Nhân Báo cáo Hiện trạng Môi trường 2011 được công bố.
Phó Hội Viên – VACNE
Không hiểu sao hôm nay cả 4 vị khách đều đến Quán sớm hơn thường lệ. Sau khi xin được đôi trai gái đang ngồi ở bàn cạnh cửa sổ đổi chổ, họ ổn định ngay. Một vị nêu ý kiến là giá như có ai trong chúng ta là siêu nhân, chắc là chủ quán sẽ treo cái bàn này lên, chỉ hạ xuống khi siêu nhân đến như nhiều quán khác ở nước ngoài. Ông anh cười cười, thế có mà ngày nào cũng phải hạ xuống à. Người ta chỉ treo ghế lên với người đã về thế giới bên kia thôi, vậy có ai trong chúng ta muốn không. Tất cả đều cười, lắc đầu, không ai muốn cả. Thấy vậy, ông anh chỉ vị thứ 2, nói, vậy là ông đồng ý nhé. Không, em không. Ông lắc đầu, mà theo phong tục bên Bungari, nơi ông dùi mài kinh sử 10 năm trời và là quê hương thé 2 như ông thường nói, thì lắc đầu là đồng ý cơ mà. Cả 4 vị khách lại cùng cười, nhìn hồ nước đầy hơn sau cơm mưa đêm qua. Có lúc mưa rất to, cứ tưởng mưa đá. Nước hồ đầy hơn, nhưng vẫn đục vì bụi và rêu. Dù sao cũng mát mắt hơn.
- Thế nào ông anh, hôm nay chủ đề gì đây. Vị khách số 1 lên tiếng. Ông anh trả lời ngay.
- Là môi trường nông thôn như đã xác định. Hôm qua vì có ông Râu nên ta nói chuyện an ninh môi trường như là chen hàng hồi bao cấp ấy.
- Đúng vậy, nhưng chỉ là chen hàng thôi. Cứ gì chỉ có bao cấp mới xếp hàng. Nước nào chả có, nhưng họ trật tự và tôn trọng thứ tự, ngay cả khi động đất sóng thần như bên Nhật vừa rồi.
- Đừng lạc đề. Nào, môi trường nông thôn, nơi không gian khoáng đãng, con sông quê hương uốn lượn, rặng tre làng xào xạc trên làn khói lam chiều man mác.
- Thôi ông ơi, làng tôi, đất bán hết rồi mà, còn ông bà già đang múa lăm ba đa.
- Nghiêm túc đi. Nước láng giềng đã phải xác nhận môi trường nông thôn của họ bị xuống cấp nghiêm trọng. Báo cáo hiện trạng của ta không trình bày theo không gian lãnh thổ, nhưng trong các yếu tố môi trường, chỗ nào cũng thấy không ổn. Nào làng ung thư, nào làng nghề ô nhiễm, 2000 làng nghề rải rác khắp cả nước. Sông Kỳ Cùng ở Cao Bằng, sông Ngũ Huyện Khê ở Bắc Ninh, rồi sông Thị Vải ở Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu đâu có chảy qua thành phố lớn nào, mà cũng bị bức tử. Không nông thôn miền núi hải đảo thì là gì.
- Trời ạ, thế mà hồi năm 1992 – 1993, khi mới có Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, trong công văn chính thức gửi đi các địa phương hướng dẫn thành lập Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường có đoạn nói là nếu các tỉnh miền núi chưa có nhu cầu bức xúc về môi trường thì việc có thành lập Sở hay không tùy địa phương quyết định. Người ta kể lại rằng có anh cán bộ nọ điên quá, nói ầm lên rằng, thật vớ vẩn, lúc này (tức là lúc đó) chính những địa phương được “tùy” quyết định là đang có vấn đề môi trường nghiêm trọng nhất đấy. Cụ thể là rừng bị tàn phá, đa dạng sinh học bị suy giảm, đất đai bị xói mòn không phải ở đô thị, ở thành phố đâu.
- Có chuyện ấy thật à. Mấy vị thần mặt ra. Rồi cùng chép miệng. Việt Nam hình chữ S, so với thế giới, cái gì chẳng… khác mà. Cho nên môi trường nông thôn mình tuy có ô nhiễm, nhưng cũng chỉ giống một vài nước thôi. Vì thế, ở đa phần các nước người ta vẫn tìm về nông thôn hít thở khí trời trong lành hơn, ngắm cảnh gần với thiên nhiên hơn là thành thị. Một vị lên tiếng.
- Thực ra, việc ít về nông thôn chưa hẳn vì môi trường nông thôn ô nhiễm đâu. Có khi vì giá đất nhiều nơi cũng cao ngất ngưởng rồi, vì thanh niên phụ nữ nông thôn ăn mặc khác gì thành phố đâu, vì ngày càng có nhiều nhà gác cao tầng và vì mấy con cua con cá còn sót lại cũng đem vào thành phố cả rồi. Các bác đừng lên án mấy người quản lý môi trường nông thôn nhé. Thử xem, các bác đọc được mấy bài chứ đừng nói mấy quyển về môi trường nông thôn nào?
- Công nhận, công nhận, nhưng nhiều người được đọc hoặc đọc được chưa hẳn đã nói lên chât lượng đâu. Mấy hôm nay thấy đang chấn chỉnh tình trạng xoi mói sự cố ăn mặc cư xử của các diễn viên, người mẫu trên báo viết báo ảnh, báo điện tử. Nghe nói, một tí hở ra là cả chục triệu lượt truy cập ngay, chỉ trong vòng chưa đến mấy phần của giây. Khiếp không.
- Được rồi, ông anh chen vào phán. Tức là vấn nạn môi trường nông thôn của ta là thật. Trừ ô nhiễm không khí ra, mọi chuyện môi trường khác ở nông thôn chẳng kém gì thành thị, có chuyện thậm chí còn nguy cấp hơn. Vậy bắt chước nước láng giềng, ta cũng tìm cách kiến nghị sao cho bàn dân thiên hạ lo mà bảo vệ môi trường nông thôn. Cho dù là chiến lược gì thì cũng phải coi đây là trọng tâm, đúng không các vị.
Mọi người tán đồng. Một vị nhè nhẹ hát “làng tôi xanh bóng tre…”, rồi cả 4 vị đều hát theo. (Còn tiếp).