quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
HỘI THẢO KH

Một số vấn đề trong nghiên cứu đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường ở các quốc gia Đông Bắc Á và khuyến nghị (Phần 2)

Thứ Năm, 27/02/2014 | 09:00:00 PM

(VACNE)- Các nghiên cứu cụ thể trong ĐTM và ĐMC ở các quốc gia Đông Bắc Á

 

PGS.TS. Lê Trình


2.  Các nghiên cứu cụ thể trong ĐTM và ĐMC

 

 

ĐTM hoặc ĐMC không chỉ là báo cáo phục vụ một dự án đầu tư hoặc một C/Q/K cụ thể mà còn là là các công trình nghiên cứu khoa học. Trong khi ở Việt Nam chưa có một tạp chí khoa học chuyên ngành về đánh giá tác động nói chung và tác động môi trường nói riêng (mặc dầu đã trên 8.000 (?) báo cáo ĐTM, hàng trăm báo cáo ĐMC đã được thẩm định)  thì ở Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, … mỗi năm đã có hàng ngàn công trình nghiên cứu chi tiết về các khía cạnh tác động đến tài nguyên, chất lượng môi trường, tác động sinh thái, sức khỏe, xã hội, kinh tế, văn hóa do các yếu tố thiên nhiên hoặc do từng loại hình nhân tác, tại địa điểm và đối tượng cụ thể. Kết quả các nghiên cứu có tính khoa học và cụ thể này chính là cơ sở để dự báo, đánh giá sự thay đổi các thành phần môi trường chịu tác động. Do vậy các dự báo, đánh giá, nhận xét trong nhiều báo cáo ĐTM có độ tin cậy, có tính định lượng, hạn chế được các dự báo, nhận xét, đánh giá chung chung. Một số công trình trong hội nghị được chúng tôi chọn lọc giới thiệu tóm lược dưới đây (kèm nhận xét từ hiểu biết của cá nhân) có thể chưa phải sâu sắc nhất nhưng là minh chứng cho thực trạng nghiên cứu tác động môi trường ở các nước Đông Bắc Á. Các nghiên cứu tập trung vào các vấn đề môi trường bức xúc nhất mà các nước này đang đối mặt: ô nhiễm không khí ở Trung Quốc, động đất – sóng thần, ô nhiễm phóng xạ và vấn đề năng lượng nguyên tử ở Nhật Bản và các tác động sinh thái ở Hàn Quốc.

 

 

 

1.  Nghiên cứu về tác động ô nhiễm không khí do các nhà máy nhiệt điện đến sức khỏe nhân dân Bắc Kinh


Lý Vĩ (Li Wei), Đại học Sư phạm Bắc Kinh, đã nghiên cứu dự báo tác hại do ô nhiễm không khí từ các kịch bản sử dụng năng lượng đến sức khỏe của nhân dân thành phố Bắc Kinh vào các năm 2010 và 2015. Bằng mô hình LEAP kết hợp thông số “chết là điểm cuối của sức khỏe” (death as health endpoint) dựa vào nồng độ gây chết của các chất ô nhiễm không khí: bụi PM2.5, SO2, NO2) tác giả đã đưa ra kết luận:  nếu người dân Bắc Kinh sử dụng năng lượng theo kịch bản tiết kiệm thì đến năm 2015 số lượng người tử vong do ô nhiễm không khí do khí thải các nhà máy điện sẽ giảm 6501 người so với kịch bản sử dụng lãng phí. Trong số này số tử vọng do SO2 giảm 1200 người, do NO2 giảm 2489 người, do PM2.5 giảm 1693 người. Tuy nhiên đây có phải là con số đáng tin cậy? Tại Hội nghị tác giả bài này đã phát biểu rằng nghiên cứu này chủ yếu giới thiệu về phương pháp dự báo tác động sức khỏe do ô nhiễm không khí nhưng số người chết do khí thải nhà máy điện là chưa thuyết phục vì Bắc Kinh không chỉ bị ô nhiễm do nhà máy điện mà nguồn ô nhiễm không khí rất lớn là khí thải giao thông (có nồng độ bụi PM2.5, SO2, NO2 cao), ngoài ra còn khí thải các nhà máy hóa chất và bụi từ vùng sa mạc phía Tây chuyển về. Do vậy không thể phân lập riêng số người chết do ô nhiễm không khí chỉ từ khí thải nhà máy điện. Tác giả Lý Vỹ cũng công nhận như vậy.

 

 

 

   

Khí thải giao thông là nguồn ô nhiễm  lớn ở Bắc Kinh. 



Bầu trời Bắc Kinh u ám do ô nhiễm không khí, phía xa là khói nhà máy điện (ảnh Lê Trình).

 

 

 

 

2.  Nghiên cứu về tham gia của cộng đồng trong triển khai các biện pháp xử lý ô nhiễm phóng xạ


Sự kiện động đất dẫn đến sóng thần vào ngày 11/3/2012 đã làm thiệt mạng 15.854 người, làm mất tích 3.155 người, phá hủy hàng chục thị trấn, làng mạc ở các tỉnh Đông Bắc đảo Bản Châu (Honsu), chúng tôi đã khảo sát một trong số các thị trấn đó là
Ishinomaki ở tỉnh Miyagi ngay sau Hội nghị ĐTM/ĐMC ở Chiba: xem bài viết riêng về chủ đề này).

      


http://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/thumb/1/1a/Ishinomaki_Port_after_Tsunami.jpg/220px-Ishinomaki_Port_after_Tsunami.jpg 


Cảnh thị trấn Ishinomaki bị sóng thần   tàn phá:3097 người chết
(ảnh GOOGLE).



Thị trấn Ishinomaki nay đã hồi sinh   46% (ảnh Lê Trình, 11/2013)

   

Một trong các hậu quả của sóng thần là sự cố dò rỉ phóng xạ tại nhà máy điện nguyên tử Fukushima. Để giải quyết hậu quả ô nhiễm phóng xạ Chính phủ Nhật đã quyết định khoanh vùng đất sẽ được xử lý là vùng có cường độ phóng xạ hàng năm trên 1 mSV. Trong thực tế, ngay cả ở Nhật Bản không phải có nhiều người hiểu biết về xử lý chất thải phóng xạ nên để đánh giá về công tác tổ chức và hiệu quả xử lý Takehiko Murayama, GS ĐH Công nghệ Tokyo và CTV đã tổ chức nghiên cứu tham vấn cộng đồng tại vùng có mức phóng xạ này. 3 loại hình tham vấn cấp vùng đã được nhóm nghiên cứu thực hiện:

 

-  Thảo luận về các ảnh hưởng sức khỏe và biện pháp xử lý ô nhiễm phóng xạ. 

 

-  Thảo luận về các biện pháp bảo quản chất thải phóng xạ,     

 

-  Thảo luận về triển khai các biện pháp xử lý.


Qua tổng hợp các ý kiến của các bên tham gia nhóm nghiên cứu đã đánh giá mức độ công khai thông tin của Chính phủ về ô nhiễm phóng xạ và đưa ra quy trình về tham gia của cộng đồng địa phương trong triển khai xử lý phóng xạ. Như vậy tham vấn cộng đồng không phải là hình thức đối phó theo quy định về ĐTM mà là thực chất, có đóng góp thiết thực cho giải quyết vấn đề rất phức tạp và nóng bỏng: xử lý an toàn chất thải hạt nhân trên diện rộng.

 


3.  Các nghiên cứu về khả năng môi trường trong ĐMC


Khả năng môi trường (environmental capacity)”, “sức chịu tải môi trường (environmental loading capacity)” hoặc “khả năng tự làm sạch” (self-purification) là các khái niệm mới, chưa được thống nhất về nội hàm, cách tiếp cận và phương pháp đánh giá không chỉ ở nước ta mà còn trên thế giới (do vậy ý định đưa vào Luật BVMT sửa đổi (2014) yêu cầu “đánh giá sức chịu tải của môi trường” là vội vàng vì không khả thi và không thể kiểm chứng nếu không có nghiên cứu khoa học, đáng tin cậy và tốn kém về thời gian, kinh phí trong khi số chuyên gia về lĩnh vực này ở ta là rất ít (nếu không muốn nói là chỉ có 1-2 chuyên gia / đơn vị có độ tương đối tin cậy về đánh giá sức chịu tải cho từng khu vực cụ thể, nhưng số liệu về khí tượng, thủy văn, địa hình, nguồn thải đối với từng sông, đoạn sông, từng khí vực (airshed) ở nhiều vùng là không đủ và các yếu tố KT-TV luôn thay đổi theo từng thời điểm trong 1 ngày, 1 tháng, 1 năm…), do vậy không thể thực hiện được trong khuôn khổ một dịch vụ lập báo cáo ĐTM cho 1 dự án cụ thể).


Trong hội nghị này một số nhà khoa học Trung Quốc đã công bố các công trình về sức chịu tải môi trường ở một số vùng biển và lưu vực sông. Mỗi nghiên cứu này kéo dài trên 1-3 năm, tốn hàng trăm ngàn USD và cần nguồn nhân lực lớn mà cũng chỉ đưa ra một số kịch bản về khả năng chịu tải và vẫn còn bị tranh luận về tính đúng đắn. Một trong các công trình là nghiên cứu của Long Ánh Tiên (Long Yingxian) và CTV, Viện Khoa học môi trường Nam Trung Hoa, về sức chịu tải môi trường của vịnh Bột Hải dựa vào tính toán khả năng tiếp nhận của vịnh biển đối với các tác nhân ô nhiễm điển hình: DIN (các nitơ vô cơ hòa tan), COD (nhu cầu oxy hóa học) và dầu mỡ. Từ kết quả xác định khả năng chịu tải của vịnh Bột Hải (25% và 33% diện tích vùng xả thải sẽ quá mức chịu tải DIN vào các năm 2015 và 2020) các tác giả đã vận dụng lập Kế hoạch Kiểm soát Ô nhiễm trong ĐMC cho Quy hoạch phát triển kinh tế vùng vịnh Bột Hải.

 

 

 

4. Xem xét ĐMC về phát triển thành phố sinh thái – châu thổ ở Pusan theo hướng phát triển khôn khéo


Chính quyền tỉnh Pusan (Hàn Quốc) lập quy hoạch phát triển một thành phố tại cửa sông với dự định ban đầu là xây đê ngăn vịnh biển, lấy đất lập thành phố (tương tự như Dự án đê biển Vũng Tàu – Gò Công của Bộ NN-PTNT nước ta). Từ phân tích về tác động môi trường do đê biển: gia tăng ô nhiễm vịnh biển, suy giảm hệ sinh thái nước do ngăn dòng chảy các nhà môi trường Hàn Quốc (theo Jung Juchul và CTV, Đại học Quốc gia Pusan) trong nghiên cứu ĐMC cho quy hoạch này đã đề nghị bỏ phương án xây đê lấn biển, thay vào đó là vẫn mở của vịnh đồng thời phát triển các khu công nghệ cao ít ô nhiễm, lập hệ thống giao thông “xanh”, phát triển các công viên ven biển. Đây là hướng tăng trưởng khôn khéo (Smart Growth) nên đã được chính quyền Pusan chấp nhận.

 

 



 Bản đồ ven biển TP Pusan, nơi dự kiến  xây đê lấn biển
nhưng đã bị điều chỉnh nhờ ĐMC.
 



 

Trung tâm TP Pusan. (Ảnh Lê Trình)

 

 

 

 

5.  Hợp lý hóa quy trình ĐTM đối với loại hình dự án tháo dỡ nhà máy điện


Nhật Bản đang đối mặt với các nguồn ô nhiễm cao từ các nhà máy nhiệt điện cũ kỹ. Để xây dựng các nhà máy điện mới có tải lượng ô nhiễm thấp hơn cần phải dỡ bỏ các nhà máy cũ, công tác dỡ bỏ này cũng đòi hỏi có báo cáo ĐTM. Thông thường hiện nay ở Nhật Bản quy trình lập và thẩm định 1 báo cáo ĐTM cần 3,0 năm. Nếu vậy, công tác tháo dỡ nhà máy cũ và xây dựng nhà máy mới sẽ bị chậm trễ kéo theo là tổn thất về kinh tế và ô nhiễm môi trường kéo dài. Để giải quyết vấn đề này theo báo cáo của Cục trưởng Cục ĐTM Testuro Uesugi (Bộ Môi trường Nhật Bản) Bộ đã cho phép xây dựng quy trình đơn giản hóa (hợp lý hóa) quá trình lập ĐTM cho loại hình hoạt động này nhưng vẫn phải đảm bảo các yêu cầu chất lượng về ĐTM. Theo quy trình ĐTM hợp lý (Streamlined EIA Procedure) các nội dung sau được phép rút gọn:

-  Rút ngắn thời gian và rút gọn nội dung khảo sát môi trường, tận dụng tối đa số liệu/thông tin quan trắc môi trường đối với nhà máy đã được thực hiện trong thời gian vận hành.

-  Rút ngắn thời gian xem xét, thẩm định báo cáo ĐTM: Bộ Môi trường và Bộ Công Thương xem xét báo cáo ĐTM đồng thời với chính quyền địa phương (trước đây Bộ Môi trường chỉ xem xét sau khi chính quyến địa phương xem xét và gửi công văn báo cáo).

 

 

Rất nhiều NM điện gió mới được xây dựng  ven biển Nhật Bản. Xu hướng phát triển năng lượng tái tạo thay dần năng lượng hạt nhân


 

 

  Làng quê vùng bị động đất nay đã hồi sinh (Ảnh của Lê Trình, 11/2013).

 

 

 

 

Với sự cải tiến này (mà chỉ cho loại hình dự án tháo dỡ nhà máy điện) thời gian lập và thẩm định báo cáo ĐTM chỉ còn 1,0 -1,5 năm: giảm một nữa so với các dự án khác). Tuy nhiên cho đến nay chỉ vài dự án được thực hiện theo quy trình giản lược.

 

Liệu ở nước ta có loại hình dự án nào cần có quy trình ĐTM giản lược?

 

 

 

6.  Nghiên cứu về chỉ thị trong ĐTM/ĐMC

 


Nếu ở Việt Nam phần lớn các báo cáo ĐTM/ĐMC không áp dụng các chỉ thị (indicators) và chỉ số (indexes) để xác định các tác động của dự án hoặc C/Q/K (mặc dù đây là yêu cầu cần áp dụng đã nêu trong các giáo trình và “hướng dẫn kỹ thuật về ĐTM hoặc ĐMC”) thì ở các nước tiên tiến chỉ thị và chỉ số được xem là bắt buộc sử dụng trong nghiên cứu dự báo các tác động đến môi trường tự nhiên, xã hội.

 


Về chỉ thị trong ĐMC Lee Dalbyul, Đại học Quốc gia Pusan, Hàn Quốc nêu vấn đề xây dựng và khai thác các chỉ thị về sự thích ứng của cộng đồng (community resilience) để đánh giá liệu quy hoạch phát triển có đóng vai trò trong xây dựng cộng đồng bền vững không?. Lấy thí dụ về quy hoạch các công trình: đê biển, sử dụng đất và giáo dục tác giả đã đưa ra các indicators trong lập “kế hoạch giảm thiểu nguy hại” (Hazard Mitigation Plan) nhằm tạo sự bền vững trong phát triển cộng đồng.


 

(Còn tiếp) 


 

Lượt xem: 4819

Các tin khác

Tri thức bản địa và sinh kế cộng đồng nhìn từ nguồn gen

(02/06/2014 01:59:PM)

Dãy Trường Sơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu

(28/05/2014 11:49:AM)

Bảo tồn sự đa dạng văn hóa-sinh học của các dân tộc trên dãy Trường Sơn

(23/05/2014 10:48:AM)

Có nên phát triển vùng trồng ba kích Tây Giang?

(22/05/2014 05:29:AM)

Mời dự Hội thảo khoa học về sản xuất sạch hơn

(28/03/2014 03:30:PM)

Thăm vùng thảm họa động đất – sóng thần ở Nhật Bản: Cuộc sống đã phục hồi (Phần cuối)

(22/03/2014 09:28:AM)

Thăm vùng thảm họa động đất – sóng thần ở Nhật Bản: Cuộc sống đã phục hồi (Phần 1)

(20/03/2014 08:56:PM)

Một số vấn đề trong nghiên cứu đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường ở các quốc gia Đông Bắc Á và khuyến nghị (Phần cuối)

(01/03/2014 03:29:PM)

Một số vấn đề trong nghiên cứu đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường ở các quốc gia Đông Bắc Á và khuyến nghị (Phần 1)

(27/02/2014 10:44:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE