quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
HỘI THẢO KH

Những vấn đề bức xúc về môi trường và phát triển tại khu vực VQG Ba Vì trong phạm vi Hà Nội (VQG Ba Vì và 7 xã vùng đệm thuộc huyện Ba Vì)

Thứ Hai, 19/12/2011 | 10:06:00 AM

Sau loạt bài điều tra về khai thác vàng và ô nhiễm môi trường liên quan ở Đồng Xô, Ba Vì, Hà Nội của báo KH &ĐS, sáng ngày 14/3/2011 báo KH&ĐS đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học mang tên: “Chung tay cứu Vườn quốc gia Ba Vì”.

 
Nguyễn Đình Hòe, Nguyễn Ngọc Sinh và Phạm Thị Bích Thủy, VACNE
1.Giới thiệu chung
1.1.Sau loạt bài điều tra về khai thác vàng và ô nhiễm môi trường liên quan ở Đồng Xô, Ba Vì, Hà Nội của báo KH &ĐS, sáng ngày 14/3/2011 báo KH&ĐS đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học mang tên: “Chung tay cứu Vườn quốc gia Ba Vì”. Một số nhà khoa học đã đến dự và đóng góp ý kiến. Báo chí ngay sau đó lập tức bùng nổ với đề tài “Hãy cứu VQG Ba Vì”, ‘VQG Ba Vì đang bị xẻ thịt”. Hội thảo cũng đã gửi 1 bản kiến nghị lên các cơ quan liên quan cấp cao (kể cả Thủ tướng Chính Phủ).
Hội thảo 14/3/2011 đã làm bùng lên trong dư luận xã hội những cách nhìn nhận, đánh giá khác nhau giữa các nhà quản lý với một bộ phận dư luận xã hội và giới khoa học về một số vấn đề môi trường và phát triển khu vực VQG Ba Vì. Điều đó đòi hỏi phải phân tích thấu đáo và làm rõ thực chất vấn đề, vì khu vực núi Ba Vì vốn là vùng đất nhạy cảm về nhiều mặt của Thủ đô. Đó cũng chính là lí do mà VUSTA giao nhiệm vụ này cho VACNE.
Để thực hiện nhiệm vụ này, VACNE đã tiến hành thu thập và phân tích dư luận xã hội cũng như các tài liệu liên quan; khảo sát VQG Ba Vì và vùng đệm; trao đổi ý kiến với UBND huyện Ba Vì, lãnh đạo VQG Ba Vì, một số doanh nghiệp và Dự án  trong vùng nghiên cứu, cũng như trao đổi tham vấn ý kiến nhiều người dân địa phương và nhà khoa học.
1.2.Huyện Ba Vì có 1 thị trấn là Tây Đằng (huyện lỵ) và 30 xã. VQG Ba Vì, bao gồm vùng đất ráp gianh giữa Hà Nội và Hòa Bình, trực thuộc Bộ NN và PTNT. Phạm vi Vườn thuộc Hà Nội được bao qanh bởi 7 xã vùng đệm - thuộc quản lí của huyện Ba Vì - là: Ba Trại, Ba Vì, Khánh Thượng, Minh Quang, Tản Lĩnh, Vân Hòa và Yên Bài. 7 xã vùng đệm Ba Vì có trên 60 ngàn dân, rộng 19 ngàn ha gồm 3 dân tộc : Mường (65%), Kinh (33%) và Dao (2%), bao quanh VQG với đường chu vi dài 25 km. Vườn Quốc gia Ba Vì được thành lập năm 1991. Vùng lõi VQG  bao gồm phân khu bảo vệ nghiêm ngặt từ code 400 trở lên và phân khu phục hồi sinh thái từ code 400 xuống đến code 100. Vùng đệm thuộc địa phận 7 xã miền núi huyện Ba Vì, từ code 100 trở xuống. Ranh giới giữa vùng đệm và vùng lõi đã được Vườn cắm mốc ( đã hoàn thành cắm 270 mốc ranh giới tốn hơn 560 triệu đồng) và một số đoạn đã làm đường mòn công tác dọc ranh giới cho tiện việc bảo vệ..
1.3.Ba Vì là khu vực có lịch sử địa chất lâu dài và được cấu thành từ nhiều loại đá có tuổi từ rất cổ đến rất trẻ. Phần lớn diện tích núi Ba Vì được bao chiếm bởi các đá phun trào basalt dưới biển (có tên là spilite) trên dưới 250 triệu năm tuổi. Loại đá này khi phong hóa cho đất đỏ như đất basalt Tây Nguyên nên thích hợp cho việc trồng cây công nghiệp và phát triển đồng cỏ nuôi gia súc có sừng. Do lịch sử địa chất lâu dài, khu vực núi Ba Vì có nhiều loại khoáng sản như vàng, đồng, amiang, đá vôi, kao lanh, pyrite,…nhưng không tập trung thành mỏ lớn mà phân bố rải rác dạng ổ, thấu kính hay chùm mạch nhỏ. Trong giai đoạn địa chất hiện đại, khu vực này nâng trồi rất mạnh với sự xuất hiện hàng loạt đứt gãy địa chất, các sườn đổ lở và hoạt động xói mòn rửa trôi mãnh liệt, nhất là sườn phía tây giáp sông Đà
1.4.Phân tích các tư liệu hiện có cho thấy nổi lên một số vấn đề bức xúc về môi trường và phát triển trong khu vực VQG Ba Vì và các xã vùng đệm thuộc phạm vi Hà Nội như sau:
·        Vấn đề Bảo vệ Đa dạng sinh học của VQG Ba Vì
·        Vấn đề Môi trường liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản
·        Vấn đề môi trường liên quan đến việc xây dựng đập thủy lợi và đường giao thông cơ giới trong phamjvi VQG
·        Vấn đề môi trường du lịch: các resort dưới tán rừng và du lịch cộng đồng
2. Những vấn đề bức xúc về Môi trường và Phát triển khu vực VQG Ba Vì
2.1.Vấn đề Bảo vệ Đa dạng sinh học của VQG Ba Vì
Trong các khu du lịch hiện nay ở Ba Vì chỉ có khu Thiên Sơn – Suối Ngà lấn vào phân khu phục hồi sinh thái (đến code 150) còn lại đều nằm trong vùng đệm. Hiện thủ tục cho thuê rừng chưa được VQG duyệt vì VQG chưa xong quy hoạch tổng thể. Hiện nay VQG đang tập trung vào công tác bảo vệ rừng và trồng thêm. 5 năm qua Vườn đã trồng thêm trên 1000 ha rừng mới. Vườn cũng triển khai một số đề tài nghiên cứu phục vụ bảo tồn như các đề tài về cây thuốc, bảo vệ và phát triển các loài thực vật quý như cây dẻ tùng sọc trắng, cây gù hương,…
Trong số các VQG thuộc Bộ NN & PTNT quản lý thì VQG Ba Vì được đánh giá là đơn vị thực hiện công tác bảo vệ tốt nhất theo báo cáo của lãnh đạo Vườn. Theo Ban quản lí năm 2010 chỉ có 6 vụ vi phạm lâm luật quy mô nhỏ. Năm 2011 có 11 vụ cũng nhỏ, chủ yếu lấn chiếm ranh giới Vườn.
Tuy nhiên theo một nguôn tin khác của Hiệp hội VQG Việt Nam (*) mặc dù đã hạ sơn từ năm 1964, một số hộ bà con người Dao vẫn du canh lên độ cao 600 -1000m phát nương, làm rãy và chặt tỉa để kiếm sống. Chỉ tính từ đầu năm 2011 đến nay, Vườn xử lý 37 vụ vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng, trong đó có 12 vụ phá rừng trái phép để làm nương rẫy và các vụ vi phạm quy định về khai thác gỗ và các lâm sản khác hoặc quy định về phòng, chống cháy
Hiện VQG vẫn còn bảo vệ được nhiều loài quý hiếm như gà lôi trắng (gặp đàn 5-7 con ở khu vực đền Bác Hồ), sơn dương. Con gấu cuối cùng bị bắn chết năm 1991 khi Vườn được thành lập, hiện không còn gấu trong phạm vi Vườn. Tập đoàn cây mai dương hiện đã phát triển rộng rãi ở vùng đệm, còn cây hoa ngũ sắc đã tạo thành những thảm thực vật rộng rãi tại code 400 và đã xuất hiện rải rác trên code 600. Hai loại cây ngoại lai xâm lấn nguy hại này chưa được chú ý phòng ngừa đúng mức
  
Hoa ngũ sắc (trái) và cây mai dương (phải ) ở VQG Ba Vì; ảnh tháng 12/2011
Vấn đề khó khăn nhất hiện nay là bảo vệ đất đai thuộc VQG vì thường bị lấn chiếm (di cọc mốc, uốn đường ranh giới). Các dự án trồng tre lấy măng xen tán rừng, khai thác bền vững cây thuốc, trồng và khoanh nuôi bảo vệ rừng,…đã có đóng góp cho sinh kế địa phương. Người dân sống dựa vào rừng tuy còn nghèo nhưng đã có sinh kế ổn định. Tuy nhiên do nhu cầu thuốc nam ngày càng cao nên đã xuất hiện một số trường hợp khai thác kiểu hủy diệt. VQG chỉ khoán bảo vệ rừng và trồng rừng (theo hướng dẫn của Vườn) cho dân chứ không kí hợp đồng giao đất cho dân, vì VQG không có quyền giao đất.
VQG có quan hệ liên kết rất tốt với dân và chính quyền địa phương trong giáo dục và thực hành bảo tồn nên nhiều năm qua không xảy ra các vụ vi phạm lâm luật lớn.
2.2.Vấn đề Môi trường liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản
Mỏ pyrite Minh Quang đã bỏ hoang gần chục năm, đất đá, quặng thải vẫn nằm phơi trên mặt địa hình. Nước thải mỏ đỏ như máu do giàu oxyte sắt và axit sulphuric do oxy hóa pyrite. Nước rỉ từ mỏ có độ pH rất thấp (khoảng 2-3) và có thể chứa asen là nguyên tố đồng hình với sắt trong mạng tinh thể của pyrite. Vùng mỏ cũ không cây cối gì mọc được trừ cây chút chít rất dễ cháy vào mùa khô. Nước thải mỏ theo dòng suối đổ ra sông, và ngấm vào bồn nước ngầm.
   
Trầm tư bên “suối máu” - mỏ pyrite Minh Quang không hoàn phục môi trường, Ảnh chụp tháng 11/2001
Mỏ amiang xóm Quýt thuộc xã Yên Bài đã được khai thác từ 3- 4 năm trước. Hiện đã khai thác hết bỏ lại khai trường nham nhở gồm những hố sâu hun hút và đất thải bở vụn lẫn các mẩu quặng amiang. Phòng TN & MT huyện cho rằng trách nhiệm quản lý thuộc UBND xã Yên Bài. Đơn vị khai thác không có hành động gì hoàn phục môi trường. Amiang là loại nguyên liệu khoáng đã bị cấm sử dụng.
 

Khai trường bỏ hoang của mỏ amiang Xóm Quýt, ảnh 2010
2.3.Vấn đề môi trường liên quan đến việc xây dựng đập thủy lợi và đường giao thông cơ giới:

 
·        Đường xe cơ giới lên Đền Trung và chùa Tản Viên.
Dự án trùng tu Đền Trung, chùa Tản viên (tọa lạc trên code 350 trong phân khu phục hồi sinh thái thuộc vùng lõi VQG Ba Vì) và đường xe cơ giới lên đền được UBND thành phố HN phê duyệt tháng 9/2011. Hiện nay chùa Tản viên và bãi đỗ xe đã xây dựng xong, đường lên đền đã thông tuyến và đang được tiếp tục hoàn thiện cầu cống, thoát nước và chống sạt lở.
Các công trình xây dựng nói trên đều nằm ở sườn phía tây núi Ba Vì. Đây là một sườn địa động lực chạy dọc theo một đứt gãy thuận đang hoạt động; cánh phía đông của đứt gãy nâng trồi mạnh với biên độ đến 800 mét tính theo vị trí tầng cuội kết đánh dấu. Sườn đứt gãy (fault scarp) có độ dốc trên 60o với nhiều khối trượt còn treo trên sườn. Đây là đới tai biến trượt lở có năng lượng rất cao. Việc thường xuyên phải gia cố taluy đường sẽ khiến cho diện tích đường ngày càng mở rộng, cảnh quan nhân tạo của con đường ngày càng xa rời cảnh quan tự nhiên của VQG.
 
   
Trượt lở trên đường lên Đền Trung, ảnh tháng 11/2011
·        Xây dựng đập Đồng Xô.
Dự án xây dựng hồ - đập thủy lợi Đồng Xô được UBND tỉnh Hà Tây cũ phê duyệt năm 2007. Hồ rộng gần 160.000 m2 có chức năng trữ nước tưới cho đồng đất xã Vân Hòa và lân cận. Công ty Bình Minh (chủ khu du lịch Thiên Sơn – Suối Ngà, nằm ngay phía trên hồ Đồng Xô) là đơn vị thi công. Việc thi công đúng như hồ sơ thiết kế và hiện đang tiếp tục. Có dư luận cho rằng đây là dự án khai thác vàng trá hình. Thanh tra Bộ NN và PTNT, CSMT, UBND huyện Ba vì đã tiến hành thanh tra nhưng không kết luận như dư luận đồn thổi. Hồi đầu năm 2011, ô nhiễm nguồn nước suối phía hạ lưu là do bùn đất đào đắp không được kiểm soát tốt. Hiện đơn vị thi công đã khắc phục bằng cách đào hố lắng lọc bùn thải và xây dựng đường kênh dẫn nước từ đập Vai xô phía trên cho dân (đập Vai Xô phía trên đã giao cho phía Công ty Du lịch Thiên Sơn – Suói Ngà  nên đập Đồng Xô được xây dựng phía dưới thay thế). Vấn đề môi trường do xây dựng đập cơ bản đã khắc phục được. “Nếu đây là việc đào đãi vàng trái phép quy mô lớn như dư luận đồn thổi thì dân địa phương đã nhào vô hôi vàng, trên thực tế không có hiện tượng này” – Phòng TNMT huyện Ba Vì xác nhận..
Theo tài liệu địa chất, tại suối Đồng Xô có mặt một chùm mạch sulfur chứa vàng không lớn. Có khả năng qua quá trình phong hóa xâm thực lâu dài, vàng gốc được giải phóng ra và tích lũy trong sa khoáng lòng suối. Đáng lí với các điểm khoáng sản đã đăng kí trên bản đồ khoáng sản Quốc gia, trước khi phê duyệt xây dựng bất cứ công trình nào trên diện tích có khoáng sản đã đăng ký, các cơ quan thẩm quyền phải tiến hành thẩm tra, lập phương án đấu thầu khai thác trước khi phê duyệt dự án xây dựng (giống như quy định với các di tích khảo cổ). Quy định này đã không được thực hiện trong trường hợp đập Đồng Xô nên rất có thể nhà thầu xây dựng đã “tận thu” vàng như dư luận đã nêu nhung cơ quan quản lí không phát hiện và dánh giá được.
Thực chất dự án đập Đồng Xô là dự án thủy lợi và hiện nay đang được thi công theo đúng tiến độ.
 
  
Khảo sát công trường xây dựng đập Đồng Xô, ảnh tháng 11/2011
2.4.Vấn đề môi trường du lịch: các resort dưới tán rừng và du lịch cộng đồng
Năm 2002, Bộ NN & PTNT phê duyệt cho phép thử nghiệm 6 dự án resort du lịch dưới tán rừng, quy hoạch các resort do VQG quản lí. Đó là :Thiên Sơn – Suối Ngà, Ao Vua, Khoang Xanh, Thác Đa, Tiên Sa và Hội Cựu Chiến Binh. Hiện nay VQG đã quy hoạch 23 điểm có khả năng phát triển DL dưới tán rừng, chỉ cho các đối tác đủ điều kiện thuê làm DL (là những doanh nghiệp có khả năng bảo vệ rừng, có đóng góp hợp lí cho sinh kế người dân vùng đệm). Quy chế của các điểm DL này là chỉ được sử dụng tối đa 3% diện tích được thuê để xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch.
Do có các khu DL này, rừng DL được bảo vệ tốt, kiểm soát được tệ phá rừng, kinh tế một bộ phận dân cư địa phương làm dịch vụ DL cũng khá lên, kiểm soát tốt cháy rừng.Tuy nhiên cũng chỉ có một số khu DL ăn nên làm ra, một số  khu không có mấy khách khiến làm ăn thua lỗ (ví dụ Tiên Sa, Thác Đa). Tuy nhiên rất cần một đánh giá chính thức về hiệu quả của dự án cho phát triển du lịch dưới tán rừng thuộc VQG Ba Vì trước khi nhân rộng mô hình này.
Việc phát triển tại vùng đệm các nghề nuôi động vật hoang dã theo hướng dẫn, nuôi bò sữa  trong dân (xã Vân Hòa), trồng và chế biến thuốc nam (xã Tản Lĩnh và Ba Vì) để cung cấp cho nhu cầu thị trường và các khu DL cũng đã khởi sắc và góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhân dân vùng đệm. Chất lượng nước mặt cũng được cải thiện tốt hơn nhờ các thủy vực và nguồn nước được bảo vệ tốt phục vụ cho DL. Mô hình du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng cũng bước đầu phát triển tại một số xã vùng đệm đã thu hút ngày càng đông thanh niên, sinh viên và học sinh kể cả sinh viên ngoại quốc.
 
  
Ngôi nhà một “bà lang” người Dao, xã Ba Vì, thoát nghèo nhờ làm thêm nghề thuốc nam. Ảnh tháng 12/2011.
3.Kết luận và kiến nghị
3.1.Kết luận
·        VQG Ba Vì là một trong những VQG có nhiều thành công trong công tác bảo vệ đa dạng sinh học và vốn rừng được giao, là VQG được đánh giá là tốt nhất trong số các VQG do Bộ NN & PTNT quản lí. Tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề môi trường cần được đầu tư tăng cường năng lực quản lí không chỉ cho VQG mà cho các cấp chính quyền đại phương. Đó là: vấn đề môi trường của các mỏ đã bỏ nhưng không hoàn phục, đặc biệt là mỏ pyrite Minh Quang, bảo vệ ranh giới VQG chống lấn chiếm; phòng ngừa tai biến địa chất dọc tuyến đường lên đền Trung và chùa Tản Viên; phòng ngừa các nhóm thực vật ngọai lai xâm nhập nguy hại; kiểm soát khai hoang làm nương rẫy trong diện tích vườn và lâm tặc.
·        Bảo tồn gắn với phát triển bền vững là hướng đi đúng đang được thực thi ở khu vực VQG Ba Vì và 7 xã vùng đệm. Phát triển du lịch sinh thái dưới tán rừng; phát triển du lịch cộng đồng, các nghề thuốc nam, nuôi bò sữa, nuôi động vật hoang dã, trồng và bảo vệ rừng,…là những lĩnh vực sinh kế mới đang góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhân dân vùng đệm cũng như hỗ trợ tốt công tác bảo vệ VQG. Người dân vùng đệm vẫn còn nghèo, nhưng sinh kế đã dần dần ổn định. Khu vực núi Ba Vì cần được quan tâm đầu tư phát triển nhiều hơn nữa.
·        Bài học kinh nghiệm quý là cần công khai và minh bạch thông tin về những dự án phát triển liên quan đến VQG và nhân dân vùng đệm để tránh xuất hiện những hiểu nhầm và dư luận không chính xác. Vì VQG Ba Vì không chỉ là tài sản quý của Hà Nội, mà là của cả nước, không chỉ về đa dạng sinh học mà cả về văn hóa tâm linh.
3.2.Kiến nghị.
1.Thành phố Hà Nội, Bộ NN&PTNT, huyện Ba Vì cần đánh giá đúng vị trí đặc biệt quan trọng của VQG Ba Vì đối với sự nghiệp BVMT và PTBV và có các giải pháp cần thiết để giữ gìn vốn quý về ĐDSH, về cây thuốc, khu du lịch sinh thái lý tưởng, khu lịch sử văn hóa, dân tộc đặc sắc ngay giữa lòng Thủ Đô.
2.Ủng hộ và phát triển định hướng bảo tồn gắn với phát triển bền vững khu vực VQG Ba Vì, trong đó chú trọng phát triển du lịch sinh thái dưới tán rừng, du lịch đồng quê, du lịch học đường, phát triển du lịch cộng đồng gắn với nghề thuốc nam lâu đời và các ngành nghề sinh kế khác, gắn bảo tồn với cải thiện cuộc sống người dân vùng đệm.
3.Cần nghiên cứu đưa nội dung bảo tồn và phát triển khu vực VQG Ba Vì thành một nội dung ưu tiên trong Quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế - xã hội huyện Ba Vì và thành phố Hà Nội, bảo đảm không làm phương hại đến đất đai, môi trường và ĐDSH của VQG, liên tục phát triển sự phong phú của ĐDSH nơi đây.
4.Trước mắt, giải quyết dứt điểm các bức xúc về môi trường đã được phát hiện liên quan đến các hoạt động khai khoáng, xây dựng đập thủy lợi và đường giao thông trong phạm vi VQG và các vấn đề môi trường liên quan đến phát triển du lịch; nghiên cứu và xử lý thỏa đáng mọi hành vi xâm hại đất đai, tài nguyên và môi trường VQG, các hành vi lợi dụng danh nghĩa hoạt động phát triển để gây tổn hại cho VQG.
5.Cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin liên quan đến bảo tồn và phát triển của khu vực VQG Ba Vì để cộng đồng và công luận có cơ sở cần thiết đóng góp ý kiến.
Chú thích
(*) Ngăn chặn lấn chiếm đất rừng VQG Ba Vì. http://www.vnppa.org.vn/?m=news&a=page_newsdetail&newsid=1806&leveltwo=104&lang=vi
 
 

Lượt xem: 5519

Các tin khác

Tri thức bản địa và sinh kế cộng đồng nhìn từ nguồn gen

(02/06/2014 01:59:PM)

Dãy Trường Sơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu

(28/05/2014 11:49:AM)

Bảo tồn sự đa dạng văn hóa-sinh học của các dân tộc trên dãy Trường Sơn

(23/05/2014 10:48:AM)

Có nên phát triển vùng trồng ba kích Tây Giang?

(22/05/2014 05:29:AM)

Mời dự Hội thảo khoa học về sản xuất sạch hơn

(28/03/2014 03:30:PM)

Thăm vùng thảm họa động đất – sóng thần ở Nhật Bản: Cuộc sống đã phục hồi (Phần cuối)

(22/03/2014 09:28:AM)

Thăm vùng thảm họa động đất – sóng thần ở Nhật Bản: Cuộc sống đã phục hồi (Phần 1)

(20/03/2014 08:56:PM)

Một số vấn đề trong nghiên cứu đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường ở các quốc gia Đông Bắc Á và khuyến nghị (Phần cuối)

(01/03/2014 03:29:PM)

Một số vấn đề trong nghiên cứu đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường ở các quốc gia Đông Bắc Á và khuyến nghị (Phần 2)

(27/02/2014 09:00:PM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE