Gia tăng hiệu quả lá chắn sinh học giảm thiểu tác động tiêu cực BĐKH đối với vùng cửa sông ven biển Đ.B.S.C.Long
Dải rừng ngập mặn vùng hệ thống các cửa sông Cửu Long và ven biển kế cận, từ Cửa Tiểu, Cửa Đại, Cửa Ba Lai, Cửa Hàm Luông, Cửa Cổ Chiên, Cửa Cung Hầu, Cửa Định An, Cửa Tranh Đề, Cửa Mỹ Thạnh, từ lâu đời vốn đã từng là “LÁ CHẮN THẦN KỲ”, ngăn chặn biết bao cơn công phá của thiên tai từ Biển Đông đổ vào châu thổ. Ông cha ta khai phá khẩn hoang mở ra vùng văn minh đồng bằng sông Cửu Long, không bao giờ quên vị thế ý nghĩa và giá trị thần kỳ của dải rừng lá chắn, giữ cho bền vững cuộc sinh tồn cộng đồng xã hội.
Võ Trí Chung
1)
Dải rừng ngập mặn ấy đã bị tàn phá hủy diệt trong thời kỳ chiến tranh, giai đoạn khốc liệt nhất từ 1961 đến 1969 từ những trận rải chất độc hóa học của không quân Mỹ, đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Bến Tre, còn kéo dài sang suốt năm 1970.
Một thời trống vắng dải rừng ngập mặn phòng hộ vùng ven biển cửa sông Cửu Long trong vòng một thập kỷ, từ sau 1970 đến 1980, cường triều, bão biển đông, xâm nhập mặn, bờ biển cửa sông sói lở, những thiên tai hoành hành cư dân và tàn phá kết quả canh tác.
Thành phố Hồ Chí Minh trên vùng lãnh thổ kế cận Đồng bằng Sông Cửu Long, năm 1978 mở đầu đại công trường phục hồi rừng ngập mặn Cần Giờ, vốn đã cùng chung số phận bị chất độc hóa học của không quân Mỹ tàn phá hủy diệt trong chiến tranh, tỉnh Bến Tre tiếp bước trồng lại rừng ngập mặn vào năm 1980. Dải đất ven biển phía đông miền Nam Bộ, vào năm 1980, từ vịnh Gành Rái qua vịnh Đồng Tranh, cửa sông Sài Gòn, Soài Rạp, xuống các cửa sông Cửu Long, rừng ngập mặn Cần Giờ, rừng ngập mặn Bình Đại, Thạnh Phú, Long Hòa, Mỹ Long Nam, sang tới Cù lao Dung, Long Phú, những “tấm khiên xanh” dựng lên từ những miền đất chết, dẫn đầu cho sự kiện phục hồi lá chắn thiên tai từ Biển Đông đổ vào Nam Bộ.
Dự án quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long VIE-87-031 1990 – 1993, thực hiện hợp tác quốc tế giữa Việt Nam và Chương trình phát triển Liên hiệp quốc UNDP với hỗ trợ của ngân hàng thế giới WB, “Rừng ngập mặn phòng hộ ven biển - cửa sông” là một hợp phần đặc biệt quan trọng đối với phát triển bền vững toàn vùng.
Dự án khôi phục rừng ngập mặn hợp tác quốc tế giữa Việt Nam và Hà Lan (1995 – 1998), lựa chọn 4 tỉnh thí điểm trên địa bàn ĐBSCL gồm Trà Vinh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau, trong kết quả khảo sát nghiên cứu, giai đoạn 1965 đến 1995 (từ 1961 đến 1970 rừng ngập mặn bị tàn phá hủy diệt do chất độc hóa học, 1971 đến 1995 rừng ngập mặn phục hồi tự nhiên khoảng 17% và được trồng lại khoảng 35% phần lớn rừng còn non) rừng chưa phát huy tác dụng phòng hộ bờ biển: trong thời kỳ này đất đai dải ven biển bị các tác động thiên tai từ Biển Đông (xói lở, sụt lún, nhấn chìm) trung bình mỗi năm lùi vào 15 mét.
Đầu năm 2008, tổ chức Quĩ quốc tế bảo tồn thiên nhiên (W.W.F) thực hiện một dự án thí điểm “Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu ở cấp tỉnh”, đã lấy tỉnh Cà Mau thực hiện (một tỉnh ĐBSCL có 2 mặt biển, Biển Đông và Biển Tây). Những nội dung nghiên cứu của dự án với sự phối hợp giữa quốc tế và quốc gia, các cấp chuyên môn và quản lý trung ương và địa phương, nhằm đánh giá sự tổn thương do biến đổi khí hậu và những tác động của nó đến phát triển kinh tế xã hội và môi trường của tỉnh, đề xuất các giải pháp phòng ngừa thiên tai, quản lý thích ứng, phát triển bền vững. Cơn bão LinDa năm 1997 quét qua địa bàn tỉnh Cà Mau, san phẳng nhiều ngôi làng, tàn phá đồng lúa đang vào mùa thu hoạch, cầu, đường, đê, cống bị phá hủy, hàng chục ngàn người không chỗ nương thân, thời kỳ này rừng ngập mặn phòng hộ chưa được phục hồi đáng kể, hệ thống đầm nuôi tôm đang phát triển ồ ạt. Những kịch bản được xây dựng trên cơ sở các mô hình nghiên cứu, nếu nước biển dâng lên 1 mét, dải rừng ngập mặn phòng hộ không đạt ngưỡng hiệu quả tối ưu, số người bị mất nhà trên vùng ven biển cửa sông Cửu Long sẽ trên 15.000, hàng ngàn hecta ruộng vườn bị xâm nhập mặn.
Ngày 24 tháng 11 năm 2008 tại TP.Hồ Chí Minh, một hội nghị khoa học về “Mở luồng tàu lớn cho ĐBSCLong”, xác định các giải pháp bền vững thực hiện quyết định 344/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc mở luồng tàu biển từ Biển Đông vào Kênh Quan Chánh Bố (địa bàn tỉnh Trà Vinh), cửa Định An Sông Hậu tới cảng Cái Cui TP.Cần Thơ (vận chuyển hàng hóa khối lượng 21 – 22 triệu tấn/năm giai đoạn 2010 đến 2020). Hệ thống rừng ngập mặn phòng hộ ven biển, rừng ngập nước chua phèn trên Láng Sắc (địa phận huyện duyên hải tỉnh Trà Vinh và huyện Long Phú tỉnh Sóc Trăng) sẽ trở thành những nhân tố phòng hộ bền vững cho luồng tàu lớn này trong tiến trình phát triển kinh tế xã hội của ĐBSCLong.
2) Dự án thí điểm nghiên cứu khoa học hợp tác quốc tế giữa Việt Nam và Quĩ quốc tế bảo tồn thiên nhiên W.W.F “Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu” (năm 2008), thực hiện trên địa bàn ĐBSCLong đã xác định một trong số giải pháp ứng phó hữu hiệu với những thiên tai do biến đổi khí hậu: “Phục hồi rừng ngập mặn là cực kỳ quan trọng”. Nếu chỉ gia cố đê biển và hệ thống thoát nước sẽ không thể đủ để tránh được các tác động do biến đổi khí hậu. Biện pháp hứa hẹn nhất là tận dụng chức năng phòng hộ của các hệ sinh thái tự nhiên. Các cánh rừng ngập mặn sẽ là vùng đệm tối ưu giúp nâng cao hiệu lực ngăn ngừa và giảm thiểu sức tàn phá của gió bão, cường triều, sóng lớn và nước biển dâng, đất đai xói lở, các cấu trúc sinh cảnh đa dạng sinh học bị hủy diệt.
Hiện nay xa lộ cao tốc TP.Hồ Chí Minh – Trung Lương đã khai chương, cầu Rạch Miễu, cầu Hàm Luông đã đưa tỉnh Bến Tre liên thông với vùng phát triển kinh tế trọng điểm phía nam mà trung tâm là TP.Hồ Chí Minh. Cầu Cổ Chiên đang thi công, cầu Đại Ngãi sẽ thi công trong tương lai gần, liên tỉnh lộ 60 sẽ trở thành quốc lộ duyên hải ĐBSCLong, đồng thời với xa lộ cao tốc Trung Lương – Long Thành (qua địa phận TP.Hồ Chí Minh tới Đồng Nai – Bà Rịa Vũng Tàu). Tuyến xa lộ duyên hải phía đông ĐBSCLong liên thông với vùng duyên hải Đông nam Bộ, song hành quốc lộ 1, vùng ven biển cửa sông Cửu Long sẽ phát triển kinh tế xã hội tốc độ nhanh và qui mô lớn ngay sau mốc thời gian 2015. Thực hiện kế hoạch chiến lược phát triển dải ven biển cửa sông xuyên suốt từ Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh, qua Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, TP.Cần Thơ, Sóc Trăng, không thể đảm bảo bền vững nếu bỏ qua vai trò phòng hộ tích cực của hệ thống rừng ngập mặn.
Trở lại với tỉnh Bến Tre, phần lãnh thổ chia dòng lớn nhất sông Tiền (dòng chính sông Mê Kông đổ ra Biển Đông), từ những nhánh sông cửa biển Cung Hầu, Cổ Chiên, Hàm Luông, Ba Lai, Cửa Đại, ra Biển Đông không quá 10 cây số tới những cồn nổi, cồn ngầm như cồn Dĩa, cồn Binh Tự, cồn Ngầm, cồn Ông Mười, cồn Ngô Năm, cồn Đậm, cồn Hổ v…v… Có nghĩa là, hệ thống cồn được tạo lập từ phù sa lưu vực sông Mê Kông do những tác động cộng hưởng dòng chảy, dòng hải lưu, chế độ hải văn ven bờ, sẽ hình thành rừng ngập mặn trên các cồn đất mới. Những loạt ảnh vệ tinh từng chu kỳ chụp từ những năm “70” đến nay (đang tiếp tục) thể hiện rõ hình thái kiến tạo vùng đất ven biển - cửa sông Cửu Long: lớp vành đai cồn nổi cồn chìm theo xu hướng động thái quai ra Biển Đông, sẽ xuất hiện những dải rừng ngập mặn trên đó.
Đất đai vùng châu thổ ven biển - cửa sông Cửu Long đã hình thành hàng triệu, hàng triệu năm nay từ qui luật động thái kiến tạo này. Rừng ngập mặn không chỉ tác động cộng hưởng với nhiều yếu tố thiên tạo để sinh ra miền đất mới, còn tiếp tục gìn giữ cho những miền đất mới được bền vững trước mọi công phá của thiên tai.
Chứng tích về những vành đai đất mới vùng ven biển Cửa sông Cửu Long lấn ra Biển Đông, theo chân những cánh rừng ngập mặn, rất đậm nét trên hệ thống địa danh “GIỒNG” cổ truyền:
Þ Trên địa phận tỉnh Bến Tre từ huyện Châu Thành xuống các huyện Giồng Trôm, Mỏ Cầy, Thạnh Phú, Ba Tri, Bình Đại gồm những Giồng Trôm, Giồng Tràm, Giồng Miễu, Giồng Rừng, Giồng Già, Giồng Nhỏ, Giồng Giá, Giồng Cả, Giồng Giếng, Giồng Cũ, Giồng Bông, Giồng Luông, Giồng Ông Hổ, Giồng Bà Tang, Giồng Mù U.
Þ Trên địa phận tỉnh Trà Vinh từ các huyện Càng Long, Cầu Kè, sang Châu Thành, Tiểu Cần, xuống Cầu Ngang, Trà Cú, Duyên Hải gồm những Đầu Giồng, Giồng Dầu, Giồng Lức, Giồng Cao, Giồng Giữa, Giồng Tranh, Giồng Dừa, Giồng Giếng, Giồng Tràm, Giồng Ổi, Giồng Cấy Sức.
Những Xóm ấp mới như Giồng Ông Neo, Giồng Cả, Giồng Cũ, Cồn Kẻm, Xóm Đáy, Xóm Hai Hổ, Cồn Nghêu, hạt nhân quần cư dựa vào rừng ngập mặn trù phú lập nên các xã cửa sông ven biển rất đặc trưng: Thừa Đức, Thanh Phước, Thới Thuận của huyện Bình Đại tỉnh Bến Tre.
Qui luật kiến tạo địa lý địa chất không dừng lại theo thời gian, tiến trình phát triển kinh tế - xã hội – văn hóa liên tục tiếp diễn, những cánh rừng ngập mặn vùng ven biển - cửa sông Cửu Long thể hiện vai trò phòng hộ, nhân tố nổi trội duy trì sự bền vững toàn vùng, lịch sử tự nhiên cũng như lịch sử xã hội nhân văn minh chứng ý nghĩa và giá trị của “LÁ CHẮN SINH HỌC” này.
3) Hệ thống cửa sông Cửu Long dày đặc, rộng lớn vào bậc nhất nước ta và Đông Nam Á, trong quần thể rừng ngập mặn phân bố ven biển vào sâu các cửa sông, những loài cây Mắm, Đước, Bần và nhiều loài khác, thảm thực vật rừng phong phú, đặc trưng. Loài cây bần phát triển mạnh, ưu hợp trên vùng đất bùn cát ven cửa sông, độ mặn nước không cao, ngả sang lợ và lũ từ nguồn Mê Kông đổ về ngập tràn mùa nước nổi. Cây bần vùng cửa sông Cửu Long to lớn hơn nhiều cây bần vùng cửa sông Hồng. Rừng bần có tác dụng phòng hộ đa năng vùng cửa sông. Cây bần tái sinh tự nhiên không kịp đạt yêu cầu thành rừng phòng hộ trong tiến trình phát triển bền vững hiện nay ở các vùng cửa sông, phải đồng hành với trồng rừng. Tỉnh Trà Vinh đã cử người ra TP.Hải Phòng trao đổi kinh nghiệm trồng rừng bần vùng cửa sông – ven biển, đặc biệt ở huyện Tiên Lãng (trồng rừng bần thành công hơn cả).
Rừng ngập mặn thực sự trở thành “LÁ CHẮN SINH HỌC” vùng ven biển - cửa sông Cửu Long trong tiến trình phát triển bền vững, với các phương thức gia tăng hiệu quả phòng hộ đa năng:
Þ Phát triển rừng theo cả hai giải pháp lâm sinh trồng và tái sinh tự nhiên.
Þ Xúc tiến tái sinh những loài cây ưu thế, cấu trúc đa dạng lâm phần.
Þ Tăng cường quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt.
Þ Qui hoạch phát triển hệ thống rừng ngập mặn trong qui hoạch chiến lược phát triển bền vững ĐBSC Long, đặc biệt đối với vùng ven biển - cửa sông.
Þ Xác định những giải pháp phát huy vị thế và các giá trị phòng hộ của rừng ngập mặn ở từng địa phương, từng khu vực, đối với gió bão, cường triều, sóng đập, lũ tràn, xâm nhập mặn, nước biển dâng, vân …vân.
· Xây dựng, phát triển và bảo vệ nghiêm ngặt hệ thống rừng ngập mặn phòng hộ ven biển - cửa sông Cửu Long, thực sự là LÁ CHẮN SINH HỌC của tiến trình phát triển bền vững toàn vùng ĐBSC Long, trước hết thuộc về cộng đồng đối với giá trị thiên nhiên và những truyền thống văn hóa lịch sử địa phương.
Mục tiêu và tôn chỉ của tổ chức giáo dục – khoa học – văn hóa (UNESCO) đối với “CHƯƠNG TRÌNH CON NGƯỜI VÀ SINH QUYỂN” trong chiến lược xây dựng hệ thống KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN toàn cầu, không ngoài tích cực phát huy đồng thời BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ CÁC DI SẢN VĂN HÓA LỊCH SỬ BẢN SẮC TRUYỀN THỐNG cùng với PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG KINH TẾ XÃ HỘI, đem lại lợi ích dân sinh đích thực.
Đến nay ở nước ta đã có 8 Khu dự trữ sinh quyển trong hệ thống dự trữ sinh quyển thế giới, trong đó có tới 6 Khu ở vị trí ven biển - cửa sông (Quần đảo Cát Bà trên Vịnh Bắc Bộ, Ven biển - Cửa Sông Hồng, Hội An – Cù Lao Tràm, Cần Giờ bên cửa sông Sài Gòn – Soài Rạp, Cà Mau và Kiên Giang).
Quốc tế đánh giá cao kết quả hành động chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, với 6 khu dự trữ sinh quyển vùng ven biển - cửa sông được hình thành, không khác gì hệ thống lá chắn sinh học đón đầu những thử thách của thiên tai trong thiên niên kỷ xuất hiện nhiều biến động.
Một khu dự trữ sinh quyển được xây dựng trong tương lai gần trên vùng ven biển - Cửa Sông Cửu Long, thực hiện các mục tiêu bảo tồn và phát triển bền vững toàn vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long, góp phần tích cực gia tăng những hiệu quả phòng hộ của LÁ CHẮN SINH HỌC, từ bờ biển Đông sang biển Tây của miền Tây Nam Bộ ./.