh báo, việc khai thác gỗ rừng già vẫn tiếp diễn khiến cho đến khi chỉ còn khoảng 5% rừng già của Phần Lan sót lại (tính đến 1996). Và một nửa trong số đó đang tiếp tục bị chặt hạ. Theo tổ chức WWF Phần Lan, trong số những loài gặp nguy cơ có gấu, chó sói, linh miêu, rái cá, sóc bay và tuần lộc.
Đa phần các mảnh rừng già còn sót lại nằm trong diện tích sở hữu của nhà nước, trực thuộc cơ quan quản lý rừng Phần Lan (FPD). Đáp ứng lời cảnh báo của công chúng, Chính phủ Phần Lan ban hành chương trình Bảo vệ rừng vào năm 1996. Chương trình chỉ bao chiếm vẻn vẹn một diện tích 8500 ha. Vấn đề là ½ diện tích rừng già sót lại vẫn nằm bên ngoài diện tích được bảo vệ. Juha Markinen, giám đốc truyền thông của Sở Bảo vệ rừng và Công viên Phần Lan (FPS) tuyên bố “ Toàn bộ rừng già đã được bảo vệ, việc phản đối khai thác gỗ giờ chỉ còn nhằm vào các khu rừng loại 2 không có mấy giá trị đa dạng sinh học dù chúng vẫn được gọi là rừng già”. Bản thân FPD sau đó bị phân hóa thành 2 bộ phận: Bộ phận Quản lý rừng và khai thác gỗ ủng hộ việc khai thác rừng già và Bộ phận Bảo tồn Thiên nhiên vốn thân môi trường phản đối việc khai thác rừng già. Ngay sau đó Bộ phận bảo tồn Thiên nhiên công bố rằng “ Cứ 15 loài nổi tiếng của Phần Lan thì có 1 bị đe dọa và ½ số loài bị đe dọa là do rừng già bị đốn hạ”. Các nhóm Môi trường Phần Lan tổ chức các chiến dịch phản đối, có sự tham gia của nhóm nghệ sĩ Rừng già mới được thành lập ngay khi đó, các nhóm công dân, chiến dịch internet đa ngôn ngữ và chiến dịch viết thư phản đối.
Tuy nhiên, ngành sản xuất gỗ là ngành kinh tế chủ đạo của Phần Lan, tạo ra kim ngạch xuất khẩu gỗ hàng năm khoảng 43 tỷ USD, trong đó chỉ 2 tập đoàn Phần Lan có tên Stora Enso and UPM-Kymmene đã bao chiếm trên 50%. Năm 2000, tập đoàn Stora Enso đã xuất khẩu gỗ cho Công ty giấy Hoa Kỳ Consolidated trị giá 4,84 tỷ USD. Một thỏa thuận xuyên Đại Tây Dương khác giữa công ty Phần Lan là UPM-Kymmene và công ty Mỹ Champion International cũng về khoản xuất khẩu gỗ đạt tới con số kỷ lục 6,6 tỷ USD. Trước sức ép kinh tế và vai trò quá lớn của các tập đoàn kinh tế xuất khẩu gỗ, phản biện xã hội về việc khai thác gỗ rừng già của Phần Lan không thành công tuyệt đối nhưng cũng đã làm cho Chính phủ phải ban hành Chương trình Bảo vệ 8500 ha rừng già có giá trị đa dạng sinh học cao nhất còn lại (12).  
Chỉ có 5% diện tích rừng già Phần Lan với giá trị đa dạng sinh học cao nhất là được bảo vệ, còn 95% diện tích còn lại phái đáp ứng nền kinh tế lâm sản của nước này. Bài học của Phần Lan cho thấy những kỳ vọng bảo tồn lớn lao thường không được thực thi, ngay cả đối với những nước phát triển có phong trào và truyền thống bảo vệ thiên nhiên rất mạnh như Phần Lan.
Cũng như Bình Châu – Phước Bửu và các khu BTTN của Việt nam đã phân tích trên đây, thực tiễn Phần Lan cho thấy một nguyên tắc có vẻ rất nghịch lí trong bảo tồn thiên nhiên là: “muốn bảo tồn nhiều (= tốt) thì bảo tồn ít (=hợp lí) thôi”, nghĩa là không thể nào bảo tồn tràn lan càng rộng càng tốt, càng nhiều khu BTTN càng tốt, vì trên thực tế, ý tưởng đó chỉ là sự kì vọng tốt đẹp nhưng không hiện thực. Bởi lẽ không thể đầu tư đủ nguồn lực cho tất cả các khu BTTN hoạt động cho hiệu quả, và cũng còn phải dành tài nguyên cho phát triển kinh tế - xã hội. Thực tiễn cho thấy dù có công nhận nghịch lí đó hay không thì nó vẫn tồn tại và đang chi phối hoạt động bảo tồn thiên nhiên không chỉ ở Việt Nam.
Bảo tồn hay phát triển là 2 mặt gắn bó chặt chẽ của Phát triển bền vững. Trong bối cảnh hiện nay vấn đề môi trường phải được xem xét trên bình diện an ninh – cái gọi là An ninh môi trường. Phát triển bền vững cần phải được coi là chuẩn mực xã hội để xem xét bài toán Đánh đổi (14,15) .
 
(Còn tiếp)
 
 

Lượt xem: 2425

Các tin khác

Tri thức bản địa và sinh kế cộng đồng nhìn từ nguồn gen

(02/06/2014 01:59:PM)

Dãy Trường Sơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu

(28/05/2014 11:49:AM)

Bảo tồn sự đa dạng văn hóa-sinh học của các dân tộc trên dãy Trường Sơn

(23/05/2014 10:48:AM)

Có nên phát triển vùng trồng ba kích Tây Giang?

(22/05/2014 05:29:AM)

Mời dự Hội thảo khoa học về sản xuất sạch hơn

(28/03/2014 03:30:PM)

Thăm vùng thảm họa động đất – sóng thần ở Nhật Bản: Cuộc sống đã phục hồi (Phần cuối)

(22/03/2014 09:28:AM)

Thăm vùng thảm họa động đất – sóng thần ở Nhật Bản: Cuộc sống đã phục hồi (Phần 1)

(20/03/2014 08:56:PM)

Một số vấn đề trong nghiên cứu đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường ở các quốc gia Đông Bắc Á và khuyến nghị (Phần cuối)

(01/03/2014 03:29:PM)

Một số vấn đề trong nghiên cứu đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường ở các quốc gia Đông Bắc Á và khuyến nghị (Phần 2)

(27/02/2014 09:00:PM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE