Tôi dự kiến viết loạt bài ngắn gọn về Sao La.
Nguyễn Ngọc Sinh - VACNE
Đăng trên mục Hội thảo khoa học cốt là để cho có độ tập trung cao thôi, chứ lẽ ra phải cho vào mục Diễn đàn môi trường mới đúng. Sao La là ai là bài số 1. Tôi gọi là ai không phải nhầm đâu, mà cố ý đấy. Cũng không hẳn là nhân cách hóa vì...thực ra Sao La, anh/ chị là ai ?
Rất bí hiểm. Rầm rập hàng vạn, hàng triệu người đã qua đây. Đường Trường Sơn vui biết mấy, nghiêng sườn Đông, nghiêng sườn Tây, đạn bom cày sới, cành cây ngọn cỏ , đâu có nguyên lành,...Và Sao La còn đấy. Nét mặt vừa quen vừa lạ, vừa như thân thiện vừa như lạnh lùng. Sao La giống Sơn Dương châu Phi, na ná Tuần Lộc Bắc Mỹ, nhưng trên hết, hao hao những gia súc đã được thuần hóa ở đâu đó, từ thuở xa xôi nào đó trong quá khứ.
Sao lại sống ở những nơi hiểm hóc thế Sao La ơi. Cách sống này có từ bao giờ. Khó khăn lắm mới có dịp gặp nhau, dễ quen thân là vậy, chiếc đuôi ngắn ve vẩy mừng rỡ trong khi miệng bú núm sữa người trao, thế mà lại đã nhanh chóng ra đi, không một lời chào. Chẳng lẽ đây là lời cảnh cáo, đây là tín hiệu để thêm một lần nữa vạch rõ thói ích kỷ, lòng tham không đáy của con người luôn tự cho mình là thông minh hơn hết thảy hay sao. Thật là chua sót, cay đắng.
Ta sẽ trở lại mạch này. Mới đấy mà đã 20 năm trôi qua kể từ ngày Sao La được phát hiện (1992 - 2012). Đã ai chuẩn bị việc kỷ niệm nhân dịp này chưa nhỉ. Bây giờ tiền của như nước lũ, sao lại im lặng.
Sao La, tên khoa học là Pseudoryx nghetihensis, tiếng địa phương là cái sào, cái cọc - cặp sừng thẳng như cọc sào. IUCN đánh giá Sao La là loài động vật được xếp vào một trong những " Loài bí hiểm nhất trên thế giới ". Mike Baltzer. Giám đốc WWF/ Chương trình Đông Dương thì cho rằng Sao La là linh hồn của dãy Trường Sơn. Năm 1992, những người phát hiện ra Sao La tự thấy Sao La - niềm tự hào Việt Nam. Gần đây, bà Trần Minh Hiền, Giám đốc WWF Việt Nam nhận định Sao La chính là biểu tượng của những nỗ lực bảo tồn ở Việt Nam.
Là loài cực kỳ quý hiếm thì đúng rồi, nhưng tại sao lại là loài bí hiểm nhất thế giới thì không dễ thuyết phục. Có nhiều cách lý giải. Sau đây là một cách. Mặc dù số lượng không nhiều, nhưng Sao La có mặt ở 6 tinh rộng lớn của Việt Nam, ở 3 tỉnh còn rộng lớn hơn của Lào, nặng cả tạ, cao hơn 1 mét, dài gần 2 mét, vậy mà mãi tới 1992 mới phát hiện được cặp sừng trong nhà dân. Các sọc mầu trắng huyền bí, rất đặc trưng trên mặt, cặp sừng thẳng đẹp, thon dài, ưa thích sống ở những nơi ghềnh đá nhiều hang hốc, trong rừng sâu ẩm ướt trên núi cao. Sống lặng lẽ, đơn độc hoặc thành từng nhóm nhỏ. Rất thính, rất tinh khôn. Dễ gần người nhưng không ở lâu với người. Đã đủ để được gọi là bí hiểm chưa?
Quảng Trị - Hà Nội, 6 - 9/4/ 2012