DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG
Tại sao đa dạng sinh học quan trọng với loài người?
Thứ Sáu, 12/06/2020 | 07:35:00 AM
Đa dạng sinh học cung cấp cho con người một môi trường đất màu mỡ để trồng trọt, sự dồi dào về nguồn thực phẩm như trái cây và rau quả. Nó còn là một nền tảng quan trọng của nền kinh tế và là phương tiện kiếm sống của hàng triệu người trên thế giới.
Đa dạng sinh học bao gồm 8 triệu loài sinh vật sống trên Trái đất, từ thực vật, động vật đến nấm và vi khuẩn, và các hệ sinh thái như đại dương, rừng, núi và rạn san hô. Tuy nhiên, đa dạng sinh học đang bị đe dọa nghiêm trọng, các loài sinh vật đang biến mất với tốc độ gấp 1.000 lần so với bất kỳ thời điểm nào khác trong lịch sử loài người được ghi nhận và 1 triệu loài đang phải đối mặt với tuyệt chủng.
Sự kiện Ngày Môi trường Thế giới (World Environment Day) diễn ra vào tháng 6 năm nay với khẩu hiệu “It’s Time for Nature” đã chọn đa dạng sinh học (Biodiversity) làm chủ đề chính. Sự kiện tập trung vào tầm quan trọng của đa dạng sinh học đối với sự tồn tại của nhân loại và tính cấp thiết trong việc ngăn chặn sự suy thoái đa dạng sinh học đang diễn ra.
Đa dạng sinh học (Biodiversity) là chủ đề chính của Ngày môi trường thế giới 5/6/2020. (hình ảnh từ Internet)
Đa dạng sinh học quan trọng với cuộc sống loài người
Mặc dù con người đã đạt được những thành tựu vượt bậc về khoa học kỹ thuật trong vài thập kỷ qua, chúng ta vẫn đang hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên để tồn tại bao gồm nguồn nước, nguồn thức ăn, thuốc, năng lượng và nơi trú ngụ.
Đa dạng sinh học cung cấp cho con người một môi trường đất màu mỡ để trồng trọt, sự dồi dào về nguồn thực phẩm như trái cây và rau quả. Nó còn là một nền tảng quan trọng của nền kinh tế và là phương tiện kiếm sống của hàng triệu người trên thế giới. Nó làm sạch không khí, nước và điều hòa khí hậu Trái đất bằng cách hấp thu CO2 và điều hòa lượng mưa. Đa dạng sinh học còn giúp làm dịu đi những tác động gây ra bởi thiên tai như sạt lỡ đất, bão lụt.
Trên mặt đất, rừng là hệ sinh thái và là nơi trú ẩn của hầu hết đa dạng sinh học trên cạn của Trái Đất: 80% các loài lưỡng cư, 75% các loài chim và 68% các loài động vật có vú.
Đa dạng sinh học quan trọng với sức khỏe của chúng ta
“Một hệ sinh thái khỏe mạnh có thể bảo vệ chúng ta khỏi sự xuất hiện và lây lan của các căn bệnh truyền nhiễm từ động vật”, theo chuyên gia về đa dạng sinh học Doreen Robinson tại United Nations Environment programme (UNEP).
Trung bình cứ 4 tháng lại xuất hiện một căn bệnh truyền nhiễm mới ở người và 75% trong số đó bắt nguồn từ động vật. Những mầm bệnh từ động vật có thể lây sang người khi chúng ta phá hủy môi trường sống và buôn bán trái phép động vật hoang dã. Khi đó, mức độ tiếp xúc với mầm bệnh của chúng ta tăng lên và dẫn đến nguy cơ cao hình thành những đại dịch chết người như Covid-19 hiện nay.
Tự nhiên còn là một nguồn cung cấp khổng lồ nhiều loại thuốc được sử dụng trong y học hiện đại. Thực vật, động vật và vi khuẩn cho phép các nhà nghiên cứu y học hiểu về hệ thống sinh lý của con người và phương pháp điều trị bệnh. Hiện nay, hơn 4 tỷ người chủ yếu dựa vào thuốc từ tự nhiên và khoảng 70% thuốc trị ung thư là sản phẩm tự nhiên hoặc tổng hợp từ thiên nhiên. 90% trong tổng số 1.300 loại thuốc ở châu Âu được thu hoạch từ tự nhiên.
Tại Hoa Kỳ, ít nhất 118 trong số 150 loại thuốc được kê đơn hàng đầu được dựa trên các nguồn nguyên liệu tự nhiên. Hơn 80% người dân ở các nước đang phát triển sử dụng thảo dược để chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe.
Tầm quan trọng của đa dạng sinh học đối với nền kinh tế
Đa dạng sinh học là nền tảng của một nền kinh tế thịnh vượng. Khoảng 44 nghìn tỷ đô la Mỹ, tức là hơn một nửa GDP toàn cầu, là phụ thuộc ở mức độ trung bình hoặc cao vào tự nhiên.
Các ngành xây dựng, nông nghiệp, thực phẩm và đồ uống là ba ngành công nghiệp phụ thuộc nhiều nhất vào tự nhiên. Các ngành công nghiệp này đòi hỏi phải khai thác trực tiếp tài nguyên từ rừng và đại dương hoặc là dựa vào các hệ sinh thái như đất, nước sạch, thụ phấn nhờ động vật và khí hậu để phát triển.
Trong số hàng trăm triệu người đang sống trong nghèo đói trên thế giới, hơn 70% phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên để kiếm kế sinh nhai, phần lớn dựa vào nông nghiệp, đánh cá, lâm nghiệp hoặc các hoạt động dựa trên thiên nhiên khác.
Nghề đánh bắt cá đã trở thành kế sinh nhai của hàng triệu người trên thế giới. (hadynyah/Gettyimages)
5 yếu tố chính đã tác động đến đa dạng sinh học từ năm 1970
Trong báo cáo “Nature Risk Rising” nằm trong chuỗi báo cáo của dự án New Nature Economy đăng bởi World Economic Forum vào tháng 1/2020, 5 yếu tố đã và đang làm suy thoái đa dạng sinh học được đưa ra bao gồm: sử dụng tài nguyên đất và biển, biến đổi khí hậu, khai thác tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường và sự xâm lấn của các loài ngoại lai.
- Sử dụng tài nguyên đất và biển. Một nửa diện tích đất có thể ở trên Trái đất đã được sử dụng cho nông nghiệp và chăn nuôi. Trong những năm gần đây, hàng năm chúng ta mất hơn 3 triệu hecta rừng - một trong những hệ sinh thái đa dạng nhất trên Trái đất.Trong 50 năm qua, đã có sự gia tăng gấp bốn lần số lượng vùng chết, tức là những khu vực có mức oxy quá thấp để hỗ trợ sự sống của hầu hết các sinh vật biển; ước tính có nhiều hơn 400 vùng chết trên toàn thế giới – một diện tích lớn hơn cả nước Anh.
- Biến đổi khí hậu. Cháy rừng ở các nước đang diễn ra với quy mô ngày càng rộng và mức độ hủy hoại ngày càng cao. Những mô hình khí hậu dự đoán rằng tần suất và mức độ nghiêm trọng của các đám cháy sẽ diễn ra thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn trong tương lai. Diện tích các rạn san hô được dự báo sẽ giảm thêm 70% đến 90% ở mức tăng nhiệt độ 1,5° C, và tổn thất nghiêm trọng lớn hơn nữa (> 99%) nếu nhiệt độ tăng ở mức 2° C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
- Khai thác tài nguyên thiên nhiên. 93% trữ lượng cá đánh bắt hiện nay đã vượt quá mức đề ra cho mục tiêu phát triển bền vững. Từ năm 1970, việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên bao gồm nhiên liệu hóa thạch và biomass (sinh khối) đã tăng 3,4 lần.
- Ô nhiễm môi trường. Thế giới sử dụng khoảng 115 triệu tấn phân đạm cho nông nghiệp mỗi năm. 1/5 lượng nitơ trong phân đạm được tịch trữ ở trong đất và biomass, trong khi đó 35% đi vào các đại dương. Nitơ là nguồn ô nhiễm chính gây nên hiện tượng phù dưỡng và ảnh hưởng môi trường sống của các sinh vật trong nước.
- Các loài ngoại lai xâm lấn. Sự gia tăng của 70% các loài ngoại lai đem lại những tác động bất lợi đến hệ sinh thái địa phương và đa dạng sinh học.
Chúng ta có thể làm gì?
- Tìm hiểu và chia sẻ thông tin về bảo vệ môi trường, thiên nhiên với mọi người xung quanh sẽ góp phần thay đổi nhận thức của con người về bảo vệ đa dạng sinh học. Tham quan những bảo tàng thiên nhiên, viện hải dương, khu sinh thái tự nhiên để hiểu thêm về hệ sinh thái ở địa phương.
- Tham gia tình nguyện ở một tổ chức bảo vệ hệ sinh thái.
- Sử dụng những sản phẩm thân thiện với môi trường. Giảm thiểu sử dụng túi nhựa và các sản phẩm từ nhựa sẽ cứu sống hàng ngàn cá thể sinh vật biển khỏi cái chết.
- Giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế mọi lúc mọi nơi khi có thể, bao gồm nguồn nước, năng lượng và rác thải.
- Sử dụng phương tiện công cộng, xe đạp hay đi bộ thường xuyên hơn để giảm thiểu lượng khí thải nhà kính và làm dịu biến đổi khí hậu.
Thanh Thảo (moitruong.com.vn)
Lượt xem: 2057
Các tin khác
Đưa thiên nhiên đến gần cộng đồng (23/12/2024 06:20:AM)
Áp dụng LEZ: Lựa chọn từ thực tế, kỳ vọng đột phá cho môi trường Thủ đô (16/12/2024 06:57:AM)
Gỡ vướng mắc thị trường tài chính xanh (11/12/2024 09:30:AM)
Tài chính khí hậu là con đường dẫn đến công lý khí hậu (18/11/2024 08:37:AM)
Tìm tiền carbon cho cây lúa (13/11/2024 08:51:AM)
COP16: Bất đồng chưa thể vượt qua (05/11/2024 06:53:AM)
Tăng tốc năng lượng tái tạo (21/10/2024 08:54:AM)
Kinh nghiệm phát triển công trình xanh trên thế giới và đề xuất đẩy mạnh ở việt nam để đáp ứng mục tiêu phát thải ròng khí co2 = zero vào năm 2050 (18/10/2024 08:29:AM)
Người tiêu dùng Net Zero (30/09/2024 06:12:AM)