quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024

Bài học xanh

Thứ Bảy, 06/12/2014 | 01:42:00 PM

Vào sáng thứ hai mỗi tuần, trong giờ chào cờ, học sinh (HS) toàn trường ngồi nghe thầy cô giảng về chủ quyền biển đảo, biết được vị trí của quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, vai trò và ý nghĩa của vùng biển, hải đảo Việt Nam và gần gũi, thiết thực hơn là những câu chuyện về cụm đảo Cù Lao Chàm – nơi mà các em đang sinh sống... Đây được xem là những “bài học xanh” mà các trường học trên xã đảo Tân Hiệp (TP Hội An, Quảng Nam) đã triển khai trong thời gian qua.

 

GIÁO VIÊN, HỌC SINH HỨNG THÚ

Theo thông tin từ Phòng GD&ĐT TP Hội An (Quảng Nam), từ năm 2007, cả hai bậc học TH và THCS trên xã đảo Tân Hiệp đều đã đưa bộ tài liệu học tập “Đa dạng sinh học và môi trường biển” do BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm biên soạn vào giảng dạy. Chương trình có thời lượng giảng dạy 12 tiết dành cho HS từ lớp 3 đến lớp 6 và có khối lượng kiến thức tăng dần qua các cấp học. Nội dung của tài liệu gồm 12 chủ đề về “Tầm quan trọng của biển và tài nguyên nước”; “Thông tin về khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm và lợi ích”; “Đa dạng sinh học và đa dạng sinh học biển”; “Chuỗi thức ăn”; “Rừng ngập mặn”; “Thảm cỏ biển”; “Rạn san hô”; “Các mối đe dọa đối với hệ sinh thái tại khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm”; “Quy chế quản lý tạm thời khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm”; “Rác thải”; “Các hoạt động đánh bắt và nuôi trồng thủy sản trong khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm” và “Khám phá thiên nhiên”.
 

Ban giám hiệu Trường TH Tân Hiệp cho biết, với đặc thù là một trường học thuộc xã đảo, công tác dạy học mang những nét riêng. Trong đó có 2 nội dung trọng tâm luôn được nhà trường chú trọng đó là giáo dục về lòng yêu quê hương đất nước, giúp HS hiểu được chủ quyền biển đảo và bảo vệ môi trường thiên nhiên. Đây là môn học tự chọn do giáo viên nhà trường trực tiếp giảng dạy. Nội dung học gần gũi với cuộc sống nên các em rất hào hứng tham gia, tiết học lúc nào cũng thu hút HS.
 

Cô giáo Nguyễn Thị Thuận, Phó Hiệu trưởng Trường TH Tân Hiệp lý giải: “Do có điều kiện tự nhiên khá lý thú, rừng núi gắn với biển đảo, hằng ngày HS đều tiếp xúc gần gũi với môi trường thiên nhiên, chính vì vậy khi triển khai môn học này có rất nhiều thuận lợi. Thông qua môn học này, các em có được cái nhìn tổng quan và hiểu được đầy đủ vai trò, vị trí của từng loài trong hệ động thực vật phong phú trên đảo. Chẳng hạn, các em sẽ nắm được kiến thức về quá trình sinh sống của loài chim yến quý hiếm; xác định được những khu vực nào trên đảo có bãi cỏ biển, rạn san hô, rong biển; các loài cá, giáp xác đặc trưng quanh đảo. Từ đó giúp nâng cao ý thức của học sinh về việc bảo vệ môi trường xung quanh, trong đó có môi trường biển”.
 

Tập thể cán bộ, giáo viên, học sinh trên đảo Cù Lao Chàm luôn là những người đi đầu trong thực hiện các chủ trương đường lối của chính quyền địa phương và Không sử dụng túi nilon là một trong những hoạt động được trường học thực hiện tốt, có hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng xã hội.


CHUNG TAY BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Theo thầy giáo Nguyễn Văn Thanh, Hiệu trưởng Trường THCS Quang Trung, khi môn học này được đưa vào giảng dạy ở trong trường không chỉ HS hứng thú học tập, mà giáo viên rất đồng tình hưởng ứng. Những kiến thức về “Đa dạng sinh học và môi trường biển” đều được các thầy cô giáo bộ môn "mềm hóa" thông qua những trò chơi, lồng ghép vào hoạt động ngoài giờ những chuyến dã ngoại quanh đảo.

Thầy Thanh bày tỏ: “Hiện nay, vấn đề bảo vệ môi trường đang được cả xã hội quan tâm; chính vì thế nhà trường cũng phải thấy được trách nhiệm của mình. Việc các trường học đưa nội dung này vào giảng dạy không chỉ hưởng ứng Chỉ thị của Bộ GD&ĐT phát động phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, mà còn thể hiện tinh thần đi đầu trong việc thực hiện các chủ trương của chính quyền địa phương”.
 

Cô Hồ Thị Đào, Hiệu trưởng Trường TH Tân Hiệp chia sẻ: “Có thể thấy rằng, các em HS vừa là đối tượng trực tiếp gây ô nhiễm môi trường và cũng là người trực tiếp tuyên truyền và bảo vệ môi trường. Qua thực tế triển khai và kết quả thu nhận được cho thấy nếu nhà trường thực hiện tốt không chỉ mang lại hiệu ứng giáo dục cao đối với các em HS, mà giáo viên, HS trở thành những tuyên truyền viên tích cực trong công tác bảo vệ môi trường tại gia đình và cộng đồng”.

Một minh chứng rõ ràng nhất cho hiệu quả của chương trình học tập này là việc xây dựng thành công “xã đảo không túi ni lông” có hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội.
 

Tuy nhiên, trước áp lực ô nhiễm môi trường ngày càng lớn đối với môi trường biển đảo, nhiều cán bộ, giáo viên bày tỏ lo lắng, bởi trong khi nhà trường dạy cho HS ý thức bảo vệ môi trường, thì thực trạng gây ô nhiễm môi trường sống và thiên nhiên trên đảo đang bị xâm hại nghiêm trọng.

Môi trường sống đang ngày bị ô nhiễm, nhất là với lượng rác thải mỗi ngày rất lớn, ruồi muỗi phát sinh ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân trên đảo. Trước thực trạng đó, BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cũng tỏ ra lo ngại và cho rằng công tác bảo vệ môi trường ở Cù Lao Chàm đang thực sự là một thách thức.
 

Bà Trần Thị Hồng Thúy, Giám đốc BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho hay, với những hiệu quả thiết thực mang lại khi đưa nội dung “Đa dạng sinh học và môi trường biển” vào giảng dạy cho học sinh, trong thời gian tới, Ban quản lý Khu bảo tồn biển sẽ tiếp tục phối hợp với các trường học tập trung trang bị cho các em những kiến thức liên quan đến vấn đề về môi trường mới nảy sinh trên xã đảo cho HS. Tuy nhiên, để điều này phát huy được lợi ích thì cần sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương, cùng các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ môi trường, ngăn chặn sự suy kiệt về tài nguyên thiên nhiên, góp phần nâng cao nhận thức của HS, người dân trên đảo.

Theo Đại Khải (Báo Công an TP Đà Nẵng)

Lượt xem: 3165

Các tin khác

Bình Thuận: Mặt trận huyện Phú Quý vận động nhân dân, du khách tham gia bảo vệ môi trường biển

(17/01/2025 09:32:AM)

Đắk Lắk: Buôn Ma Thuột - Kết nối và phát triển không gian xanh

(10/01/2025 08:35:AM)

Quảng Nam tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học và động vật hoang dã

(10/01/2025 08:30:AM)

Triển vọng rừng nhiệt đới 2025: Những câu chuyện đáng chú ý khi năm mới bắt đầu

(09/01/2025 09:25:AM)

Bẫy ảnh bất ngờ ghi nhận nhiều động vật quý hiếm tại khu bảo tồn ở Quảng Nam

(08/01/2025 08:38:AM)

Nhiều điểm nhấn trong công tác bảo vệ môi trường ở tỉnh Sóc Trăng

(31/12/2024 08:09:AM)

Tin gió mùa đông bắc mới nhất: Ngày mai, nhiều nơi có mưa to đến rất to

(24/12/2024 06:05:PM)

Đánh giá mức độ phù hợp tiêu chí Vườn di sản của ASEAN trong bối cảnh mới

(20/12/2024 08:33:AM)

Hoa và Rác: Động lòng người dân xứ Huế

(19/12/2024 07:36:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE