quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
HỘI THẢO KH

Thăm vùng thảm họa động đất – sóng thần ở Nhật Bản: Cuộc sống đã phục hồi (Phần 1)

Thứ Năm, 20/03/2014 | 08:56:00 PM

(VACNE) - Sau khi dự Hội nghị quốc tế về Đánh giá tác động môi trường/Đánh giá môi trường chiến lược ở tỉnh Chiba ngày 09/11/2013 tôi quyết định đi thăm một trong trong các khu vực bị hậu quả nghiêm trọng nhất: thị trấn Ishinomaki ở tỉnh Miyagi, cách Tokyo 450 Km về phía Đông Bắc.



Bài và ảnh: Lê Tự Trình (VACNE)


1.  Đường đến vùng bị thảm họa


Tôi đã nghe nói người Nhật bằng ý chí và tài năng đã khắc phục phần lớn các hậu quả do thảm họa kép: động đất dẫn đến sóng thần (tsunami) tàn phá một vùng rộng lớn các tỉnh vùng Đông Bắc (Tohoku) đảo Honsu. Thảm họa vào ngày 11/3/2011 đã làm thiệt mạng 15.884 người, làm mất tích 2.633 người, phá hủy hoàn toàn 127.290 tòa nhà, làm hư hại 747.989 nhà; gây tổn hại kinh tế đến14,5 – 34,6 tỷ USD.  Đây là tai biến thiên nhiên lớn nhất mà loài người thời hiện đại ghi nhận được. Tuy nhiên thực hư câu chuyện tái thiết vùng bị thảm họa như thế nào vẫn là điều cần mắt thấy tai nghe. Do vậy ngay sau khi dự Hội nghị quốc tế về Đánh giá tác động môi trường/Đánh giá môi trường chiến lược ở tỉnh Chiba ngày 09/11/2013 tôi quyết định đi thăm một trong trong các khu vực bị hậu quả nghiêm trọng nhất: thị trấn Ishinomaki ở tỉnh Miyagi, cách Tokyo 450 Km về phía Đông Bắc.


Lần đầu tiên một mình đến Nhật Bản, lại đến vùng hoàn toàn xa lạ nên ngay tối hôm trước tôi đã cẩn thận vào GOOLE tìm đường đi và tìm chỗ ăn ở trong 3 ngày: theo tiêu chí: an toàn, gần ga tàu lửa và hợp túi tiền (không quá 7.000 JPY/ngày, trong khi giá khách sạn ở Chiba, Tokyo thường cao hơn mức này).  Khách sạn Darmy Inn là đúng tiêu chí đã được tìm thấy ở TP Sendai, thủ phủ tỉnh (prefecture) Miyagi (prefecture ở Nhật có diện tích và dân số tương đương 1 tỉnh trung bình ở Việt Nam). Muốn đi Sendai phải từ Chiba đi tàu cao tốc (express train, ảnh 1) về Tokyo, từ ga Tokyo đổi sang tàu siêu cao tốc (superexpress – Shinkansen, ảnh 2) chạy thêm 380 Km nữa (100 phút, giá vé 10.500 JPY) là đến thành phố này.


    

      

1.   Tàu lửa cao tốc (express train)         2. Tàu siêu cao tốc (Shinkansen)

   
Nghỉ 1 đêm tại Darmy Inn ở TP Sendai (ảnh 3), sáng hôm sau tôi hỏi đường đi đến thị trấn Ishinomaki.  Nghe nói, nếu bao taxi đi và về tốn đến 30.000 JPY (khoảng 290 USD) nên tôi quyết định đi xe đò chỉ 800 JPN với quảng đường 60 Km, lại còn có cơ hội tìm hiểu xã hội đời thường. Ra bến xe bus số 27, xếp hàng đợi xe độ 20 phút (ở Nhật dù vội đến mấy nhưng ở các nơi công cộng: bến tàu, bến xe, ngân hàng, siêu thị… ai cũng tự giác xếp hàng trật tự, yên lặng). Là người đã có thâm niên trên 40 năm “văn hóa xếp hàng” cả ở trong, ngoài nước nên điều này chỉ làm tôi vui vẻ (ảnh 4).



 


3. Trung tâm TP Sendai thủ phủ tỉnh Miyagi. Đây là TP lớn nhất vùng Đông Bắc (Tohoku) Nhật Bản, có 1,06 triệu dân. Ngày 11/3/2011 sóng thần đã tàn phá sân bay quốc tế và 1 phần TP này (ảnh 5). 
4.  Xếp hàng đợi xe bus trong trật tự, bình tĩnh, im lặng: cảnh thông thưởng Nhật, Hàn và các quốc gia phát triển.



2.  Ishinomaki 


Ishinomaki (vùng màu vàng trên ảnh 5) - thị trấn có 156.000 dân là một trong các địa phương chịu thiệt hại nặng nhất do thảm họa ngày 11/3/2011: vị trí trung tâm động đất 9 độ Richter chỉ cách bờ biển 70 Km (ảnh 5,6) nên sóng thần có độ cao đến 10 m đã ào vào thị trấn. Theo thông tin: trên 46% diện tích thị trấn, bị ngập nước biển, 50.000 căn nhà, công trình kiến trúc, toàn bộ công trình cảng bị phá; 3.162 chết và 430 người mất tích. Nhìn lại cảnh sân bay Sendai và thị trấn Ishinomaki hoang tàn 3 năm trước như bị hàng trăm quả bom B52 tàn phá vẫn có cảm giác rùng mình dù với những người đã trải qua chiến tranh khốc liệt (ảnh 7,8).


Điều tôi tưởng tượng khi ngồi trên xe bus là sẽ thấy cảnh hoang tàn của thị trấn này vì chỉ mới 3 năm làm sao không còn dấu vết đổ nát. Tuy nhiên xe đã đến bến cuối ở trung tâm thị trấn rồi mà vẫn không có gì lạ: phố xá, nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ, mọi sinh hoạt cũng giống như bất kỳ đô thị tỉnh lẻ nào ở Nhật. Vì vậy tôi lại tìm cách đến các địa phương xa hơn, nơi hy vọng còn thấy cảnh đổ nát để chụp vài tấm ảnh về khoe với bạn bè. Là thị trấn khá thưa dân nên tìm được một người biết tiếng Anh để tìm hiểu thông tin là không dễ. May sao gặp 1 em học sinh nhưng em không biết tiếng Anh nên lại dẫn tôi vào 1 công sở cách đó trên 300m.  Ở công sở mọi người đang chăm chú làm việc nhưng cũng nhiệt tình cử anh Saito – người trẻ tuổi có vẻ thông thạo nhất chỉ đường (dù họ không hỏi tôi là ai? từ đâu đến? làm nghề gì?).

 




http://blogs.voanews.com/khmer-english/musings/files/2011/03/jp_earth_quake2011.png

 


Ảnh 5: Bản đồ Miyagi - tỉnh chịu thảm họa động đất – sóng thần nặng nhất.
 Ảnh 6: Vị trí trung tâm động đất nằm sát vùng biển các tỉnh Đông Bắc Nhật Bản.

http://inapcache.boston.com/universal/site_graphics/blogs/bigpicture/quake1/bp3.jpg 

   http://inapcache.boston.com/universal/site_graphics/blogs/bigpicture/quake1/bp7.jpg


Ảnh 7: Sân bay quốc tế Sendai chìm ngập trong sóng thần (ảnh: Kyodo News/Associated).

Ảnh 8: Thị trấn Ishinomaki chiều 11/3/2013 (ảnh: Reuters).


Nhờ Saito-san đưa đến tận bến xe chuyển sang vùng khác nên tôi mới có cơ hội đến khu vực đang được khôi phục. Tại đây dấu vết đổ nát không còn nhưng các công trình xây dựng đường, nhà cửa diễn ra khẩn trường nhưng lặng lẽ. Theo số liệu của Ishinomaki đến nay trên 4,0 triệu tấn chất chất thải (xà bần) bằng tổng lượng chất thải rắn phát sinh từ các quận nội thành TP Hà Nội trong 5,5 năm!) ở thị trấn này đã được thu dọn; trên 70% diện tích đất nông nghiệp đã được dọn sạch chất thải, có thể canh tác, một phần cảng biển đã được khôi phục; hiện nay trên 10 ngàn người vẫn còn sống trong các nhà tạm do chính quyền cung cấp, mãi đến năm 2016 mới xây xong 4.000 nhà mới và khi đó thị trấn này sẽ cơ bản được hồi sinh như khi chưa bị tai họa. Chương trình phục hồi Ishinomaki cần đến 1000 tỷ JPY (khoảng 10 tỷ USD), nhưng đến nay chỉ mới được đảm bảo một phần; nhiều khu vực ven biển phía Đông vẫn chưa được tái thiết (các vùng này hiện chưa có phương tiện vận tải công cộng nối kết). Tuy nhiên, phần phía Tây không khác gì một đô thị mới: nhà cửa khang trang, siêu thị, nhà hàng không vắng bóng người, các đường giao thông, cơ sở hạ tầng điện, nước, trường học, bệnh viện, canh tác nông nghiệp… đã hoạt động bình thường (ảnh 9 -12).

 

         

9. Đường phố mới được xây lại.  
10. Đường sắt đã được khôi phục.

 

11. Nhà mới, đường mới ở thị trấn 
  
12. Cánh đồng này đã được dọn sạch chất  thải,
đang được canh tác bình thường.      


(Còn nữa)




Lượt xem: 11405

Các tin khác

Tri thức bản địa và sinh kế cộng đồng nhìn từ nguồn gen

(02/06/2014 01:59:PM)

Dãy Trường Sơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu

(28/05/2014 11:49:AM)

Bảo tồn sự đa dạng văn hóa-sinh học của các dân tộc trên dãy Trường Sơn

(23/05/2014 10:48:AM)

Có nên phát triển vùng trồng ba kích Tây Giang?

(22/05/2014 05:29:AM)

Mời dự Hội thảo khoa học về sản xuất sạch hơn

(28/03/2014 03:30:PM)

Thăm vùng thảm họa động đất – sóng thần ở Nhật Bản: Cuộc sống đã phục hồi (Phần cuối)

(22/03/2014 09:28:AM)

Một số vấn đề trong nghiên cứu đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường ở các quốc gia Đông Bắc Á và khuyến nghị (Phần cuối)

(01/03/2014 03:29:PM)

Một số vấn đề trong nghiên cứu đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường ở các quốc gia Đông Bắc Á và khuyến nghị (Phần 2)

(27/02/2014 09:00:PM)

Một số vấn đề trong nghiên cứu đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường ở các quốc gia Đông Bắc Á và khuyến nghị (Phần 1)

(27/02/2014 10:44:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE