Rác thải là tài nguyên...
Rác thải chỉ là tài nguyên khi mỗi người trong chúng ta tự giác phân loại rác, bỏ đúng nơi. Ngược lại, đó chính là gánh nặng không chỉ cho chúng ta mà cả con cháu sau này.
Để bàn tay những người công nhân thoát nước, công nhân môi trường không tứa máu, để biến rác thành tài nguyên, trước khi nhờ đến công nghiệp xử lý, cần ý thức bảo vệ môi trường ở mỗi người - Ảnh: TTO
“Khói đốt rơm rạ ảnh hưởng đến tầm nhìn của phi công khi cất hạ cánh, uy hiếp hoạt động bay...”. Lời “kêu cứu” của Cảng vụ Hàng không miền Bắc đã được gửi đến 1 huyện, 5 xã quanh sân bay Nội Bài (Hà Nội) vào mùa gặt năm ngoái. Nhưng rồi vẫn đâu hoàn đấy...
Không chỉ uy hiếp an toàn bay, thói quen tùy tiện đốt rơm rạ của người dân đang khiến chất lượng không khí Hà Nội bao năm qua phải chịu trận.
Mùa gặt lại đến, trên các cánh đồng khu vực ngoại thành Hà Nội lại nghi ngút khói. Một số trạm quan trắc những ngày qua cho chỉ số chất lượng không khí chạm ngưỡng "rất xấu" từ ban đêm đến rạng sáng. Sở Tài nguyên - môi trường Hà Nội phải lập tổ công tác liên ngành kiểm tra việc đốt rơm rạ làm ô nhiễm môi trường.
Nhớ những ngày giãn cách xã hội vì COVID-19, đường sá vắng bóng xe cộ, không khí các thành phố lớn được cải thiện, có lúc cảm nhận được cả sự trong lành. Nhưng khi nhịp sống về lại "bình thường mới", ô nhiễm không khí và rác thải cũng lừng lững trở lại.
Ai cũng kêu môi trường ô nhiễm, ai cũng lo sức khỏe bị sụt giảm vì khói, bụi, nhưng bao nhiêu người lưu tâm phân loại rác, bỏ rác đúng chỗ, hay chỉ "đóng gói" khi rác ở trong nhà, còn ra đến cửa... vứt đâu cũng được?
"Rác thải là tài nguyên" - phát ngôn bên hành lang Quốc hội của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà có thể khiến nhiều người bất ngờ. Nhưng với những chuyên gia môi trường, "rác đích thị là tài nguyên khi được sử dụng hợp lý".
Giấy vụn đem tái chế sẽ bớt chặt tre nứa, bớt phá rừng, gạch đá ép lại thành gạch vật liệu sẽ đỡ hao mòn cát, ximăng... Vậy nên có người nói nếu Việt Nam đưa rác ra đường, thì người Nhật Bản nhặt rác rồi đút túi mang về nhà để phân loại, bởi với họ, rác thải là tài nguyên.
Hẳn nhiều người còn ám ảnh tâm sự của người công nhân công ty thoát nước đô thị từng làm đại biểu HĐND TP.HCM rơi nước mắt: "Có những hôm lần mò trong cống, đạp phải kim tiêm, vật kim loại tứa máu, đau đến thấu tim. Rồi có khi đang loay hoay đưa rác ra ngoài thì nước thải của các nhà vệ sinh xối thẳng vào đầu... Nhưng vì công việc, tụi tôi cắn răng mà chịu, mong sao bà con mình để rác đúng nơi đúng chỗ, đừng xả hết xuống cống nữa".
Để bàn tay những người công nhân thoát nước, công nhân môi trường không tứa máu, để biến rác thành tài nguyên, trước khi nhờ đến công nghiệp xử lý, cần ý thức bảo vệ môi trường ở mỗi người.
"Thời gian qua, tình trạng tai nạn giao thông có nguyên nhân từ bia rượu giảm hẳn. Các bà, các chị phấn khởi lắm. Bây giờ đổ rác thải không đúng quy định cũng phạt nặng thì sẽ có hiệu quả" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề về chế tài xử phạt nghiêm để răn đe, giáo dục, làm gương trong phiên thảo luận, góp ý dự thảo Luật bảo vệ môi trường sửa đổi tại kỳ họp Quốc hội này.
Rác thải chỉ là tài nguyên khi mỗi người trong chúng ta tự giác phân loại rác, bỏ đúng nơi. Ngược lại, đó chính là gánh nặng không chỉ cho chúng ta mà cả con cháu sau này.
Đã đến lúc phân loại, xử lý rác thải đúng cách phải trở thành ý thức thường trực và kỹ năng đương nhiên của mọi người vì "môi trường đã đến ngưỡng không thể chịu nổi" như người đứng đầu ngành tài nguyên - môi trường từng thừa nhận.