Không phải nói hậu nghĩa là sau đâu, nghĩa là không còn Sao La nữa ấy,điều mà nhiều người nghĩ nhưng không dám nói ra.Tôi muốn nói để làm sao điều đó không xảy ra.
Nguyễn Ngọc Sinh - VACNE
Kể từ khi khoa học phát hiện ra Sao La, mới có 20 năm trôi qua, vậy mà đàn Sao La đã mất đi hơn một nửa. Từ sau năm 2000 tới nay, chưa ai bắt gặp Sao La ở Thừa Thien - Huế nữa.Bẫy ảnh mãi,tìm dấu vết mãi, rồi mở rộng diện điều tra tìm kiếm, cũng bặt vô âm tín. Đã bảo Sao La là loài bí hiểm nhất thế giới mà. Mãi đến cuối năm 2011, người Lào mới lại bắt được 1 con. Khi các nhà khoa học đến nơi thì chỉ kịp nhìn Sao La hấp hối.
Khỏi phải nói, người Việt mình nhanh nhẹn có thừa. Cứ xem mấy người, cả già trẻ trai gái đi ô tô xe máy trên đường thì rõ ngay. Thế mà rất tiếc là cho đến nay chưa có hoạt động gì đúng tầm và kịp thời để cứu Sao La. Đúng và kịp còn chưa chắc đã cứu được, huống hồ lại chưa có thì nguy cấp lắm rồi. Một vài Khu bảo tồn Sao La ì ạch mãi cũng chưa hoạt động được như mong muốn. Ngay cả VACNE cũng mãi bây giời mới tổ chức được cuộc họp chuyên đề về Sao La . Nghe đâu một vài cuộc họp khác về chuyên đề này đều là của các dự án do nước ngoài tài trợ. May sao còn có được 01 đề tài NCKH của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật tổng quan về Sao La. Trong cái nguồn vốn khổng lồ 2% GDP chi cho khoa học và công nghệ hàng năm, cái đề tài Sao La kia được vỏn vẹn 200 triệu đồng cho 2 năm. Nghĩa là còn bề bộn trăm công nghìn việc khác, nên chỉ được vậy thôi.
Phải rồi, thế thì việc bàn về hậu Sao La của tôi đâu có gì là quá đáng. Chắc là tại vì chưa ai chứng minh được tại sao cứ nhất thiết phải gấp gáp bảo tồn Sao La. Các nhà khoa học thường rất kém thuyết minh chuyện này. Nếu thuyết phục được những người khác , ta đâu có thiếu tiền. Thử tính 2% GDP ra sẽ biết ngay. Sừng Sao La có quý như sừng Tê Giác không, thế mà Tê Giác còn tuyệt chủng. Thịt Sao La có ngon và nhiều hơn thịt Bò Tót không, thế mà có ai rối rít lên vì Bò Tót đâu. Nghe đâu ông giáo sư giỏi nhất bên VACNE và Hội Động vật học còn bảo rằng mỗi năm thế giới mất đi vài chục loài, thế nên nếu có mất thêm một vài loài nữa thì ảnh hưởng gì đến hòa bình thế giới mà lo. Nếu cần các vị khoa học nên xuất bản thêm một loại sách cảnh báo nữa, gọi là Sách Rất Đỏ chẳng hạn. Mình phải có tầm nhìn chiến lược như vậy mới được. Mà đã chiến lược là phải lựa chọn ưu tiên. Sao La có phải là ưu tiên cao nhất không. Các vị khoa học tự cho Sao La là biểu trưng biểu tượng này nọ, chứ có ai đã thuyết phuc được những người quan trọng nắm giữ hầu bao đâu.
Ừ nhỉ, thì ra lỗi thuộc về mấy vị khoa hoc, trong đó có VACNE. Không có tiền để điều tra nghiên cứu Sao La là do các vị không thuyết minh được. Không có tiền để bảo tồn Sao La là do các vị không biết cách xin. Không vận động được quốc tế tài trợ để giải cứu Sao La là do các vị đã kém ngoại ngừ lại không biết cách loby. Đạc biệt nhận thức của cộng đồng về Sao La còn quá kém là do tội lỗi cua các vị. Suốt ngày tranh luận, cãi nhau là đa dạng sinh học hay là đa dạng sinh vật, kiểm lâm đặt ở bộ này hay chuyển sang bộ kia, rồi cả chuyện cây này là muồng ngủ hay là lim muồng nữa chứ.
Đầu óc đâu mà tìm cách giải cứu Sao La. Cho nên nếu có hậu Sao La theo cách hiểu thông thường thì cũng là tất yếu thôi. Trong cuốn Khoa học về cảnh quan mà tôi dịch từ tiếng Nga 30 năm trước, Giáo sư Mins đã tiên đoán rằng, cuối cùng, trong các thành phố hiện đại, chỉ có 3 loài chung sống: loài chim sẻ, loài chuột cống và loài người văn minh. Chắc do tuổi già, Giáo sư quên mất là ở nước nọ, toàn dân tham gia diệt chim sè, còn ở rất nhiều nơi trên thế giới, con người tự tiêu diệt lẫn nhau. Hậu Sao La đã là gì đâu.
Quán Cà phê Môi trường, một ngày tháng 4/2012