Trong số các biểu tượng văn hóa đặc sắc chung của cả vùng, ta không thể không kể đến biểu tượng cây đa (tên khoa học banyan tree, thuộc chi ficus).Chẳng biết tự bao giờ cây đa đã trở thành một hình ảnh không thể phai mờ trong tâm tưởng mỗi người con Việt Nam. Trong tiềm thức, cây đa sum suê nơi đầu làng, sừng sững trong gió mát đêm xuân và hiên ngang trong sắc vàng nắng hạ, luôn vươn mình ngạo nghễ với thời gian dù cả dân tộc đã trải qua bao bước thăng trầm của thời cuộc. Không ai biết người Việt đã bắt đầu trồng và yêu quý cây đa tự bao giờ, chỉ biết rằng cây đa cùng với bến nước và mái đình sớm đã trở thành bộ ba biểu tượng sinh động của văn minh làng xã nước nhà. Cũng từ đấy, cây đa đi vào văn học dân gian, vừa gần gũi, mộc mạc, vừa thoát tục, thánh khiết.
Có hai vị trí trồng cây đa, một ở cổng làng và một ở ngoài đồng (hay ven đường). Cây đa đầu làng được sánh đôi cùng giếng nước, cả hai được ví như biểu tượng phồn sinh của trời cha và đất mẹ. Theo luật ngũ hành, cây đa được trồng phía bên trái sân đình, còn giếng nước tọa lạc ở phía đối diện. Cả hai ôm lấy một khoảnh sân đình vừa đủ rộng cho dân làng sum họp mỗi dịp hội hè. Nếu như giếng nước là biểu tượng nữ tính (nơi giữ lại giọt nước – giao tử - của trời cha gieo xuống lòng đất mẹ để vạn vật sinh sôi), thì cây đa lại là biểu tượng nam tính. Nhìn từ xa, cây đa in lên trời xanh với dáng vẻ hiên ngang quân tử, sừng sững một cách oai vệ. Hơn thế, cây đa còn mang nét đặc thù của riêng mình, từng chùm rễ mọc tít ở trên cành đung đưa lơ lửng trên không, khi tiếp đất sẽ trở thành các nhánh thân phụ bao trùm cả một khoảng không gian rộng lớn quanh thân. Nhiều cây đa già cỗi, thân chính đã mất, sự sống vẫn cứ tiếp diễn thông qua các thân phụ như thế. Nói một cách hình tượng, từng nhánh rễ (thân phụ) của cây đa được ví như những chiếc sinh thực khí của trời cha, xuất phát từ cành (nối với trời) trổ xuống cắm sâu vào lòng đất mẹ, tạo nên thế giao hòa đất – trời, mẹ - cha, âm – dương cho vũ trụ tiếp tục cuộc hành trình.
Giữa cánh đồng bao la, thoáng hiện đó đây vài bóng cây đa xanh ngát, trong cái nắng hè chói chang, bóng cây đa sẽ là thiên đường cho khách đi đường nghỉ mát, gặp gỡ làm quen. Một quán nước sơ sài được dựng lên để phục vụ ẩm khách. Cũng từ gốc đa ven đường này, nhiều mối tình đã nảy nở, đơm hoa kết trái để tình yêu và hạnh phúc dâng tràn.
Ấy vậy, chính cái sum suê của cây đa đã biến nó từ “thiên đường giữa nắng hè” thành “chốn u linh tịch mịch” khi màn đêm buông xuống. Bơ vơ giữa đồng, cây đa đón từng làn gió đêm lùa về, từng cành đa khua vào nhau, phát ra những âm thanh “kẽo kè kẽo kẹt”, cứ như các bà các cô đang đánh võng ở trên cành. Những đêm trăng về, ánh sáng chiếu xuống từng chùm lá non, làm phản chiếu những tia màu xanh, đỏ, vàng giữa màn đêm u linh, càng làm cho không gian trở nên tịch mịch. Quanh gốc đa ven đường, người ta có thể đếm đến hàng chục miếu thờ lớn, nhỏ san sát nhau, trong đó có ngôi miếu to nhất dùng để thờ thần cây đa (Đại thụ linh thần). Cạnh đó là các miếu thờ vong linh của những người vô gia cư chết bờ bụi, chết vì bệnh tật, chết bất đắc kỳ tử v.v.. Dân gian tin rằng những vong linh này khó siêu thoát nên cần lập miếu thờ để dân làng an tâm sinh sống. Xen lẫn trong đám rễ cây, những chiếc bình vôi cũ kỹ cũng được mang ra thờ. Theo niềm tin, những chiếc bình vôi đã qua sử dụng, đến lúc miệng bình đã bị vôi đông kín thì trở nên “linh thiêng” nên được các bà mang ra gốc đa thờ, gọi đó là “ông bình vôi”. Chính người chủ quán nước dưới gốc đa có kiên nhẫn lắm thì cũng chỉ nán lại được một thời gian như trong câu
“Có quán tình phụ cây đa, Ba năm quán đổ cây đa vẫn còn”
Đêm, chó cắn nhát gừng ở đầu làng, trong nhà các cụ bảo con cháu mình: “các bà, các cô về thăm làng đấy!”. Bởi thế dân có câu "Thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề".
Cây đa đôi khi còn được dân gian thần thánh hóa bằng cách gán cho nó đặc tính thần thánh, như có thể chữa trị bệnh trong Sự tích chú Cuội. Lấy cây đa làm trung tâm, trong tứ phương đông, tây, nam, bắc thì hướng đông lại đặc biệt được coi trọng. Theo ngũ hành, hướng đông là hướng của mặt trời mọc, hướng của hành Mộc, hướng của sự sống tương lai nên cần được bảo vệ. Chính vì thế, trước khi đi chữa bệnh làng xa, chú Cuội có dặn vợ rằng “Có đái thì đái bên tây, đừng đái bên đông cây dông lên trời!”. Mọi hành động xúc phạm đến linh hồn cây đa đều bị trừng phạt, như chính vợ chú Cuội đã phải trả giá cho sự cả gan của mình: mất cả chồng lẫn cây! Vậy đó, cây đa vừa gần gũi song cũng lắm nét linh thiêng, thần bí.
Không riêng gì ở Việt Nam, các dân tộc Đông Nam Á khác cũng trân trọng sự hiện diện của cây đa. Trong văn hóa Thái, Khmer vốn cũng có quan niệm vạn vật hữu linh nên cây đa cổ thụ được ví là cây thần, thường được trồng quanh các đền, chùa, miếu, mạo nhằm làm tăng thêm nét uy nghiêm, linh thiêng của không gian. Đặc biệt hơn, trong văn hóa Mã Lai đa đảo, cây đa còn được hiểu là biểu tượng của sự che chở, của sự sống, sự phồn sinh và thịnh vượng. Câu chuyện sáng thế là một ví dụ điển hình.
Xưa, Thượng đế vì chán cảnh quả đất xám xịt nên đã tạo ra vạn vật như cây cối, muông thú trên đó rồi ngắn nhìn. Vạn vật tranh nhau mà sống, song không có loài vật nào có đủ túi khôn để cai quản hết thảy các loài vật khác. Nghĩ thế, Thượng đế dùng đất sét trộn máu của mình, nặn nên hình tượng một người đàn ông, rồi thổi hơi thở của mình vào miệng, nhờ thế cơ thể đất sét hắt xì và sống dậy. Ngài đặt tên chàng là Adam.
Adam sinh sống cùng muông thú, chàng dùng trí khôn của mình để cai quản. Ngày qua ngày, cuộc sống trở nên vô vị, Adam buồn bã. Thượng đế nghĩ cánh giúp chàng. Lợi dụng lúc Adam ngủ say, Thượng đế đã lấy bớt một chiếc xương sườn của chàng, nhào với đất sét và máu của mình để tạo nên cơ thể người phụ nữ rồi đặt tên là Ivi (Ivi trong tiếng Đông Nam Á cổ nghĩa là xương sườn). Thượng đế cho Ivi đi theo sống cùng Adam. Hai người đã tìm đến sống ngay dưới tán cây đa chằng chịt rễ. Lần lượt những đứa con của họ ra đời.
Thượng đế rất thương con cháu của mình nên quyết định trao cho họ thông điệp bất tử. Thượng đế vốn vô hình nên không thể xuất hiện trước mặt con cháu để trao tin, Ngài giao trọng trách ấy cho một con quạ. Quạ đi tìm Adam và Ivi. Khi bay đến ngọn cây đa, quạ bắt đầu thấy đói bụng, nhìn quanh thì thấy có một con rắn vắt vẻo trên cành, miệng đang thưởng thức một miếng mồi ngon. Với bản tính tham lam, quạ và rắn đã thỏa thuận với nhau, quạ trao cho rắn thông điệp bất tử, còn rắn nhường cho quạ miếng mồi. Kết quả, rắn là loài vật đặc biệt, khi trưởng thành đến một mức độ nhất định lại lột da sống tiếp, còn loài quạ bị Thượng đế trừng phạt, trở thành biểu tượng của cái chết, của điềm gở, và rằng loài người bằng mọi cách phải xa lánh nó. Bởi thế, người Đông Nam Á rất có ác cảm với loài quạ, họ tin rằng ở đâu có tiếng quạ kêu là ở đó sẽ có điều xui xẻo.
Image
Lần thứ hai, Thượng đế giao trọng trách ấy cho một con vật hiền lành: con thỏ. Song, giống như quạ, thỏ không thể cưỡng lại được sự hấp dẫn của những củ cải to mọng nên một lần nữa thông điệp bất tử bị thất truyền. Thỏ bị Thượng đế xẻ môi trên để trừng phạt. Vậy là sau hai lần cố gắng, Adam, Ivi và con cháu của mình không gặp may mắn. Đến lúc này, Thượng đế nghĩ rằng có thể đó là số phận của loài người, rồi Ngài bỏ đi nhã ý cho loài người bất tử, vì thế con người ai cũng đều phải chết sau mỗi trăm năm. Con cháu Adam, Ivi ngày một đông đúc, chúng di tản về các nơi để tìm thức ăn, lâu dần biến đổi giọng nói và màu da, tách biệt nhau để hình thành các dân tộc khác nhau trên trái đất.
Theo nhà nghiên cứu Stephen Oppenheimer, thần thoại sáng thế này về sau được truyền đến Lưỡng Hà, Trung Đông, tại đó nó đi vào văn hóa Do Thái rồi đi vào Kinh Thánh trong truyền thống Ki-tô giáo phương Tây. Ngày nay, hễ mỗi lần hắt xì, người phương Tây lại bảo “God bless you!” (Thượng đế ban phúc cho bạn!) như một chứng tích của thần thoại sáng thế gốc gác Đông Nam Á này.
Sự sống sẽ mãi tiếp diễn. Khát vọng sống và vươn lên sẽ mãi tiếp diễn. Và rằng cây đa sẽ vẫn mãi là biểu tượng văn hóa đặc sắc trong đại gia đình Đông Nam Á nông nghiệp truyền thống.
(Nguồn: Caycanhthanglong.vn)