“Từ khi hình thành sự sống mất 380 triệu năm con bướm mới bay được, rồi 180 triệu năm nữa bông hồng mới nở chỉ muốn làm đẹp cho đời bằng sắc của mình. Cũng phải trải qua 4 kỳ địa chất con người mới có thể hát hay hơn chim và biết thế nào là tình yêu… Vì thế ngay từ bây giờ chúng ta hãy có những mục tiêu và biện pháp thiết thực để
bảo vệ cuộc sống của chúng ta.”
Đó là thông điệp đến từ trái tim của một học sinh THCS trong một bài viết tham dự cuộc thi “Biến đổi khí hậu – Hành động của em”. Cuộc thi là một phần của dự án hợp tác giữa Hội đồng Anh, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Trung tâm Sống và Học tập vì
Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn). Dự án tập trung vào việc đưa nội dung giáo dục biến đổi khí hậu vào các trường trung học cơ sở ở Việt Nam.
Thông điệp môi trường: Hành động nhỏ, lan tỏa lớn
Hướng tới mục đích nâng cao nhận thức của học sinh về biến đổi khí hậu và khuyến khích các hành động cũng như các sáng kiến của các em để giải quyết vấn đề, hai hình thức của cuộc thi là bài viết và vẽ tranh. Hàng ngàn bức tranh dự thi đã vẽ nên một bức tranh sinh động của trái đất trong quá khứ, hiện tại và tương lai dưới tác động của
biến đổi khí hậu.
Tác phẩm đạt giải nhất của em Trần Thị Tỉnh, thuyết phục Ban giám khảo khi thể hiện thông điệp về môi trường và ý thức của con người một cách nhẹ nhàng, không cần quá hô hào và lên gân – bức tranh mang lại cho người xem sự hy vọng, thay vì cảm giác lo lắng trước những tác động của biến đổi khí hậu
Đa số các bài dự thi đều khẳng định
biến đổi khí hậu không phải là vấn đề của tương lai, mà nó đã trở thành mối đe dọa thường trực, ở bất cứ nơi đâu trên thế giới. Và các em tin rằng ai cũng có thể “tham dự” vào sứ mệnh “cứu Trái đất” bằng những hành động nhỏ của mình và gia đình như tiết kiệm năng lượng, tuyên truyền để người thân và bạn bè mình có ý thức bảo vệ
môi trường hơn.
“Khoa học đã cho chúng em hiểu toàn cảnh về một bức tranh rõ ràng hơn báo cáo của các tổ chức biến đổi khí hậu, tần suất của những thiên tai. Chúng em hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của tuổi trẻ. Khoa học cho chúng ta biết rằng, khi trái đất nắng nóng nhiều lên, cả đại dương nữa, nguồn năng lượng tích trữ giữa những vùng biển ngoài khơi Phillipines sẽ làm tăng cường độ các cơn bão mà hiện nay chúng ta đang thấy. Những cơn bão ngày càng dữ dội hơn”, em Nguyễn Anh Phong, Trường THCS Lê Độ, Thành phố Đà Nẵng đã đạt giải cao nhất xúc động đọc bức thư của mình tới các bạn trẻ ở Việt Nam và khắp
toàn cầu.
Những bộ trang phục đã được thiết kế từ vải vụn, giấy vụn, nilon vụn với thông điệp: “Chúng ta hãy cùng hành động, không xả rác bừa bãi. Hãy thu gom, phân loại và tận dụng những giá trị của nó”
Tiến sĩ Lê Trọng Hùng, Phó Vụ trưởng, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi khẳng định: “Chiến lược quốc gia về Biến đổi khí hậu được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2011, khẳng định tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đối với mục tiêu xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững của Việt Nam. Tôi tin rằng thông qua cuộc thi này, các thông điệp về môi trường sẽ không chỉ được biết tới bởi các em học sinh trung học cơ sở trên toàn quốc mà cả bạn bè cũng như gia đình của các em. Với ý nghĩa đó, cuộc thi này không nằm ngoài tinh thần chung của Chiến lược Quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu”.
Đa số các bài dự thi đều khẳng định biến đổi khí hậu không phải là vấn đề của tương lai. Nó đã trở thành mối đe dọa thường trực, ở bất cứ nơi đâu trên
thế giới.
Tranh cổ động với thông điệp “Tiết kiệm năng lượng”
Giáo dục ứng phó với biến đổi khí hậu
Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của Biến đổi khí hậu. Nhiệt độ tăng, nước biển dâng, lượng mưa và phân bố mưa thay đổi, sự gia tăng các hiện tượng khí hậu, thời tiết cực đoan,… là những hệ quả kéo theo của biến đổi khí hậu.
Nhận thức sâu sắc điều đó, 88.000 bài dự thi của 1.144 trường trung học cơ sở đến từ 54 tỉnh thành trên cả nước đã góp chung tinh thần của cuộc thi “Biến đổi khí hậu – Hành động của em”.
Thành công của dự án này là một minh chứng thuyết phục cho tầm quan trọng của việc nâng cao ý thức và thay đổi hành vi của thế hệ trẻ từ rất sớm, để hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sống. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai đưa nội dung quan trọng này cũng những tài liệu đã được xây dựng và thẩm định trong dự án này vào chương trình giảng dạy trong nhà trường trên toàn quốc trong thời gian tới.
Nội dung về biến đổi khí hậu và ứng phó với biến đổi khí hậu sẽ được đưa vào giáo án của nhà trường
Bên cạnh việc giáo dục nhận thức cho các em học sinh về biến đổi khí hậu, giáo dục về ứng phó với biến đổi khí hậu còn là một công cuộc quan trọng hơn nữa.
Cô Nguyễn Thị Anh Thơ, giáo viên Trường THCS Quỳnh Giao, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An bày tỏ: “Khi thấy biểu hiện tạo ra ô nhiễm
môi trường, mỗi người cần có một tiếng nói hay hành động, hoặc thấy một người đổ rác không đúng nơi quy định, không ngại ngần gì mà lên tiếng. Những người nghe đó nên tiếp thu một cách tích cực. Thầy cô, cha mẹ đều là những tấm gương rất sáng, và cụ thể nhất cho con em, học sinh mình thấy được vỏ kẹo quăng ở đâu, hộp sữa quăng ở đâu”.
Theo chia sẻ của cô, để ứng phó với biến đổi khí hậu, điều đầu tiên là phải giữ cho trẻ học bơi. Trẻ em hiện nay không biết bơi. Dù gặp môi trường nước rất hẹp, nhưng cũng trở thành nguy hiểm. Hiện nay, khả năng thích ứng của các cháu rất kém. Trong cộng đồng, người ta cần biết đến các sơ, cấp cứu bình thường như cảm nắng, đuối nước. Đó cũng là hành động để ứng phó với biến đổi môi trường.
Rất nhiều cách ứng phó như chèo thuyền, biết lội nước, biết tất cả các hình thức để ứng phó. “Chúng ta không biết đến tầm vĩ mô mà tuyên truyền từ những hành động nhỏ nhất” – cô Nguyễn Thị Anh Thơ
“Nhận thức rõ vai trò của môi trường đối với cuộc sống của con người cũng như sự biến đổi khí hậu trong thời điểm hiện tại, nhà trường đã đưa vào rất nhiều những hoạt động vào các buổi sinh hoạt ngoại khóa, nhằm giúp các em nâng cao nhận thức, như thông qua buổi phát thanh măng non tuyên truyền đến các em vai trò của môi trường cũng như việc làm của con người, cũng như những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Các buổi “Ngày thứ 7 tình nguyện” hay “Thứ 7 làm đẹp khuôn viên trường” giúp các em có những hành động thiết thực để bảo vệ môi trường sống của chính các em”, cô Bùi Thị Thùy Linh, Giáo viên Tổng Phụ trách Đội, trường THCS Hồng Thái, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang chia sẻ.
Ông Chris Brown, Giám đốc của Hội đồng Anh tại Việt Nam nói: ‘Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất dưới tác động của biến đổi khí hậu, vì vậy Hội đồng Anh tin rằng, các em có quyền được lên tiếng và đóng góp sự sáng tạo của mình trong công cuộc ứng phó lâu dài này.
M.A (theo Vietnamnet/MTX)