quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
TẢN MẠN MÔI TRƯỜNG

Xào xạc hồn quê

Thứ Tư, 29/06/2011 | 09:51:00 AM

Quê tôi chỉ cách Hà Nội chừng hai giờ xe ô tô, thế nhưng công việc luôn cuốn tôi đi theo những vòng xoay tưởng như không ngừng của nó. Đã nửa năm rồi tôi mới có dịp về thăm quê. Thật lạ! Mỗi lần dự định về quê là đêm đó tôi lại thao thức với như đứa trẻ lần đầu đi xa.

Hoàng Lê
 
 



 


Đầu làng tôi khi xưa có cây gạo già, không biết đã đứng đó tự bao giờ. Nhưng đó luôn là điểm hẹn ưa thích của tôi và lũ bạn những buổi đi câu, bắt châu chấu ngoài đồng. Ngày tôi theo bố mẹ ra Hà Nội, cây gạo đang mùa đơm hoa đỏ ối như lời chào tạm biệt. Mỗi khi có dịp trở về tôi lại đứng tần ngần ngắm nó như ngắm nhìn “người bạn cũ”. Giờ đây cây gạo không còn nữa, thay vào nơi nó đứng là Cổng làng được xây mới lớn hơn. Bước qua nơi ấy, tôi chợt thấy hụt hẫng bâng khuâng nhớ “người bạn cũ” ngày nào.

Quê hương tôi đang đổi từng ngày. Tôi cũng ngày một lớn lên, còn cánh đồng ngày một thu mình nhỏ lại, những đầm sen lúc trước đã không còn nữa nhường chỗ cho khu công nghiệp mới mọc lên. Xóm làng đã thay đổi rất nhanh, không còn những ngôi nhà với mái ngói nâu nác, không còn những bức tường rêu phong, những hàng rào mây, ruối và cũng thưa dần cả những lũy tre. Những ngôi nhà lớn, những bức tường cao mỗi ngày lại được xây thêm. Khi về lại nơi này, tôi thấy mình dường như nhỏ lại, những kí ức yên bình thủa trước khiến tôi bị ngợp với những đổi thay. Khi xưa, chỉ cần đứng ở đầu cái ao làng, nơi đó cách nhà ông tôi ba ngõ đã thấy thấp thoáng nóc nhà của ông. Giờ đây, nó như bị bao vây bởi những ngôi nhà mới xung quanh. May mắn cho một người hoài cổ như tôi, mái nhà xưa của tôi dường như không thay đổi nhiều so với ngày tôi đi.

Chạm tới cánh cổng gỗ, bước vào sân nhà, thời gian như đã hẳn ngưng lại. Như vứt bỏ đi tất cả mệt nhọc, phiền não, tôi bồi hồi với những kí ức tràn về ngập cõi lòng tôi. Trên sân gạch này đã bao lần tôi cùng lũ bạn đón trung thu, vui đùa những đêm trăng sáng, đón chờ những vụ mùa về thóc, rơm phơi vàng ruộm sân. Cái mùi rơm thơm lạ lắm, nghe ngòn ngọt, ngai ngái như còn phảng phất, quyện lan trong gió. Thời khó khăn, bà tôi quẩy đôi quang gánh đi buôn đủ thứ nào: hạt dẻ, hướng dương, hạnh đào,... từ trên tỉnh về. Những ngày nắng ráo, khoảng sân luôn được che kín bởi mấy thứ bà mua. Lúc ấy tôi là người vui nhất, chăm chỉ phơi hạt giúp bà. Bà tôi giờ không còn buôn hạt được nữa, khoảng sân như cũng trống vắng hơn. Thi thoảng bà vẫn kể cho tôi nghe về những tháng ngày vất vả ấy, trong mắt bà lại ánh lên một niềm vui. Góc vườn nhỏ, cây táo, cây ổi và cây bưởi nữa là những người bạn đồng trang lứa với tôi. Ngày tôi ra đời, ông tôi đã đem chúng về trồng, ông muốn ngày chúng đơm hoa kết quả cũng là ngày tôi đủ lớn để ăn và mỗi ngày chúng cùng tôi lớn lên.

Ngôi nhà, bể nước, những bức hoành phi, câu đối vẫn thâm trầm như trước còn ông vẫn hiền hòa đón đợi tôi về. Thủa nhỏ, ông được cụ tôi cho theo học chữ Nho, nhưng không theo nghiệp khoa cử, rồi ông trở thành thợ xây từ đó. Còn nhớ, những lần ông tôi đi mừng đám dựng nhà, ông không bao giờ quên mang phần về cho tôi. Nếp quê ngày ấy vẫn vậy, cảm giác mừng vui của tôi khi đó không gì sánh được. Mỗi lần tôi trở về, đều thấy ông đang tất bật với những công việc gia đình, khi chăm sóc cây cối, khi dọn dẹp cửa nhà...như thể ông đang đợi khách từ xa tới.

Khi trước, ông còn giữ lại một khoảnh ruộng để trồng cấy. Ông nói: “Có việc để làm cũng thấy vui. Bố mẹ, các bác tôi phải khuyên nhủ mãi ông mới chịu cho người khác thuê lại thửa ruộng. Không biết đã bao lần bố mẹ tôi năn nỉ rước ông bà ra Hà Nội, mà ông không đồng ý. Có lẽ nơi này có những điều mà không nơi nào có thể cho tôi, ông tôi và cả những người con xa quê khác nữa, đó chính là sự yên bình, thân thuộc nơi nguồn cội. Cảnh vật đã thay đổi nhiều, nhưng con người nơi thôn quê này vẫn giữ được những nét môc mạc quý giá.

Bước chân trên đường làng, lòng tôi chợt vui trở lại. Bởi, những tiếng chào hỏi nghe gần gũi mà thân thương biết mấy. Ông dẫn tôi đi thăm họ hàng, làng xóm. Có lẽ, vì ông sợ tôi quen lối sống thành phố chỉ biết có nhà mình. Ở đây thì khác, ngày thường láng giềng họ vẫn đến thăm nom ông bà tôi. Những câu chuyện thân tình ấy khiến tôi mừng vui khôn xiết. Vì sự đô thị hóa, thứ mà tôi sợ sẽ làm ký ức làng trong tôi nhạt mờ dần, đã không thể chạm đến tình làng, nghĩa xóm nơi đây. Điều đó khiến tôi thấy tự hào lắm!

Cả làng, giờ chỉ còn mình ông tôi dùng bếp rơm, mùi rơm rạ mộc mạc ấy cứ quấn lấy tôi gợi nhớ những ngày thơ ấu. Buổi sáng ngày tôi đi, ông dậy từ lúc còn tờ mờ, nấu cho tôi bữa cơm nếp mới, thấy lửa bập bùng trong bếp mà lòng ấm áp lạ thường.

Tôi lại đi bộ ra bến xe, nắng sớm đầu hè dìu dịu. Tôi hít một hơi dài, chỉ lát nữa thôi công việc sẽ lại hối hả cuốn tôi đi nhưng mái nhà, quê hương xứ sở sẽ mãi giữ cho tôi sự yên bình vĩnh cửu của nguồn cội.

(Đại đoàn kết)



 

Lượt xem: 1670

Các tin khác

Cảm thông

(19/01/2025 07:03:PM)

Gala cuối năm

(11/01/2025 10:43:PM)

TẤM LÒNG

(07/01/2025 10:42:AM)

Mừng Lo

(06/01/2025 10:01:AM)

Thành phố xanh

(03/01/2025 10:06:AM)

Cây Trâm mốc

(22/12/2024 11:54:PM)

Môi trường

(20/12/2024 08:45:PM)

Bẩy tư

(11/12/2024 10:11:AM)

Học Sâu

(07/12/2024 01:21:PM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE