Lễ phát động quốc gia hưởng ứng chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm nay sẽ được Bộ Tài nguyên & Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Thái Nguyên, Đại sứ quán Australia tổ chức tại Thái Nguyên vào sáng 24/9.
Hạn chế sử dụng túi nilon, sử dụng tiết kiệm nguyên liệu, trồng thêm nhiều cây xanh là những hoạt động mà Việt Nam sẽ thực hiện để
bảo vệ môi trường, cùng các quốc gia hưởng ứng chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn.
Tại lễ phát động, UBND tỉnh Thái Nguyên sẽ tổ chức trao giải cuộc thi bảo vệ môi trường cho học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh. Sau đó, các đại biểu và người dân của thành phố cùng trồng cây xanh và làm vệ sinh môi trường trên các tuyến đường; ra quân vệ sinh môi trường cấp quận/huyện để hưởng ứng thu gom rác, vớt rác trên kênh, mương thoát nước, nạo vét cống rãnh.
Nhân dịp này, Bộ Tài nguyên & Môi trường kêu gọi tổ chức, cá nhân cùng các địa phương trong cả nước có những hành động thiết thực
bảo vệ môi trường như: phân loại, tái chế, tái sử dụng chất thải, hạn chế sử dụng túi nilon, sử dụng tiết kiệm nguyên nhiên liệu. Ngoài ra nhiều hoạt động khác còn có: vệ sinh môi trường xung quanh gia đình, cơ quan, đường phố, công viên, khơi thông dòng chảy hay trồng thêm nhiều cây xanh.
Tại Lễ phát động UBND tỉnh Thái Nguyên cũng sẽ tổ chức trao giải Cuộc thi Video - Clip về bảo vệ môi trường cho các học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh.
Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn (gọi tắt là Chiến dịch) do Australia khởi xướng từ năm 1993 và được Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc phát động trên phạm vi toàn cầu, tổ chức vào tuần thứ 3 tháng 9 hàng năm.
Chiến dịch đã trở thành một
sự kiện môi trường quốc tế thường niên quan trọng, thu hút sự tham gia hưởng ứng của hàng trăm triệu người và hơn 130 quốc gia.
Việt Nam tham gia hưởng ứng Chiến dịch từ năm 1994. Đến nay, Chiến dịch đã được các bộ ngành, đoàn thể, địa phương và đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng thông qua nhiều hoạt động hiệu quả.
Theo thống kế, tổn thất do ô nhiễm môi trường tại Việt Nam hiện lên tới 5,5% GDP mỗi năm. Đồng thời mỗi năm Việt Nam thiệt hại 780 triệu USD vào các lĩnh vực sức khỏe cộng đồng vì
ô nhiễm môi trường.
Kinh nghiệm từ các nước phát triển cho thấy, quá trình phát triển kinh tế không quan tâm tới các vấn đề môi trường sẽ đưa lại hiệu quả kinh tế thấp, chi phí cho các hoạt động xử lý ô nhiễm sẽ cao hơn chi phí đầu tư cho các biện pháp kiểm soát ô nhiễm.