“To be or not to be”, lời độc thoại của hoàng tử xứ Đan Mạch Hamlet đã được dịch ra nhiều thứ tiếng.
Nguyễn Ngọc Sinh – VACNE
Có người dịch ra tiếng Việt là “Sống hay chết”, “Tồn tại hay không tồn tại”. Đấy là trong vở kịch thôi. Còn ngoài đời, ở vỉa hè, có người tếu là “Tu bia hay không Tu bia”. Trong hoàn cảnh Tản mạn Môi trường của VACNE, có người dịch bừa là “Xuất bản hay không xuất bản”. Lại còn viện cả tiếng Nga ra, viết bằng bảng chữ cái tiếng ta là “bưt ili nhe bưt”. Thôi thì đành chịu, cãi sao được mấy cái ông tôn vinh Hoa Chuối là Quốc Hoa cơ chứ.
Ý là thế này. Sau khi ấn phẩm Việt Nam Xanh của Hội ra được 24 số trong 3 năm 1997 – 1999, không làm sao xin được giấy phép để ra tiếp. Xem lại nội dung thấy nghiêm chỉnh, hình thức có thể nói là đẹp. Bối cảnh chung thì các hội ra tạp chí, bản tin ầm ầm. Mà mình thì không xin được. Cũng gặp gỡ, công văn, thay người liên hệ, đổi Tổng Biên tập. Vẫn không được. Hết cả nhuệ khí. May quá, thời IT, mới ra được trang Web này. Người viết chẳng có, được ông kỹ thuật viên thì bảo thế này, ông ấy làm thế khác. Cùng lắm nhăn nhở, đã sửa rồi cơ mà. Liếc trộm thấy Tổng Biên tập sắp cáu, liền vớ lấy điện thoại, hỏi đằng Máy chủ xem có vấn đề gì không, sao tôi sửa rồi mà máy vẫn để nguyên. Rồi quay sang Tổng Biên tập, đấy, lỗi tại Máy chủ, họ bảo thế. Tổng Biên tập ngán ngẩm, cậu đã bấm số gọi đâu mà có câu trả lời. Điêu toa vừa vừa chứ.
Nhưng rồi cũng ra được trang web. Mỗi ngày cũng có vài nghìn lượt người truy cập, mà nếu tính theo kiểu hit hop như một vài báo nào đó tính, có khi cũng được dăm chục nghìn lượt người/ngày chứ chẳng phải ít đâu. Nếu đông quân, cài tất cả Email của nhân viên vào web, có mà lên cả triệu ấy. Nghiêm chỉnh chứ không phải gian lận gì đâu. Đặc biệt đông người đọc là từ khi có mục “Tản mạn Môi trường”. Ai cũng nghĩ vậy, nhưng chưa có phép đo nào. Thế là Tản mạn bị xì can đan ngay. Ai là người viết Tản mạn nào. Có vẻ ít người viết, nhưng số lượng tên thì cũng kha khá. Xì can đan ở chỗ là nhiều người phân tích khía cạnh văn vẻ trình bày, thấy nếu không nhận là ít người viết thì cũng phải nhận là có lắm kẻ đạo văn. Đằng nào cũng là tội, là sự cố, tai nạn. Cuộc thảo luận làm thế nào để có nhiều tác giả, để cho “Tản mạn nơi nơi, càng nhiều Tản mạn cuộc đời càng xuân”.
Thế là mỗi người một ý. VACNE có trên 150 hội viên tập thể, là hội xuất phát khoa học kỹ thuật, nhưng bây giờ kết nạp rộng rãi cộng đồng là doanh nhân, nhà báo, họa sỹ, nhà văn, sinh viên, nhà giáo,… Đang xem xét kết nạp cả chục người nước ngoài đã nộp đơn. Mỗi người một ý, ai cũng muốn đóng góp cho Tản mạn một hạt sạn, một cọng rơm để giãi bày tâm sự môi trường. Vậy nhưng có người chỉ biết vẽ, chỉ biết viết truyện, viết tiểu thuyết, có người chỉ làm báo khoa học. Mà môi trường thì là tất cả rồi, đố ai chứng minh được cái gì không phải môi trường. Nhưng thể hiện thì khác nhau, làm sao cho vào Tản mạn được.
Lúc hăng lên, có người kể chuyện rằng, mấy vị về hưu ở một khu nọ, to có nhỏ có, tháng nào cũng gặp nhau ít nhất 1 lần. Họp mãi, lần nào cũng như lần nào, hết cà phê cà pháo lại cao lâu chè tàu, râm ran chuyện bên Mỹ bên Phi, chuyện nhà chuyện cửa. Chán quá, có vị nảy sáng kiến, làm thơ. Rồi để lấy đà, vị này nảy sáng tác và xuất bản liền chục bài, sau đó tháng nào cũng bổ sung vài bài nữa. Dần dà, ai cũng sáng tác, cũng xuất bản. Chất lượng thơ na ná như nhau, nghĩa là khá vần, đôi lúc con cóc, đôi lúc bút tre, đặc biệt có vài bài ai cũng trầm trồ, mặc dù có người nghi là đạo kiểu gì đó. Rồi họ xuất bản tập I, tập II. Bìa cứng hẳn hoi. Thuê thiết kế bìa. Tác giả được trưng ảnh, có vị đỏ ngực huân chương, lý lịch rút gọn rồi vẫn dài, có khi dài hơn cả bài thơ được đăng. Rồi rất thiện chí, họ cử người đến từng nhà tặng hẳn 2 tập. Quý hóa quá. Có chủ nhà nọ hào hứng xem ngay mục lục. Chà chà, cả trăm nhà thơ. Này, thưa các bác, thế cái ông nhà thơ họ Vũ bên cạnh không có bài nào à. Không, một ông dứt khoát, tay này không phải là thành viên câu lạc bộ thơ của khu ta, chúng tôi không kết nạp. Dạ, hiểu rồi. Vô địch thế giới, nhưng chỉ thứ nhì Đông Dương, huân chương đồng Việt Nam, còn hạng bét giải khu phố. Quá hay.
Thấy vậy, một hội viên khác liên hệ sang chuyện Hồ Gươm, lại chuyện rùa, nhưng hơi khác. Vị này có vẻ chuyên ngành kiểm soát ô nhiễm kể rằng, hồi trước có phương án làm sạch hồ Gươm, nhưng những người quan tâm nhất đến Rùa Hồ Gươm lại cho rằng không được, ai bảo hồ Gươm ô nhiễm, có mà lại nhăm nhe mục đích gì khác thì có. Thấy vậy, những người chủ trương làm sạch hồ Gươm yêu cầu nhà khoa học chứng minh xem, tại sao lại nói hồ Gươm không ô nhiễm. Còn cách làm sạch lại là chuyện khác. Thế mà không được làm sạch thật, và rồi luôn bị lên án là sao lại để hồ Gươm bẩn thế. Lúc này “to be or not to be” chắc phải dịch là “Làm sạch hay không làm sạch”.
Chuyện tiếp theo mới lý thú này. Một cụ hiền khô có nụ cười còn hiền hơn cả người góp chuyện. Tôi đã bảo phải thận trọng với việc phân tích AND, có ai nghe đâu. Cho nên, có vị lên ti vi nói chuyện nửa khóc nửa cười, mà khóc là chính khi xét nghiệm người không có HIV thì bảo có, người này là con của người kia thì kết quả lại bảo không. Bao nhiên mối tình bị dang dở, hạnh phúc bị phá vỡ. Việc phát hiện ra loài mới thì quá tốt cho khoa học, cho Việt Nam, sao lại bàn ra tán vào làm gì. Đúng là có khi phải lặn lội rừng sâu không biết bao nhiêu lần mới có được Sao La, Mang lớn Trường Sơn, nhưng không loại trừ là ngay giữa Hà Nội cũng có thể có giống rùa mới chứ sao. Đương nhiên, phải rất thận trọng nếu muốn nói tới giống mới là bọ xít hút máu người ngay giữa đô thị hay virut viêm màng não do ăn quả này quả khác. Xuất bản hay không xuất bản các kết quả xét nghiệm này đây.
Hiểu rồi, hiểu rồi, nhưng tôi chỉ biết viết báo cáo khoa học thì tham gia Tản mạn thế nào. Một ông có cặp kính có tròng không thể dày hơn đặt câu hỏi. Có người rụt rè gợi ý. Dạ thưa có thể lấy phần tổng quan tài liệu nghiên cứu trong nước, ngoài nước để đóng góp bài cho Tản mạn được không ạ. Hay quá, một vị đầu hói không thể hói hơn đồng tình. Bí quá thì lấy phần kiến nghị, khuyến nghị hoặc phần luận giải về kết quả, hiệu quả của công trình ra, thêm phần mở đầu và kết luận là có được bài cho Tản mạn rồi.
Thấy không nên kéo dài câu chuyện này, tôi chiêu đãi mọi người ly cà phê Buôn ma, không biết xếp loại G-7 hay G-150 nhưng vừa được mua ở Lễ hội cà phê quốc tế về, rồi kết luận. Vậy là ta có thể đăng tất cả các tác phẩm của các hội viên, cho dù đấy là bài báo khoa học, tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ ca, bức họa, bài hát hay kết quả phân tích, tình huống quản lý hoặc đại loại. Không phải lo về nội dung, vì ta biết rồi, không ai chứng minh được với VACNE là có ai đó, thứ gì đó không có môi trường trên thế gian này. Xin mọi người cứ cho nhiều hạt sạn, lắm cọng rơm cho Tản mạn. Không hạt sạn nào là vô ích, không cọng rơm nào là thừa. Không có người nào bị lãng quên, không có thứ gì bị mất đi. Như vậy, câu trả lời của Xuất bản hay không xuất bản là Xuất bản. Vấn đề là chọn ảnh phụ họa (không phải ảnh minh họa) và lựa phần nào, đoạn nào, dòng nào, mảnh nào mà thôi. Trước mắt tạm thời thử thách tay kỹ thuật viên xem có làm được không, rồi tính sau. Vậy có thơ rằng:
Khói rơm lên tận trời cao
Cộng đồng hốt hoảng thằng nào đốt đây?
Sạn đâu tung tóe nơi này?
Xin thưa đích thị mấy Thầy VACNE
Tiểu thuyết, tranh, truyện, hò, vè
Xuất rồi Tản mạn phen nè thắng to./.