quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
HỘI THẢO KH

(Viettinnhanh): Cần chung tay bảo vệ vườn Quốc gia Ba Vì

Thứ Tư, 21/12/2011 | 02:50:00 PM

Ngày 20/12 tại Hà Nội, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACNE) tổ chức Hội thảo "Đánh giá thực trạng và kiến nghị các giải pháp bảo vệ môi trường vườn quốc gia Ba Vì".


 

 

Hội thảo đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều nhà khoa học, đại diện chính quyền địa phương và Vườn quốc gia Ba Vì (VQGBV) với nhiều ý kiến phát biểu thẳng thắn, trách nhiệm nhằm giải tỏa những bức xúc mà dư luận lên tiếng trong thời gian gần đây.

 

TS. Nguyễn Ngọc Sinh – Chủ tịch VACNE chủ trì Hội thảo (Ảnh XT).

 

VQGBV tiền thân là rừng cấm Quốc gia Ba Vì được thành lập từ năm 1991, bao gồm vùng đất giáp ranh giữa Hà Nội và Hòa Bình, trực thuộc Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn. Phạm vi VQGBV thuộc địa phận Hà Nội, được bao quanh bởi 7 xã vùng đệm – thuộc quản lý của huyện Ba Vì, có trên 60 ngàn dân gồm 3 dân tộc: Mường (65%), Kinh (33%), Dao (2%); rộng 19 ngàn ha với đường chu vi dài 25 km.

 

Tại Hội thảo, các ý kiến tham luận có đồng quan điểm đánh giá VQG Ba Vì không chỉ là tài sản quý của Hà Nội, mà là của cả nước, không chỉ về sự đa dạng sinh học, mà còn đạm nét văn hóa, lịch sử và tâm linh, cần được chung tay bảo vệ của cả cộng đồng.

Nhiều ý kiến tham luận sôi nổi, đưa ra dẫn chứng thực tế và luận cứ khoa học, tâm huyết, đề nghị cơ quan chức năng đình chỉ ngay việc xây dựng đập trữ nước Đồng Xô trên địa bàn xã Vân Hòa, xử lý nghiêm việc phá rừng nguyên sinh, bảo vệ thảm thực vật, tuyệt đối không được đụng đến vùng lõi của rừng quốc gia Ba Vì...

Một số ý kiến cho rằng, cần có cuộc điều tra cụ thể mức độ vi phạm, sau đó kiến nghị lên cấp cao hơn để có các giải pháp bảo vệ. Cũng có ý kiến cho rằng, việc xâm hại rừng quốc gia Ba Vì phần lớn do người dân bản địa khai thác đất rừng bừa bãi…

Các nhà khoa học đề nghị, khi xây dựng bất kỳ một công trình nào trên phạm vi núi Ba Vì cần tính toán kỹ lưỡng, tránh ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và "vùng đất tổ linh thiêng".

Theo TS. Lê Hoàng Lan - Ủy viên Ban Phản biện xã hội, VACNE, “Với một rừng Quốc gia có phân khu, rộng như vậy, nhưng thực trạng đang diễn biến nhiều vấn đề như khai thác khoáng sản trong cả vùng lõi và vùng đệm. Bên cạnh đó là việc xây dựng đền Trung đặt ra nhiều vấn đề sinh thái để cùng nhau tìm giải pháp, chung tay góp sức cứu VQGBV”.

Tham luận tại Hội thảo, TS. Lê Hoàng Lan cho rằng: “Trong khai thác khoáng sản, dư luận bức xúc nhất là tình trạng khai thác vàng trái phép, xây đập nước Đồng Xô của Công ty Bình Minh. Dư luận cho rằng doanh nghiệp Bình Minh đã quá tận thu để khai thác vàng”.

Theo đó, TS. Lan kiến nghị: “Ba Vì là vùng căn cứ địa cách mạng, vùng đất linh thiêng có nhiều giá trị về văn hóa, lịch sử từ ngàn đời nay đã di vào truyền thuyết, cần được tôn tạo, bảo vệ để Ba Vì trở thành một công viên địa chất cấp quốc tế, phục vụ nghiên cứu khoa học và kinh tế du lịch…”.

Được biết, trước đó, như phản ánh của các nhà khoa học và dư luận bức xúc về thực trạng VQGBV, để chuẩn bị cơ sở cho Hội thảo này, VACNE đã nhiều lần tổ chức các đoàn khảo sát, đánh giá thực trạng khai thác tài nguyên nước, khoáng sản và bảo vệ môi trường ở vùng đệm VQGBV (Hà Nội); đồng thời chủ trì tổ chức và phối hợp với ban, ngành chức năng tổ chức các buổi tọa đàm, lấy ý kiến đánh giá của các chuyên gia và cộng đồng trên địa bàn về vấn đề này.

Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng của VACNE, nhằm thực hiện nhiệm vụ tư vấn phản biện “Đánh giá thực trạng và kiến nghị các giải pháp bảo vệ môi trường Vườn Quốc gia Ba Vì” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) giao phó.

Tháng 11/2011, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch VACNE cùng các chuyên gia đã khảo sát thực địa và có buổi làm việc với chính quyền, một số doanh nghiệp trên địa bàn và cộng đồng dân cư tại địa phương. Cụ thể là UBND huyện,Vườn Quốc gia Ba Vì, khảo sát các vùng khai thác khoáng sản như Pirite Minh Quang, dự án đập Đồng Xô…

Tại buổi làm việc với UBND huyện Ba Vì (ngày 23/11/2011) đoàn cán bộ của VACNE đã trao đổi thẳng thắn với chính quyền và doanh nghiệp địa phương về ảnh hưởng của các hoạt động du lịch dịch vụ giải trí đối với môi trường vùng đệm và vùng lõi VQG Ba Vì; ảnh hưởng của việc xây dựng đường giao thông và khu di tích Đền Trung đến cảnh quan môi trường vùng lõi VQG Ba Vì. Đặc biệt, các vấn đề nhạy cảm về môi trường đang gây bức xúc cho dân cư trên địa bàn và được công luận quan tâm trong suốt thời gian gần đây. Cụ thể là ảnh hưởng của các hoạt động khai thác A-mi-ăng ở Xóm Quýt, mỏ pyrite ở xã Minh Quang, Ba Trại, khai thác vàng ở Đồng Xô, đá vôi ở Núi Chẽ và dự án xây đập Đồng Xô…đến môi trường. Từ đó, đưa ra định hướng Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương; giải quyết các vấn đề bức xúc về môi trường khu vực VQG và toàn khu vực huyện Ba Vì.

 

Hội thảo đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều nhà khoa học, cơ quan báo, đài và đại diện VQG Ba Vì. (Ảnh Xuân Thắng)

Mỏ pyrite Minh Quang đã bỏ hoang gần chục năm, đất đá, quặng thải vẫn nằm phơi trên mặt địa hình. Nước thải mỏ đỏ như máu do giàu sắt và axit sulphuric. (Ảnh VACNE - Đợt khảo sát tại Mỏ pirite Minh Quang, tháng 11/2011).

Khảo sát công trường xây dựng đập Đồng Xô, 11/2011. (Ảnh VACNE).

 

Huyền Phương

(Viettinnhanh)


Lượt xem: 2926

Các tin khác

Tri thức bản địa và sinh kế cộng đồng nhìn từ nguồn gen

(02/06/2014 01:59:PM)

Dãy Trường Sơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu

(28/05/2014 11:49:AM)

Bảo tồn sự đa dạng văn hóa-sinh học của các dân tộc trên dãy Trường Sơn

(23/05/2014 10:48:AM)

Có nên phát triển vùng trồng ba kích Tây Giang?

(22/05/2014 05:29:AM)

Mời dự Hội thảo khoa học về sản xuất sạch hơn

(28/03/2014 03:30:PM)

Thăm vùng thảm họa động đất – sóng thần ở Nhật Bản: Cuộc sống đã phục hồi (Phần cuối)

(22/03/2014 09:28:AM)

Thăm vùng thảm họa động đất – sóng thần ở Nhật Bản: Cuộc sống đã phục hồi (Phần 1)

(20/03/2014 08:56:PM)

Một số vấn đề trong nghiên cứu đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường ở các quốc gia Đông Bắc Á và khuyến nghị (Phần cuối)

(01/03/2014 03:29:PM)

Một số vấn đề trong nghiên cứu đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường ở các quốc gia Đông Bắc Á và khuyến nghị (Phần 2)

(27/02/2014 09:00:PM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE