quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
THÔNG TIN MÔI TRƯỜNG

Đánh giá mức độ phù hợp tiêu chí Vườn di sản của ASEAN trong bối cảnh mới

Thứ Sáu, 20/12/2024 | 08:33:00 AM

Thời gian vừa qua, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức Hội thảo “Đánh giá mức độ phù hợp tiêu chí Vườn di sản của ASEAN trong bối cảnh mới”. Tham dự Hội thảo có Lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế; Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật; đại diện Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (ĐDSH); Sở TN&MT;Sở NN&PTNT; Vườn quốc gia; Khu bảo tồn…

 

TS. Bùi Đức Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TN&MT phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TN&MT TS. Bùi Đức Hiếu cho biết: “Năm 2024, Vụ Hợp tác quốc tế, thường trực Văn phòng Tổ chức quan chức cấp cao ASEAN về môi trường (ASOEN) được Bộ TN&MT giao chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện Nhiệm vụ: Kết nối các Vườn di sản ASEAN (AHP) của Việt Nam giai đoạn 2023 - 2025 theo Chương trình hành động quốc gia về ĐDSH. Với mục tiêu nhằm liên kết, xây dựng mạng lưới, chia sẻ thông tin giữa các Vườn di sản ASEAN của Việt Nam và củng cố, tăng cường hệ thống di sản thiên nhiên. Đồng thời, triển khai một số nội dung về ĐDSH trong Luật BVMT năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT.

Tính đến nay, Việt Nam đã có 12 Vườn di sản ASEAN. Để tăng cường công tác bảo tồn ĐDSH, ngày 28/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia về ĐDSH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 149/QĐ-TTg. Theo đó, mục tiêu của Chiến lược là đến năm 2030 mở rộng và nâng cao hiệu quả quản lý hệ thống các di sản thiên nhiên, khu bảo tồn thiên nhiên bảo đảm đạt được chỉ tiêu cơ bản, trong đó chỉ tiêu về các khu vực tự nhiên được quốc tế công nhận là 15 Khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (khu Ramsar); 14 Khu dự trữ sinh quyển; 15 Vườn di sản ASEAN.

Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá lại tiêu chí của Vườn di sản ASEAN và là cơ hội để các chuyên gia và nhà quản lý thảo luận về cách thức nâng cao hiệu quả bảo vệ và phát triển các khu vực được công nhận là Vườn di sản ASEAN”.

Tại Hội thảo, Trưởng phòng Quản lý di sản thiên nhiên, Cục Bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH TS. Nguyễn Thành Vĩnh đã giới thiệu yêu cầu về vận hành Vườn di sản ASEAN của khu vực. Cụ thể, để được công nhận là Vườn di sản ASEAN, các khu bảo tồn thiên nhiên cần đáp ứng được 12 tiêu chí như: Các khu vực được bảo vệ có hệ sinh thái và thiên nhiên hoang dã nổi bật; có giá trị cảnh quan, văn hóa, giáo dục, nghiên cứu, giải trí và du lịch nổi bật; có tầm quan trọng bảo tồn các loài nguy cấp...

Dựa trên tiêu chí của Vườn di sản ASEAN hay còn gọi là tiêu chí khu vực AHP (phân tích, đánh giá, tổng hợp), cần đưa ra Kế hoạch hành động khu vực AHP (2023 - 2030) nhằm duy trì tính toàn vẹn sinh thái của từng vườn đại diện cho các hệ sinh thái của khu vực ASEAN, nâng cao năng lực cho cán bộ Vườn di sản ASEAN, hướng tới quản lý hiệu quả các Vườn di sản ASEAN thông qua sự hợp tác với cộng đồng địa phương và các đối tác tổ chức.

Chia sẻ về kinh nghiệm chuẩn bị hồ sơ đề cử Danh hiệu Vườn di sản ASEAN, Phó Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam TS. Trần Đức Lương cho biết, các Vườn quốc gia, Khu bảo tồn... lập hồ sơ đánh giá sơ bộ mức độ đáp ứng tiêu chí của đối tượng được lựa chọn, bao gồm các tiêu chí được khuyến nghị về tính toàn vẹn, tính tự nhiên, tính đại diện, bảo tồn cao, ý nghĩa dân tộc học và có tầm quan trọng về ĐDSH, tính nguy cấp...

Ngoài ra, cần phải xác định nội dung thực hiện trong việc rà soát, thu thập các dữ liệu, tài liệu và hồ sơ có liên quan đặc biệt là các dữ liệu đã được công bố ở tạp chí quốc tế có thẩm duyệt; lập dự toán và lên kế hoạch thực hiện... Bên cạnh đó, cần thu thập, bổ sung, hiệu chỉnh dữ liệu để minh chứng, làm rõ mức độ đạt được các tiêu chí thông qua khảo sát về diện tích, ranh giới, các hệ sinh thái đặc trưng và kinh tế - xã hội, giá trị lịch sử...

Các hồ sơ đề cử được lập rõ ràng theo Công văn số 1822/TCMT-BTĐDSH ngày 10/7/2017 và tham vấn, lấy ý kiến, góp ý từ cộng đồng từ các đơn vị chức năng đến các nhà khoa học và các Bộ, ban, ngành có liên quan.

Báo cáo về hiện trạng quản lý, công bố, cung cấp, thông tin dữ liệu, bảo tồn thiên nhiên, ĐDSH, đại diện Cục Bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH cho biết, thông tin, dữ liệu liên quan đến bảo tồn thiên nhiên, ĐDSH khá nhiều, đa dạng đã được phân cấp quản lý tại các đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Hầu hết, các cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến cơ sở đều đã có website - kênh thông tin cung cấp dữ liệu và các hoạt động của đơn vị. Tuy nhiên, dữ liệu vẫn còn thiếu, chưa đầy đủ do chưa triển khai được các chương trình điều tra, kiểm kê, quan trắc định kỳ ở các cấp (quốc gia, tỉnh, cơ sở). Dữ liệu từ các chương trình, dự án còn nằm phân tán ở nhiều đơn vị (Viện/Tổ chức nghiên cứu, chuyên gia); Thông tin dữ liệu ở cấp địa phương (Sở TN&MT) còn khá hạn chế do thiếu đơn vị chuyên trách và nguồn lực quản lý, triển khai…

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Định hướng trong thời gian tới, cần hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu ĐDSH quốc gia; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các module phần mềm thuộc hệ thống như kiểm kê, quan trắc ĐDSH; quản lý nguồn gen và an toàn sinh học...; triển khai kết nối, liên thông, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan, đơn vị; phân quyền hệ thống, cấp tài khoản cho các địa phương, cơ sở tham gia hệ thống (cập nhật, khai thác thông tin, dữ liệu)…

Châu Loan

Nguồn: Tạp chí Môi trường

Lượt xem: 245

Các tin khác

Đắk Lắk: Buôn Ma Thuột - Kết nối và phát triển không gian xanh

(10/01/2025 08:35:AM)

Quảng Nam tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học và động vật hoang dã

(10/01/2025 08:30:AM)

Triển vọng rừng nhiệt đới 2025: Những câu chuyện đáng chú ý khi năm mới bắt đầu

(09/01/2025 09:25:AM)

Bẫy ảnh bất ngờ ghi nhận nhiều động vật quý hiếm tại khu bảo tồn ở Quảng Nam

(08/01/2025 08:38:AM)

Nhiều điểm nhấn trong công tác bảo vệ môi trường ở tỉnh Sóc Trăng

(31/12/2024 08:09:AM)

Tin gió mùa đông bắc mới nhất: Ngày mai, nhiều nơi có mưa to đến rất to

(24/12/2024 06:05:PM)

Hoa và Rác: Động lòng người dân xứ Huế

(19/12/2024 07:36:AM)

Nôn nao khi nhận tin báo phát hiện Sao La

(17/12/2024 10:06:AM)

Các bức họa trăm tuổi tiết lộ manh mối những giống cây đã mất

(14/12/2024 09:22:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE