Thiệt hại rất nặng là những vật chất bị giảm năng suất hoặc bị phá hủy, hư hỏng từ 50-70%. Thiệt hại nặng là những vật chất bị giảm năng suất hoặc bị phá hủy, hư hỏng từ 30-50%. Thiệt hại một phần là những vật chất bị giảm năng suất hoặc bị hư hỏng dưới 30%.
Theo Thông tư, việc thống kê, đánh giá thiệt hại phải được thực hiện phù hợp với thực tế, đáp ứng việc chỉ đạo, điều hành,
ứng phó với thiên tai. Việc lập báo cáo thống kê thiệt hại phải được thực hiện theo đúng thẩm quyền. Đảm bảo tính khách quan, công khai, minh bạch, phản ánh sát thực tế về mức độ thiệt hại do thiên tai gây ra.
Chỉ tiêu thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra bao gồm: Thiệt hại về người gồm người chết, mất tích, bị thương và số hộ, số người bị ảnh hưởng trực tiếp; về nhà ở bao gồm nhà ở kiên cố, bán kiên cố, thiếu kiên cố và nhà đơn sơ; về giáo dục gồm những cơ sở vật chất của trường học, các thiết bị giáo dục; về y tế gồm những số cơ sở y tế, thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế; về chăn nuôi gồm những gia súc, gia cầm, vật nuôi khác, chuồng trại, trang thiết bị, vật tư chăn nuôi…
Thông tư cũng quy định rõ về các loại báo cáo thống kê đánh giá thiệt hại. Theo đó, báo cáo nhanh được lập ngay sau khi thiên tai xảy ra. Thời gian báo cáo, thực hiện trước 24 giờ tính từ khi xảy ra thiên tai và được báo cáo hàng ngày cho đến khi kết thúc đợt thiên tai.
Báo cáo tổng hợp đợt thiên tai được thực hiện khi kết thúc thống kê, đánh giá thiệt hại, kết thúc đợt thiên tai, áp dụng đối với những loại hình thiên tai xuất hiện trong nhiều ngày hoặc loại thiên tai gây thiệt hại lớn phải thống kê, đánh giá trong thời gian dài.
Báo cáo đột xuất, trong trường hợp cần có báo cáo thống kê để thực hiện các yêu cầu công việc về quản lý nhà nước, cơ quan yêu cầu báo cáo phải có văn bản nêu rõ mục đích, thời gian và nội dung cần báo cáo.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ 30/12/2015.