Nguyễn Ngọc Tiến
Ca quán Hàng Giấy
Thăng Long thời Lê, Bắc thành thời Nguyễn có nhiều giáo phường ca trù nổi tiếng trong đó phải kể đến giáo phường Hòe Nhai. Cuối đời Lê, Hòe Nhai đã là dãy phố hát ả đào làm say mê bao nhiêu vương tôn công tử. Ninh Tốn (1743-1795) tiến sỹ đời vua Lê Cảnh Hưng (1740-1786) có bài thơ ca ngợi phường hát này:
Bờ liễu đường hoa ai cũng đẹp
Phong lưu vành chiếm một Hòe Nhai
Nõn nà trăm vẻ khoe xuân sắc
Uyển chuyển lời ca ghẹo khách hoài
Hoa rụng bên đền ghen má phấn
Oanh hào tiếng phách rộn bên ngoài.
Kẻ thường đâu dám chi nghìn lạng
Phải đợi Vương tôn quảy rượu sài.
Phường Hòe Nhai thời Lê bao gồm Hàng Than, Hàng Giấy và cả Hàng Đậu. Trong cuốn "Phố phường Hà Nội xưa", nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy cũng viết về ca trù ở phố Hàng Giấy đầu thế kỷ XX, vẫn là kép đánh đàn đáy, vẫn đào hát răng đen, yếm đào gõ phách còn người nghe sành thì cầm trống chầu. Tuy nhiên hoạt động của giáo phường cuối thế kỷ XIX đã dịch chuyển sang về hình thức tồn tại: không chỉ hát ở hội hè, hát theo lời mời của nhà quan, danh sỹ, người có tiền thích thú vui tao nhã này mà họ lập ra ca quán và có lẽ phố Hàng Giấy là nơi ra đời các ca quán đầu tiên. Theo nhà sử học Trần Quốc Vượng, Hàng Giấy từng được gọi là phố Ả Đào. Chắc ở đây phải có rất nhiều ca quán nên người ta mới gọi như thế. Việc xuất hiện ca quán ở Hàng Giấy đã mở đầu cho thời kỳ "ca trù thương mại" phục vụ cho nhiều đối tượng trong xã hội hơn. Thời điểm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, số người học chữ Nôm, chữ Hán có xu hướng giảm và số người học tiếng Pháp tăng lên, bên cạnh đó lối sống Pháp ảnh hưởng tới lối sống của người Hà Nội cũng làm thay đổi đối tượng nghe ca trù. Bởi thế có ca quán còn hát cả chèo. Tuy nhiên nhiều ca quán vẫn giữ được nếp hát truyền thống. Trong dân gian có câu:
Trải qua Hàng Giấy dần dần
Cung đàn nhịp phách nên xuân bốn mùa.
Nhà văn Nguyễn Tuân viết rằng khi còn nhỏ ông từng được cha cho đến đây. Theo nhà văn Vũ Bằng, các danh sỹ như: Hoàng Tăng Bí, Dương Bá Trạc, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Nguyễn Đỗ Mục, Sơn Phong từng đến Hàng Giấy thưởng thức cung đàn nhịp phách.
|
|
Việc ca quán hoạt động nhộn nhịp, xe tay đưa đón khách khuya khoắt lại xảy ra cả chuyện ghen tuông nên chính quyền thành phố đã ra quy định. Hàng Giấy lại có bốt Hàng Đậu nên người đến ca quán cũng thấy ngại khi đám cảnh sát Tây lững lững đi lại. Rồi nhà đất ở Hàng Giấy ngày càng đắt hơn vì thế mà kéo giá thuê cũng cao hơn khiến nhiều ca quán tìm đến chỗ rộng hơn, xa trung tâm và không bị cảnh sát làm khó dễ tiếng đàn phách trong đêm. Và Thái Hà là địa điểm được lựa chọn, thời đó ấp Thái Hà là ngoại ô, nhà cửa còn xen lẫn với ruộng.
Đến cô đầu Khâm Thiên
Trước 1915 phố Khâm Thiên vẫn chưa hình thành, đường đi vẫn là đất đá lổn nhổn và chiều ngang chỉ đủ rộng cho một chiếc xe tay đi qua. Hai bên còn là hồ ao, bãi tha ma, ruộng rau muống và ao bèo. Làng lui sâu vào bên trong. Đầu đường (chỗ chắn tàu hiện nay) giáp với đường Thiên Lý (Lê Duẩn ngày nay) không có nhà cửa, chỉ có mấy quán bán xôi, cháo cho công nhân hỏa xa. Đầu những năm 1920, do đất trong phố đắt dần, người ta mới mua ở đây làm nơi sản xuất, trong đó có bà Long nấu xà phòng hiệu Con Dê, tiếp đó là Trịnh Đình Kính chủ hiệu thủy tinh Thanh Đức Hàng Bồ đặt xưởng.
Hai người có công mở mang ra phố Khâm Thiên là lý trưởng Bát Chắm, làm nghề bán thuốc đông y điều kinh và Cửu Khê một tay anh chị có tiền. Cả hai bỏ tiền mua đất giá rẻ làm nhà cho thuê. Đầu năm 1920, khi các nhà hát ả đào ở ấp Thái Hà bị tên Tiến, con trai Trần Vương trùm du côn, đến quấy phá các ả đào và quan viên nên một số nhà hát chuyển lên phố Khâm Thiên nhờ Cửu Khê và Bát Chắm che chở. Từ vài nhà dần tiến tới chục nhà. Ở đây không phải theo luật lệ của cảnh sát thành phố nên trống phách tới sáng. Đây cũng là nơi yên ả không bị huyên náo bởi mấy bà vợ đánh ghen. Sự phồn thịnh của phố Khâm Thiên từ năm 1930-1940 là nhờ nhà hát cô đầu và tiệm nhảy. Trong một cuốn sách viết năm 1938, Đốc lý Hà Nội Virgitti viết: "Khâm Thiên là một xóm ăn chơi nhất, hiện đại nhất và đắt khách nhất. Đó là một xóm giàu có nhất trong khu vực này. Nhà hát ở Khâm Thiên có từ trước song người ta đua nhau đến đây mấy năm gần đây thôi. Trên một đoạn phố không đầy 800m mà có tới 40 nhà hát với trên 200 con hát, thêm 5 tiệm khiêu vũ với khoảng dăm chục gái nhảy và có hai nhà săm cho thuê buồng. Các chủ xuất thân từ cô đầu, nhân tình của các quan lại An Nam cao cấp". Việc làm ăn phát đạt đến mức hễ có ngôi nhà nào mới xây sạch đẹp là lập tức có người đến thuê với giá cao. Những chủ ít vốn không chịu nổi tiền nhà phải đi xa hơn, xuống Ngã Tư Sở, đường Tàu Bay, Vạn Thái (phố Bạch Mai), Chùa Mới (ngã tư chợ Mơ). Đầu những năm 1930, khách hát ở Khâm Thiên còn là tổng lý, lái buôn, lái xe các tỉnh về thì đến năm 1935 chỉ còn khách sang, đám khách ít tiền mê hát phải tìm đến nhà hát ở Vạn Thái, Ngã Tư Sở, Chùa Mới...
Tuy nhiên số 40 nhà hát lại tập trung chủ yếu từ ngõ Tương Thuận đến ngõ Liên Hoa, Cống Trắng. Các nhà hát thường bài trí theo hai kiểu, theo lối Tàu có ghế gụ, sập tủ chè, còn theo lối mới có sa lông nhưng cũng có sập để nằm hút thuốc phiện. Ban ngày các nhà hát bình thường như các nhà hàng phố khác nhưng tối xuống là nhà nào cũng sáng trưng, nhà chưa có khách thì mở rộng cửa và mấy ả ăn mặc chải chuốt đi lại ngóng khách. Thời kỳ đầu, người ta còn chuộng con hát hay, thạo tay phách, nhưng sau nhiều nhà thay đổi cần cô đầu biết chiều khách, biết hầu rượu. Nếu gặp khách cần cô đầu hát hay thì họ đi mượn quán khác. Khâm Thiên có hai nhà Kỳ Văn và Trường Bẩy có đào hát lành nghề và hai nhà này cũng dạy cho nhiều trò cách hát ca trù lối cổ. Song số nhà hát theo lối truyền thống rất ít và trong số này có nhà bà Năm, nhà hát được cho là tụ hội cô đầu có giọng hát hay và đây cũng là chỗ mà Nguyễn Tuân hay đến. Trong từng ấy nhà hát thì nhà hát của cô Đốc Sao là sang nhất. Cô Đốc sinh năm 1900 quê ở Hưng Yên, chồng là bác sỹ người Hoa tên là Lưu Nam Sao (Lầu Màn Sầu) vì thế người ta gọi là cô Đốc Sao. Nhà hát này chuyên chọn gái 15-16 tuổi con nhà nghèo ở nông thôn có dáng xinh và thông minh rồi thuê người dạy tí ti ca trù, dăm ba câu tiếng Pháp, Đốc Sao cũng huấn luyện các cô biết uốn éo, cợt nhả với khách. Lại cho dùng hàng phấn sáp của Pháp, tơ lụa tốt. Vì thế trông cô đầu của Đốc Sao mơn mởn. Con hát nhà Đốc Sao có kỷ luật, cấm không nói chuyện riêng và cười với nhau trước mặt khách. Ra phố ban ngày có xe tay của nhà chủ đưa đi, vừa để kiểm soát vừa làm sang. Đốc Sao có nhiều cô đầu đẹp và khéo như: Uyên, Xuyến, Phượng...
Giá một chầu ở những nhà hát sang ở Khâm Thiên từ năm 1936-1940 khoảng 20 đồng, thêm chi phí ngoài như rượu Tây, thuốc phiện hộp, gọi ăn đêm nên tốn bạc trăm trong khi lương một viên tri huyện tập sự là 80 đồng. Còn những bình dân như Gia Quất (quận Long Biên ngày nay) chỉ từ
2-3 đồng, có nơi cao hơn một chút nhưng cũng chỉ 5-10 đồng. Cô đầu Khâm Thiên một thời nổi tiếng có Hải, Xuyến, Sâm, Tóc quăn, Sâm già... riêng cô đầu Hồ nổi tiếng vì đẹp như Liêu trai.
(Còn nữa)