Công tác bảo vệ rừng nơi đây được chính quyền và người dân rất quan tâm, hàng năm, cứ vào dịp cuối tháng giêng và đầu tháng 2 âm lịch, đồng bào dân tộc ở đây lại tổ chức lễ cúng rừng, thời gian 3 ngày sau khi cúng, tất cả mọi người dân đều không được vào rừng. Đây là nghi lễ truyền thống có ý nghĩa quan trọng trong năm đối với người dân nơi đây và còn được gọi là “Tết rừng”.
Lễ cúng rừng là phong tục có từ lâu đời, mang đậm văn hóa tín ngưỡng dân gian, gắn liền với triết lý đa thần của cư dân nông nghiệp. Ý nghĩa của việc cúng Thần rừng đầu xuân nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, con cháu khỏe mạnh, cuộc sống no ấm, yên vui.
Để tổ chức buổi lễ cúng rừng, mỗi người dân trong làng tự quyên góp tiền mua lợn, gà, rượu, hương thơm, vàng mã… và bầu ra người quản lý rừng cấm - rừng thiêng của thôn để tiến hành nghi thức cúng theo luật tục.
Tại lễ cúng, hầu như tất cả người dân trong thôn, bản đều mang theo một túi đựng cơm rượu, bát đũa… về tập trung tại khu rừng cấm - rừng thiêng của thôn mình để tiến hành nghi lễ và sau đó cùng liên hoan.
Tín ngưỡng thờ Thần rừng của đồng bào nơi đây đã được truyền qua nhiều thế hệ. Bởi vậy, ở thôn bản nào cũng có một khu rừng cấm - rừng thiêng với những quy định “bất khả xâm phạm” và nằm ở vị trí hợp lý nhất của thôn, nơi hội tụ đầy đủ linh khí của trời đất để thờ cúng Thần rừng.
Những năm gần đây, tục cúng rừng còn được xem như một cuộc họp tổng kết năm của thôn, bản trong công tác bảo vệ rừng với sự tham gia của tất cả các chủ hộ trong thôn, cán bộ xã và cán bộ Kiểm lâm.
Để phát huy truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc gắn với công tác quản lý bảo vệ rừng tại gốc. Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo Kiểm lâm các huyện, thành phố tham gia tích cực và tăng cường giúp đỡ, hỗ trợ hoạt động tổ chức lễ hội cúng rừng của bà con.
Kết thúc buổi lễ người dân trong thôn và Hạt Kiểm lâm huyện đã tiến hành đóng biển Cây Nghiến cổ thụ nghìn năm tuổi có đường kính trên 3m.