Giai đoạn 2021 - 2025, vượt qua những khó khăn, diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 và ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 (Yagi), tỉnh Cao Bằng tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai thực hiện nội dung đột phá về phát triển du lịch - dịch vụ bền vững. Nhiều chỉ tiêu hoàn thành và vượt mức kế hoạch, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, một số tiềm năng, thế mạnh của tỉnh từng bước được phát huy.
Đa dạng các sản phẩm du lịch
Trên cơ sở điều kiện thiên nhiên ưu đãi về văn hóa, lịch sử, tỉnh Cao Bằng tập trung xây dựng và phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc, điển hình như: Du lịch văn hóa lịch sử, tâm linh, lễ hội, trải nghiệm văn hóa bản địa. Đây là sản phẩm du lịch đã phát triển trong nhiều năm qua và là sản phẩm du lịch chủ đạo của tỉnh. Nhiều lễ hội được tổ chức thu hút đông đảo nhân dân và du khách đến tham dự như: Lễ hội Nàng Hai, xã Tiên Thành; Tranh đầu pháo, thị trấn Quảng Uyên (Quảng Hòa), Ngày hội văn hóa dân tộc Lô Lô (Bảo Lâm)...
Du lịch tham quan, nghiên cứu, khám phá hang động, địa chất và các tuyến du lịch của Công viên địa chất (CVĐC) UNESCO Non nước Cao Bằng được xem là một trong các hướng đi đột phá, khác biệt để thúc đẩy phát triển du lịch. Xây dựng tuyến du lịch thứ 5 tại các huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm, kết nối CVĐC Toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) và CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.
Yếu tố văn hóa truyền thống đặc sắc của từng dân tộc được lưu giữ trong các sản phẩm du lịch.
Tỉnh tập trung phát triển du lịch cộng đồng, sinh thái nông nghiệp, du lịch về đêm, du lịch nghỉ dưỡng núi, mạo hiểm. Đưa vào khai thác 2 điểm du lịch cộng đồng tại Khuổi Khon (Bảo Lạc), Hoài Khao (Nguyên Bình); duy trì Chợ đêm thị trấn Bảo Lạc, thị trấn Thông Nông, phố đi bộ Kim Đồng và tuyến phố đi bộ ven sông Bằng. Chuẩn bị các điều kiện để tổ chức hoạt động bay dù lượn tại thung lũng treo Tĩnh Túc (Nguyên Bình). Đối với mô hình du lịch qua biên giới, Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc) chính thức vận hành từ ngày 15/10/2024 thu hút hàng chục nghìn lượt khách xuất, nhập cảnh. Đây là cơ hội để tỉnh phát huy tiềm năng sẵn có, xây dựng mô hình kiểu mẫu về du lịch qua biên giới, đẩy mạnh phát triển ngành “công nghiệp không khói”.
Các dịch vụ du lịch được quan tâm đầu tư như: hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành, lưu trú du lịch, dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí, cơ sở mua sắm, dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 300 cơ sở lưu trú du lịch với 3.804 phòng và 6.327 giường, còn lại là các nhà nghỉ, homestay đạt tiêu chuẩn. Xây dựng các điểm mua sắm, cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP và đặc sản của địa phương tại Thành phố và Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó (Hà Quảng). Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển các cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe, làm đẹp chất lượng cao, từng bước hình thành các địa điểm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sử dụng y dược cổ truyền…
Các sản phẩm du lịch, dịch vụ của tỉnh chủ yếu xoay quanh việc khai thác tài nguyên, thế mạnh, điểm hấp dẫn của địa phương, trong đó, các yếu tố quan trọng như: tài nguyên văn hóa, lối sống, phong tục, tập quán, thói quen canh tác nông nghiệp được coi là những yếu tố cơ bản tạo nên sự khác biệt và tính hấp dẫn của sản phẩm du lịch.
Bảo tồn văn hóa, phát huy giá trị địa chất
Cao Bằng là vùng đất có bề dày về lịch sử, văn hóa, truyền thống cách mạng; là nơi sinh sống của các dân tộc: Kinh, Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Chỉ, Lô Lô. Với trên 95% dân tộc thiểu số (DTTS) đã hình thành hệ thống di sản văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng. Đây là nguồn tài nguyên du lịch quan trọng, là tiềm năng, lợi thế trực tiếp tạo nên các sản phẩm du lịch di sản mang tính đặc thù. Vì vậy, tỉnh quan tâm, chú trọng công tác bảo tồn, phát huy các giá tri di sản văn hóa địa phương; cổ vũ, động viên các nghệ nhân, đồng bào các DTTS tích cực gìn giữ, lưu truyền văn hóa truyền thống trong đời sống hằng ngày, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Hiện nay, tỉnh còn lưu giữ khoảng 2.000 di sản về chữ viết, ngữ văn dân gian, tập quán tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, mỹ nghệ thủ công truyền thống, tri thức dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian. Trong giai đoạn 2020 - 2025, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa 3 di sản của tỉnh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Di sản thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam (trong đó có nghi lễ Then của người Tày Cao Bằng) được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Việc triển khai các đề án bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch được thực hiện hiệu quả. Tổ chức truyền dạy nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Tày, xã Ngọc Đào (Hà Quảng); bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc Dao Tiền, xóm Hoài Khao, xã Quang Thành (Nguyên Bình); Đề án bảo tồn trang phục truyền thống các DTTS. Thành lập và duy trì các đội văn nghệ quần chúng tại các khu, điểm du lịch, làng du lịch cộng đồng để phục vụ nhu cầu của khách tham quan. Đến nay, toàn tỉnh thành lập được hơn 700 đội văn nghệ quần chúng, các câu lạc bộ hát dân ca, dân vũ tại các huyện, Thành phố. Một số đội văn nghệ đã và đang phục vụ du lịch như: Đội văn nghệ Dá Hai Thông Huề, đội văn nghệ Pác Bó…
Mắt thần núi nằm trong hệ thống di sản của Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, thuộc tuyến du lịch phía Đông “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên”.
Được đánh giá là tài nguyên du lịch nổi bật của tỉnh, mô hình CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng phù hợp với tiêu chí phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn văn hóa. Tỉnh chú trọng khai thác và phát huy danh hiệu CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng. CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng bao gồm hơn 200 điểm di sản độc đáo, phản ánh lịch sử hình thành hơn 500 triệu năm của trái đất, bao gồm toàn bộ diện tích của thành phố Cao Bằng và các huyện Quảng Hòa, Trùng Khánh, Hạ Lang và một phần diện tích các huyện Hà Quảng, Hòa An, Nguyên Bình, Thạch An, diện tích hơn 3.683 km2. Đến nay, trong CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng đã hình thành 4 tuyến du lịch trải nghiệm, mang lại cho du khách nhiều lựa chọn để tham quan, khám phá.
Tỉnh tích cực tham gia phát triển mạng lưới đối tác CVĐC (hiện có 45 thành viên chính thức); hỗ trợ hình thành sản phẩm CVĐC thông qua việc kết nối, hỗ trợ thực hiện 6 không gian giới thiệu, bày bán các sản phẩm và quảng bá lẫn nhau trong mạng lưới đối tác CVĐC. Thành lập các câu lạc bộ Cùng em khám phá CVĐC tại các trường học, với nhiều hoạt động phong phú nhằm giáo dục thế hệ trẻ về giá trị cảnh quan, môi trường và bản sắc văn hóa.
Duy trì và nâng cấp cổng du lịch thông minh; phát triển ứng dụng du lịch thông minh trên smartphone; xây dựng, vận hành nhiều trang thông tin điện tử, Fanpage phục vụ quảng bá du lịch với nhiều lượt truy cập, tương tác. Tăng cường nghiên cứu, trao đổi triển khai hợp tác phát triển du lịch, đẩy mạnh giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc). Xúc tiến thỏa thuận hợp tác giữa CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng (Việt Nam) và CVĐC Toàn cầu UNESCO Lạc Nghiệp - Phượng Sơn (Trung Quốc).
Phát triển du lịch - dịch vụ bền vững
Để đạt được mục tiêu đến năm 2030, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, tốc độ tăng trưởng bình quân tổng khách giai đoạn 2025 - 2030 đạt 6,8%/năm, đóng góp của du lịch vào GRDP đạt khoảng 13,6%..., tỉnh xác định tăng cường sự lãnh đạo của các cấ p ủy Đảng, chính quyền địa phương nhằm nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực du lịch.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Trường Huy cho biết: Thực hiện các nội dung đột phá về phát triển du lịch - dịch vụ bền vững, giai đoạn 2022 - 2025, mỗi ngành, địa phương phải xác định đúng và trúng các khâu đột phá, tạo bước ngoặt mới phát triển du lịch những năm tiếp theo. Tăng cường tuyên truyền, quản lý, kiểm tra, giám sát các hoạt động du lịch - dịch vụ, nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm, dịch vụ du lịch. Phát triển du lịch phải gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững.
Các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội để đầu tư các dịch vụ chất lượng cao, các di tích quốc gia đặc biệt, khu, điểm du lịch trọng điểm, nhất là các di sản trong vùng CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng. Thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án, đề án phục vụ phát triển du lịch như: Chương trình chấn hưng văn hóa, Dự án số 6 của Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Phát triển các sản phẩm du lịch đặc sắc, riêng biệt, hấp dẫn, phù hợp với nhu cầu của khách du lịch nội địa và quốc tế, tập trung vào các sản phẩm thế mạnh của tỉnh, giúp tăng doanh thu và nâng dần tỷ trọng du lịch trong cơ cấu ngành dịch vụ của tỉnh.