Còn nhớ, khoảng trước năm 1990, trong khi chuẩn bị các kiến nghị cho RIO - 92 sau đó, Francofon tài trợ một số nước khu vực nói tiếng Pháp tập hợp các kiến nghị về môi trường. Việt Nam được chọn là một trong số đó.
Phó Hội Viên - VACNE
Một nhóm các chuyên gia quốc tế làm việc ở một số tổ chức NGO'S Châu Phi là cơ quan chủ trì nhiệm vụ này. Sau một vài lần trao đổi, 2 chuyên gia bay sang Việt Nam để chuẩn bi hội thảo ở TP Hồ Chí Minh. Câu chuyện tổ chức xoay quanh nội dung chính là phân công chuẩn bị báo cáo. Gay cấn đến mức các bệnh viện và đồn công an ở Hà Nội đều được các bà chủ gọi điện hỏi, vì đã 2 giờ đêm mà chưa thấy các ông chủ về.
Số là, sau cơm tối, câu chuyện quan điểm nhìn nhận các vấn đề môi trường được đặt ra. Lại sử dụng tiếng Pháp lúc này không thật thông dụng lắm cho phía Việt Nam. Căng nhau nhất là nội dung "Nghèo đói và Môi trường - cái vòng luẩn quẩn", cũng là thông điệp Ngày Môi trường Thế giới của năm đó. Quá dễ để các chuyên gia quốc tế chứng minh, do nghèo đói, người dân, hàng tỷ người dân nghèo tìm kế mưu sinh dựa vào tự nhiên, do đó tàn phá môi trường. Môi trường bị xuống cấp, người dân lại càng nghèo hơn. Phía Việt Nam cho như vậy là không công bằng. Hàng tỷ cái ô tô của nhà giàu, hàng triệu ống khói nhà máy, ống xả nước của nhà máy là những thứ không phải của người nghèo, đang huỷ hoại môi trường. Nguyên nhân nào nặng cân hơn. Còn chiến tranh, còn bom nguyên tử là của dân nghèo à. Hơn nữa, tranh luận thế nhằm mục đích gì trong khi đang cùng chuẩn bị kiến nghị cho Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên về môi trường và phát triển. Cứ thế, câu chuyện thâu đêm suốt sáng, quên cả gọi điện về nhà, làm khổ các bà chủ.
Tự dưng nhớ lại thôi. Tất nhiên là có nguyên nhân rồi, trực tiếp là vụ tràn dầu của BP ở Vịnh Mêhicô năm ngoái, và gần đây là vụ rò rỉ ở Nhà máy điện hạt nhân Fukushima bên Nhật. Hai anh nhà giàu cỡ bự nhất nhì. Người ta dùng đủ mưu kế để đổ trách nhiệm vòng vo, để hạ thấp mức độ thiệt hại về con người, về tài nguyên và môi trường, chí ít cũng kéo dài việc công bố các con số thực mà chắc chắn không bao giờ công luận được biết. Thôi thì ta thử bàn vài chuyện có thể biết được, âu cũng là để cùng nhau cảnh tỉnh vậy. Ở đâu chẳng thế. Xin đừng có ai chạnh lòng.
Trước hết, nói về vụ tràn dầu của BP. Vụ việc xảy ra ngày 20/4/2010, đến 16/12/2010, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ chính thức kiện Tập đoàn BP và các công ty liên quan vì đã gây ra những tổn thất không thể tính được cả về kinh tế, lẫn môi trường. Các công ty phải chịu trách nhiệm về pháp lý và dân sự về những thiệt hại đã gây ra và những chi phí phải bỏ ra để dọn sạch khu vực bị ô nhiễm. Chỉ tính riêng chi phí làm sạch nguồn nước, BP phải đối diện với mức phạt 1.100 USD/thùng. Với 5 triệu thùng dầu thô đã đổ ra biển, BP đã có thể bị phạt 5,5 tỷ USD, còn nếu bị kết tội do cẩu thả hoặc cố ý làm sai thì mức phạt sẽ tăng lên gấp 4 lần. BP đang bán tài sản khắp nơi để chuẩn bị khoản tiền không dưới 30 tỷ USD chi cho bồi thường và làm sạch. Đây là lần đầu tiên Bộ Tư pháp Chính quyền Mỹ chính thức khởi kiện kiểu này, chứ không phải là người dân hoặc các tổ chức xã hội như thường thấy.
Nghe nghiêm chỉnh quá nhỉ. Nhưng VTV2 vừa đưa một chương trình cũng nói về chuyện này. Tiền đâu và ai được gì thì chẳng rõ, nhưng cái thấy được là môi trường bị huỷ hoại, người và sinh vật bị chết và kinh tế bị tổn hại, đều là những con số vô tiền khoáng hậu cả. Cơ quan Môi trường Mỹ nhắm mắt cho sử dụng các loại hoá chất "làm sạch" đã bị cấm từ lâu để kết tủa các vùng dầu trên mặt, chìm xuống đáy. Nghiên cứu cho thấy loại kết tủa dầu này còn độc hại hơn và vài chục năm sau chưa hẳn đã hết nguy hiểm. Một tháng sau vụ nổ dàn khoan BP đã lại khánh thành một lỗ khoan bên cạnh, và nhân vật thế lực nhất của BP lớn tiếng nói rằng, dân Mỹ thông minh lắm, rõ ràng là không thể thiếu dầu được chứ BP cũng rất muốn sử dụng năng lượng sạch như năng lượng mặt trời, năng lượng gió. Khốn nỗi còn chưa xong giai đoạn thử nghiệm. Đành vậy.
Bây giờ đến chuyện Nhà máy điện hạt nhân Fukushima liên quan đến vụ động đất ngày 11.3.2011. Chưa đầy 1 năm sau sự kiện tràn dầu BP, vụ động đất siêu mạnh cộng sóng thần siêu cao, lăm le gây thảm họa hạt nhân siêu khủng. Không biết có phải là dấu hiệu tận thế đã được bao nhiêu người "tiên tri" rồi không. Người ta đang cố nói rằng, việc Fukushima 1 và 2 có 10 lò phản ứng, trong đó 4 lò phải áp dụng giải pháp cuối cùng là chôn vùi bằng bê tông hoặc chất dẻo đặc biệt, có thể không gây ra tác hại bằng Checnobun của Liên Xô trước đây với việc phải chôn vùi 1 lò. Thôi thì đấy là chuyện của tuyên truyền, tranh nhau kiểu "Chuột chù chê khỉ rằng hôi" làm gì, còn ta cần biết là nồng độ chất phóng xạ Iốt (I-131) trong nước biển xung quanh đã cao gấp 3355 lần mức cho phép, rằng 2 trên 5 mẫu đất nơi đây đã phát hiện có nhiễm plutonium cao hơn mức bình thường 10.000 lần, rằng mây phóng xạ từ Nhật đang lan toả khắp nơi.
Có 2 luồng dư luận, một là tiếp tục coi điện hạt nhân là an toàn, ít gây tác hại hơn so với các nguồn điện năng như sử dụng than đá, nếu có dư luận e ngại thì là do thiếu hiểu biết. Hai là lo sợ một thảm họa của bóng ma hạt nhân, đến mức bà Thủ tướng Đức ra những quyết định rất nghiêm khắc về việc không xây mới và không kéo dài thêm thời hạn của các nhà máy điện hạt nhân ở Đức, là nhiều nhà lãnh đạo khác yêu cầu xem xét lại vấn đề điện hạt nhân. Riêng ta đã tính tới tất cả, nào động đất, sóng thần, nào các rủi ro khác, nên sẽ sử dụng công nghệ mới nhất, bắt đầu đào tạo con người, ít nhất cũng 5 năm nữa mới có điện hạt nhân.
Nhưng ở đây muốn nói chuyện khác. Y như rằng, con người rất giỏi kiểu "đẹp đẽ phơi ra xấu xa đậy lại". Chẳng hay ho gì. Vì cuối cùng, suy cho cùng, chỉ có môi trường không biết nói là bị nhiễm độc, người dân biết nói nhưng nói không ai nghe là bị chịu độc. Cuộc tranh cãi rồi sẽ tới chỗ hoặc là hoà cả làng hoặc là BP xin lỗi và chịu lấy một số tiền lãi trong khoản lãi khổng lồ đã thu được để bồi thường, để làm sạch môi trường. Cùng lắm chịu phá sản để được bảo hiểm, để giảm bồi thường và xoay sang kinh doanh kiểu khác. Tương tự, các ông chủ Fukushima cũng sẽ xin lỗi, cũng sẽ đền bù, mong được thông cảm vì tai họa kép, không lường được. Nhưng nước Mỹ không thể thiếu xăng dầu, Nhật Bản không thể thiếu điện, và oái oăm thay, thế giới thiếu thế nào được Mỹ và Nhật Bản. Cho nên, đành vậy thôi.
Đã là cuộc sống thực tế, làm sao tránh được rủi ro, tai nạn. Vấn đề là xử lý hậu quả thế nào, rút được bài học gì cho tương lai. Nhiều người khuyên xử lý hậu quả thì đừng đùn đẩy trách nhiệm, đừng vòng vo, còn rút bài học kinh nghiệm thì phải khách quan, đừng tự cho rằng mình đã tính hết, rằng mình giỏi hơn người khác.
Chao ơi, sao mà khó vậy. Đi xem bài Tản mạn với các người bạn của Trịnh Công Sơn còn hơn viết Tản mạn Môi trường cho VACNE./.