Báo cáo của PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, Trưởng ban PBXH, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE)tại Hội thảo góp ý sửa đổi Luật BVMT 2005 do VACNE tổ chức ngày 26/11/2012 tại Hà Nội.
Nội dung
Báo cáo gồm 3 phần
I.Những quy định của Luật BVMT (2005) về vai trò của Cộng đồng.
II.Tổng kết thực tiến về Vai trò của cộng đồng trong BVMT
III.Tổng hợp đề xuất nhằm hoàn thiện Luật BVMT
I. Những quy định của Luật BVMT (2005) về vai trò của Cộng đồng
1. Thế nào là cộng đồng?
Luật BVMT (2005) – từ đây trở đi xin gọi tắt là Luật - có sử dụng thuật ngữ “cộng đồng” nhưng không giải thích. Thuật ngữ “cộng đồng” có chỗ thì dùng, có chỗ thì thay bằng thuật ngữ khác. Trong Điều 2. (Đối tượng áp dụng) Luật sử dụng các cụm từ: đối tượng áp dụng luật là ”Cơ quan nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước; người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Cách xác định này là không phân biệt mạch lạc giữa cộng đồng và những thành phần không thuộc cộng đồng . vốn được xác định rất rõ trong quy trình quản lý môi trường của các nước phát triển Một số thuật ngữ của Luật coi đối tượng áp dụng là : tổ chức, cá nhân (điều 17, 105, 128), Cộng đồng dân cư (điều 4, 6, 20,21,23, 54), nhân dân, người lao động (điều 105), công dân (điều 107,128). Những thuật ngữ trên có nội hàm ít nhiều thể hiện cái gọi là cộng đồng, nhưng lại không nhất quán
Việc không xác định rõ nội hàm Cộng đồng cũng như mô hình quản lý môi trường 2 cực (chỉ gồm Chính quyền và các tổ chức cá nhân còn lại) khiến cho Luật vẫn chủ yếu áp dụng mô hình quản lý “Một chiều từ trên xuống” vốn phù hợp với nền Hành chính bao cấp, không phù hợp với các mô hình “Đồng quản lý” hay “Biến Quản lý thành Tự quản lý” của nền kinh tế Thị trường
Mô hình quản lý môi trường được áp dụng rộng rãi tại các nước phát triển và nhiều nước đang phát triển trên thế giới coi trọng vị trí của “Cộng đồng”. Bởi lẽ các mô hình quản lý này luôn luôn phái dùng khái niệm “cộng đồng” như Quản lý trên cơ sở cộng đồng (Community – based Management), Sự tham gia của cộng đồng (Community Participation, Community Involvement), Phát triển cộng đồng (community Development).
Cộng đồng có rất nhiều nội hàm. Chúng ta chỉ xem xét nội hàm cộng đồng trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Cộng đồng là “một nhóm công dân chung sống tại một khu vực địa lý, cùng chia sẻ một hệ thống giá trị, các nhu cầu và lợi ích chung” [i]. Theo khái niệm này thì “cộng đồng”, trên bình diện quản lý môi trường, là nhóm công dân trong xã hội không phải những người gây ô nhiễm (Nhà sản xuất) cũng không phải nhà quản lý (Chính quyền) [ii]. Họ là thường dân, nhà khoa học, các tổ chức phi chính phủ - NGOs),… không nằm trong thành phần chính quyền cũng như không phải doanh nghiệp. Cái nhóm công dân ấy chịu sự ô nhiếm và suy thoái môi trường do doanh nghiệp (các nhà sản xuất) gây ra và chịu chung sự quản lý nhà nước của các cấp chính quyền. Họ có quyền lợi chung về môi trường, có trách nhiệm và sáng kiến trong bảo vệ môi trường.
Cộng đồng là 1 trong 3 cực của mô hình Tam giác của Quản lý môi trường là : “Chính quyền – Người gây ô nhiễm – Cộng đồng” (người chịu ô niễm). Như vậy khái niệm “cộng đồng” ít nhiều tướng ứng với khái niệm “xã hội dân sự”. Nói “ít nhiều“ vì “xã hội dân sự” không bao gồm thể chế gia đình, trong khi thể chế gia đình lại là một bộ phận quan trọng của cộng đồng.
Mô hình tam giác (3 chân kiềng) trong Bảo vệ Môi trường
2. Vai trò BVMT của cộng đồng quy định trong luật BVMT (2005)
Vai trò của cộng đồng trong phát triển được quy định tại Quy chế dân chủ ờ cơ sở do Bộ Chính trị ban hành năm 1998 , tập trung vào 5 vấn đề “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân khiếu nại tố cáo” [iii]. Trong phạm vi nhận xét về vai trò của cộng đồng trong BVMT, 5 vấn đề nói trên sẽ được phân tích.
2.1. Dân biết
Điều 23 (V/v thực hiện Đánh giá tác động môi trường - ĐTM) (1). Chủ dự án có trách nhiệm sau đây: (b) Niêm yết công khai tại địa điểm thực hiện dự án về các loại chất thải, công nghệ xử lý, thông số tiêu chuẩn về chất thải, các giải pháp bảo vệ môi trường để cộng đồng dân cư biết, kiểm tra, giám sát;
Điều 105. Thực hiện dân chủ cơ sở về bảo vệ môi trường. (1) Tổ chức, cá nhân quản lý khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung; chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cơ quan chuyên môn, cán bộ phụ trách về bảo vệ môi trường có trách nhiệm công khai với nhân dân, người lao động tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ về tình hình môi trường, các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tác động xấu đối với môi trường và biện pháp khắc phục ô nhiễm, suy thoái bằng một trong các hình thức sau đây: (a) Tổ chức họp để phổ biến cho nhân dân, người lao động; (b) Thông báo, phổ biến bằng văn bản cho nhân dân, người lao động được biết.
Điều 107. Giáo dục về môi trường và đào tạo nguồn nhân lực bảo vệ môi trường. (1).Công dân Việt Nam được giáo dục toàn diện về môi trường nhằm nâng cao hiểu biết và ý thức bảo vệ môi trường.
Nhận xét:
Quy định của Luật là khá đầy đủ. Tuy nhiên trên thực tế người dân không có cách nào để tiếp cận các thông tin về những vấn đề môi trường mà mình quan tâm. Năng lực chế tài về việc cung cấp thông tin, về quyền tiếp cận thông tin của cộng đồng là rất yếu.
Dự thảo Thông tư “Quy định việc giao nộp, lưu trữ, cung cấp, khai thác và sử dụng dữ liệu môi trường” đang lấy ý kiến góp ý hạn đến 31/12/2012 và may ra sẽ được công bố vào đầu năm sau 2013.
2.2. Dân bàn
Điều 17 (V/v Lập báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược - ĐMC) (5). Tổ chức, cá nhân có quyền gửi yêu cầu, kiến nghị về bảo vệ môi trường đến cơ quan tổ chức hội đồng thẩm định và cơ quan phê duyệt dự án; hội đồng và cơ quan phê duyệt dự án có trách nhiệm xem xét các yêu cầu, kiến nghị trước khi đưa ra kết luận, quyết định.
Điều 20 (V/v Lập Báo cáo Đánh giá tác đọng môi trường - ĐTM) (8). Ý kiến của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp xã), đại diện cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án; các ý kiến không tán thành việc đặt dự án tại địa phương hoặc không tán thành đối với các giải pháp bảo vệ môi trường phải được nêu trong báo cáo Đánh giá tác động môi trường.
Điều 21 (V/v Thẩm định báo cáo ĐTM) (6). Tổ chức, cộng đồng dân cư, cá nhân có quyền gửi yêu cầu, kiến nghị về bảo vệ môi trường đến cơ quan tổ chức việc thẩm định quy định tại khoản 7 Điều này; cơ quan tổ chức thẩm định có trách nhiệm xem xét yêu cầu, kiến nghị đó trước khi đưa ra kết luận, quyết định.
Điều 105. Thực hiện dân chủ cơ sở về bảo vệ môi trường (2). Trong các trường hợp sau đây thì phải tổ chức đối thoại về môi trường:(a) Theo yêu cầu của bên có nhu cầu đối thoại; (b) Theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường các cấp;(c) Theo đơn thư khiếu nại, tố cáo, khởi kiện của tổ chức, cá nhân liên quan.
(3). Trách nhiệm giải trình, đối thoại về môi trường được quy định như sau:(a) Bên yêu cầu đối thoại phải gửi cho bên được yêu cầu đối thoại các vấn đề cần giải thích hoặc đối thoại;(b) Trong thời hạn không quá năm ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu, bên nhận yêu cầu phải chuẩn bị các nội dung trả lời, giải thích, đối thoại; (c) Trường hợp cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường yêu cầu tổ chức đối thoại thì các bên có liên quan thực hiện theo quy định của cơ quan đã yêu cầu.
(4). Việc đối thoại về môi trường được thực hiện trên cơ sở quy định của pháp luật và dưới sự chủ trì của Uỷ ban nhân dân hoặc cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường.
(5). Kết quả đối thoại phải được ghi thành biên bản ghi nhận các ý kiến, thỏa thuận, làm căn cứ để các bên có trách nhiệm liên quan thực hiện hoặc để xem xét xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, bồi thường thiệt hại về môi trường.
Nhận xét:
Điều 20, khoản 8. (Ý kiến của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn…) Quy định chưa đủ, chưa thể hiện ý kiến của các đối tượng trực tiếp chịu tác động. Chưa nêu rõ địa phương nào? thị xã, thị trấn có dự án hay cả các địa phươngkhác (nơi sẽ chịu tác động trực tiếp)? Cần bổ sung: “ý kiến của UBND xã, các tổ chức chính trị xã hội,ý kiến của cộng đồng dân cư tại các xã, thị trấn, phường chịu tác động trực tiếp của dự án”
2.3. Dân làm
Điều 4 / (2) “Bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn xã hội, quyền và trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân”./ Điều 5. Chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường(1).Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để mọi tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân tham gia hoạt động bảo vệ môi trường.
Điều 6(9). Xây dựng thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, cơ quan, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thân thiện với môi trường.(10). Phát triển các hình thức tự quản và tổ chức hoạt động dịch vụ giữ gìn vệ sinh môi trường của cộng đồng dân cư.
Điều 34. Xây dựng thói quen tiêu dùng thân thiện với môi trường (1). Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân tiêu dùng các loại sản phẩm tái chế từ chất thải, sản phẩm hữu cơ, bao gói dễ phân huỷ trong tự nhiên, sản phẩm được cấp nhãn sinh thái và sản phẩm khác thân thiện với môi trường.
Điều 54. Tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường (1). Nhà nước khuyến khích cộng đồng dân cư thành lập tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường nơi mình sinh sống nhằm thực hiện các nhiệm vụ sau đây: (a) Kiểm tra, đôn đốc các hộ gia đình, cá nhân thực hiện quy định về giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường; (b) Tổ chức thu gom, tập kết và xử lý rác thải, chất thải; (c) Giữ gìn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khu phố, nơi công cộng; (d) Xây dựng và tổ chức thực hiện hương ước về bảo vệ môi trường; tuyên truyền, vận động nhân dân xoá bỏ các hủ tục, thói quen mất vệ sinh, có hại cho môi trường; (đ) Tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn.
Nhận xét:
- Điều 54 Luật BVMT có quy định việc thành lập tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường nhưng lại chưa quy định rõ cơ chế cho tổ chức này hoạt động
2.4. Dân kiểm tra.
Không có điểu khoản nào quy định về chức năng giám sát kiểm tra của cộng đồng
2.5. Dân khiếu nại, tố cáo, khởi kiện
Điều 128. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về môi trường. (1). Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc khởi kiện tại Toà án về hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.. (2). Công dân có quyền tố cáo với cơ quan, người có thẩm quyền đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường sau đây: (a) Gây ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường; (b) Xâm phạm quyền, lợi ích của Nhà nước, cộng đồng dân cư, tổ chức, gia đình và cá nhân.
Nhận xét: Việc giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân rất chậm, gây mất lòng tin của cộng đồng và dù có chậm cũng ít trường hợp được giải quyết thỏa đáng.
II. Tổng kết thực tiến về Vai trò của cộng đồng trong BVMT kể từ 2005
1. Vai trò của cộng đồng trong chính sách Bảo vệ Môi trường của nước ta
Kể từ năm 2005 khi Luật BVMT sửa đổi được ban hành, thực tiễn sống động của công cuộc BVMT nước ta đã có nhiều thành công cũng như đã gíup cho việc phát hiện những bất cập trong các quy định pháp luật.
Cộng đồng đã thể hiện 4 vai trò quan trọng là:
1. Sáng tạo các mô hình, các giải pháp mới, hiệu quả trong bảo vệ môi trường.
2. Thực hiện các nghĩa vụ công dân trong bảo vệ môi trường.
3. Tự giáo dục, tự truyền thông nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trong nội bộ cộng đồng.
4. Giám sát môi trường, đấu tranh chống các vi phạm, tội phạm về bảo vệ môi trường.
Có được những khởi sắc trên là do hanh flang pháp lý về vai trò của coongj đồng trong BVMT sau luật 2005 được nâng cấp
2. Những quy định có tính pháp lý về vai trò của cộng đông trong BVMT sau khi có luật BVMT 2005
Đoàn Thanh Niên Cộng Sản, Mặt Trận Tổ Quốc, Hội Liên hiệp Phụ Nữ , Liên hiệp Các Hội KHKT, Liên Đoàn Lao Động và Hội Bông Dân là 5 Tổ chức Chính trị-Xã hội đã ký Quyết định Liên tịch với Bộ TNMT ngay từ năm 2006. Các Nghị quyết liên tịch này quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của các Tổ chức Chính trị xã hội của nước ta trong lĩnh vực bảo vệ môi trường
2.1. Đoàn TNCS
1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin, trang bị các kiến thức về bảo vệ môi trường, quản lý và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên cho đoàn viên, thanh thiếu niên và cho cán bộ Đoàn các cấp. Tổ chức biên soạn và cung cấp các tài liệu giáo dục về môi trường phù hợp với đối tượng thanh thiếu niên và thực hiện các hoạt động cụ thể để bảo vệ môi trường tại cộng đồng.
2. Tổ chức toạ đàm, trao đổi và sinh hoạt chi đoàn, chi hội, chi đội với nội dung bảo vệ, giữ gìn và cải thiện môi trường; tổ chức hội thi với chủ đề thanh niên bảo vệ môi trường. Xây dựng đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên là cán bộ Đoàn và các ngành liên quan có đủ kiến thức và kỹ năng huy động đoàn viên, thanh thiếu niên và nhân dân tại cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường.
3. Thành lập các đội thanh niên tình nguyện, đội thanh niên xung kích bảo vệ và cải thiện môi trường ở xã, phường, thôn, bản chủ động tích cực tham gia giải quyết các vấn đề bức xúc về môi trường trong địa bàn. Tổ chức cho đoàn viên, thanh thiếu niên tham gia và làm nòng cốt trong các hoạt động bảo vệ môi trường và các hoạt động khác có liên quan trên địa bàn dân cư như: Thu gom, xử lý rác thải, chất thải, khắc phục hậu quả thiên tai...
4. Thực hiện đa dạng các phương thức hoạt động bảo vệ môi trường; đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả các phong trào, cuộc vận động cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu niên tham gia bảo vệ môi trường.
5. Thống nhất xây dựng các cơ chế, nguồn lực thích hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho đoàn viên, thanh thiếu niên tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ, giữ gìn và cải thiện môi trường.
6. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu niên trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại địa phương cơ sở.
7. Động viên, khen thưởng kịp thời các mô hình, gương điển hình tiên tiến của Đoàn, Hội, Đội để tạo ra bước chuyển biến sâu rộng từ nhận thức đến hành vi và các hoạt động cụ thể về bảo vệ môi trường.
2.2. Mặt Trận Tổ Quốc
1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, trước hết là các tổ chức, đoàn thể thành viên, các đối tượng do Mặt trận trực tiếp vận động và mỗi người dân ở cộng đồng dân cư không ngừng nâng cao nhận thức, ý thức và hành động cụ thể tham gia bảo vệ môi trường, tài nguyên.
2. Tổ chức tạo điều kiện để mỗi người dân phát huy quyền làm chủ, nâng cao tính tích cực, chủ động trong việc xây dựng, thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước cũng như các quy chế, quy ước của cộng đồng liên quan đến bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên.
3. Thực hiện xã hội hoá, đa dạng hoá các hình thức tổ chức, phương thức hoạt động; đặc biệt chú trọng phối hợp đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả các phong trào, cuộc vận động huy động toàn dân tham gia bảo vệ môi trường ở trong nước và thế giới.
4. Tăng cường, mở rộng đoàn kết, tạo sự đồng thuận trong xã hội đối với sự nghiệp bảo vệ môi trường và tham gia giải quyết kịp thời các tranh chấp, mâu thuẫn, xung đột lợi ích về môi trường, sử dụng tài nguyên thiên nhiên.
5. Đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát của nhân dân, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của cán bộ, công chức Nhà nước trong việc thực thi chức năng quản lý, bảo vệ môi trường.
2.3. Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam VUSTA
1. Xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; đề xuất biện pháp xử lý vi phạm, tham gia giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.
2. Tổ chức các hoạt động đánh giá tác động môi trường; thẩm định, phản biện các báo cáo đánh giá tác động môi trường; giám sát, kiểm tra việc thực hiện các nội dung bảo vệ môi trường nêu trong các báo cáo đánh giá tác động môi trường.
3. Đề xuất các giải pháp bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên.
4. Nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong phòng ngừa ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường, xử lý và tái chế chất thải, cải thiện môi trường và các hệ sinh thái.
5. Nghiên cứu xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch môi trường và phát triển bền vững cho các vùng kinh tế, các địa phương và các khu đô thị lớn.
6. Giáo dục, đào tạo, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên cho cộng đồng; lồng ghép vấn đề môi trường trong các hoạt động kinh tế - xã hội ở cộng đồng.
7. Tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường.
8. Tổ chức và trao giải thưởng môi trường hàng năm để khuyến khích các hoạt động sáng tạo trong công tác bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên.
9. Tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược Bảo vệ Môi trường Quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.
2.4. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam
1. Đẩy mạnh các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông để trang bị các kiến thức, kỹ thuật, công nghệ về bảo vệ môi trường, quản lý và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên cho cán bộ Hội các cấp. Tổ chức biên soạn và cung cấp các tài liệu giáo dục về môi trường phù hợp với đối tượng phụ nữ, lồng ghép nội dung giáo dục về môi trường với nội dung giáo dục về giới, sức khoẻ, xoá đói giảm nghèo và các nội dung công tác của Hội nhằm tăng cường hiệu quả công tác giáo dục về môi trường.
2. Xây dựng đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên là cán bộ Hội phụ nữ và các ngành liên quan có đủ kiến thức và kỹ năng vận động, huy động phụ nữ, cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường.
3. Xây dựng các mô hình bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ và phòng chống ô nhiễm môi trường, chuyển giao công nghệ mới trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với sự tham gia của phụ nữ.
4. Tổ chức thực hiện các công trình nghiên cứu về vai trò của phụ nữ, yếu tố giới trong bảo vệ môi trường; nghiên cứu, kiến nghị với Nhà nước bổ sung, sửa đổi các cơ chế, chính sách, luật pháp có liên quan đến vấn đề môi trường cho phù hợp.
5. Đẩy mạnh phát động các phong trào thi đua, khen thưởng trong các cấp Hội và hội viên phụ nữ để tạo ra bước chuyển biến sâu rộng từ nhận thức đến hành vi và các hoạt động cụ thể về bảo vệ môi trường.
2.5. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
1. Xây dựng chương trình quản lý thống nhất hệ thống an toàn vệ sinh lao động và bảo vệ môi trường trong hệ thống công đoàn và các cơ sở sản xuất.
2. Tổ chức thường xuyên các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm và hợp lý tài nguyên thiên nhiên cho công nhân viên chức và lao động ở các cấp công đòan tỉnh Khánh Hòa, lồng ghép hoạt động bảo vệ môi trường với phong trào "Xanh – Sạch – Đẹp, đảm bảo An toàn Vệ sinh lao động" do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam phát động. Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông để trang bị các kiến thức, kỹ thuật, công nghệ về bảo vệ môi trường, quản lý và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên cho cán bộ Công đoàn các cấp.
3. Tổ chức biên soạn và cung cấp các tài liệu giáo dục về môi trường phù hợp với công nhân viên chức và người lao động, lồng ghép nội dung giáo dục về môi trường với nội dung giáo dục về an toàn vệ sinh lao động, bảo đảm sức khỏe cho người lao động và các nội dung công tác của Công đoàn nhằm tăng cường hiệu quả công tác giáo dục về môi trường.
4. Xây dựng và thực hiện chương trình hành động “Tăng cường sự tham gia của Công đoàn trong lĩnh vực bảo vệ môi trường giai đoạn 2005 – 2010” nhằm triển khai có hiệu quả Chiến lược bảo vệ môi trường Quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.
5. Xây dựng các chương trình bảo vệ, nâng cao chất lượng môi trường lao động, khu công nghiệp góp phần vào việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Áp dụng các công nghệ sạch, thân thiện với môi trường và chương trình sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất.
6. Tổ chức thực hiện các công trình nghiên cứu về vai trò của Công đoàn và người lao động trong sự nghiệp bảo vệ môi trường; nghiên cứu, kiến nghị với Nhà nước sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, luật pháp có liên quan đến vấn đề môi trường.
7. Tổ chức các chương trình hành động và các hoạt động cụ thể nhân ngày Môi trường Thế giới (5-6) và các sự kiện môi trường khác hàng năm trong các cơ sở sản xuất và các cấp công đoàn.
8. Chủ động và tích cực tham gia triển khai các chương trình, dự án thực hiện chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến 2010 và định hướng đến 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ.
2.6. Hội Nông Dân Việt Nam
1. Đẩy mạnh các hoạt động giáo dục, truyền thông và nâng cao nhận thức nhằm trang bị các kiến thức khoa học kỹ thuật, công nghệ về bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai cho các cán bộ, hội viên, nông dân, giúp họ nắm vững và chấp hành tốt quyền và nghĩa vụ của mình. Tổ chức biên soạn và phổ cập các tài liệu về bảo vệ môi trường phù hợp với trình độ nhận thức của cán bộ, hội viên, nông dân. Xây dựng và thực hiện các hương ước, quy định về bảo vệ môi trường tại vùng nông thôn và miền núi.
2. Hướng dẫn, hỗ trợ và tạo điều kiện cho cán bộ cấp hội, hội viên, nông dân tham gia công tác bảo vệ môi trường và quản lý, sử dụng đất đai.
3. Gắn liền công tác bảo vệ môi trường, quản lý và sử dụng đất đai với chương trình xoá đói giảm nghèo, với công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.
4. Xây dựng đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên là cán bộ, hội viên nông dân và các ngành liên quan có đủ kiến thức và kỹ năng vận động, huy động nông dân cùng tham gia bảo vệ môi trường.
5. Tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên đề, mít tinh; xây dựng các mô hình cấp nước sạch và bảo vệ môi trường nông thôn; biểu dương, khen thưởng kịp thời các cá nhân, tập thể tham gia quản lý, sử dụng và bảo vệ tốt môi trường; tạo cơ hội cho cán bộ, hội viên, nông dân giỏi đi tham quan, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm ở trong nước và nước ngoài.
6. Xây dựng và tổ chức thực hiện các công trình nghiên cứu khoa học nhằm làm rõ vai trò của các cấp Hội trong hoạt động bảo vệ môi trường; kiểm tra, giám sát các cấp, cán bộ, hội viên, nông dân thực thi chính sách pháp luật về đất đai và môi trường, xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp vi phạm; đề xuất, kiến nghị với Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến lĩnh vực bảo vệ môi trường và quản lý, sử dụng đất đai.
3. Tổng quan các loại mô hình BVMT cấp cơ sở đã thành công ở nước ta, phản ảnh sựu thành công của luật BVMT (1993 và 2005)
Nhân dân ta từ lâu đời đã có truyền thống yêu quý thiên nhiên và thân thiện với môi trường. Nhiều cá nhân, hộ gia đình, làng bản từ lâu vẫn có ý thức tốt về bảo vệ môi trường. Nhiều sáng kiến, mô hình tốt về sự tham gia của cộng đồng trong BVMT đã được phát triển trên khắp nước từ Bắc chí Nam với quy mô, cách tổ chức, mục tiêu rất đa dạng.
Phát hiện, cổ vũ và nhân rộng các sáng kiến địa phương, tạo lập dư luận xã hội ủng hộ và đánh giá cao các sáng kiến này, xây dựng cơ chế chính sách thu hút sự tham gia của cộng đồng vào hoạt động BVMT có tác dụng tốt để hình thành các phong trào quần chúng bảo vệ môi trường.
3.1.Mô hình dịch vụ môi trường
Dịch vụ môi trường là lĩnh vực có nhiều cơ hội thu hút sự tham gia của các tổ chức, cá nhân, thu hút một nguồn lực lớn từ cộng đồng.
Lĩnh vực thu gom, vận chuyển và chôn lấp rác sinh hoạt có lẽ là mảnh đất tốt cho công tác xã hội hoá, nhiều trường hợp mang lại hiệu quả cao hơn mô hình doanh nghiệp Nhà nước. Các mô hình công ty cổ phần dịch vụ vệ sinh môi trường đang phát triển rộng rãi khắp các quận huyện ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang. Các mô hình khác như kiểu công ty tư nhân Huy Hoàng ở Lạng Sơn, công ty tư nhân Nam Thành ở Phan Rang, Hợp tác xã dịch vụ vệ sinh môi trường Hiệp Hoà (Bắc Giang), Ngô Mây (Bình Định), các doanh nghiệp tư nhân tái chế chất thải chựa ở Hải Phòng, Khánh Hoà, …là những mô hình hiệu quả và đang được nhân rộng.
Dịch vụ tư nhân cung cấp nước sạch cho sinh hoạt cũng là lĩnh vực thu hút nhiều cá nhân và tổ chức tham gia và gặt hái nhiều thành công. Những ví dụ điển hình như các mô hình cấp nước quy mô nhỏ (khoảng 100 hộ) ở Từ Liêm (Hà Nội), thị trấn Cần Đước (Long An), thị xã Phan Rang (Ninh Thuận), thị trấn Thắng (Hiệp Hoà, Bắc Giang)… đã có nhiều năm qua và đã được khẳng định.
Thu gom, kinh doanh và tái chế phế liệu là một nghề đã có từ lâu đời ở Việt Nam và đang được nhìn nhận lại như một hoạt động kinh tế có hiệu quả và có ý nghĩa môi trường trong một lĩnh vực kinh tế - xã hội mới: Kinh tế phế thải. Hàng trăm làng nghề thủ công ở Bắc Ninh nhiều chục năm qua đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm làm ăn quý giá trong lĩnh vực tái chế phế liệu. Cần tổ chức hoạt động kinh doanh trong thị trường phế liệu để hình thành một nghề chính thức và kiểm soát tốt hơn các tác động xấu về mặt môi trường.
3.2. Mô hình lồng ghép các tiêu chí bảo vệ môi trường vào hương ước làng, bản và quy chế xây dựng cụm dân cư văn hoá
Hương ước là một kiểu qui chế làng xã do cộng đồng tự xây dựng đã có ở nước ta từ lâu đời. Đó có thể là quy chế thành văn (hương ước) ở cộng đồng người Kinh, cũng có thể là quy chế truyền miệng (luật tục) ở một số cộng đồng dân cư ít người. Hương ước đối với các cộng đồng Việt Nam đã trở thành một truyền thống văn hoá quý giá. Ngày nay, những bản hương ước mới đã và đang được xây dựng, loại bỏ các quy định lạc hậu, bổ sung thêm các quy định mới phù hợp với pháp luật và đáp ứng những tiến bộ của thời đại. Những điều khoản về bảo vệ môi trường đã được thừa kế và bổ sung thêm và các bản hương ước mới.
Ở các khu vực đô thị, hương ước ít khi được xây dựng. Thay vào đó là các bản quy chế xây dựng cụm dân cư văn hoá.
Việc xây dựng và ban hành hương ước và quy chế cụm dân cư văn hoá không thể tuỳ tiện mà phải theo quy trình pháp luật chặt chẽ (xem thêm trong Sổ tay hướng dẫn quản lý môi trường cấp cơ sở - Cục Bảo vệ Môi trường xuất bản, Hà Nội, 2004)
Một thực tế cho thấy, những địa phương thực hiện tốt hương ước và quy chế cụm dân cư văn hoá, ý thức và sự tham gia của người dân trong bảo vệ môi trường thường rất cao (ví dụ điểm hình là Hà Tây và Thừa Thiên Huế).
3.3. Các phong trào thanh thiếu niên bảo vệ môi trường
Hoạt động “Mùa hè xanh”, “Tình nguyện xanh”, “Trường học xanh” có các nội dung bảo vệ môi trường ngày càng thu hút đông đảo thanh thiếu niên tham gia. Thanh niên nói chung và sinh viên, học sinh nói riêng ngày càng có kiến thức, có tâm huyết, rất năng động và được tổ chức tốt. Các phong trào “xanh” trong hoạt động tình nguyện của thanh thiếu niên xuất phát từ thành phố Hồ Chí Minh đã lan rộng khắp cả nước.
Để nâng cao hiệu quả của các hoạt động bảo vệ môi trường trong các chương trình “xanh”, cần phải hỗ trợ các đoàn tình nguyện về các hướng sau đây:
- Tư vấn cho các nhóm tình nguyện xanh xác định đúng những vấn đề bức xúc về môi trường cần tham gia hoạt động ở địa bàn tổ chức tình nguyện.
- Hỗ trợ cho các nhóm xây dựng tốt các dự án tình nguyện xanh, xác định đúng mục tiêu, mục đích, phương pháp tiến hành, các hoạt động, chỉ thị xác minh, kết quả dự kiến, cách đánh giá dự án và dự toán đúng kinh phí dự án đề xin tài trợ, để tăng tính khả thi của dự án.
- Tập huấn tình nguyện viên cách tổ chức hoạt động, cách dân vận, kỹ năng tiếp xúc với cộng đồng, cách duy trì kết quả sau hoạt động tình nguyện, cách đánh giá kết quả.
Hoạt động tình nguyện xanh chỉ thực sự có hiệu quả nếu các nhóm thanh niên tình nguyện được tư vấn và đào tạo tốt. Thiếu các yếu tố này, hoạt động tình nguyện có thể sẽ là hoạt động lãng phí sức người, tiền bạc và làm nản lòng cả tình nguyện viên, người địa phương, cả các nhà tài trợ cho hoạt động tình nguyện xanh.
3.4. Mô hình năng suất xanh
Trung tâm năng suất xanh Việt Nam và Viện Kinh tế sinh thái đã xây dựng và nhân rộng mô hình năng suất xanh. Mô hình được thực hiện tại các làng - bản nông nghiệp, vừa nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, vừa bảo vệ môi trường. Các mô hình kinh tế - sinh thái bền vững được triển khai tại các địa bàn sinh thái khác nhau. Đời sống nhân dân được cải thiện, điều kiện môi trường sản xuất và vệ sinh môi trường nơi cư trú được bảo vệ, chất lượng nông sản thực phẩm ngày càng an toàn.
Đây là một loại mô hình tốt khẳng định vai trò của các nhà khoa học và của cộng đồng vì một mục tiêu chung là nâng cao chất lượng cuộc sống.
Những điển hình thành công của mô hình năng suất xanh có thể thấy ở Việt Yên (Bắc Giang), Mạn Đê (Hải Dương), Hợp Nhất (Hà Tây), Quảng Trị,…Những mô hình năng suất xanh tương tự có thể nhân rộng trên địa bàn nông thôn ở các huyện.
3.5. Mô hình trang trại nông nghiệp sinh thái
Kinh tế trang trại ngày càng phát triển ở nông thôn Việt Nam. Các mô hình VAC (Vườn - ao - chuồng), RVAC (Rừng - vườn - ao - chuồng) thích hợp cho kinh tế hộ gia đình, chưa thực sự phù hợp với các trang trại nông nghiệp với hàng trăm ha canh tác, hàng trăm lao động làm thuê và hàng ngàn, hàng chục ngàn gia súc được chăn nuôi. Việc đưa công nghệ chế biến nông sản vào các trang trại nông nghiệp đang biến các trang trại thành các tổ hợp công nghiệp nông thôn. Bảo vệ môi trường ở địa bàn nông thôn không thể tách rời vai trò của các trang trại sản xuất hàng hoá này.
Mỗi mô hình trang trại thường phù hợp với một địa phương nhất định, với một loại sản phẩm và quy mô nhất định. Tuy nhiên có những nguyên tắc chung của trang trại sinh thái, bao gồm:
- Áp dụng khoa học kỹ thuật để sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên đất, nước, cây; chuyển nông nghiệp hoá học sang nông nghiệp hữu cơ, sử dụng hợp lý và tối thiểu hoá chất nông nghiệp.
- Quay vòng vật chất tối đa trong hệ thống trang trại, tận dụng chất thải làm đầu vào của chu trình dinh dưỡng tiếp theo (ví dụ dùng phân trâu bò để nuôi giun, giun làm thức ăn cho gà…) tăng cường sử dụng năng lượng mới (gió, nước, mặt trời,…).
- Sản xuất nông sản sạch hoặc an toàn.
- Kiểm soát chặt chẽ các giống cây trồng, vật nuôi biến đổi gen hoặc giống nhập từ nước khác, địa phương khác theo quy định của pháp luật.
Quan tâm thích đáng đến đời sống cộng đồng, trong đó cộng đồng lao động làm thuê trên cơ sở phát huy tính trách nhiệm và sáng kiến của họ trong sản xuất. Sự quan tâm này là nghĩa vụ của chủ trang trại, không chỉ về mặt thu nhập cho người lao động mà còn cả về mặt văn hoá, xã hội (ví dụ chăm sóc y tế, học vấn…).
3.6. Mô hình bảo tồn thiên nhiên cấp cơ sở
Các mô hình vườn chim, đồi cò, chùa dơi… do cộng đồng hoặc các hộ nông dân tự nguyện xây dựng đã xuất hiện ở khắp nước. Đáng chú ý có vườn cò ở Lập Thạch - Vĩnh Phúc, đồi cò Ngọc Nhị - Hà Tây, đồi cò của Quân khu 3 Kiến An - Hải Phòng, đảo cò Chi Lăng Nam - Hải Dương, chùa dơi ở Sóc Trăng, vườn chim ở Cà Mau,… Những mô hình này ngày càng xuất hiện ở nhiều nơi. Đó là sự kết hợp giữa truyền thống bảo vệ thiên nhiên của nhân dân và những bí ẩn của tự nhiên còn chưa lý giải được về mặt khoa học, cái gọi là “đất lành chim đậu”.
3.7. Mô hình sản xuất sạch hơn của các cơ sở công nghiệp, thủ công nghiệp
Những năm gần đây, sự tham gia vào quy trình sản xuất sạch hơn một cách tự nguyện và sáng tạo đã làm xuất hiện nhiều mô hình bảo vệ môi trường tốt trong khu vực các doanh nghiệp công nghiệp và thủ công nghiệp, đặc biệt ở các thành phố và khu công nghiệp phía Nam. Nhiều ví dụ điển hình ở thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai như ở công ty giấy Xuân Đức, công ty giấy Linh Xuân, công ty dệt Phước Long, cơ ở dệt nhuộm Thuận Thiên, công ty thực phẩm Thiên Hương, nhà máy Visan, công ty Nestlé, công ty Chanshin…
Trình tự ưu tiên của quy trình sản xuất sạch hơn được đúc kết từ những mô hình này là:
- Phòng ngừa phát sinh, giảm thiểu chất thải, giảm hàng hư, giảm thời gian lưu kho.
- Tuần hoàn chất thải (tái sử dụng).
- Xử lý chất thải trở nên không độc hại.
- Thải bỏ chất thải an toàn.
Kinh nghiệm thực tiễn của các mô hình bảo vệ môi trường thành công
(1) Cộng đồng phải có lợi
Doanh nghiệp, người lao động, nhân dân thực hiện mô hình phải là người được hưởng lợi. Lợi trước hết phải là kinh tế. Các mô hình sản xuất phải gắn với sinh kế bền vững, tăng thu nhập cho cơ sở và người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo. Sau đó là những cái lợi về mặt xã hội như tạo thêm công ăn việc làm, tăng công bằng xã hội và bình đẳng giới; cũng phải có lợi về mặt môi trường và cuối cùng là nâng cao các giá trị văn hoá doanh nghiệp hoặc văn hoá địa phương.
(2) Các mô hình phải có khả năng tự trang trải,
Phải có nguồn thu nhập bền vững đủ trang trải cho các chi phí vận hành mô hình (gồm chi phí trang bị thiết bị, công cụ, tập huấn, kiểm tra đánh giá, thù lao cho người lao động, tái sản xuất v.v…)
(3)Tạo quyền cho cộng đồng. Gồm các quyền nhận, biết, bàn, làm, kiểm tra, khiếu nại tố cáo.
Nhận - để huy động sự tham gia của cộng đồng về BVMT, cần làm rõ khi tham gia, cộng đồng nhận được những gì. Cái gì dân làm phải mang lại lợi ích thiết thực cho họ.
- Lợi ích vật chất là những gì? (Ví dụ được vay vốn)
- Lợi ích tinh thần là những gì? (Ví dụ danh tiếng của làng)
- Lợi ích về chất lượng môi trường sống là những gì? (Ví dụ có nước sạch, rác được quản lý, giảm bệnh tật…)
Biết- tăng cường nhận thức của cộng đồng qua các câu hỏi liên quan đến sự tham gia của họ vào một nhiệm vụ, dự án, chương trình cụ thể. Bằng cách trả lời 6 câu hỏi:
- Nhiệm vụ đó là gì?
- Tại sao lại có nhiệm vụ đó, tại sao họ cần tham gia?
- Tham gia vào nhiệm vụ đó như thế nào?
- Thực hiện nhiệm vụ đó ở đâu?
- Thực hiện nhiệm vụ khi nào? bao lâu?
- Những ai được/phải tham gia.
Bàn - tổ chức cho cộng đồng bàn bạc về các giải pháp mà họ sẽ thực hiện khi tham gia vào chương trình/dự án/nhiệm vụ; bàn bạc về những gì họ sẽ nhận được và trách nhiệm của họ trong chương trình/dự án/nhiệm vụ.
Làm - tổ chức cho cộng đồng thực hiện các giải pháp, các nhiệm vụ.
Kiểm tra - tổ chức cho cộng đồng/hoặc đại diện cộng đồng có thể kiểm tra tiến trình thực hiện nhiệm vụ, kết quả của dự án, quyền lợi họ được nhận. Những hình thức như các tổ tình nguyện, tổ tự quản… có thể được thành lập.
Để giúp cho việc thực hiện quy trình 5 bước, có thể tổ chức các hình thức họp, truyền thông, tập huấn …
(4) Các mô hình phải được sự lãnh đạo, chỉ đạo của địa phương
Đảng bộ địa phương, UBND, hoặc thông qua các đoàn thể chính trị - xã hội của địa phương như MTTQ, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Liên đoàn Lao động, Đoàn Thanh niên hoặc cần chỉ đạo sát sao việc tổ chức cho cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường trong khuôn khổ pháp luật
(5) Sự hỗ trợ ban đầu
Chính quyền địa phương hoặc các tổ chức phi chính phủ, tổ chức quốc tế…cần hỗ trợ, có thể làkinh phí ban đầu, khoa học kỹ thuật, hay tổ chức... . Tuy sự hỗ trợ này không phải là điều kiện cần của mọi trường hợp nhưng với các mô hình liên quan đến chuyển đổi sinh kế của cộng đồng thì những hỗ trợ ban đầu đó là bắt buộc phải có.
III. Tổng hợp những đề xuất nhằm hoàn thiện Luật BVMT
Sự tham gia của cộng đồng vừa là Quốc sách vừa là động lực quan trọng trong sự nghiệp Bảo vệ môi trường .Nhiều kinh nghiệm thành công trong thực tế cho thấy chính sách xã hội hóa trong bảo vệ môi trường là một chính sách đúng đắn. Sự tham gia của cộng đồng được thể hiện qua 4 tác dụng:
- Sáng tạo các mô hình, các giải pháp mới phù hợp và hiệu quả lâu dài trong BVMT.
- Thực hiện các nghĩa vụ công dân trong BVMT và dễ dàng lôi kéo nhiều người khác
- Tự giáo dục, tự truyền thông nâng cao nhận thức về BVMT trong nội bộ cộng đồng
- Giám sát, kiểm tra và đấu tranh với các vi phạm, các hành vi xâm hại đến môi trường (trong đó có chức năng khiếu nại và tố cáo).
Nhằm hoàn thiện cơ chế chính sách thu hút sự tham gia của cộng đồng vào bảo vệ môi trường Luật BVMT mới cần:
1. Xác định rõ nội hàm “cộng đồng” và “đại diện cộng đồng” trong Luật, coi cộng đồng là một trong 3 chân kiềng của sự nghiệp Bảo vệ Môi trường gồm Chính quyền, Doanh nghiệp và Cộng đồng
2. Bổ sung điều luật quy định về quyền tiếp cận thông tin của cộng đồng, quyền giám sát và kiểm tra của đại diện cộng đồng về các vấn đề môi trường bức xúc liên quan đến cộng đồng
3. Các văn bản dưới luật cần làm rõ cơ chế đảm bảo thực hiện quyền “Biết, Bàn, Làm, Kiểm tra, Khiếu nại và Tố cáo” của cộng đồng trong BVMT
[i] What is a Community? Social Development Commission for the Government of Jamaica, October 1975
[ii] Yahoo Voice. The Triangle in Environmental Management (5/2009)
[iv] VACNE,2006. Điều tra tổng kết hoạt động xã hội hóa bảo vệ môi trường ở Việt Nam, Hà Nội