quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
HỘI THẢO KH

TG 11: Tây Giang – những điều còn ít được biết

Thứ Hai, 28/05/2012 | 05:42:00 AM

Tây Giang nằm trong khu vực có đa dạng địa chất, thổ nhưỡng, sinh học rất cao. Dãy Hải Vân chắn gió lạnh đông bắc, dãy Ngọc Linh ngăn cái khô hạn phía nam. Nguồn nước hệ sông Vu Gia phong phú. Có phải đó là một số trong nhiều lý do khiến tổ tiên người Cơ Tu chọn vùng Tây Giang và lân cận làm địa bàn dừng chân trong hành trình di cư thiên lý của mình trên dưới 2 ngàn năm trước?

 
 
Nguyễn Đình Hòe - VACNE


Một nóc (xóm)Cơ Tu ở Tây Giang

1.Đa dạng rất cao về địa chất
Những nghiên cứu địa chất của nhóm tác giả Huỳnh Trung và cộng sự mới đây (2010 – 2011) [i] cho thấy vùng đất Tây Giang và lân cận (Đông Giang, Nam Giang, và vùng lãnh thổ Lào giáp với những khu vực nói trên), địa bàn cư trú của người Cơ Tu, thuộc về một đới cấu trúc rất đặc biệt của dãy Trường Sơn có tên là đới Mélange, có nghĩa là đới xáo trộn. Đới này được hình thành nơi dồn ép giữa 2 mảng thạch quyển cổ. tại đó, các thành tạo địa chất kiểu vỏ đại dương (tổ hợp ophiolite), vỏ lục địa và cung đảo cổ nằm xen kẹp và hỗn loạn dọc theo một đới hút chìm (subduction) cổ. Có thể gặp ở đây đủ loại đá từ đá trầm tích nước sâu kiểu đáy đại dương giàu sắt và magie, các thành tạo đá phun trào basalt cổ trên đáy đại dương, các thành tạo phun trào kiểu cung đảo núi lửa cổ, các loại đá magma xâm nhập từ siêu mafit đến axit, các kiểu đứt gãy lớn nhỏ với tập hợp nhiều loại đá mạch,…Nhiều loại đá ít nhiều mang phóng xạ, sau đó vật liệu phóng xạ được tái tập trung lại trong các đá chứa than ở Nông Sơn
Kết quả là vùng đất Tây Giang rất đa dạng thổ nhưỡng cả về chủng loại và thành phần hóa học, khoáng vật trong đất, hệ quả của một quá trình phong hóa tạo đất lâu dài trong điều kiện nhiệt đới ẩm. Đây chính là tiền đề cho tính đa dạng sinh học rất cao của vùng núi Tây Quảng Nam, được coi là vùng chuyển tiếp giữa Bắc và Nam dãy Trường Sơn[ii].

2.Đa dạng rất cao về sinh học
Những nghiên cứu của Le Pichon năm 1938[iii] cho thấy hình ảnh xưa của Tây Giang:
Họ (người Cơ Tu) cư trú trên một vùng núi bao gồm các khu nằm giữa lưu vực các sông Cái, sông Giang, vùng núi A Taouat và chắc chắn họ cũng sống ở Lào và Thừa Thiên, hay ít nhất cũng có những quan hệ thân thuộc với các nhóm láng giềng ở đó. Ở đây tôi (Le Pichon) chỉ nói về người Katu (Cơ Tu) ở vùng núi Quảng Nam. Địa hình vùng này vô cùng hiểm trở. Đó là một vùng núi non chập trùng với các đỉnh cao nhất là A Taouat (2500m) và Tal Hi (2300m) và xuyên qua đó là những con sông với lòng đầy cuội và mỏm đá chảy luồn lách trong những thung lũng quanh co hai bờ dốc đứng bị cắt thành vô số ghềnh thác rồi lại tỏa ra thành muôn dòng suối tuôn trôi ào ạt. Đó là sông Put bắt nguồn từ núi A Taouat cùng các nhánh của nó, sông Lên, sông Ba Nao và sông A Vương trước khi đổ vào sông Cái, con sông lớn này cũng nhận nước sông Côn chảy từ núi Mang rồi lan tỏa thành sông Se Ka Lam và sông Vang.
Những khu rừng rậm bao phủ khắp núi non, đan xen với rừng là các mảnh rẫy. Tại tầng thấp, dây leo quấn quýt chằng chịt với cành cây tạo thành một mớ hỗn độn, khó ai liều mình vượt nổi. Đó đây những bụi tre um tùm khiến mọi cỏ cây khác bên dưới chết ngợp. những lóng tre dài chết khô rơi ngổn ngang. Tiếng gãy vang khô khốc, những chiếc lá tre mảnh mai lọc ánh mặt trời.
Những con đường mòn Katu chạy thẳng, đâm bổ rồi lại đâm bổ xuống sông. Leo lên các vách núi dựng đứng thường trơn tuột và đầy vắt.
Dù ít thú lớn, rừng ở đây vẫn rất sống động. Mỗi sớm mai rừng thức dậy với tiếng khỉ la hét vang lừng, tiếp theo là tiếng gà gáy, công rúc, chim két hót lảnh lót, Tất cả hòa thành bản nhạc rừng trước khi mọi vật dường như thiếp đi trong khí nóng ban trưa ngột ngạt. Để rồi khi chiều tà, người ta nghe thấy tiếng nai kêu, tiếng dế rúc, tiếng chim đêm xáo xác và cả tiếng râm ran của hàng ngàn côn trùng báo hiệu đã đến giờ đi săn mồi của ông Hổ, chúa tể rừng xanh (trang 16 – 17).
Người Katu treo đầy trong nhà Gươl đầu trâu, con vật thiêng, cũng như đầu và đuôi những con thú hoang trong rừng, đầu hươu nai, sao la[iv], cầy hương, sóc, đuôi chồn, lông công, lông trĩ, lông gà lôi, đầu chim phượng hoàng đất (trang 38).
Hiện nay, vùng đất cư trú của người Cơ Tu Quảng Nam vẫn còn những loài cây rất đặc biệt. Đó là những cây tavak (họ hàng với cây cọ), tadin mà họ vẫn khai thác nước nhựa cây làm rượu, là cây bòn bon (Lansium domesticum) trái rất ngon có vị vừa giống như măng cụt lại giống như dâu da rừng, ngày trước là sản vật tiến vua của xứ Quảng (được khắc trên cửu đỉnh ở Huế).
Đặc biệt những vạt phù sa trên sông Vu Gia thường có dịch dế cơm. Dế cơm (một loài gần gũi với dế mèn) hay xuất hiện tại các bãi bồi ven sông Vu Gia. Vào mùa lũ tiểu mãn, khi nước ngập các bãi sông, dế cơm trèo bám dày đặc trên các bụi cây. Người dân chèo xuồng đi bắt dế, chỉ cần rũ cành cây vào xô nhựa chừng vài chục phút là được một xô đầy. Trong vòng một tuần là dế biến mất sạch, để rồi vào mùa xuân năm sau, hàng triệu chú dế con lại từ dưới đất chui lên như có phép lạ,
Trên một nền địa chất đa dạng nham thạch, một nền thổ nhưỡng đa dạng lại giàu khoáng chất, với khí hậu nhiệt đới nắng lắm mưa nhiều, nguồn nước lưu vực sông Vu Gia dồi dào, Tây Giang vì vậy có đa dạng sinh học rất cao, hỗ trợ rất nhiều cho sinh kế săn bắn hái lượm và nương rẫy Cơ Tu. Dãy Hải Vân chắn gió lạnh đông bắc, dãy Ngọc Linh ngăn cái khô hạn phía nam. Địa hình núi non vực sâu hiểm trở dễ ẩn náu. Có phải đó là một số trong nhiều lý do khiến tổ tiên người Cơ Tu chọn vùng Tây Giang và lân cận làm địa bàn dừng chân trong hành trình di cư thiên lý của mình trên dưới 2 ngàn năm trước?


[i] Bùi Thế Vinh, Huỳnh TrungĐặc điểm địa chất, thạch học khoáng vật, thạch địa hóa các đá magma phun trào vùng Tây Băc Quảng Nam. Tập san Địa chất – Loạt A 320. trang 49-60. Hà Nội 2010. Huỳnh Trung, Bùi Thế Vinh và Đinh Quốc Tuấn. Đặc điểm địa chất, thạch học - khoáng vật, thạch địa hóa các thành tạo magma của tổ hợp Ophiolit Kon Tum. ĐHQG TP HCM, 11/2011.
[ii] Nguyễn Ngọc Sinh và nnk, 2011. Bảo tồn Đa dạng sinh học dãy Trường Sơn. NXB Tài nguyên và Môi trường, Hà Nội 2011
[iii] Le Pichon. Những kẻ săn máu. (Tạ Đức dịch). NXB Thế Giới, Hà Nội 2010. Tạ Đức. Tìm hiểu văn hóa Cơ Tu. NXB Thuận Hóa, 2002
[iv] Không rõ Tạ Đức dịch tên Sao la có chính xác không vì Sao la là loài mới được phân lập gần đây. Tuy nhiên hiện nay, Tây Giang vẫn nằm trong hành lang bảo tồn Sao la của dãy Trường Sơn
 
 

Lượt xem: 4579

Các tin khác

Tri thức bản địa và sinh kế cộng đồng nhìn từ nguồn gen

(02/06/2014 01:59:PM)

Dãy Trường Sơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu

(28/05/2014 11:49:AM)

Bảo tồn sự đa dạng văn hóa-sinh học của các dân tộc trên dãy Trường Sơn

(23/05/2014 10:48:AM)

Có nên phát triển vùng trồng ba kích Tây Giang?

(22/05/2014 05:29:AM)

Mời dự Hội thảo khoa học về sản xuất sạch hơn

(28/03/2014 03:30:PM)

Thăm vùng thảm họa động đất – sóng thần ở Nhật Bản: Cuộc sống đã phục hồi (Phần cuối)

(22/03/2014 09:28:AM)

Thăm vùng thảm họa động đất – sóng thần ở Nhật Bản: Cuộc sống đã phục hồi (Phần 1)

(20/03/2014 08:56:PM)

Một số vấn đề trong nghiên cứu đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường ở các quốc gia Đông Bắc Á và khuyến nghị (Phần cuối)

(01/03/2014 03:29:PM)

Một số vấn đề trong nghiên cứu đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường ở các quốc gia Đông Bắc Á và khuyến nghị (Phần 2)

(27/02/2014 09:00:PM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE