>> Tín dụng xanh - mô hình tăng trưởng mới cho Việt Nam
>> Tín dụng xanh khuyến khích doanh nghiệp sản xuất sạch
Với mục tiêu hướng tới “tín dụng xanh” để “phát triển bền vững”, sự ra đời của Chỉ thị 03 đã gửi một thông điệp mạnh mẽ về trách nhiệm của ngành ngân hàng đối với vấn đề bảo vệ môi trường. Qua đó nâng cao vị thế, vai trò của ngành đối với vấn đề bảo vệ môi trường, một vấn đề đang được Nhà nước quan tâm, chỉ đạo sát sao.
Để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng (TCTD) triển khai Chỉ thị 03 một cách hiệu quả, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tiếp tục hợp tác với Tổng Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) trong việc xây dựng những công cụ đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đối với một số ngành kinh tế cụ thể có nguy cơ rủi ro cao.
Đây sẽ là công cụ để các TCTD xác định các rủi ro môi trường và xã hội khi thẩm định đơn xin cấp tín dụng cho những dự án, phương án sản xuất kinh doanh trong những ngành có rủi ro cao về môi trường và xã hội và là những ngành mà các tổ chức tín dụng đang cho vay nhiều.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước và IFC phối hợp tổ chức một số lớp đào tạo về sử dụng các công cụ quản lý rủi ro môi trường và xã hội cho cán bộ nòng cốt về quản lý rủi ro môi trường và xã hội và thẩm định tín dụng tại các TCTD; xây dựng một đội ngũ giảng viên có kiến thức, hiểu biết về tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội.
Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện lồng ghép quy định về quản lý rủi ro môi trường và xã hội tại Quy chế cho vay của TCTD đối với khách hàng để tạo cơ sở pháp lý cho các TCTD thực hiện.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ xây dựng một kế hoạch của ngành Ngân hàng bao gồm hệ thống các hành động, giải pháp toàn diện từ cơ chế, chính sách đến các chương trình tín dụng xanh cụ thể, cũng như có các cơ chế khuyến khích, tăng cường vốn và năng lực,…nhằm bảo đảm hệ thống ngân hàng có thể phục vụ hiệu quả cho mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Hệ thống tài chính ngân hàng, một mắt xích quan trọng trong việc quyết định nguồn vốn đầu tư cho các dự án phát triển kinh tế xã hội, đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các khu vực kinh tế hoạch định nhằm phát triển kinh tế bền vững.
Tại Kế hoạch hành động, Thủ tướng Chính phủ đã giao NHNN chủ trì thực hiện: “Rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện thể chế về tài chính và tín dụng cho phù hợp với những mục tiêu tăng trưởng xanh; tổ chức đào tạo, tập huấn nhằm tăng cường năng lực cho các ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính trong hoạt động tài chính-tín dụng xanh. Xây dựng và phát triển các dịch vụ tài chính-ngân hàng hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện tăng trưởng xanh”.
Hiện NHNN đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành, các tổ chức có liên quan để tìm kiếm cơ chế hỗ trợ, tăng cường vốn và năng lực nhằm hỗ trợ các TCTD thực hiện, triển khai các chương trình tín dụng xanh.
Ngoài ra, NHNN tiếp tục hợp tác với các tổ chức tài chính phát triển quốc tế có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư bền vững, tín dụng xanh để nâng cao năng lực chuyên môn cho nhân lực ngành Ngân hàng trong lĩnh vực còn tương đối mới mẻ đối với thị trường Việt Nam.
Tải về văn bản
TẠI ĐÂY: