Sử dụng khái niệm nước ảo, buôn bán nước ảo sẽ giúp chúng ta có cơ sở khoa học và thực tế hơn, từ đó giảm áp lực về nước trong kế hoạch dài hạn và bảo vệ chống ô nhiễm nguồn nước.
Nước ảo có vai trò quan trọng trong việc đánh giá hiệu quả sản xuất của sản phẩm, đồng thời giúp tiết kiệm tài nguyên nước và các chi phí đi kèm như cải tiến công nghệ hay phát triển cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, đến nay vận dụng “nước ảo” vào
quản lý tài nguyên nước vẫn còn là một khái niệm mới với Việt Nam.
Theo ông Lương Hữu Dũng, viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường, hiện nay trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu về nước ảo và cán cân trao đổi buôn bán nước ảo giữa các quốc gia và châu lục.
Theo các nghiên cứu đó, nước ảo là lượng nước được sử dụng trong quá trình sản xuất sản phẩm hoặc dịch vụ, chứ không thực sự tồn tại trong sản phẩm; và việc buôn bán, trao đổi sản phẩm cũng chính là buôn bán, trao đổi nước dưới dạng ảo. Ví dụ đối với gạo, nước ảo chính là lượng nước cần thiết để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm (1 tấn gạo), mà không phải lượng nước thực sự tồn tại trong 1 tấn gạo đó.
Chính nhờ hoạt động buôn bán trao đổi hàng hóa này, các quốc gia và lãnh thổ khan hiếm nguồn nước có thể giải quyết được các vấn đề về an ninh nguồn nước và an ninh lương thực.
Dựa vào nước ảo để tính toán sản xuất hiệu quả
Ông Dũng cho biết, nước ảo có vai trò quan trọng trong việc đánh giá hiệu quả sản xuất của sản phẩm. Một vùng được coi là sử dụng nước hiệu quả nếu vùng đó có sách lược để tiết kiệm tài nguyên nước nhất, có nghĩa nếu khan hiếm nước thì thay vì sản xuất các loại nông sản cần nhiều nước, thì vùng tiến hành nhập khẩu loại nông sản này từ một nơi khác có tài nguyên nước dồi dào hơn. Việc này không những tiết kiệm tài nguyên nước, mà còn tiết kiệm các chi phí đi kèm, như: cải tiến công nghệ hay phát triển cơ sở hạ tầng.
Tính toán nước ảo trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam cho 3 loại nông sản là lúa gạo (gạo trắng), ngô (ngô hạt) và cà phê (hạt) cho 3 năm 2006-2008 của nhóm tác giả Lương Hữu Dũng cho thấy, các vùng Đồng bằng Bắc Bộ, Trung du và miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ đặc biệt là vùng Đông Nam Bộ là vùng nhập nước ảo trong nông sản nhiều nhất. Điều này có nghĩa, đây là những vùng khan hiếm/căng thẳng về nước.
Theo tính toán lượng nước ảo nhập của ba loại sản phẩm lúa gạo, cà phê, ngô của vùng Đông Nam bộ là 6.322 106m3 và lượng nước ảo dùng trong sản xuất 3 loại nông sản tại vùng này là 3.812 106m3 (lượng nước ảo nhập chiếm hơn 166% lượng nước ảo được sử dụng để sản xuất nông sản).
Trong khi đó, hai vùng Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long là những vùng xuất nước ảo trong nông sản với lượng nước ảo xuất chiếm gần 70% tổng lượng nước ảo.
Nước ô nhiễm qua quá trình sản xuất là một trong những yếu tố giúp đánh giá đúng chi phí để sản xuất ra sản phẩm và định “thuế nước”
Quản lý tài nguyên nước qua nước ảo còn mới ở VN
Theo ông Dũng, ở Việt Nam, nước ảo vẫn còn là một khái niệm khá mới và chưa có nhiều nghiên cứu chuyên sâu cũng như tính toán cụ thể. Việc vận dụng khái niệm nước ảo vào quản lý tài nguyên nước mới chỉ là những định hướng bước đầu. Ví dụ, định hướng xem xét nước ảo trong tính toán chi phí sẽ giúp đánh giá đúng chi phí để sản xuất ra sản phẩm và định “thuế nước” sẽ có cơ sở thuyết phục hơn…
Tuy nhiên, thực tế Việt Nam lại là nước đã và đang xuất đi một lượng nước rất lớn mỗi năm, trong khi chúng ta lại đang phải đối đầu với những thách thức lớn về tài nguyên nước.
“Do vậy, sử dụng khái niệm nước ảo, buôn bán nước ảo và dấu ấn nước (là tổng lượng nước bốc hơi, tiêu hao và ô nhiễm - được sử dụng trong tất cả các khâu sản xuất để tạo ra sản phẩm); cũng như việc tính toán lượng nước ảo và dấu ấn nước trong công tác quy hoạch khai thác sử dụng nước, hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội, sẽ giúp chúng ta có cơ sở khoa học và thực tế hơn, từ đó giảm áp lực về nước trong kế hoạch dài hạn và bảo vệ chống ô nhiễm nguồn nước”, ông Dũng nói.
Việc phân tích, đánh giá tài nguyên nước trên quan điểm nước ảo (dấu ấn nước) cũng sẽ giúp các nhà hoạch định có cái nhìn đầy đủ về thực trạng sử dụng nước của các lĩnh vực, ngành nghề, để từ đó đưa ra những chính sách quản lý phù hợp, nhằm sử dụng bền vững và hiệu quả nguồn tài nguyên nước.