Thực tiễn Đánh đổi (Trade – off) trong Bảo tồn Đa dạng sinh học Dãy Trường Sơn - Phần 3
Báo cáo tại Hội thảo ĐDSH Dãy Trường Sơn lần thứ 4.
Nguyễn Đình Hòe và Nguyễn Ngọc Sinh, VACNE
4.2. “Win – Win” là phương cách đánh đổi trong kinh tế học môi trường hiện đại
Mặc dù vẫn dựa trên hệ phương pháp phân tích chi phí – lợi ích (CBA), nhưng “win-win” (có nghĩa là chúng ta cùng thắng, hai bên cùng có lợi) là tiếp cận tích cực và hiệu quả hơn trong phân tích đánh đổi.. Win-win không nói “so sánh được – mất” mà nói “so sánh cái lợi nhiều hơn với cái lợi ít hơn”. Trong cuộc tranh luận với đối thủ, xung đột sẽ gia tăng khi một bên tuyên bố: “Hãy làm theo cách tôi nói!”, “Điều đó là không tốt, chỉ có cách của tôi mới là tốt!”. Tiếp cận win – win nói rằng: “Tôi muốn thắng và tôi cũng muốn các bạn thắng” và “tôi muốn tất cả chúng ta cùng thắng”; “tôi sẽ làm điều X cho các bạn nếu các bạn làm điều Y cho tôi”,…Win – win biến đổi thủ thành đối tác với mục tiêu hai bên cùng có lợi (12) .
4.3. Hãy bảo tồn thật nghiêm ngặt những hệ sinh thái là duy nhất và đại diện
Đánh đổi không thể thực hiện với những hệ sinh thái vô giá. Đó là những hệ sinh thái là duy nhất và đại diện cho sinh giới của đất nước. Ví dụ VQG Cát Bà đặc trưng bởi quần thể voọc đầu trắng, còn VQG Cúc Phương và khu đất ngập nước Vân Long là hệ sinh thái của voọc mông trắng, hồ Gươm là nơi sinh cư của “cụ” rùa, VQG Yordon với voi,… Những hệ sinh thái này thuộc loại không đánh đổi được nên cần bảo tồn chúng vô điều kiện.
4.4. Cộng đồng là người có nhiều kinh nghiệm nhất trong việc “đánh đổi”
Không nên nghĩ đơn giản rằng các nguyên tắc “đánh đổi” chỉ mới được các nhà khoa học đưa ra gần đây. Thực tế cuộc sống đã được “đánh đổi” từ rất lâu. Thậm chí, chỉ khi thất bại trong việc bắt buộc người dân phải ra khỏi nơi họ đã sinh sống yên ổn lâu đời để bảo tồn loài khác, chúng ta mới ngộ nhận được một nguyên tắc cơ bản: nếu người sở tại không đồng tình, việc bảo tồn về cơ bản đã thất bại. Sự “đánh đổi” đã không thành công ngay từ khi thai nghén. Vì vậy, khai thác và tận dụng các kinh nghiệm quý báu của cộng đồng về bảo tồn, về “đánh đổi” là việc làm cần thiết, quan trọng. Thực tế bảo tồn ở dãy Trường Sơn với những truyền thống tốt đẹp, với nguyên tắc “Ăn của Giàng phải trả lại Giàng”, với một Tây Nguyên xanh,… đang đặt ra cho các nhà nghiên cứu bảo tồn những hướng tìm tòi rất có ý nghĩa.
Thảo luận
· Trừ những hệ sinh thái vô giá cần bảo tồn tối đa có thể, hoạt động đánh đổi giũa bảo tồn và phát triển đang diễn ra rộng khắp trên dãy Trường Sơn. Vấn đề này đang làm những người yêu thiên nhiên đau lòng và các nhà quản lí bảo tồn đau đầu. Nhưng đó là một thực tế không thể phủ nhận. Nghịch lí này xảy ra do khi thiết lập các khu BTTN người ta đã theo tư duy đơn ngành, thấy quý thì bảo tồn. Mà không phải là tư duy quản lí tổng hợp, rằng tài nguyên đa dạng sinh học không chỉ bảo tồn mà còn để phát triển.
· Nếu một khu BTTN được hoạch định đúng đắn, nó sẽ là nguồn lực cho phát triển không chỉ cho hôm nay mà cho cả mai sau. Nhưng nếu một khu BTTN nào đó được hoạch định với tầm nhìn ngắn hạn, nó sẽ là cái xiềng cản trở phát triển. Nó góp phần biến một bộ phận người dân nghèo sống quanh khu BTTN thành “đất tặc’, “lâm tặc”; nó gây xung đột lợi ích với hoạt động phát triển và làm phân hóa xã hội. Trong những trường hợp đó, đánh đổi là hiện tượng xảy ra để điều chỉnh những tầm nhìn ngắn hạn khi thành lập khu BTTN, hoặc do nhiều nguyên nhân mà khu BTTN nào đó đã trở nên suy thoái mạnh các giá trị ban đầu cần bảo tồn. Hoạt động đánh đổi giữa bảo tồn và phát triển ở Trường Sơn đang diễn ra theo hai phương thức; (i) Đánh đổi vị bảo tồn và (ii) Đánh đổi phi bảo tồn.
· Có lẽ cần rà xét lại các khu BTTN và các hệ sinh thái có giá trị đa dạng sinh học cao bên ngoài các khu BTTN trên dãy Trường Sơn hiện có để tìm ra những nơi cần đầu tư xứng đáng hơn cho hoạt động bảo tồn, để hoạt động bảo tồn trở nên có hiệu quả hơn; đồng thời phân lập những diện tích đã suy thoái mạnh tài nguyên đa dạng sinh học hoặc không phải là loại “duy nhất và đại diện”, cũng như các hệ sinh thái có giá trị đa dạng sinh học bên ngoài khu BTTN để sẵn sàng cho bài toán đánh đổi, kể cả đánh đổi vị bảo tồn lẫn đánh đổi phi bảo tồn. Đánh đổi có chủ định, có quy hoạch vẫn tốt hơn là đánh đổi tự phát như đã xảy ra tại không ít khu BTTN trên dãy Trường Sơn hiện nay. Đánh đổi tích cực luôn đỏi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng các điều kiện sao cho phương án lựa chọn là tốt hơn những phương án khác. Xã hội như một mạng lưới, mỗi mắt lưới là một ngã rẽ; mỗi ngã rẽ chính là một một bài toán lựa chọn – cái tên khác của đánh đổi. Nó cần trả lời dứt khoát cho câu hỏi: “rẽ hướng nào?” vì xã hội tại chỗ rẽ chỉ có thể rẽ đúng đường hay không chứ không thể đứng mãi tại ngã ba với triết lý kiểu trung dung và “an toàn” rằng: “Không chống lại phát triển nhưng làm sao phát triển không gây hại cho bảo tồn” hoặc “Bảo tồn là rất quan trọng nhưng không vì thế mà không phát triển”.
· Tổ chức nghiên cứu kỹ các kinh nghiệm của cộng đồng các dân tộc trên dãy Trường Sơn trong hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt là các phong tục tập quán mang yếu tố tích cực bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn các loài động, thực vật đặc thù, quý hiếm.
· Nên chăng tổ chức một chuyên đề hoặc tổ chức hẳn một hội thảo chuyên sâu về thực tiễn đánh đổi trong bảo tồn ĐDSH dãy Trường Sơn trong hệ thống các hội thảo thường niên của VACNE.
Chú thích.
(1).Sự đánh đổi.
(2). Sự khan hiếm.
(3). Con người ra quyết định như thế nào.
(4). IUCN Việt Nam (2008). “Hướng dẫn quản lý khu bảo tồn thiên nhiên: Một số kinh nghiệm và bài học quốc tế”.
(5). Đường Hồ Chí Minh vẫn qua Vườn quốc gia Cúc Phương.24/10/2001
(6) Đỗ Hữu Thư, Đặng Thị Thu Hương, Lê Đồng Tấn. Ảnh hưởng của tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn đi qua các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đến thảm thực vật trong vùng
Viện ST&TNSV - Viện KH&CN VN(Tuyển tập báo cáo Hội nghị Sinh thái và Tài nguyên sinh vật lần thứ 3, 22/10/2009 - Viên ST&TNSV - Viện KH&CN Việt Nam)
(9).Hoàng Cao Xuân,2006 Khu du lịch sinh thái Bình Châu - Hồ Cốc
(11). Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà: Vùng bình nguyên nhỏ trên ngọn Núi Chúa. 9/2008.
(13) Nguyễn Đình Hòe, Sổ tay hướng dẫn bảo vệ môii trường biển tính Khánh Hòa, Sở TNMT Khánh Hòa xuất bản, Nha Trang 2009
(14) Nguyễn Đình Hòe và Nguyễn Ngọc Sinh. Đảm bảo An ninh Môi trường cho Phát triển bền vững. NXB KH và KT, hà Nội, 2010
(15) VACNE. Bảo tồn Đa dạng sinh học dãy Trường Sơn. NXB Tài nguyên và Môi trường, Hà Nội 2011
(17) Hoàng Văn Thắng, Võ Trí Chung (Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên môi trường CRES). Được – được: sự lựa chọn khó khăn. Tài liệu Hội thảo quốc tế Việt Nam học, H.,2010.
(18) VACNE. Bảo vệ Môi trường và Phát triển Bền vững. NXB Khoa học và Kỹ thuật. Hà Nội, 2008.