quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

Việc hít thở không khí trong lành trở nên xa xỉ

Thứ Sáu, 12/09/2014 | 08:07:00 AM

Việc hít thở không khí trong lành của người dân khu vực nông thôn đã trở thành ước mơ xa xỉ. Ngay cả cán bộ nhà nước cũng chấp nhận mặt dơ vào công sở vì có lau thì chút xíu cũng đen lại.




Ảnh: Trungtamttnmientrung.vn

Từ sự việc 5 doanh nghiệp vi phạm môi trường tại Kiên Giang, chúng ta có thể phát triển các quyền lực mềm của người tiêu dùng để đạt được một cuộc sống phát triển bền vững bằng nhiều hình thức.

Trong hai ngày 8 và 9.9.2014, báo Thanh Niên có loạt bài về việc gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại thị trấn Kiên Lương - tỉnh Kiên Giang của các nhà máy Cement. Việc ô nhiễm này đã kéo dài 10 năm, làm cho đời sống của gần 30.000 người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn từ kinh doanh, sinh hoạt, ăn uống cho đến sức khoẻ suy giảm.

Ước mơ ngày càng xa xỉ của người Việt Nam

Việc hít thở không khí trong lành của người dân khu vực nông thôn này đã trở thành ước mơ xa xỉ. Ngay cả cán bộ nhà nước cũng chấp nhận mặt dơ vào công sở vì có lau thì chút xíu cũng đen lại. Một việc tưởng như đùa là sự ô nhiễm đã giúp một số người có “phổi sắt” hoặc “phổi không còn gì dơ hơn” hằng ngày vẫn thu gom bụi cement vào báo để đem bán. Điều này càng minh chứng thêm mức độ ô nhiễm tại đây như thế nào.

Theo lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, trong 5 nhà máy tại đây, chỉ có nhà máy Holcim đầu tư công nghệ tương đối đảm bảo, các nhà máy khác đều là công nghệ cũ, lưới bao che... không đạt chuẩn nên không thể không gây ô nhiễm.

Mặc dù sự việc diễn ra trên diện rộng trong nhiều năm, nhưng chính quyền tỉnh chưa thể xử lý với lý do nhà máy quy mô lớn thuộc thẩm quyền trung ương, nhà máy nhỏ thuộc phạm vi xử lý của huyện, nhưng huyện thì thiếu nhân lực chuyên môn để xử lý!

Đầu tiên cần nhìn rõ việc vi phạm môi trường - cụ thể là các nhà máy cement tại thị trấn Kiên Lương - không chỉ vì quyền lợi cư dân sinh sống tại địa phương, mà dưới góc độ kinh doanh, lợi ích doanh nghiệp và lợi ích quốc gia để thấy việc này cần xử lý cương quyết.

Về góc độ lợi ích doanh nghiệp, rõ ràng Holcim đã tuân thủ pháp luật nhà nước, chấp nhận tăng chi phí đầu tư dây chuyền tiên tiến đảm bảo về môi trường, do vậy chi phí sẽ cao hơn các nhà máy còn lại (trong điều kiện năng lực điều hành quản lý kinh doanh ngang nhau). Như vậy Holcim chắc chắc sẽ không cạnh tranh lại và đi đến phá sản; hoặc ngược lại Holcim sẽ bắt chước vi phạm để tồn tại.

Dù trong trường hợp nào, cuối cùng chúng ta chỉ còn lại những công ty kinh doanh vi phạm pháp luật, công ty nào càng vi phạm nhiều càng có lợi thế kinh doanh (thực tế Holcim không bị phá sản chỉ là nhờ Holcim có những năng lực kinh doanh khác bù đắp lại).

Dưới góc độ lợi ích quốc gia, nếu không quyết liệt, chúng ta sẽ bị thiệt hại rất nặng nề trên nhiều lĩnh vực.

Thứ nhất chúng ta sẽ phải bỏ chi phí để bù đắp môi trường cao hơn thuế thu nhập doanh nghiệp có từ việc thêm lãi của các doanh nghiệp vi phạm. Thứ hai, dần dần chúng ta chỉ có những doanh nghiệp đầu tư công nghệ lạc hậu không đảm bảo môi trường để giảm chi phí, điều này làm giảm năng lực cạnh tranh quốc gia. Thứ ba, diễn tiến kéo dài sẽ tạo ra hình ảnh một quốc gia có sản phẩm ô nhiễm môi trường, làm cho các sản phẩm khác bị ảnh hưởng, giảm giá trị khi xuất khẩu, chưa nói đến giảm doanh thu du lịch…..

Tình hình chính quyền chậm, thậm chí trì hoãn xử lý không chỉ diễn ra tại một địa phương và cũng không phải chỉ có ở Việt Nam. Ngay cả các nước phát triển, xem việc xử lý ô nhiễm môi trường là trọng tâm hàng đầu thì vẫn có những nơi, nhiều trường hợp làm ngơ với việc vi phạm môi trường của doanh nghiệp.

Chờ chính quyền không phải là cách giải quyết duy nhất

Tuy nhiên, ở một số xã hội phát triển, có nhiều phương cách khác mà Việt Nam chúng ta cũng có thể học hỏi để giải quyết việc doanh nghiệp cố tình vi phạm gây ô nhiễm môi trường, chứ không chỉ dựa vào một công cụ duy nhất là chờ chính quyền xử lý.  

Trong bộ phim nổi tiếng thể hiện lại sự việc có thật vi phạm môi trường của Tổng công ty Điện và Gas tại bang California. Nữ nhân viên Erin Brockovich (do Julia Robert thủ vai) làm việc tại văn phòng luật đã thu thập chứng cớ, tìm hiểu luật pháp và giúp cư dân nơi đây khởi kiện tổng công ty này. Việc thắng kiện đã đem lại số tiền đền bù lớn cho các cư dân và văn phòng luật cũng được hưởng một phần do bỏ chi phí ra thực hiện vụ kiện. Erin Brockovich trở thành anh hùng của ngành tư pháp bang California.

Tại Việt Nam hiện nay có rất nhiều văn phòng luật sư kinh tế, hoàn toàn có thể trao đổi và đại diện cư dân ở thị trấn Kiên Lương để kiện 4 công ty này ra toà án kinh tế hoặc toà án hành chánh. Chi phí thu thập chứng cớ, đối chiếu quy định pháp luật và đòi mức bồi thường có thể do Văn phòng Luật bỏ ra và được hưởng lợi khi được thắng kiện thu tiền bồi thường.

Đây là bước phát triển hệ thống tư pháp mà Việt Nam đang từng bước triển khai như đã cho thành lập toà án hành chánh, văn phòng thừa phát lại, công chứng tư…. Điều này sẽ giúp nhiều vụ việc vi phạm môi trường gây thiệt hại cho người dân được nhiều nguồn lực có chuyên môn, có nguồn vốn tham gia giúp đảm bảo quyền lợi người dân.

Góc độ thứ hai, rõ ràng nếu 5 nhà máy này đặt ở các nước phát triển như bên Mỹ, nếu chính quyền chậm xử lý; nếu không có văn phòng luật sư nào chịu đầu tư vụ kiện thì chính hội bảo vệ người tiêu dùng hoặc tổ chức môi trường sẽ thể hiện quyền lực mềm của người tiêu dùng.

Đó là sẽ thông tin đầy đủ để người tiêu dùng không mua cement của các nhà máy gây ô nhiễm. Khi đó dù giá thành thấp dẫn đến giá bán thấp hơn công ty không gây ô nhiễm thì hàng hoá cũng chất đầy kho không tiêu thụ được. Điều này sẽ khiến các công ty này phải đầu tư xử lý môi trường tử tế.

Sự việc Nike phải qua giám sát các công ty gia công đảm bảo điều kiện làm việc và vệ sinh cho công nhân dù không thuộc trách nhiệm của họ, đó không phải vì Nike chủ động lo cho các công nhân không thuộc biên chế của mình, vì điều này sẽ tăng thêm chi phí; mà chính vì áp lực của người tiêu dùng sẽ tẩy chay hàng hoá của một công ty không bảo đảm điều kiện làm việc an toàn cho công nhân hoặc gây ra tổn hại môi trường.

Việt Nam đang trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế. Với mục tiêu thoát khỏi cái bẫy trung bình để trở thành quốc gia phát triển thì bên cạnh vai trò của chính phủ trong các chiến lược quốc gia; dưới góc độ thấp hơn, ví dụ sự việc vi phạm môi trường tại Kiên Lương, chúng ta có thể phát triển các quyền lực mềm của người tiêu dùng để đạt được một cuộc sống phát triển bền vững bằng nhiều hình thức, như một số phương cách giải quyết nêu trên.

Theo Thanh Thảo (MOITRUONG.COM.VN/tổng hợp theo Motthegioi)

Lượt xem: 1593

Các tin khác

Một nền kinh tế xanh cần nhiều thứ hơn chỉ là trợ cấp

(20/04/2024 06:23:AM)

Thúc đẩy phát triển đô thị theo hướng xanh, bền vững

(03/04/2024 07:56:AM)

Nước đã cạn

(30/03/2024 06:46:AM)

Bảo vệ môi trường – Nền tảng để phát triển kinh tế bền vững

(28/03/2024 07:08:AM)

Chuyển đổi xanh trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

(26/03/2024 05:49:AM)

Một số suy nghĩ về chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang phát triển dựa vào hệ sinh thái, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn - Từ phân tích thực

(25/03/2024 06:28:AM)

Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng lớn đối với Việt Nam

(24/03/2024 06:05:AM)

Thách thức khi tham gia thị trường tín chỉ carbon

(22/03/2024 07:08:AM)

Vai trò của tài nguyên thiên nhiên đối với tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam

(17/03/2024 06:53:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE