Cô trò Trường tiểu học Lĩnh Nam (Hà Nội) tích cực trong phong trào thi đua làm sạch đẹp trường lớpCô trò Trường tiểu học Lĩnh Nam (Hà Nội) tích cực trong phong trào thi đua làm sạch đẹp trường lớp
Công tác tại trường học vị trí gần chợ, sát nhà dân và đường giao thông, cô Nguyễn Thị Nga - Giáo viên Trường Tiểu học Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai, Hà Nội) càng ý thức rõ tầm quan trọng của việc giáo dục bảo vệ môi trường cho học sinh trường tiểu học.
Trong thực tế dạy học, nhiều biện pháp giáo dục và bảo vệ môi trường cho học sinh Trường Tiểu học Lĩnh Nam đã được cô Nga áp dụng có hiệu quả.
Bao gồm: Giáo dục bảo vệ môi trường thông qua lồng ghép nội dung vào các môn học; qua hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động tập thể; dọn vệ sinh lớp, chăm sóc công trình măng non; phát động phong trào “Tết trồng cây - đời đời nhớ ơn Bác”.
Lồng ghép giáo dục môi trường vào các môn học
Nội dung giáo dục môi trường được thể hiện ở tất cả các môn học bậc tiểu học: Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên và xã hội, Nghệ thuật, Thể dục… và gắn bó vào từng bài cụ thể.
Chẳng hạn, chương trình môn Đạo đức ở Tiểu học từ lớp 1 đến lớp 5 đều phản ánh các chuẩn mực hành vi đạo đức phù hợp với lứa tuổi trong các mối quan hệ của học sinh với gia đình, nhà trường, cộng đồng và môi trường tự nhiên.
Bài 14 (lớp 1); bài 7,8,14 (lớp 2); bài 6,13,14 (lớp 3); bài 8,9,14 (lớp 4) là những bài có liên quan đến giáo dục bảo vệ môi trường.
Chương trình môn Tự nhiên và xã hội ở các lớp 1, 2, 3 có thể giúp học sinh hiểu biết về môi trường tự nhiên và xã hội, các nguyên nhân làm ô nhiễm môi trường và các biện pháp bảo vệ môi trường.
Môn Tiếng Việt, có thể lồng ghép giáo dục môi trường qua các bài có nội dung về lòng yêu quê hương đất nước, ca ngợi thiên nhiên tươi đẹp; ở môn Mĩ thuật có thể cho học sinh vẽ tranh về môi trường, vệ sinh môi trường, bảo vệ môi trường…
Thông qua các bài học được tiến hành với các hình thức tổ chức đa dạng, linh hoạt, có thể ở các địa điểm khác nhau (trên lớp, ngoài trời), giáo viên có thể đem lại cho học sinh các thông điệp phong phú về giữ gìn và bảo vệ môi trường, giúp các em lĩnh hội kiến thức về giáo dục bảo vệ môi trường một cách tự nhiên, sinh động và hiệu quả.
Giáo dục bảo vệ môi trường qua các hoạt động tập thể
Thông qua hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp và các hoạt động tập thể, nội dung giáo dục và bảo vệ môi trường cho học sinh hết sức đa dạng và hiệu quả.
Phong trào thi đua vệ sinh làm sạch đẹp trường, lớp tại Trường tiểu học Lĩnh Nam đã đưa nhà trường trở thành một môi trường trong sạch, an toàn và lành mạnh.
Ngoài ra, thông qua các tiết sinh hoạt cuối giờ đầu tuần, các buổi sinh hoạt lớp, các hoạt động của Đội, các hội thi hiểu biết về giáo dục môi trường được tổ chức hết sức đa dạng với các nội dung và hình thức rất phong phú và phù hợp với lứa tuổi học sinh tiểu học.
Cũng có thể tổ chức cho học sinh biểu diễn thời trang có nội dung bảo vệ môi trường. Thời trang được làm từ các sản phẩm tái chế, qua đó giáo dục học sinh thấy được trách nhiệm của mình với biện pháp bảo vệ môi trường.
Việc đưa giáo dục bảo vệ môi trường lồng ghép các tiết sinh hoạt chào cờ đầu tuần cũng rất có hiệu quả. Đây là một cách giúp các em nắm kiến thức về môi trường một cách nhẹ nhàng, không khô khan mà lại có hiệu quả cao.
Từ đó, các em có thái độ và hành vi đúng đắn với việc bảo vệ môi trường, có suy nghĩ đúng đắn trước những sự việc xảy ra trong thực tế và thấy được trách nhiệm của chính mình, mặc dù đó có thể là những hành động chưa lớn nhưng cũng sẽ hình thành cho các em tinh thần trách nhiệm trước môi trường đang bị đe dọa
Dọn vệ sinh lớp, chăm sóc công trình măng non
Ngay từ đầu năm học bên quản lý, phụ trách mảng Đoàn - Đội yêu cầu Tổng phụ trách phân công chi tiết cho các lớp đảm nhận công trình măng non và lên kế hoạch qui định ngày, giờ các lớp phải làm vệ sinh trường, lớp 1 lần/1 tuần vào các ngày thứ 6 trong thời lượng 20 phút. Nhóm khác phân công nhổ cỏ tưới cây ở công trình măng non của lớp mình.
Trong quá trình học sinh tổng vệ sinh, giáo viên chủ nhiệm phải trực tiếp theo dõi, hướng dẫn để giúp cho lớp học vừa sạch, vừa đảm bảo an toàn cho học sinh và đảm bảo cơ sở vật chất cho nhà trường.
Giáo viên Tổng phụ trách và nhân viên y tế lần lượt đến các lớp để quan sát, chấm điểm, đánh giá công việc và kịp thời nhắc nhở những hiện tượng học sinh còn đùa nghịch trong khi lao động (nếu có).
Phát động phong trào “Tết trồng cây - đời đời nhớ ơn Bác”
Nhà trường phát động mỗi học sinh trồng 1 cây ăn quả hoặc cây lấy gỗ tại gia đình. Đồng thời hưởng ứng nhiệt tình Tết trồng cây tại nhà trường.
Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác” không chỉ giúp nhà trường có được một khung cảnh đẹp, tăng thêm số lượng cây xanh mà còn tạo cho học sinh có được một môi trường “xanh – sạch – đẹp” và an toàn.
Để những biện pháp nói trên có hiệu quả, đội ngũ giáo viên cần nắm chắc nội dung giáo dục bảo vệ môi trường, vận dụng được các phương pháp phù hợp gắn với cuộc sống thực tế của học sinh.
Bên cạnh đó, rất cần sự quan tâm của Ban giám hiệu và hoạt động nâng cao nhận thức của phụ huynh thông qua công tác tuyên truyền về giáo dục bảo vệ môi trường.
Cũng cần khen thưởng kịp thời đối với các lớp và giáo viên thực hiện tốt giáo dục bảo vệ môi trường trong trường tiểu học.
Theo Anh Quân (MOITRUONG.COM.VN/TH theo Giáo Dục Thời Đại)