Cây thiên tuế cao sừng sững tỏa ra nhiều nhánh, thân gốc 2 người ôm, tuổi đời khoảng 200 năm ở đình Phú Nhuận, xã Phú Nhuận (thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre) đã được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là cây Di sản Việt Nam.
Trao Quyết định công nhận cây Thiên tuế ở Đình Phú Nhuận là cây Di sản Việt Nam.
Tại lễ công bố Quyết định công nhận cây Di sản Việt Nam diễn ra vào ngày 10/1, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Công Thuận (Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam) cho biết: Cây thiên tuế hay còn gọi là cây vạn tuế không chỉ là biểu tượng của vẻ đẹp tự nhiên mà còn mang ý nghĩa sâu sắc trong văn hóa người Việt. Với hình dáng mạnh mẽ và sức sống bền bỉ, cây thiên tuế được coi là biểu tượng của sự thịnh vượng, may mắn và trường thọ. Khi được công nhận, địa phương và cộng đồng cần tiếp tục bảo tồn và phát huy hơn nữa giá trị của loại cây này.
Theo hồ sơ di sản, tuy chưa xác định chính xác được thời điểm cây thiên tuế hiện diện ở đình Phú Nhuận nhưng theo các cụ cao niên trong vùng, khi trùng tu ngôi đình Phú Nhuận lần thứ nhất từ năm 1911, cây này đã có trong khuôn viên đình và đã ngoài 100 tuổi
Hiện, cây cao 6m, tán rộng 6m. Gốc to (sát mặt đất) có đường kính lớn nhất 1,4m, chu vi gốc cây hơn 4m. Hiện cây phát triển xanh tốt, không sâu bệnh, không có cây ký sinh hay nấm ký sinh. Đặc biệt, cây có khả năng kháng bệnh trong quá trình sinh trưởng, không phát hiện sâu bệnh. Hằng năm, cây trổ bông vào mùa Xuân, góp phần tạo nên cảnh quan đặc biệt linh thiêng cho đình Phú Nhuận.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm dưới tán cây Thiên tuế 10 ngọn "độc bản" 200 tuổi ở đình Phú Nhuận.
Đình Phú Nhuận có tuổi đời hơn trăm năm, tọa lạc trên khuôn viên diện tích 20.000m2, diện tích xây dựng 432m2. Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đây là nơi hội họp của cách mạng và nhân dân.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Bến Tre Nguyễn Văn Thương cho biết, việc cây thiên tuế ở Đình Phú Nhuận được công nhận cây Di sản Việt Nam sẽ tạo điều kiện cho việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích cấp tỉnh - Đình Phú Nhuận. Qua đó, góp phần giáo dục thế hệ trẻ, tôn vinh các bậc tiền nhân đã có công khai khẩn vùng đất này, tạo hiệu ứng thực hiện Đề án trồng cây "Vì một Bến Tre xanh"... Đây cũng là điểm du lịch để thành phố Bến Tre phục vụ du khách, góp phần phát triển du lịch xanh, bền vững.
Ông Nguyễn Văn Thương nêu rõ, theo định hướng phát triển của tỉnh, thành phố Bến Tre giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, địa phương phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Phú Nhuận là một trong 3 xã phía Nam của thành phố Bến Tre được chọn để phát triển du lịch với những tiền đề sẵn có như: các điểm du lịch sinh thái Lan Vương, homestay, điểm dừng chân… đã và đang thu hút du khách. Cây thiên tuế di sản sẽ kết nối du lịch giữa các điểm đến tại địa phương, tạo tiền đề thiết lập tour, tuyến và sản phẩm du lịch di sản, sinh thái, tâm linh...
Cây Thiên tuế ở đình Phú Nhuận khoảng 200 tuổi, cao 6m, tán rộng 6m, phần thân trên phân thành 10 ngọn được công nhận là cây Di sản Việt Nam.
Đến nay, Bến Tre đã có 6 cây được công nhận là cây di sản; trong đó, thành phố Bến Tre có 2 cây là bạch mai cổ thụ trên 300 tuổi (ở đình Phú Tự, xã Phú Hưng) và cây thiên tuế (đình Phú Nhuận, xã Phú Nhuận).