quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

Tư tưởng Hồ Chí Minh về trồng cây và bảo vệ môi trường (Phần 2)

Thứ Hai, 10/02/2020 | 09:02:00 AM

(VACNE) - Bác Hồ coi trọng việc trồng cây và “trồng” người. Theo Người, trồng cây được coi là lợi ích trước mắt của quốc gia, có thời gian khoảng 10 năm. Còn “trồng người” là lợi ích lâu dài của quốc gia, phải “trồng” trong khoảng 100 năm.

Image result for tết trồng cây

 
3. Quan niệm của Hồ Chí Minh về trồng cây và “trồng” người

 
Bác Hồ coi trọng việc trồng cây và “trồng” người. Theo Người, trồng cây được coi là lợi ích trước mắt của quốc gia, có thời gian khoảng 10 năm. Còn “trồng người” là lợi ích lâu dài của quốc gia, phải “trồng” trong khoảng 100 năm. Trong bài nói chuyện với giáo viên cấp II, cấp III toàn miền Bắc, ngày
13/9/1958, Bác Hồ nêu lên quy luật của tự nhiên và xã hội: Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. Chúng ta phải đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt cho nước nhà. Nhân dân, Đảng, Chính phủ giao các nhiệm vụ đào tạo thế hệ tương lai cho các cô, các chú. Đó là một trách nhiệm nặng nề nhưng rất vẻ vang
[1]. Người cho rằng, trồng cây và “trồng” người đều là lợi ích của quốc gia, vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và xã hội. Trồng cây là để bảo vệ môi trường theo hướng phát triển bền vững. Còn “trồng” người là nhằm bồi dưỡng, đào tạo thế hệ trẻ phát triển toàn diện đáp ứng với thời kỳ đẩy mạnh CNH,HĐH đất nước và hội nhập quốc tế, thực hiện cuộc cách mạnh Công nghiệp lần thứ tư (4.0). Bác Hồ dạy, việc trồng cây làm cho đất nước xanh tươi là công việc quan trọng, công việc ấy phải được thực hiện tốt từ khâu quy hoạch, chọn giống, ươm mầm, trồng và chăm sóc, bảo vệ  để “trồng cây nào sống cây ấy và trồng cây nào tốt cây ấy”. Người khuyên, vì lợi ích 10 năm của dân tộc, mọi người ai cũng nên tham gia Tết trồng cây “để cho đất nước càng ngày càng xuân”. Lời chỉ dẫn ân cần của Bác Hồ đến nay đã trở thành phong trào truyền thống của dân tộc - Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ. Vế thứ hai trong câu nói nổi tiếng của Bác Hồ là lợi ích “trồng” người. Muốn có thế hệ trẻ Việt Nam “vừa hồng, vừa chuyên”, phát triển toàn diện cả về phẩm chất, năng lực thi Đảng phải quan tâm lãnh đạo Nhà nước và các chủ thể xã hội chăm lo bồi dưỡng, đào tạo thế hệ cách mạng cho đời sau. Trong Di chúc của mình, Người căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc làm quan trọng và rất cần thiết”[2]. Bác Hồ đặt trọn niềm tin của mình vào học sinh. Người yêu cầu học sinh phải tự mình phấn đấu, không ngừng học tập và rèn luyện để nắm lấy tri thức, bồi dưỡng ý chí, nghị lực và tinh thần cách mạng. Theo Bác Hồ, việc học tập, rèn luyện của học sinh có ý nghĩa quyết định đến tương lai phát triển của đất nước, của dân tộc. Trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tháng 9/1945, Người viết: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là một phần lớn công học tập của các em”[3]. Mặt khác, Bác Hồ tin tưởng, giao cho các thầy cô giáo nhiệm vụ nặng nề, nhưng rất vẻ vang là chăm lo đào tạo thế hệ trẻ.


4. Tình yêu môi trường thiên nhiên của Hồ Chí Minh


Bác Hồ là người yêu môi trường thiên nhiên, luôn gắn bó với rừng cây, con suối, ngọn núi. Năm 1911, lúc mới 21 tuổi, Bác đã đi ra nước ngoài tìm đường cứu nước, cứu dân tộc. Suốt 30 năm bôn ba ở nước ngoài, vừa phải lao động kiếm sống, học tập và làm cách mạng, Bác Hồ luôn hướng về quê hương, đất nước. Ngày 28/1/1941 (năm Tân Tỵ), Bác trở về Tổ quốc.
Nơi Người đặt chân đầu tiên về Tổ quốc là mốc 108. Bác dừng lại hồi lâu ở biên giới để ngắm nhìn non nước Việt Nam giàu đẹp. Hình ảnh bình dị mà sâu nặng tình yêu quê hương, đất nước của Bác còn truyền cảm hứng mãi mãi cho thế hệ trẻ nước ta.


Nơi Bác Hồ ở đầu tiên khi về nước hoạt động cách mạng là núi rừng Pác Bó, thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Đây là nơi “non xanh, nước biếc, rừng thẳm, đất thiêng”, cảnh vật hữu tình, nên thơ, hùng vĩ, người dân chất phác, hiền lành, thuần hậu, đầy tình yêu quê hương, đất nước.
Bác Hồ đã lựa chọn Hang Pác Bó để sống và tuyên truyền, vận động nhân dân đứng lên làm cách mạng. Nơi ấy có rừng cây, có hang đá, có con suối, có cảnh quan thiên nhiên kỳ vỹ, có địa thế phù hợp cho công tác hoạt động cách mạng của Bác. Bác Hồ sống hòa đồng với đồng bào và cảnh quan thiên nhiên Pác Bó. Bác thường ngồi làm việc trên bàn đá ven suối: “Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng”. Bác nhìn con suối thấy những tư tưởng của Lênin tuôn trào và nhìn lên non, thấy tư tưởng của Các Mác vỹ đại.  Người đã đặt tên cho con suối Khuổi Mịn là suối Lê nin, đặt tên cho núi Phja Tào là núi Các Mác. Từng phiến đá, con suối, đỉnh núi, ngọn cây…đều trở nên thân quen đối với Bác. Ý nghĩa biết bao khi Bác đặt tên cho núi và suối mang tên các vị lãnh tụ của cách mạng vô sản thế giới. Bác Hồ mong muốn để núi sông, cảnh quan thiên nhiên của Việt Nam gắn bó với cách mạng, được nhân dân trong nước và thế giới biết đến, để đất nước, núi non được trường tồn với thời gian và có ý nghĩa giáo dục sâu sắc đối với thế hệ trẻ mai sau. Bây giờ, người dân Việt Nam nào cũng biết đến ở khu Pác Bó có suối Lênin, có núi Các Mác, có bàn đá Bác Hồ ngồi làm việc.


Chúng ta nhận thấy giá trị to lớn, nhiều mặt về chính trị, kinh tế, xã hội, giáo dục, bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên thiên nhiên từ những việc làm của Bác Hồ. Trong thực tế, con suối Lênin như một dòng chảy của cách mạng vô sản không bao giờ cạn, luôn đem đến dòng nước trong lành cho nhân loại. Đỉnh núi Các Mác đứng sừng sững và có độ bền vững vĩnh cửu. Suối Lênin và núi Các Mác – hai di sản văn hóa vật thể của thiên nhiên sẽ có sức sống trường tồn như chính học thuyết của chủ nghĩa Mác – Lênin. Đối với ý nghĩa về môi trường thì cảnh quan ấy sẽ được các thế hệ người Việt Nam lưu giữ, bảo vệ để non nước Pác Bó mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.


Tháng 5/1945, trước những chuyển biến mau lẹ của tình hình và yêu cầu của cách mạng, Bác Hồ quyết định rời Pác Bó về Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnhTuyên Quang, nơi  có đủ điều kiện “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” làm căn cứ chỉ đạo cách mạng cả nước.Tại đây, đầu tháng 6/1945, Người đã chỉ đạo thành lập Khu Giải phóng, lấy Tân Trào làm trung tâm, xây dựng chính quyền và quân đội cách mạng. Tân Trào trở thành Thủ đô Khu Giải phóng và sau đó là Thủ đô lâm thời của nước Việt Nam mới. Ở đây, Bác Hồ đã làm lán Nà Lừa để ở và làm việc, lãnh đạo cách mạng. Một lần nữa, Bác Hồ lại chọn núi rừng làm chiến khu. Người nhận thấy, lúc cách mạng còn non trẻ  phải dựa vào rừng núi, phải lấy rừng núi làm chiến khu, rừng sẽ bảo vệ cách mạng và che mắt quân thù. Rừng núi chiến khu, cảnh quan thiên nhiên, môi trường rừng sẽ nuôi sống và che chở cho đội quân cách mạng. Bác Hồ là người gắn bó, yêu thiên nhiên và biết sử dụng môi trường rừng núi để phục vụ sự nghiệp cách mạng.


Tại Tân Trào, Trung ương Đảng và Bác Hồ đã có những quyết định quan trọng, lãnh đạo thành công cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Tháng 8/1945, Người chủ trì Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng quyết định chớp thời cơ Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, cử ra Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc; Quốc dân Đại hội Tân Trào - tiền thân của Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Tháng 12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, một lần nữa Bác Hồ trở lại Tuyên Quang để lãnh đạo toàn dân kháng chiến kiến quốc. Ngày 2/4/1947, Người về đến làng Sảo, xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương. Tuyên Quang. Một lần nữa, Thủ đô Khu Giải phóng năm xưa đã trở thành Thủ đô kháng chiến, là nơi ở, làm việc của Trung ương Đảng, của Bác Hồ, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các bộ ngành, cơ quan trung ương.

 
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ (ngày 7/5/1954), Bác Hồ và Chính phủ trở về thủ đô Hà Nội. Về Hà Nội, Bác vẫn giữ nếp sống giản dị, gắn bó với môi trường thiên nhiên. Ngôi nhà sàn Bác ở và làm việc, xung quanh là cây xanh, phía trước là ao cá. Từ Phủ Chủ tịch, hàng ngày, Bác đi về qua con đường Xoài, gặp hàng cây Bụt mọc, ở đầu nhà Bác trồng cây vú sữa do đông bào và chiến sỹ miền Nam gửi tặng. Bên kia ao cá là vườn cây ăn quả do Bác Hồ trồng. Ai trong chúng ta đã một lần vào thăm cảnh quan quanh ngôi nhà sàn của Bác, thăm ao cá, vườn cây ăn quả đều cảm thấy cái bình dị, gần gũi, thân quen như chính một phần quê hương mình trong đó. 



(Xuân Canh Tý-2020)

TS. Nhà văn Trần Văn Miều


(Còn tiếp)


[1] Sách đã dẫn, tr. 93. 

 

[2] Hồ Chí Minh. Tuyển tập. Tập 3, Nxb. Chính trị quốc gai, năm 2002, tr. 724

[3] Hồ Chí Minh. Toàn tập, Tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, năm 2004,tr.33.

Lượt xem: 1315

Các tin khác

Một nền kinh tế xanh cần nhiều thứ hơn chỉ là trợ cấp

(20/04/2024 06:23:AM)

Thúc đẩy phát triển đô thị theo hướng xanh, bền vững

(03/04/2024 07:56:AM)

Nước đã cạn

(30/03/2024 06:46:AM)

Bảo vệ môi trường – Nền tảng để phát triển kinh tế bền vững

(28/03/2024 07:08:AM)

Chuyển đổi xanh trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

(26/03/2024 05:49:AM)

Một số suy nghĩ về chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang phát triển dựa vào hệ sinh thái, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn - Từ phân tích thực

(25/03/2024 06:28:AM)

Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng lớn đối với Việt Nam

(24/03/2024 06:05:AM)

Thách thức khi tham gia thị trường tín chỉ carbon

(22/03/2024 07:08:AM)

Vai trò của tài nguyên thiên nhiên đối với tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam

(17/03/2024 06:53:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE