quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
HỘI THẢO KH

Thể hiện việc bảo đảm bình đẳng pháp luật BVMT đối với cộng đồng trong Luật BVMT (sửa đổi)

Thứ Ba, 27/11/2012 | 09:23:00 PM

Báo cáo của TS. Nguyễn Văn Phương, Trường Đại học Luật Hà Nội, Ủy viên BCH Hội BVTN&MT VN tại Hội thảo góp ý sửa đổi Luật BVMT 2005.

 

 

Trong một Nhà nước pháp quyền, mọi tổ chức, cá nhân đều phải tuân thủ pháp luật. Các hành vi của con người có thể chịu sự điều chỉnh của pháp luật. Để có thể điều chỉnh những mối quan hệ khác nhau giữa các chủ thể pháp luật, Nhà nước phải ban hành những quy phạm pháp luật. Sự tham gia của cộng đồng vào hoạt động bảo vệ môi trường làm xuất hiện những mối quan hệ xã hội nhất định như quan hệ giữa cộng đồng với chủ dự án phát triển cụ thể, với cơ quan quản lý nhà nước, quan hệ giữa các cá nhân trong cộng đồng với nhau.... Do đó, sự tham gia của cộng đồng trong hoạt động bảo vệ môi trường phải được pháp luật quy định trong văn bản pháp luật. Việc hình thành được khung pháp luật điều chỉnh những mối quan hệ phát sinh trong quá trình cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường sẽ tại cơ sở pháp lý vững chắc cho việc bảo đảm sự tham gia của cộng đồng trong hoạt động bảo vệ môi trường.

Các quy định của pháp luật sẽ xác định những lĩnh vực cần và có thể phải có sự tham gia của cộng đồng, ranh giới của sự tham gia của cộng đồng, quyền và nghĩa vụ của các chủ thể pháp luật có liên quan tới sự tham gia của cộng đồng... trong hoạt động bảo vệ môi trường.

Để bảo đảm vai trò của mình, các quy định này cần tuân thủ những những nguyên tắc như: bảo đảm quyền lực của cộng đồng, công bằng và hợp lý trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Bảo đảm quyền lực của cộng đồng là bảo đảm sự phát huy sức mạnh của cộng đồng trong xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường thông qua sự bảo đảm của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp trong việc khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi và trao quyền chủ động cho cộng đồng trong những lĩnh vực cụ thể, bảo đảm sự kiểm soát, sự tiếp cận của cộng đồng trong giải quyết những vấn đề môi trường nào đó.

Công bằng được hiểu là mọi tổ chức, cá nhân đều có cơ hội như nhau trong việc xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường, trong việc tiếp cận thông tin, tham gia tiếp cận, tham gia giải quyết các vấn đề về bảo vệ môi trường.

Sự hợp lý được hiểu là quá trình tham gia ở mức độ vừa bảo đảm được quyền của cộng đồng nhưng đồng thời cũng bảo đảm được các lợi ích về kinh tế – xã hội của các chủ thể khác trong mối quan hệ xã hội phát sinh. Pháp luật phải định ra ranh giới hợp lý những bảo đảm sự cân bằng giữa các lợi ích kinh tế, lợi ích xã hội, lợi ích môi trường trong quá trình tham gia của cộng đồng trong hoạt động bảo vệ môi trường. 

  Luật bảo vệ môi trường 2005 đã có những quy định nhằm tạo cơ sở pháp lý cho sự tham gia của cộng đồng trong bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, các quy định này còn có những hạn chế cần hoàn thiện khi sửa đổi, bổ sung Luật BVMT 2005 trong một số vấn đề cụ thể sau:

Thứ nhất: Điều 103, Điều 104 và 105 Luật bảo vệ môi trường 2005 quy định về công khai thông tin, dữ liệu về môi trường: Tổ chức, cá nhân quản lý khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ quan chuyên môn, cán bộ phụ trách về bảo vệ môi trường có trách nhiệm công khai với nhân dân, người lao động tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ về tình hình môi trường, các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tác động xấu đối với môi trường và biện pháp khắc phục ô nhiễm, suy thoái bằng một trong các hình thức như phát hành rộng rãi dưới hình thức sách, bản tin trên báo chí và đưa lên trang web của đơn vị, báo cáo trong các cuộc họp Hội đồng nhân dân, thông báo trong các cuộc họp khu dân cư, niêm yết tại trụ sở của đơn vị và của ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi đơn vị. Cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường của ủy ban nhân dân các cấp, Ban Quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất; chủ cơ sở sản xuất, dịch vụ thực hiện trách nhiệm công khai thông tin, dữ liệu về môi trường.

Như vậy, cộng đồng dân cư, theo quy định này, được các chủ thể khác nhau công khai những thông tin có liên quan đến môi trường. Trong trường hợp này, cộng đồng được tiếp nhận thông tin một cách bị động.

Nếu chỉ bị động tiếp nhận thông tin về môi trường, người dân và cộng đồng khó có thể chủ động để có thể tham gia vào quá trình phát triển của địa phương, tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước những ảnh hưởng bất lợi về môi trường do những hoạt động khác nhau gây ra cho mình. Bên cạnh đó, thông tin môi trường là một trong những căn cứ để tổ chức, cá nhân thực hiện quyền được sống trong môi trường trong lành, thực hiện những bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Chỉ có một quy định duy nhất, Điều 103 khoản 3 Luật BVMT 2005, quy định: “Cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường các cấp có trách nhiệm… công bố các thông tin chủ yếu về môi trường theo định kỳ hoặc theo yêu cầu”. Tuy nhiên, cơ chế để người dân, cộng đồng có thể chủ động yêu cầu cung cấp thông tin môi trường, quyền khi bị từ chối cung cấp thông tin môi trường… không được quy định.

Khuyến nghị:

Khi sửa đổi Luật BVMT 2005 cần cân nhắc, xem xét giải quyết các vấn đề: người dân (cộng đồng dân cư) có quyền chủ động yêu cầu các chủ thể cung cấp thông tin môi trường không? Phạm vi thông tin mà người dân (cộng đồng) có quyền yêu cầu, nghĩa vụ của người dân (cộng đồng) khi yêu cầu cung cấp thông tin, trách nhiệm của những chủ thể có liên quan khi không thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin về môi trường của người dân (cộng đồng).

Thứ hai: Điều 105 khoản 2 Luật bảo vệ môi trường 2005 quy định về vấn đề đối thoại môi trường. Những trường hợp phải phải tổ chức đối thoại về môi trường là theo yêu cầu của các bên có nhu cầu đối đối thoại, theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường các cấp, theo đơn thư khiếu nại, tố cáo, khởi kiện của tổ chức, cá nhân liên quan.

Như vậy, theo quy định này, “các bên có nhu cầu đối thoại” được hiểu là những ai?, trong đó có cộng đồng dân cư không?, ai là người đại diện cho cộng đồng dân cư để đưa ra yêu cầu đối thoại về môi trường, có phải là trưởng xóm, khối, ấp...? hay phải có biên bản họp nhân dân, đại diện hộ gia đình...?

Bên cạnh đó, khi thực hiện đối thoại về môi trường (chẳng hạn giữa doanh nghiệp và cộng đồng dân cư) thì hình thức thực hiện đối thoại giữa doanh nghiệp và cộng đồng dân cư thông qua cuộc họp giữa doanh nghiệp và toàn thể người dân? hay cơ chế đại diện hộ gia đình hay thông qua chủ thể đại diện nào? 

Khuyến nghị: Các vấn đề nêu trên có thể giải quyết khi sửa đổi Luật BVMT 2005 hoặc có quy định ủy quyền ban hành văn bản hướng dẫn

Thứ ba: Vai trò BVMT của cộng đồng chưa được bảo đảm đúng mức trong chương 11: Nguồn lực bảo vệ môi trường

Bảo đảm về mặt pháp luật cho sự tham gia của cộng đồng trong bảo vệ môi trường tạo cơ sở vững pháp lý cho sự tham gia của cộng đồng mà không chỉ dừng lại ở “phong trào” hoặc chỉ là hình thức (như tham gia vào ĐTM hiện nay).

Khuyến nghị:

Cần xây dựng một hoặc 2 điều trong Luật BVMT sửa đổi quy định về bảo đảm sự tham gia của cộng đồng trong bảo vệ môi trường. Điều này quy định về các biện pháp nâng cao năng lực cộng đồng như nâng cao nhận thức, năng lực, bảo đảm sự tham gia; các giải pháp và cơ chế khuyến khích hoạt động bảo vệ môi trường … của cộng đồng và ủy quyền cho Chính phủ quy định chi tiết.

Thứ tư: Hiện nay đã và đang xuất hiện tình trạng môi trường bị ô nhiễm làm ảnh hưởng tới người dân và người dân đã thực hiện các quyền về khiếu nại, tố cáo nhưng không được giải quyết. Một phần nguyên nhân là do “doanh nghiệp thì cố tình vi phạm, chính quyền thì vô cảm và đoàn thể thì thờ ơ”. Nếu chỉ sử dụng những công cụ pháp lý hiện hành thì người dân, cộng đồng dân cư khó có thể bảo vệ được quyền được sống trong môi trường trong lành. Do đó đã xuất hiện những xung đột giữa người dân và doanh nghiệp. Có những trường hợp, do không còn biện pháp nào khác, người dân, cộng đồng đã có những hành vi vi phạm pháp luật.

Cũng cần thấy rằng, có những yêu cầu của người dân là hợp lý và hợp pháp và do không được giải quyết nên đã có những phản ứng nhất định. Tuy nhiên, cũng từ đó, người dân và cộng đồng dân cư đạt được mục đích của mình thông qua việc doanh nghiệp phải thay đổi hành vi của mình trước sức ép của cộng đồng dân cư.

Bên cạnh đó, cũng có những phản ứng của người dân là vô lý và không hợp pháp.

Một hình thức phản ứng mà có thể tham khảo, xem xét vận dụng là quyền được đình công của người lao động theo quy định của Luật lao động. Tất nhiên, cộng đồng dân cư và doanh nghiệp không có mối quan hệ lao động. Có thể xem xét những hình thức phản ứng của cộng đồng như tuyên truyền vận động không sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, tuyên truyền, phản đối trong hoà bình những hành vi vi phạm với mục đích làm suy giảm hình ảnh, uy tín của doanh nghiệp trước công chúng và đối tác.... Cần xem những hành vi này là biện pháp cuối cùng của cộng đồng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Khuyến nghị: Cần xem xét, cân nhắc những hình thức pháp lý để cộng đồng có thể tự bảo vệ lợi ích môi trường chính đáng của mình. Có thể như: Quy định về những trường hợp cộng đồng, tổ chức chính trị - xã hội có thể vận động tẩy chay hàng hóa của các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hoặc/và các hình thức khác nhằm làm giảm uy tín của doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Các quy định này sẽ tạo ra sức ép về xã hội đối với doanh nghiệp, cơ quan nhà nước trong thực thi pháp luật BVMT và từ đây nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật bảo vệ môi trường.

Thứ năm: Nghĩa vụ chứng minh đối với người bị hại (thường là cộng đồng dân cư) rất khó khăn vì họ thường là những người yếu thế trong tranh chấp, điều kiện thực hiện quyền trên thực tế rất hạn chế.

  Khuyến nghị: Luật BVMT sửa đổi cần có những quy định nhằm hỗ trợ (của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp...) cho những người bị thiệt hại là những người yếu thế trong việc thu thập chứng cứ chứng minh, xác định thiệt hại.

Thứ sáu: vấn đề giám sát thực thi pháp luật bảo vệ môi trường

Có thể thấy rằng, trong lĩnh vực pháp luật bảo vệ môi trường, chưa có quy định nhằm bảo đảm cho hoạt động giám sát của cộng đồng dân cư.

Quyền khiếu nại, tố cáo về bảo vệ môi trường được quy định tại Điều 128 Luật bảo vệ môi trường 2005 và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện theo Luật khiếu nại 2011, Luật tố cáo 2011.

Tăng cường vai trò của cộng đồng trong bảo vệ môi trường thì việc tăng cường năng lực trực tiếp cho cộng đồng thông qua hoạt động giám sát có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Khuyến nghị: Các vấn đề cần được xem xét trong quá trình sửa đổi Luật BVMT 2005: Những trường hợp trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cần có hoạt động giám sát của cộng đồng dân cư; quyền đưa kiến nghị của cộng đồng dân cư về các vấn đề môi trường, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức tiếp nhận kiến nghị.

 

 

 

 

Lượt xem: 2065

Các tin khác

Tri thức bản địa và sinh kế cộng đồng nhìn từ nguồn gen

(02/06/2014 01:59:PM)

Dãy Trường Sơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu

(28/05/2014 11:49:AM)

Bảo tồn sự đa dạng văn hóa-sinh học của các dân tộc trên dãy Trường Sơn

(23/05/2014 10:48:AM)

Có nên phát triển vùng trồng ba kích Tây Giang?

(22/05/2014 05:29:AM)

Mời dự Hội thảo khoa học về sản xuất sạch hơn

(28/03/2014 03:30:PM)

Thăm vùng thảm họa động đất – sóng thần ở Nhật Bản: Cuộc sống đã phục hồi (Phần cuối)

(22/03/2014 09:28:AM)

Thăm vùng thảm họa động đất – sóng thần ở Nhật Bản: Cuộc sống đã phục hồi (Phần 1)

(20/03/2014 08:56:PM)

Một số vấn đề trong nghiên cứu đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường ở các quốc gia Đông Bắc Á và khuyến nghị (Phần cuối)

(01/03/2014 03:29:PM)

Một số vấn đề trong nghiên cứu đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường ở các quốc gia Đông Bắc Á và khuyến nghị (Phần 2)

(27/02/2014 09:00:PM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE