quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024

Miền Tây Nam Bộ 5. Cù lao An Bình, Vĩnh Long – trong họa có phúc

Thứ Tư, 25/07/2012 | 07:16:00 PM

Bị cô lập địa lý với các khu vực đô thị hóa và công nghiệp hóa của Vĩnh Long, cù lao An Bình lại có cái may mắn của một nàng tiên ngủ trong rừng, nay thức dậy với sự chào đón nồng nhiệt của du khách.

 
 
Nguyễn Đình Hòe, VACNE và
Nguyễn Diếm Phúc, Trường Văn hóa Nghệ thuật Vĩnh Long


 
   Cù lao An Bình tỉnh Vĩnh Long


1.Đứng trên cầu Mỹ Thuận nhìn xuôi dòng Tiền giang theo hướng Đông sẽ thấy ngay cù lao An Bình. Cù lao An Bình nằm ở ngã ba sông nơi sông Tiền tách thêm dòng Cổ Chiên. Phần Tây Bắc cù lao thuộc tỉnh Vĩnh Long, nhưng phần Đông Nam lại thuộc huyện Chợ Lách tỉnh Bến Tre. Ranh giới phía Bắc của cù lao là sông Tiền sau khi chia dòng; ranh giới phía Nam là đoạn đầu nguồn sông Cổ Chiên. An Bình là vùng chuyên canh cây trái, nuôi trồng thủy sản và du lịch miệt vườn nổi tiếng của Vĩnh Long. Đầu thế kỷ XX, sông Cổ Chiên chỉ là con lạch nhỏ. Người dân đứng hai bên bờ có thể nói chuyện với nhau được. Trong khi đó, bản thân cù lao An Bình cũng bị chia tách làm hai phần bởi con sông Đại Tuần rộng lớn.  Dần dần, sông Cổ Chiên ngày càng rộng ra trở thành một dòng sông rộng hàng trăm mét, trong khi đó sông Đại Tuần thu hẹp đi rất nhiều, nay chỉ còn là con lạch tàn cắt qua phần bắc Cù lao[i]..

Cù lao An Bình là vương quốc sông rạch. Những sông rạch mang những cái tên đầy bản sắc Nam Bộ:  Sông Bà Vú, sông Tắc Cát.- Rạch Cây Sao, rạch Miễu, rạch Lồ Ồ, rạch Ruột Ngựa, rạch Đường Cày lớn, rạch Đường Cày nhỏ, rạch Trời Đánh, rạch Khe Luông, rạch Vàm Giang, rạch Ranh, rạch Cai Tài, rạch Khe Mương lớn, rạch Cồng Cộc[ii]

2. Với diện tích đến 6.000 ha, Cù lao An Bình được bồi đắp bởi phù sa sông Tiền. Bạt ngàn cây ăn trái và ruộng lúa. Nhiều trang trại cây ăn trái đã mở của đón du khách. Du khách tự do dạo bước dưới tán cây, khi mệt có thể ngả mình trên những cánh võng, thưởng thức các loại trái cây, hoặc nghỉ đêm tại các nhà nông dân địa phương trong các chương trình du lịch homestay để trải nghiệm cuộc sóng miệt vườn đầy bản sắc. Một số điểm du lịch có tiếng trên cù lao An Bình là:

Vườn du lịch Sáu Giáo

Đây là vườn cây ăn trái đầu tiên làm du lịch ở cù lao. Xung quanh nhà được vườn nhãn bao bọc, trước sân có nhiều cây kiểng, bonsai đã từng đoạt giải tại các cuộc triễn lãm lớn: mai chiếu thủy, cần thăng, kim quýt… các loại hoa như hoa nhài, hoa cúc, hoa phong lan… tại nhà ông Sáu còn có bộ sưu tập tiền các nước và chữ ký lưu niệm của những du khách đến đây. Đến với Sáu Giáo du khách sẽ được phục vụ các món ăn đồng quê Nam Bộ do gia đình chế biến và cách trưng bày khá độc đáo: cá tai tượng chiên xù đặt đứng trên đĩa như còn đang lội, tôm cuốn bánh tráng với húng đất, đọt xoài non, cùng nhâm nhi với chén rượu gạo pha mùi anis (rượu hồi).

Vườn du lịch Tám Hổ.

Đây là vườn ươm cây giống ăn trái đặc sản. Ngoài việc cung cấp giống cây, nơi đây còn phục vụ tham quan du lịch. Bác Tám cùng với người con trai là kỹ sư nông nghiệp đã tạo nên một vườn ươm lớn. Điểm vườn này như một phòng thí nghiệm lớn cây ăn trái miền Nam. Trong khu vườn xanh um chủ nhân đã cho xây thêm một căn nhà dành cho khách lưu trú tại vườn.

Vườn du lịch Ba Lình

Hầu hết khách tham quan là khách quốc tế vì nơi đây họ được cảm nhận cuộc sống thật sự của người dân Nam Bộ. Ngôi nhà đơn sơ nền đất với gian trước dùng làm nơi tiếp khách đặc biệt. Điểm nổi bậc nhất ở điểm du lịch này là hình ảnh một ông già Nam Bộ không hề biết một thứ tiếng nước ngoài nào mà vẫn trao đổi được với khách quốc tế bằng ngôn ngữ cơ thể trong suốt 3 ngày khách lưu lại tại đây mà không cần hướng dẫn viên.

Vườn du lịch nhà xưa Cai Cường.

Đây là ngôi nhà cổ được xây dựng theo lối kiến trúc Pháp, hơn 100 tuổi đời, trang trí nội thất theo truyền thống, có gian thờ và những câu  đối trạm trổ tinh xảo trên hàng cột xà cừ hàng trăm năm tuổi.

Đến đây du khách sẽ được xem sa bàn trồng lúa do Trung tâm du lịch xây dựng mô phỏng hoạt động đời thường của người nông dân Nam Bộ như mô hình sản xuất xưa với cây mỏ cày, nọc cấy mạ, cái phảng và những công cụ sản xuất quen thuộc của vùng sông nước đồng bằng, hay những buổi thu hoạch, những cảnh sinh hoạt của người dân, tất cả đều mới lạ đối với khách quốc tế.

Vườn du lịch Sông Tiền – Tám Tiền.

Tại đây, xung quanh ngôi nhà cổ là những cụm nhà lá được chủ nhân xây dựng dung làm nơi khách nghỉ ngơi và dung bữa trong vườn cây trái rộng 6 công.(6.000m2). Với vị trí nằm ven sông Tiền, vườn có nhiều thuận lợi để khách tham gia các hoạt động vui chơi sông nước như tắm sông, chèo thuyền, hay nghe giọng ca ngọt ngào của các cô gái xứ Cù lao.

Trang trại và du thuyền Vinh Sang.

Tại Vinh Sang khách có thể tham quan các trò chơi cảm giác mạnh đó là câu cá sấu từ 05 tuổi trở lên, cưỡi đà điểu chạy trên bãi cát. Ngoài ra còn có các trò giải trí: chèo xuống giăng lưới, chày cá hoặc be mương tát cá, trượt cỏ… hơn thế nữa du khách có thể tự tay chế biến món cá nướng ngay tại sau vườn với rượu nếp nguyên chất hoặc rượu Đào tiên. Nơi dây còn có những phòng nghỉ qua đêm trên bè nổi trên sông, phòng đầy đủ tiện nghi theo tiêu chuẩn khách sạn ngay giữa khung cảnh thiên nhiên niệt vườn.

Khu du lịch Mekong Đồng Phú.

 Với diện tích rộng hơn 2 ha nằm xen với hàng chục ao nuôi cá tra, cá basa, khu du lịch Mekong - Đồng Phú thích hợp cho các kỳ nghỉ dã ngoại với các trò chơi trên mặt nước và tham gia các hoạt động dã ngoại khác. Du khách có thể tham gia các hoạt động trên sông nước bằng ca-nô, mô-tô nước, phao chèo, phao chuối cho nhóm khách từ 4 đến hơn 10 người. Đặc biệt, nơi đây còn có khu vực bảo tồn các loài thủy sản nước ngọt tự nhiên của  sông Mekong. Nhiều loài cá tụ tập về đây để ăn thức ăn thừa trong quá trình nuôi cá tra, basa. Do vậy, khách có thể tự mình câu cá trên sông, trong đó có các loài thủy sản nước ngọt  đặc sản Miền Tây như cá ngát, cá bông lau, tôm càng v.v... Ngoài ra, còn có các dịch vụ tắm sông trên bãi bồi, chơi ca-nô kéo bè chuối, tự lái mô tô nước

3.Cù lao An bình hiện nay
đã là điểm du lịch nổi tiếng không chỉ của Vĩnh Long mà của cả Miền Tây Nam Bộ. Sự ăn nên làm ra đó là do ngành du lịch biết khai thác thế mạnh mang đậm màu sắc bản địa của cù lao, tạo ra sự khác biệt. Có được thế mạnh đó là do xứ cù lao này nhiều năm bị cô lập khỏi các trung tâm đô thị hóa và công nghiệp hóa của Vĩnh Long. Do đó cù lao như một sự bổ sung lý tưởng cho các trung tâm này, tạo ra thế cân bằng cho Vĩnh Long trong phát triển. Đúng là “trong Họa có Phúc” vậy. Đây cũng là một bài học kinh nghiệm tốt cho các vùng khác của đất nước: “vấn đè không phải ở phát triển, mà là phát triển như thế nào”.

Lượt xem: 42098

Các tin khác

Những điểm đến kỳ lạ ở Đông Nam Á

(23/05/2014 09:40:AM)

Kế hoạch công tác phòng, chống thiên tai 2014

(22/05/2014 12:57:AM)

Đậu nành, thực phẩm vàng của thế kỷ 21

(10/05/2014 07:36:AM)

Điện Biên cần thêm xanh, thêm hấp dẫn

(02/05/2014 03:39:PM)

Triển khai dự án phát triển du lịch bền vững tại miền Trung

(25/04/2014 09:44:AM)

Giáo trình Kinh tế và Quản lý môi trường

(24/04/2014 11:04:AM)

Mê Kông lọt top 10 dòng sông du thuyền hấp dẫn nhất thế giới

(19/04/2014 08:57:AM)

Vườn quốc gia Côn Đảo được cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái

(14/04/2014 06:34:AM)

“Không gian xanh” Văn Thánh

(13/04/2014 07:57:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE