Kỳ I: Đối nội Trung Quốc gặp nhiều thách thức lớn
Trong quý II/2010, GDP của Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. GDP của Trung Quốc vượt qua Nhật Bản là kết quả vĩ đại trong 30 năm cải cách mở cửa của một đất nước nước dân số chiếm gần ¼ (21%) dân số thế giới. Nhưng nên xem đây là mốc lịch sử có ý nghĩa tượng trưng. Vì, từ đầu thế kỷ 21, sự trỗi dậy của Trung Quốc đã được thế giới ghi nhận. Không riêng gì châu Á mà cả Mỹ và Nhât Bản đều cảm nhận được “hơi thở của con rồng ở ngay sau gáy mình”. Vượt Nhật Bản chỉ là vấn đề thời gian. Còn quá sớm để nói việc vượt được Mỹ, điều sẽ tuỳ thuộc vào các diễn biến của tương lai cả phía Trung Quốc, cũng như Mỹ.
Bức tranh của một cường quốc kinh tế được nhận diện như thế nào trên hai phương diện chủ yếu là đối nội và đối ngoại.
Đối nội trước những thách thức to lớn
Đối với một nước đông dân như Trung Quốc, sự thay đổi phần trăm GDP không có ý nghĩa nhiều xét về thực tế. GDP bình quân đầu người mới phản ánh trình độ phát triển của nền kinh tế. Theo Quỹ Tiền Tệ Quốc tế (IMF), GDP được điều chỉnh theo sức mua tương đương (PPP) của Trung Quốc lên tới 9.000 tỷ USD, trong khi của Nhật Bản chỉ là 4.200 tỷ USD.
Đập Tam Hiệp và hiểm hoạ môi trường lâu dài: Rác từ thượng nguồn đang đổ về đập
Xét về tổng sản phẩm quốc nội (GDP), Trung Quốc đang phục hồi vị trí vốn có của mình. Trong lịch sử, tổng sản lượng của Trung Quốc luôn đứng đầu thế giới. Theo một số nghiên cứu, năm 1820, GDP của Trung Quốc xếp vị trí thứ nhất, chiếm 1/3 toàn thế giới. Đến năm 1870, giữa lúc các nước đế quốc phương Tây thi nhau xâu xé Trung Quốc, GDP của nước này vẫn còn chiếm 17% GDP thế giới, xếp thứ hai thế giới. Sau đó nước này từ từ xuống dốc. Đến “Đại nhảy vọt” những năm 1950-60, nền kinh tế tiêu điều, hỗn loạn và nạn đói hoành hành ở Trung Quốc.
Đến nay bình quân GDP đầu người của Trung Quốc xếp thứ 99 trên thế giới, vẫn nằm trong số các nước tương đối nghèo. Trung Quốc hiện vẫn đứng sau Thái Lan (vị trí 89) và Ecuado (vị trí 91).
Mặt khác, những hiệu ứng phụ do tốc độ tăng trưởng cao trong gần 30 năm cải cách mở cửa ngày càng nổi cộm. Nếu không khắc phục được thì sẽ giảm ý nghĩa của vị trí cường quốc kinh tế. Các vấn đề như lãng phí tài nguyên, hiệu quả sản xuất thấp, hủy hoại nghiêm trọng môi trường, khoảng cách giàu nghèo là những cái giá phải trả đau đớn. Bên cạnh đó, từ năm 2010 bắt đầu xuất hiện vấn đề lão hóa của dân số Trung Quốc. Từ năm tới dân số ở độ tuổi từ 15-29 sẽ giảm mạnh.
Các nhân tố bất lợi đối với xuất khẩu và mậu dịch đối ngoại nói chung của Trung Quốc sẽ ngày càng gia tăng. Sức ép đòi Trung Quốc tăng giá đồng nhân dân tệ luôn tồn tại, thậm chí có lúc trở thành vấn đề chính trong quan hệ giữa phương Tây với Trung Quốc. Trong tương lai, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và biện pháp chống bán phá giá với nhiều hình thức khác nhau nhằm vào hàng hóa Trung Quốc sẽ xuất hiện nhiều hơn, các vụ kiện cáo Trung Quốc trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) sẽ gia tăng.
Mặc dù chỉ chiếm 9% diện tích đất canh tác của thế giới, Trung Quốc từng sản xuất đủ lương thực cho người dân nước mình. Nhưng mức sống ngày càng được nâng cao, người dân tiêu thụ nhiều hơn, Trung Quốc trở nên thiếu đất canh tác tốt và nguồn nước. Chính phủ Trung Quốc đã chi rất nhiều tiền xây dựng hệ thống thủy lợi, phòng trừ sâu bệnh, bảo quản ngũ cốc, phát triển vụ mùa và nghiên cứu công nghệ sinh học với nhiều thành công. Tuy nhiên, năm 2004, lần đầu tiên Trung Quốc đã bị thâm hụt về thương mại nông nghiệp, trở thành nước nhập khẩu ròng nông phẩm. Sự chênh lệch này có thể tăng lên trong những năm tới.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ và Tổ chức Nông-lương Liên hợp quốc, năm 2008, kim ngạch nhập khẩu nông phẩm của Trung Quốc là 57 tỷ USD, chiếm 6,1% thị phần nhập khẩu nông phẩm toàn cầu, và đứng thứ ba thế giới, với các mặt hàng nhập khẩu chính là đậu tương, bông, dầu cọ, thịt gà, ngô. Trung Quốc hiện là nước mua đậu tương lớn nhất thế giới. Thâm hụt thương mại nông nghiệp của nước này trong 6 tháng đầu năm 2010 là 11,3 tỷ USD, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2009. Tình trạng hạn hán làm ảnh hưởng đến sản lượng ngô là nguyên nhân chính khiến mức thâm hụt tăng và việc tăng nhập khẩu ngô từ Mỹ đạt mức cao nhất trong vòng 15 năm qua. Phía Nam Trung Quốc thiếu gạo, phải mua gạo của Việt Nam. Gần 600.000 tấn gạo nhập khẩu không qua “hạn ngạch”.
Mô hình phát triển tạo nhảy vọt nhưng kém bền vững
Sự tập trung của Trung Quốc vào tăng trưởng tối đa trong thời kỳ cải cách vừa qua tạo ra các vấn đề ô nhiễm trầm trọng, nạn thiếu điện, thiếu nước, nảy sinh tính cấp bách của vấn đề phát triển bền vững. Người dân từ nông thôn ra thành phố tiêu thụ điện gấp đôi hoặc thậm chí gấp ba so với khi ở quê nhà. Nếu nhân con số đó với nhiều triệu người, rõ ràng Trung Quốc đang đứng trước một thách thức lớn. Để khăc phục tình trạng này, 23 nhà máy điện hạt nhân sắp hoạt động và mỗi tuần một nhà máy nhiệt điện mới khai trương.
Ký hoạ của báo China Daily Hong Kong: Nặng gánh quyền lực và trách nhiệm
Các nhà máy điện chạy than đóng góp 3/4 tổng nhu cầu điện của Trung Quốc, đồng thời tạo ra khoảng 70% ô nhiễm không khí. Công nghệ nhiệt điện Trung Quốc vẫn còn ở trình độ khá thấp. Trung Quốc đã đạt được tiến bộ trong việc thương mại hóa công nghệ nồi hơi USC, nhưng tính khả thi của các công nghệ khác như CCS vẫn chưa được kiểm chứng Đã hạn chế lượng khí carbon dioxide nhưng chưa giải quyết được những chất gây ô nhiễm độc hại khác. Tình trạng đó làm gia tăng bệnh ung thư và trẻ sơ sinh khuyết tật cũng như các bệnh về thần kinh, miễn dịch và hô hấp kinh niên.
Trung Quốc cần thời gian để phát triển phương thức sử dụng than đá không gây quá nhiều ô nhiễm và lãng phí nguồn tài nguyên. Vấn đề khó là khi đạt được 10% hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực than đá, nền kinh tế tăng trưởng 10%, nhu cầu về nguồn nguyên liệu, năng lượng cũng tăng theo. Nước này không tránh khỏi vừa tiến lên, vừa thụt lùi trong lĩnh vực làm sạch môi trường.
Các nỗ lực khắc phục ô nhiễm là to lớn với “bàn tay sắt” nhưng kết quả vẫn hạn chế do phát triển quá nhanh, làm trước, khắc phục hậu quả sau. Công trình thủy điện Tam Hiệp, tỉnh Hồ Bắc, là một minh chứng về việc con người cưỡng lại quy luật tự nhiên. Đập này được khởi công năm 1994, dài 2.335 mét và cao khoảng 100 mét, so với mặt nước biển thì cao tới 185 mét. Hồ chứa nước có diện tích 1.084 km2, chạy dài ngược lên thượng nguồn sông Dương Tử, đến tận khu vực thành phố Trùng Khánh. Cái giá phải trả để có một công trình hoành tráng ngang Vạn lý trường thành là vô cùng lớn. Về mặt môi trường, bản chất của đập thủy điện là làm thay đổi hệ sinh thái của dòng sông, tác động đến cuộc sống của dân cư lân cận. Hàng triệu người đã phải đi tái định cư ở nơi khác. Việc khắc phục hậu quả đập Tam Hiệp bao gồm hai phần chính: Trồng lại rừng dọc theo hồ chứa nước dài 600 km, tốn kém khoảng 10 tỷ NDT. Hiện nay, diện tích phủ rừng chỉ là 22%; mục tiêu đề ra là 65%. Thứ hai là tẩy khử rác trên sông. Do rừng thượng nguồn bị tàn phá, mưa lũ cuốn trôi rác rưởi vào hồ chứa nước, có nguy cơ làm tắc các cửa xả nước, đồng thời gây ô nhiễm nặng nề nhiều khúc sông, đe dọa nguồn nước của người dân. Báo chí Trung Quốc cho biết ở một số đoạn sông, rác ngập ứ đọng nhiều đến nỗi người dân có thể đi qua sông. Thành phố Trùng Khánh đã phải đầu tư 50 tỷ NDT để xử lý thảm họa này. Ước tính, khoảng 300.000 người nữa sẽ phải di dời ra khỏi khu vực nhằm giảm bớt mức độ ô nhiễm và tránh rủi ro cao. Dự án ban đầu ước tính 23 tỷ euro; sự khắc phục lâu dài có thể cũng tương đương hoặc lớn hơn chi phí dự án.
Trong cuốn sách “Khi một tỷ người Trung Quốc phát triển nhảy vọt”, Jonathan Watts, phóng viên báo Người bảo vệ (Anh) thường trú tại Bắc Kinh, đã nêu những mặt trái của sự bùng nổ kinh tế tại Trung Quốc. Ông này nói về những đường cống thoát nước hôi thối, không khí bị nhiễm độc, những bãi rác thải công nghiệp, hàng nghìn công nhân mỏ tử vong hoặc bị thương mỗi năm, sức khỏe con người bị hủy hoại do tiếp xúc với các hóa chất độc hại.
Người Trung Quốc tin rằng điều họ đang trải qua cũng giống như cuộc cách mạng công nghiệp ở châu Âu và châu Mỹ vào thế kỷ 19. Tuy nhiên, trong khi nước Anh phải mất khoảng 100 năm để công nghiệp hóa, Mỹ mất 50-60 năm, Nhật Bản khoảng 20-30 năm, Trung Quốc chỉ công nghiệp hóa trong vòng 15-20 năm. Trung Quốc, xét về một phương diện nào đó, thực hiện mọi việc một cách nhanh chóng và với quy mô lớn hơn tất cả các nước khác trước đây. Phát triển muộn cũng là một lợi thế. Tuy nhiên, họ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc đảm bảo nguồn nguyên liệu giá rẻ và thuê gia công những ngành công nghiệp gây ô nhiễm.
Do cuộc khủng hoảng môi trường và vấn đề khan hiếm năng lượng ở tình trạng khẩn cấp, Trung Quốc đang đầu tư một khoản ngân sách lớn để phát triển các ngành năng lượng gió, năng lượng mặt trời và xây dựng các thành phố sinh thái từ con số không, xây dựng ngành công nghiệp sản xuất các loại ôtô tương đối sạch.
Trường hợp Trung Quốc có thể chứng minh rằng sự tăng trưởng kinh tế theo hướng công nghiệp hóa hiện đại đã bắt đầu tấn công một loạt bức tường của hệ sinh thái. Đó là khan hiếm tài nguyên, thiếu nước và một số nguồn nguyên liệu đang cạn kiệt. Một số khu rừng của Trung Quốc đã bị khai thác khá bừa bãi và việc khai thác này cần phải được ngăn chặn trong vòng 10-20 năm, nhưng chính phủ khó mà làm được điều đó trong vòng 5-10 năm tới.
Thực tế, Trung Quốc có thể là một ví dụ cho sự phát triển rõ rệt nhất nhưng lại kém bền vững trong lịch sử loài người. Họ còn phải làm rất nhiều việc để trở thành mô hình phát triển bền vững. Mà đó cũng là đóng góp thiết thực cho sự tiến bộ của nhân loại./.
Nguyễn Nguyên
Kỳ II: Liệu Trung Quốc có thể xây dựng một xã hội hài hoà?