Song song đó, Sóc Trăng cũng dự kiến triển khai các nhiệm vụ, phương án bảo vệ môi trường theo Quyết định số 995 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong đó, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh về: Phương án xử lý chất thải rắn; phân vùng môi trường; phương án bảo tồn đa dạng sinh học; quan trắc môi trường; triển khai các chương trình, dự án kêu gọi đầu tư xử lý chất thải rắn, nước thải đô thị. Đồng thời xem xét, bố trí nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường hằng năm đảm bảo cho việc xử lý, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường; có chính sách thu hút, ưu đãi đầu tư các dự án thân thiện với môi trường, khuyến khích các dự án đầu tư có công nghệ hiện đại, công nghệ xanh, đặc biệt là các dự án xử lý chất thải rắn tạo điện năng hoặc dự án xử lý chất thải rắn có công nghệ tái chế nhựa tạo sinh khối.
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu nhiều lần khẳng định: “Các ý kiến của doanh nghiệp sẽ được các cơ quan chức năng xem xét tháo gỡ, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, cũng đề nghị các doanh nghiệp, trong sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp phải thượng tôn pháp luật không đánh đổi môi trường vì lợi ích kinh tế, có trách nhiệm vì sự phát triển bền vững của tỉnh Sóc Trăng”.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Sóc Trăng, thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường tiếp tục được các ngành, các cấp và các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh quan tâm, thường xuyên thực hiện phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường thông qua việc quan trắc chất lượng môi trường và tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm.
Tính đến năm 2024, tỉnh Sóc Trăng đã hoàn thành việc đầu tư 5 trạm quan trắc môi trường tự động, gồm: 1 trạm quan trắc không khí tại thành phố Sóc Trăng và 4 trạm quan trắc nước mặt tại ngã ba sông Đinh, Đại Ngãi, sông Mỹ Thanh, Cổ Cò. Việc này đã kịp thời đáp ứng nhu cầu thu thập và cung cấp thông tin, số liệu điều tra cơ bản về môi trường, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn, phục vụ có hiệu quả cho công tác xử lý, khắc phục, dự báo, cảnh báo ô nhiễm môi trường, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh
Giai đoạn 2020 – 2023, các cấp, các ngành trong tỉnh đã phối hợp theo dõi, thanh tra, kiểm tra 346 cơ sở, thực hiện xử phạt 79 cơ sở, đã xử phạt số tiền trên 7,8 tỷ đồng. Trong đó, tập trung quyết liệt xử lý dứt điểm 3 cơ sở gây ô nhiễm môi trường (bãi rác Đại Ngãi, Công ty Cổ phần Mía đường Sóc Trăng, Xí nghiệp Chế biến thủy sản Khánh Lợi) và 2 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh (bãi rác Phường 7, thành phố Sóc Trăng và bãi rác thị xã Vĩnh Châu).
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục môi trường
Song song đó, công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường sẽ tiếp tục được tỉnh Sóc Trăng quan tâm và đẩy mạnh. Các hoạt động tuyên truyền tập trung vào việc nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và khuyến khích họ tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường.
Cụ thể, hằng năm, tỉnh đã xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí để triển khai các hoạt động tuyên truyền nhân các ngày sự kiện môi trường, như: ngày Môi trường thế giới 5/6; Chiến dịch làm cho Thế giới sạch hơn, Tuần lễ Biển, Hải đảo...
Đồng thời tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức với hơn 1.000 người/5 lớp/năm với đối tượng là các sở, ban, ngành, phòng tài nguyên và môi trường, chủ tịch UBND xã và cán bộ phụ trách môi trường cấp xã, đại diện các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Phát hành 39.500 tờ rơi, lắp đặt 45 bảng pano và 16 bảng tuyên truyền, bảng điện tử, 120 băng rôn, 2.370 nón vải, 2.830 túi vải; 5.000 sổ tay tuyên truyền về bảo vệ môi trường, phòng chống rác thải nhựa; 900 thùng rác cho các địa phương.
Tỉnh cũng tổ chức ra quân khơi thông cống rãnh, vớt rác làm sạch nguồn nước trên các đoạn sông, kênh rạch, cửa sông ven biển bị ô nhiễm do rác với trên 25 lượt. Phối hợp địa phương thực hiện thu gom, xử lý các điểm đổ rác tự phát và mở rộng địa bàn thu gom rác để tuyên truyền hành động phòng, chống rác thải nhựa, giảm thiểu tình trạng thải rác bừa bãi và thải xuống sông, kênh, rạch. Thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, đồng thời xây dựng và triển khai 2 mô hình phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nông thôn, ứng dụng mô hình chuyển đổi chất thải và kinh tế tuần hoàn trong xây dựng nông thôn mới.
Nhờ những nỗ lực trên, các chỉ tiêu cơ bản về bảo vệ môi trường của tỉnh đạt kết quả tích cực. Cụ thể, tỷ lệ xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng 100%; tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường 100%; tỷ lệ cơ sở sản xuất mới xây dựng phải áp dụng công nghệ sạch hoặc được trang bị các thiết bị giảm ô nhiễm, xử lý chất thải 100%; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực đô thị, công nghiệp, dịch vụ đạt tiêu chuẩn môi trường 95,88%; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt khu dân cư nông thôn, làng nghề đạt tiêu chuẩn môi trường 65,39%; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải nguy hại thải 100%.
Những kết quả đã đạt được trong công tác bảo vệ môi trường ở Sóc Trăng cho thấy, tỉnh này đã có những bước tiến quan trọng và hiệu quả trong mục tiêu bảo vệ môi trường. Từ việc ban hành chính sách hỗ trợ và quản lý môi trường, bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái, quản lý chất thải, đến nâng cao nhận thức cộng đồng, Sóc Trăng đang xây dựng một mô hình phát triển kinh tế - xã hội bền vững, trong đó lấy bảo vệ môi trường làm trọng tâm.
TS.Trần Khắc Tâm, Đại biểu HĐND tỉnh Sóc Trăng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng khẳng định, bảo vệ môi trường từ lâu đã được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế, xã hội tại Sóc Trăng. Trong những lần đi tiếp xúc cử tri, ông nhận được rất nhiều tâm tư của bà con về vấn đề bảo vệ môi trường. Và tất nhiên, những tâm tư đó, ông đều ghi chép cẩn thận và truyền tải đến các cơ quan chức năng theo đúng thẩm quyền.
Theo TS.Trần Khắc Tâm, tại Sóc Trăng, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Lâu luôn khẳng định quan điểm phát triển kinh tế phải gắn chặt chẽ với việc bảo vệ môi trường. Các trường hợp vi phạm pháp luật về môi trường bị xử lý nghiêm minh và không có vùng cấm.
Ngoài ra, tỉnh cũng có những chương trình nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp về tác hại của rác thải nhựa. Chúng tôi đẩy mạnh phong trào “chống rác thải nhựa”; hạn chế sử dụng và tiến tới nói không với việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần; tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai có hiệu quả mục tiêu của tỉnh Sóc Trăng về quản lý và giảm thiểu rác thải nhựa.
"Mấu chốt của việc bảo vệ môi trường chính là ý thức của mỗi người dân. Trong đó, việc giáo dục môi trường là rất quan trọng. Gần đây, vấn đề giáo dục bảo vệ môi trường đã được đưa vào trường học từ các trường mẫu giáo đến đại học. Thực tế cho thấy, trong quá trình giảng dạy, nhiều học sinh từ cấp mẫu giáo đã được tiếp xúc với những bài học về trồng cây xanh, tiết kiệm điện và phân loại rác. Nếu duy trì được xuyên suốt qua các cấp học, tôi tin rằng vấn đề bảo vệ môi trường sẽ được in đậm vào ý thức của thế hệ trẻ. Đây là phương pháp mà nhiều nước trên thế giới đã áp dụng từ khá lâu và có hiệu quả lâu dài", TS.Trần Khắc Tâm nhấn mạnh.
Ngày 9/5/2024, tại TP.Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) 2023.
Theo đó, Báo cáo PCI và PGI 2023 được xây dựng từ thông tin phản hồi của 10.676 doanh nghiệp, trong đó có 9.127 doanh nghiệp tư nhân trong nước và 1.549 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại Việt Nam.
Chỉ số PGI và một số kết quả phân tích về chất lượng quản trị môi trường cấp tỉnh từ góc nhìn của doanh nghiệp tại Việt Nam. Được biết, PGI được xây dựng nhằm cung cấp thông tin đầu vào từ thực tiễn kinh doanh để hỗ trợ chính quyền các tỉnh, TP trong công tác quản trị môi trường, cân bằng giữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế và bền vững môi trường.
Về chỉ số Giảm thiểu ô nhiễm và thiên tai, đứng đầu là tỉnh Đồng Tháp, lần lượt đứng các vị trí tiếp theo là tỉnh Nam Định, Vĩnh Long, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng. Tỉnh Sóc Trăng đứng thứ 23 trên 63 tỉnh thành ở chỉ số này.
Văn Chương - H.A