quản lý tòa nhà

logo Tri ân Tiền bối VACNE Thi đua Chào mừng Đại hội VIII
HỘI THẢO KH

VIỆT NAM: Phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu (Phần 1): Bức tranh toàn cầu từ RIO-92 đến RIO + 20

Thứ Sáu, 15/03/2013 | 07:06:00 PM

Bài viết của GS.TSKH. Trương Quang Học, Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường, ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI, Trưởng ban Biến đổi khí hậu của VACNE

 
 
 
 
Đặt vấn đề

Việt Nam tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất về Môi trường và Phát triển tai Rio de Janeiro, Brazin năm 1992, Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về Phát triển bền vững ở Jahannesburg, Nam Phi năm 2002 và đã ký Tuyên ngôn Rio về môi trường và phát triển, Chương trình nghị sự 21 toàn cầu… và cam kết thực hiện phát triển bền vững (PTBV).
Trong 20 năm thực hiện PTBV đất nước, nhất là sau khi Định hướng Chiến lược Phát triển bền vững (Chương trình Nghị sự 21 của Việt Nam) được ban hành, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường. Bên cạnh đó, công cuộc thực hiện PTBV ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, thách thức.
Trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam đang từng bước, cùng với cộng đồng quốc tế quyết tâm vượt qua các thách thức, rào cản, hướng tới một nền kinh tế xanh để PTBV.
Bài viết này nhằm nhìn lại một cách khái quát bức tranh 20 năm PTBV của Việt Nam và những định hướng PTBV của đất nước trong bối cảnh biến đổi toàn cầu hiện nay.
1. Bức tranh toàn cầu từ RIO-92 đến RIO + 20
Trong những thập kỷ gần đây, cuộc cách mạng khoa học – công nghệ (KHCN) hiện đại của thế giới (đặc biệt là 4 cuộc cách mạng: Công nghệ sinh học, Tự động hóa, Công nghệ thông tin và Công nghệ nano) đang tiếp tục phát triển với nhịp điệu ngày một nhanh, tạo ra những thành tựu mang tính đột phá, làm thay đổi nhanh chóng, sâu sắc và quyết định đối với sự phát triển của kinh tế, xã hội và bản thân con người. KHCN đó trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, thời gian đưa kết quả nghiên cứu vào ứng dụng ngày càng thu hẹp, vòng đời công nghệ ngày càng rút ngắn. Thế giới đang hướng tới nền kinh tế tri thức toàn cầu hóa.
Bên cạnh những thành tựu rực rỡ về KHCN, loài người cũng đang đối mặt với những thách thức to lớn về chính trị, văn hóa, xã hội và đặc biệt là môi trường (Bảng 1.1).
           Bảng 1. Các thách thức về môi trường, văn hóa-xã hội cho sự phát triển

Các thách thức về môi trường
Các thách thức về văn hóa-xã hội
-       Biến đổi khí hậu toàn cầu
-       Suy giảm tầng ôzôn
-       Suy thoái ĐDSH
-       Suy thoái tài nguyên đất và hoang mạc hóa
-       Suy thái tài nguyên nước ngọt
-       Ô nhiễm do các chất thải nguy hại
-       Suy thoái môi trường và tài nguyên biển…
-       Tăng dân số
-       Bất bình đẳng về thu nhập
-       Nghèo đói
-       Thất học
-       Dịch bệnh
-       Đô thị hóa và sự hình thành các siêu đô thị
-       Nạn tham nhũng…

Với những tác động của các thách thức này, dấu chân sinh thái của chúng ta hiện nay đã lớn hơn sức tải sinh học của Trái đất, dấu chân cacbon cũng đã vượt quá ngưỡng an toàn cho hệ thống khí quyển. “Loài người đang đứng trước một thời điểm quyết định của lịch sử. Thế giới phải đương đầu với tình trạng ngày càng xấu đi của sự nghèo khó, đói kém, bệnh tật, thất học và sự suy thoái không ngừng của các hệ sinh thái. Sự cách biệt giữa người giàu và người nghèo đang tăng lên” (Agenda 21, 1992). Điều này buộc thế giới phải thay đổi suy nghĩ và hành động để “Cứu lấy Trái đất” – ngôi nhà chung của chúng ta” (
IUCN, UNEP, WWF, 1996; Trương Quang Học, 2008, 2012).

1.2. Hai hội nghị thượng đỉnh của Liên Hiệp Quốc gữa hai thiên niên kỷ

Trong thập kỷ chuyển tiếp giữa hai thiên niên kỷ, Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã tổ chức hai hội nghị thượng đỉnh quan trọng: i) Hội nghị của LHQ về Môi trường và Phát triển tại Rio de Janeiro, Brazil, 1992 (Hội nghị Rio-92) và Hội nghị thượng đỉnh Thế giới về Phát triển bền vững tại Johannesburg, Nam Phi, 2002 (RIO+10).
Tại RIO-92, các văn bản quan trọng đã được thông qua:
-      Tuyên bố Rio về Môi trường và Phát triển với 27 nguyên tắc chung, xác định những quyền và trách nhiệm của các quốc gia nhằm làm cho thế giới PTBV;
-      Chương trình Nghị sự 21 về PTBV;
-      Tuyên bố các nguyên tắc quản lý, bảo vệ và PTBVrừng;
-      Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu;
-      Công ước về Đa dạng sinh học.
Đây là các văn kiện quốc tế quan trọng có mối liên quan với nhau và được quán triệt trong suốt thế kỷ XXI trên phạm vi toàn cầu.

Tiếp theo RIO-92, tháng 9 năm 2000 tại trụ sở Đại hội đồng LHQ  ở New York, 8 Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, còn gọi là Mục tiêu Thiên niên kỷ đã được 189 quốc gia thành viên Liên hợp quốc nhất trí phấn đấu đạt được vào năm 2015. Đó là: i) Xoá bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói; ii) Đạt phổ cập giáo dục tiểu học - Chậm nhất đến năm 2015 tất cả trẻ em trai và gái ở khắp mọi nơi đều học hết chương trình tiểu học; iii) Tăng cường bình đẳng nam nữ và nâng cao vị thế cho phụ nữ ; iv) Giảm tỷ lệ tử vong của trẻ em - Giảm 2/3 tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi trong giai đoạn từ 1990 đến 2015, ; v) Tăng cường sức khoẻ bà mẹ - Giảm 3/4 tỷ lệ tử vong ở các bà mẹ trong giai đoạn 1990-2015; vi) Phòng chống HIV/AIDS, sốt rét và các bệnh khác, - “chặn đứng và bắt đầu đẩy lùi tình trạng lan rộng của bệnh dịch HIV/AIDS và tình trạng mắc bệnh sốt rét và các bệnh chủ yếu khác vào năm 2015” vii) Đảm bảo sự bền vững về môi trường; viii) Tăng cường các quan hệ đối tác toàn cầu vì mục tiêu phát triển.

Mười năm sau RIO-92, Hội nghị thượng đỉnh Thế giới về Phát triển bền vững đã được tổ chức tại Johannesburg, Nam Phi, 2002. Trong đó,giá trị của Agenda 21 đã được khẳng định lại và nhấn mạnh sự lo ngại về tiến trình thực hiện PTBV chậm. Tuyên bố Johannesburg về Phát triển bền vững và Chương trình hành động "Kế hoạch thực hiện Tuyên bố Johannesburg"đã được thông qua. Theo đó, chương trình Nghị sự 21 quốc gia và vùng đã được xây dựng và thực hiện rộng rãi ở hầu hết các quốc gia trên khắp các châu lục (Trương Quang Học và nnk, 2004; Trương Quang Học, 2012).

Sau hơn 10 năm thực hiện Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, LHQ đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh tại New York từ 20-22/9/2010 với sự tham dự của các đại diện đến từ 189 nước (140 nguyên thủ hoặc người đứng đầu chính phủ), nhằm đẩy nhanh hơn nữa tiến độ đạt được các mục tiêu.

Trong quá trình Hội nghị, sáu phiên thảo luận bàn tròn đã được tổ chức với các chủ đề: (i) giải quyết thách thức của đói nghèo và bình đẳng giới; (ii) hoàn thành các mục tiêu về y tế và giáo dục; (iii) thúc đẩy phát triển bền vững; (iv) giải quyết các vấn đề mới nổi và phương thức tiếp cận mới; (v) đáp ứng nhu cầu của những người dễ bị tổn thương nhất; và (vi) mở rộng và tăng cường các mối quan hệ đối tác.

Văn kiện của Hội nghị thượng đỉnh “Giữ vững cam kết: Đoàn kết để đạt được các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ” – đã khẳng định lại cam kết của các nguyên thủ quốc gia đối với các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, đã bày tỏ lo ngại sâu sắc về việc những tiến bộ đạt được vẫn còn hạn chế so với yêu cầu đặt ra, những thành tựu đạt được còn chưa đồng đều giữa các mục tiêu và các quốc gia. Hiện tại, những tiến bộ đạt được về bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ là chưa thỏa đáng. Gần một nửa dân số của thế giới đang phát triển vẫn tiếp tục sống mà không được tiếp cận với các điều kiện vệ sinh cơ bản. Quá nhiều người còn thất nghiệp hoặc chưa có việc làm đúng với khả năng của mình. Và cần quan tâm nhiều hơn nữa tới PTBV và thân thiện với môi trường. Song, Văn kiện tin tưởng rằng với những cam kết toàn cầu mới cùng với hành động tập thể mạnh mẽ và hiệu quả, những mục tiêu đặt ra về giảm đói nghèo, bệnh tật và hàng loạt vấn đề xã hội khác có thể đạt được vào năm 2015.

Gần đây nhất, Hội nghị Thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc về Phát triển bền vững (RIO+20) được tổ chức vào tháng 6 năm 2012 với khẩu hiệu  « Tương lai mà chúng ta mong muốn » và hai chủ đề chính «Một nền Kinh tế Xanh trong bối cảnh PTBV và xóa đói giảm nghèo và khuôn khổ thể chế cho phát triển bền vững”, nhằm đánh dấu 20 năm chặng đường thực hiện PTBV từ sau Hội nghị RIO-92, và đề ra phương hướng cho giai đoạn tới.

Hội nghị đã không thành công như mong muốn. Sau ba ngày thảo luận, một Văn kiện không mang tính ràng buộc pháp lý có tựa đề Tương lai mà chúng ta mong muốnđược xem như tuyên bố chung của Hội nghị đã đươc thông qua, bao gồm một số điểm chính như sau:
-         Đặt nền tảng cho nền kinh tế xanh nhằm cải thiện phúc lợi con người, công bằng xã hội, giảm các rủi ro môi trường.
-         Đề xuất phát động quy trình đàm phán liên chính phủ để thống nhất các mục tiêu phát triển bền vững thay thế cho các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của LHQ vào năm 2015.
-         Tái khẳng định cam kết trước đây của các nước về loại bỏ dần trợ cấp năng lượng hóa thạch không hiệu quả hay khuyến khích tiêu thụ lãng phí.
-         Cam kết hành động nhằm giảm tác động của ô nhiễm môi trường đến hệ sinh thái biển; đề xuất đến năm 2025 các nước phải có biện pháp giảm đáng kể rác biển.

Có thể nói, thành quả lớn nhất của Hội nghị là 692 cam kết trị giá 513 tỉ USD từ các chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức dân sự dành cho các dự án PTBV. Trong đó, 323 tỷ USD sẽ được dành cho sáng kiến của Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon mang tên “Năng lượng Bền vững cho tất cả”, với việc tìm cách giành được sự tiếp cận toàn cầu với nguồn năng lượng bền vững vào năm 2030. Các cam kết khácbao gồm dự án các trường học từ 140 nước trồng 100 triệu cây xanh, dự án hỗ trợ 5.000 nữ doanh nhân trong các ngành công nghiệp xanh ở châu Phi, dự án tái chế 800.000 tấn nhựa polyvinyl chloride (PVC) mỗi năm ở châu Âu vào năm 2020 (The future we want: RIO+20 outcome Documents, 2012).

Lý do của sự không thật thành công của RIO+20 so với các Hội nghị trước có thể do ảnh hưởng của các cuộc khủng hoảng kinh tế/tài chính hiện nay, cả với các nước phát triển nhất (các nguyên thủ của Mỹ, Đức, Anh, Ý… đều không đến tham dự Hội nghị), vấn đề nợ công của các nước châu Âu và những bất đồng trong cuộc chiến chống BĐKH chưa được giải quyết…

 
 

Lượt xem: 9735

Các tin khác

Tri thức bản địa và sinh kế cộng đồng nhìn từ nguồn gen

(02/06/2014 01:59:PM)

Dãy Trường Sơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu

(28/05/2014 11:49:AM)

Bảo tồn sự đa dạng văn hóa-sinh học của các dân tộc trên dãy Trường Sơn

(23/05/2014 10:48:AM)

Có nên phát triển vùng trồng ba kích Tây Giang?

(22/05/2014 05:29:AM)

Mời dự Hội thảo khoa học về sản xuất sạch hơn

(28/03/2014 03:30:PM)

Thăm vùng thảm họa động đất – sóng thần ở Nhật Bản: Cuộc sống đã phục hồi (Phần cuối)

(22/03/2014 09:28:AM)

Thăm vùng thảm họa động đất – sóng thần ở Nhật Bản: Cuộc sống đã phục hồi (Phần 1)

(20/03/2014 08:56:PM)

Một số vấn đề trong nghiên cứu đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường ở các quốc gia Đông Bắc Á và khuyến nghị (Phần cuối)

(01/03/2014 03:29:PM)

Một số vấn đề trong nghiên cứu đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường ở các quốc gia Đông Bắc Á và khuyến nghị (Phần 2)

(27/02/2014 09:00:PM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE