quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
HỘI THẢO KH

Kiến thức địa phương của người Chơ Ro trong quản lý lâm sản ngoài gỗ giúp nâng cao đời sống và cải thiện tài nguyên đa dạng sinh học

Thứ Sáu, 16/12/2011 | 02:02:00 PM

Kiến thức địa phương của người Chơ Ro trong việc quản lý lâm sản ngoài gỗ giúp nâng cao đời sống của họ và cải thiên tài nguyên đa dạng sinh học

                             Nguyễn Hoàng Hảo[1], Dương Bích Hạnh[2],Đào Huy Giáp[3],
                                                          Lê Thanh Bình[4], Nghiêm Kim Hoa[5]
 
Việt Nam có 54 dân tộc anh em, phần lớn các dân tộc có cuộc sống gắn liền với nguồn tài nguyên thiên nhiên trong nhiều đời nay. Trong số họ, hiện đang lưu truyền rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm rất có giá trị trong việc sử dụng và phát triển cho nguồn tài nguyên tự nhiên, thường được gọi là kiến thức địa phương (KTĐP) hay tri thức bản địa (TTBĐ)... KTĐP là một phần quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của các cộng đồng truyền thống, KTĐP đã mang lại hiệu quả cao, phù hợp với điều kiện của người dân địa phương trong việc khai thác sử dụng tài nguyên thiên nhiên đặc biệt là nguồn tài nguyên lâm sản ngoài gỗ (LSNG). Để có cơ sở khoa học cho việc triển khai các giải pháp thực hiện việc cải thiện nguồn tài nguyên LSNG ở vùng đệm Khu dự trữ sinh quyển (KDTSQ) Cát Tiên, nhằm giảm áp lực vào rừng, một nghiên cứu về “Kiến thức địa phương của người Chơ Ro trong việc quản lý lâm sản ngoài gỗ giúp nâng cao đời sống của họ và cải thiên tài nguyên đa dạng sinh học” đang đượcthực hiện tại đây trong khuôn khổ tài trợ của UNESCO.


            Vùng đệm của KDTSQ Cát Tiên có 38 xã, thuộc 8 huyện của 4 tỉnh, dân số khoảng trên 200.000 người, trong đó có khoảng trên 11 cộng đồng dân tộc anh em đang sinh sống và có những tác động ảnh hưởng đến KDTSQ Cát Tiên ở các mức độ khác nhau. Cộng đồng người dân tộc Chơ Ro tại xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh những Đồng Nai là một trong những cộng đồng dân cư có tính đại diện cao nhất cho các cộng đồng dân cư đối với việc có những tác động ảnh hưởng đến KDTSQ Cát Tiên. Đời sống và phong tục tập quán của họ gắn bó và hòa hợp với thiên nhiên. Tín ngưỡng nguyên thủy của dân tộc Chơ Ro là thờ đa thần với quan niệm mọi vật đều có linh hồn. Với người Chơ Ro, những khu rừng già được bảo tồn, gọi là rừng thiêng hay rừng ma, là nơi ngự trị của các thần linh (yang b'ri). Ngoài ra, có những khu rừng, người dân dùng để chôn cất người chết cũng không được canh tác, săn bắt. Trong tín ngưỡng của họ, vi phạm các khu rừng này có thể làm cho dân làng bị ốm đau, bệnh hoạn. Liên quan đến vấn đề này, có thể nhận thấy rằng, các khu rừng thiêng, rừng ma được người dân bảo vệ đã có tác dụng quan trọng trong việc duy trì nguồn nước. Các khu rừng này cũng có thể giữ vai trò điều hòa nguồn nước và cung cấp nước sạch cho cộng đồng.
            Theo kết quả điều tra, người Chơ Ro sử dụng trên 265 loài cho LSNG khác nhau trong đó đã định danh được 181 loài: dùng trong xây dựng (16 loài như lồ ô, mây, lá trung quân, lá mây nước...); làm đồ dùng sinh hoạt (12 loài như cây lùng làm chiếu, mây làm gùi, dây gấm làm giây ná…); làm thực phẩm (120 loài như hạt cây ươi ăn cho mát, lá nhíp làm canh, đọt mây làm rau, thịt heo, thịt cheo, cá các loại làm thức ăn…); làm dược liệu (112 loài chủ yếu sử dụng để chữa trị các loại bệnh thông thường, chống côn trùng, rắn, rết như quả ươi trị sâu răng, cây tam trị đau bụng tiêu chảy, rết cắn...; làm men rượu cần (31 loài như sâm cau, sâm đất, sa nhân); dùng làm cây cảnh và trang trí (30 loài như chim rừng, phong lan, cây lộc vừng, cây mai…). Trong hơn 265 loài LSNG thì có hơn 15 loài người Chơ Ro thường sử dụng nhất, hay nói cách khác đây là những loài có tầm quan trọng đặc biệt đối với người Chơ Ro như măng, lồ ô, tre, mum, mây Đồng Nai, lá bét, lá nhau, heo rừng, chau cục, gà rừng, thịt voọc, thịt cheo, thịt nhím, cá. LSNG đóng vai trò quan trọng trong sinh kế của người Chơ Ro đặc biệt là những hộ nghèo.
            Trước đây, người Chơ Ro “hái lượm LSNG” chủ yếu là phục vụ cho nhu cầu gia đình, nên các loại LSNG được người dân thu hái đa phần lựa chọn theo mục đích như quả, hạt chín; khu vực có nhiều măng non, đọt lá non; động vật là những cá thể trưởng thànhvới số lượng vừa đủ cho nhu cầu của họ (ch gói gọn trong 1 chiến gùi/một người tham gia). Từ đó đã tạo điều kiện cho các loài LSNG có khả năng phục hồi.Đặc biệt, người Chơ Rothu hái theo hình thức bền vững với dụng cụ như Ná (cung tên) và các loại bẫy thô sơ. Ví dụ như ươi bay, họchỉ nhặt những tráichín rụng xuống, không sử dụng hình thức cưa cây để thu trái; đối với tre, lồ ô phục vụ xây dựng và sinh hoạt gia đình, họ chỉ chọn những cây già, có nhiều mốc trắng.
            Ngày nay, do có nhiều cộng đồng khác cùng tham gia “Khai thác LSNG” phục vụ cho nhu cầu thị trường ngày càng cao, nên người Chơ Ro không còn có khái niệm “hái lượm LSNG” nữa mà họ đã thu hái vượt quá nhu cầu trong gia đình của họ. Các loài LSNG không còn được người Chơ Ro lựa chọn như trước và chiếc gùi cũng không còn là vật dụng chủ yếu phục vụ cho việc thu hái LSNG nữa mà họ đã dùng các phương tiện cơ giới như xe máy để vận chuyển. Việc cấm hoặc hạn chế khái thác tài nguyên LSNG ở các khu rừng đặc dụng, hạn chế tối đa người dân vào rừng đã tạo ra ý thức cho người Chơ Ro thay đổi quan niệm về quản lý bảo vệ rừng, cộng đồng của họ không còn trách nhiệm đối với rừng thuộc vùng tiếp cận tài nguyên của họ nữa, mà trách nhiệm này thuộc về Khu bảo tồn hoặc Vườn quốc gia.
Với nguồn tài nguyên đa dạng sinh học phong phú, KDTSQ Cát Tiên có hơn 1.610 loài thực vật, trong đó có hơn 550 loài cây thuốc. Kết quả điều tra cho thấy, người Chơ Ro đã sử dụng trên 121 loài LSNG để làm các bài thuốc trị bệnh, trong đó có nhiều bài thuốc có giá trị được sử dụng từ nhiều đời nay như thuốc bà đẻ, thuốc chữa vết thương, trị rết cắn; sốt rét... Đối với nhóm LSNG dùng làm thực phẩm,người Chơ Ro đã sử dụng trên 121 loài động, thực vật rừng dùng làm thức ăn, trong đó có 5 loài LSNG làm thực phẩm không thể thiếu và chưa có loài thay thế được đó là măng các loại, lá nhíp, củ chụp, lá nhau, đọt mây...Nhóm LSNG dùng trong sinh hoạt làcác sản phẩm đan lát của người Chơ Ro như chiếu lùn, võng mây, gùi các loại, rổ rá, công cụ đánh bắt cá… có giá trị thẩm mỹ cao nhưng hiện nay nghề thủ công truyền thống dần dần bị mai một.
Hiện nay, LSNG được quản lý dưới nhiều hình thức khác nhau: quản lý nhà nước, quản lý cộng đồng và quản lý ở cấp hộ gia đình, cá nhân với nhiều mục đích khác nhau (kinh doanh, sử dụng cho mục đích tự cung cấp, nghiên cứu…). Các chính sách về khuyến khích người dân phát triển các ngành nghề sử dụng nguyên liệu là LSNG chỉ mới dừng lại ở chủ trương chính sách mà chưa được áp dụng tới người dân địa phương. Trong đó, việc lập kế hoạch quản lý bền vững LSNG dựa vào cộng đồng là một trong những vấn đề được quan tâm và đang ngày càng thể hiện rõ vai trò tích cực trong phát triển nguồn tài nguyên LSNG. Bộ NN&PTNT đã đưa ra các chương trình hoạt động để bảo vệ và phát triển rừng trong đó đặc biệt quan tâm bảo vệ và phát triển LSNG nhằm giảm bớt áp lực về gỗ cũng như tăng cường các lợi ích từ rừng. Với sự xác lập của hệ thống quản lý Nhà nước (thành lập các khu rừng đặc dụng), hệ thống canh tác nương rẫy của người Chơ Ro buộc phải thay đổi, nhiều tri thức bản địa trước đây là lợi thế của người Chơ Ro có đời sống gắn liền với tài nguyên rừng, nhưng đến nay không còn phát huy tác dụng hoặc có hại đối với công tác quản lý bảo vệ rừng (như du canh du cư, săn bắt động vật hoang dã,…). Sự thay đổi này đòi hỏi người Chơ Ro phải du nhập nhiều tri thức mới và họ phải rơi vào vị thế bất lợi hơn mặc dù họ là cộng đồng bản địa.
 
            Tài nguyên LSNG trong khu vực còn phong phú, diện tích rừng tự nhiên liền mảnh lớn (hơn 140.000 ha) là vùng nguyên liệu LSNG có giá trị để phát triển các làng nghề truyền thống sử dụng nguyên liệu từ LSNG tại chỗ, là điều kiện cần thiết và cơ hội tốt để người dân địa phương và các đơn vị chủ rừng cùng nhau triển khai thực hiện chương trình thí điểm về “chia sẻ tài nguyên rừng”. Tuy nhiên, việc thu hái LSNG quá mức (ví dụ như hiện nay sản lượng khai thác măng một mùa ở xã Phú Lý khoảng 360 tấn/mùa so với trước kia cộng đồng người Chơ Ro chỉ  khai thác khoảng 10 tấn/mùa), tràn lan và không bền vững nếu không có các giải pháp, chủ trương và hướng dẫn cụ thể của các cơ quan chức năng trong việc bảo tồn và phát triển bền vững nguồn tài nguyên LSNG thì nguy cơ suy giảm nguồn tài nguyên là rất lớn và sẽ gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý bảo vệ rừng của các đơn vị chủ rừng, nếu tình trạng này kéo dài sẽ gây ra sự mâu thuẫn giữa người dân địa phương với các đơn vị chủ rừng.
Những KTĐP về quản lý bền vững nguồn tài nguyên LSNG của người Chơ Ro là những yếu tố tích cực để tăng cường sự tham gia của người dân trong công tác quản lý bảo vệ rừng nếu họ cùng được hưởng lợi từ việc chia sẻ tài nguyên LSNG trong vùng tiếp cận tài nguyên của họ. Các KTĐP của người Chơ Ro về quản lý, khai thác bền vững nguồn tài nguyên LSNG sẽ được phát huy nếu họ được nhận khoán quản lý bảo vệ rừng và được thu hái LSNG trên diện tích rừng họ được nhận khoán. Để thực hiện được điều này thì cần thiết phải xây dựng được chính sách về cơ chế chia sẻ trách nhiệm và các nguồn lợi trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng. Kiến thức sử dụng các loài LSNG của cộng đồng dân cư nơi đây rất độc đáo đó là những kinh nghiệm được truyền qua nhiều thế hệ trong một gia tộc/dòng họ nhất là cách sử dụng một số bài thuốc mang tính dân gian.
Truyền thống quản lý tài nguyên.
Sự gắn bó mật thiết của các thành viên trong cộng đồng buôn làng mà yếu tố có tính quyết định nhất đó là quyền sở hữu công cộng về đất đai canh tác, rừng, núi, sông suối…và các sản phẩm từ rừng. Hình thức quản lý truyền thống tài nguyên rừng ở cộng đồng Chơ Ro là quản lý truyền thống/quản lý cộng đồng/quản lý dựa vào các luật tục, dựa vào những người già, một cách quản lý hết sức dân chủ, hiệu quả so với trước đây. Tài nguyên là rừng và đất rừng được coi như của cả cộng đồng, ai cũng có quyền lợi và nghĩa vụ như nhau. Tất cả các thành viên trong làng đều gắn bó quyền lợi với phần đất của làng. Mọi thành viên đều có quyền săn bắn, khai thác, làm rẫy trên phần đất của làng và đều có nghĩa vụ phải bảo vệ như là tài sản của gia đình mình.
            Ngày nay, các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên ngày càng được ưa chuộng. Nếu có sự đầu tư, hỗ trợ hợp lý thì những sản phẩm này sẽ trở thành những sản phẩm hàng hóa tạo thêm nguồn thu nhập cho người dân như rượu cần, các bài thuốc gia truyền, các sản phẩm thủ công, thực phẩm… Khi KDTSQ Cát Tiên thu hút được khách du lịch thì những sản phẩm này sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc làm cho các sản phẩm du lịch của KDTSQ thêm phong phú và đa dạng.
Thế hệ trẻ của người Chơ Ro ngày càng xa dần với những sản phẩm truyền thống có nguồn gốc từ LSNG... Tuy nhiên, nhiều kiến thức của cộng đồng nơi đây đang ngày càng bị mai một, già làng là người biết nhiều nhất lễ cúng các thần, các bài thuốc nam, các loài cây làm men rượu cần, truyền thống khai thác và chế biến các loài LSNG, nhưng hiện giờ già làng đã 80 tuổi, sức khỏe yếu, các con cháu rất ít người muốn học hỏi, mà muốn thoát ly khỏi làng đi làm công ty, xí nghiệp. Nhằm giữ gìn truyền thống văn hóa, bản sắc dân tộc của người Chơ Ro việc nghiên cứu, sưu tầm và tư liệu hóa các KTĐP của họ là rất cần thiết
            Chính sách của Nhà nước là cho phép người dân được chia sẻ tài nguyên ở những phân khu hành chính dịch vụ và phục hồi sinh thái của các diện tích rừng đặc dụng, nhưng để thực hiện được những chính sách này hiện còn gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại. 
            Mặc dù VQG/KBT đã quy hoạch, phân khu chức năng cho từng khu vực, nhưng trong quá trình thực hiệc công tác này việc thao khảo ý kiến của người dân địa phương thực sự chưa được quan tâm. Nhằm thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn, nâng cao đời sống cho người dân trong và xung quanh VQG/KBT, đồng thời gắn trách nhiệm bảo tồn với người dân địa phương (đặc biệt đối với người đồng bào dân tộc) thì việc thực hiện chương trình chia sẻ tài nguyên (cụ thể là tài nguyên LSNG đã được nhà nước cho phép) với người dân địa phương là rất cần thiết trong điều kiện thực tế hiện nay.        
Để công tác quản lý, bảo vệ rừng thực sự hiệu quả và bền vững, đời sống người dân sống trong và xung quanh KDTSQ Cát Tiên ngày càng được nâng cao, cần phải có sự hỗ trợ chính sách sử dụng tài nguyên và chia sẻ lợi ích từ phía Nhà nước góp phần duy trì bộ mặt nông thôn, giữ gìn bản sắc của người dân Chơ Ro, từng bước ổn định cuộc sống cho người dân, hạn chế đến mức thấp nhất những tác hại vào rừng.
Đề xuất
     Nhằm thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ tài nguyên đa dạng sinh học thông qua việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, những kiến thức địa phương truyền thống của người Chơ Ro trong khuôn khổ của chương trình này nhóm nghiên cứu chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp như sau:
Phát triển du lịch trong KDTSQ Cát Tiên có một tiềm năng to lớn. Sự tham gia của cộng đồng Chơ Ro cũng sẽ góp phần tạo ra những sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc văn hóa riêng. Những sản phẩm có giá trị như rượu cần, cơm lam, canh bồi, thuốc gia truyền, sản phẩm đan lát… của người Chơ Ro nếu được hỗ trợ phát triển thành các sản phẩm du lịch và có sự hỗ trợ về đầu ra chắc rằng sẽ phát huy giá trị và tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Bước đầu, cần có sự hỗ trợ và tổ chức cho người Chơ Ro gây dựng lại các sản phẩm có giá trị bắt nguồn từ LSNG, khi các sản phẩm của họ đã đươc quảng bá và khẳng định được giá trị cũng như việc hỗ trợ về thị trường của chính quyền sẽ tạo thêm việc làm và phần nào tăng được nguồn thu cho người dân cũng như việc tạo được những sản phẩm du lịch đặc trưng cho KDTSQ.
            Việc nhân nuôi, gây trồng một số loài động, thực vật rừng được phép kinh doanh đã được nhà nước cho phép. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, một số mô hình có triển vọng hiện đã được bà con gây trồng nhân nuôi như: Mô hình nuôi trồng quế; mô hình trồng cây Xương sâm; sưu tập LSNG có tầm quan trọng trong vườn nhà; nuôi gà rừng lai; nuôi cheo; kỳ đà… Để phát huy lợi thế sinh thái, KTĐP của người Chơ Ro về nhân nuôi, gây trồng một số loài động, thực vật rừng. Việc hỗ trợ về vốn, kỹ thuật gây trồng, chăm sóc và hỗ trợ về nguồn giống ban đầu cho người Chơ Ro thực hiện thí điểm một số mô hình có hiệu quả sẽ tạo ra được một ngành nghề mới cho người Chơ Ro.
            Sự mất mát về những giá trị văn hóa, KTĐP của người Chơ Ro ngày càng tăng vì sự gia tăng dân số nhanh chóng, đặc biệt là sự di cư của các nhóm dân tộc khác vào vùng tiếp cận tài nguyên của người Chơ Ro, tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng thị trường, môi trường ô nhiễm,… Nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, KTĐP của người Chơ Ro cần phải có thêm những nghiên cứu, sưu tầm và phải được tư liệu hóa bằng phim, hình ảnh và sách.
 Thực hiện thí điểm cơ chế chia sẻ trách nhiệm và các nguồn lợi trong trong quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng cho công đồng Chơ Ro ở xã Phú Lý
Qua kết quả nghiên cứu cho thấy, tài nguyên LSNG có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người Chơ Ro và các kiến thức khai thác sử dụng tài nguyên này nếu được quản lý, giám sát chặt chẽ sẽ không ảnh hưởng đến tài nguyên rừng. Chúng tôi kiến nghị cho thực hiện thí điểm với đối tượng là người dân tộc Chơ Ro và ưu tiên cho khai thác, sử dụng đối với một số lâm sản ngoài gỗ (thực vật) thuộc nhóm làm thực phẩm, làm thuốc, nguyên liệu phục vụ làm dụng cụ sinh hoạt có tầm quan trọng như kết quả điều tra, phạm vi thực hiện tại một số diện tích rừng thuộc phân khu phục hồi sinh thái của Khu Bảo tồn. Bên cạnh đó, người dân Chơ Ro phải có trách nhiệm bảo vệ diện tích rừng được giao và phải chịu sự giám sát của khu DTSQ. Áp dụng thí điểm cho khoảng 30 hộ người Chơ Ro ở xã Phú Lý, mỗi hộ được giao quản lý và khai thác bền vững khoảng 20 - 50 ha tài nguyên LSNG theo kết quả kiểm kê tài nguyên và sự thỏa thuận về phương thức quản lý khai thác giữa đơn vị chủ rừng, chính quyền địa phương và những hộ được chọn.
 
Thông qua dự án này chúng ta hi vọng góp một phần nhỏ bé vào công cuộc tìm kiếm, bảo tồn và phát huy những giá trị sử dụng tài nguyên truyền thống tốt đẹp đang có và đã bị mất đi của cộng đồng dân tộc Chơ ro trong công tác bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng sinh học  nói chung và tài nguyên về LSNG nói riêng.


[1] Trưởng phòng Bảo tồn và Hợp tác, Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai
[2] Điều phối chương trình Văn hóa, Văn phòng đại diện UNESCO tại Việt Nam
[3] Điều phối chương trình Khoa học, Văn phòng đại diện UNESCO tại Việt Nam
[4] Phó giám đốc, Trung tâm Môi trường và Phát triển cộng đồng; nguyên Q.cục trưởng Cục bảo tồn đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường
[5] Cựu cán bộ chương trình, Văn phòng đại diện UNESCO tại Việt Nam
 
 

Lượt xem: 1976

Các tin khác

Tri thức bản địa và sinh kế cộng đồng nhìn từ nguồn gen

(02/06/2014 01:59:PM)

Dãy Trường Sơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu

(28/05/2014 11:49:AM)

Bảo tồn sự đa dạng văn hóa-sinh học của các dân tộc trên dãy Trường Sơn

(23/05/2014 10:48:AM)

Có nên phát triển vùng trồng ba kích Tây Giang?

(22/05/2014 05:29:AM)

Mời dự Hội thảo khoa học về sản xuất sạch hơn

(28/03/2014 03:30:PM)

Thăm vùng thảm họa động đất – sóng thần ở Nhật Bản: Cuộc sống đã phục hồi (Phần cuối)

(22/03/2014 09:28:AM)

Thăm vùng thảm họa động đất – sóng thần ở Nhật Bản: Cuộc sống đã phục hồi (Phần 1)

(20/03/2014 08:56:PM)

Một số vấn đề trong nghiên cứu đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường ở các quốc gia Đông Bắc Á và khuyến nghị (Phần cuối)

(01/03/2014 03:29:PM)

Một số vấn đề trong nghiên cứu đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường ở các quốc gia Đông Bắc Á và khuyến nghị (Phần 2)

(27/02/2014 09:00:PM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE