Nguyễn Quang Thân
Về lý thuyết, hồ thủy điện có quy mô hợp lý, được xây dựng sau kết quả nghiên cứu toàn diện, ngoài lợi ích phát điện còn có chức năng điều tiết lũ. Những vụ xả hồ gây lũ hạ lưu, đặc biệt ở tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa mấy ngày gần đây, là do hồ thủy điện quy mô nhỏ và đặc biệt thuộc về công tác quản lý. Hệ thống thủy điện nhỏ thì chính ông chủ tịch Hiệp hội năng lượng VN Trần Viết Ngãi cũng cho là thuộc loại “thủy điện gây hại” cần dẹp bỏ. Hồ thủy điện lớn sẽ làm được việc điều tiết lũ nếu người quản lý tuân thủ nghiêm nhặt quy trình, theo dõi sát sao tình hình mưa trong mùa lũ, chủ động xả kiệt nước đến mức thiết kế cho phép để tăng khả năng chứa nước của hồ khi có mưa lớn. Làm đúng quy trình như vậy, hồ chứa sẽ làm giảm quá trình lưu lượng nước chảy về hạ lưu, do đó làm chậm lũ, tạo điều kiện cho hạ lưu kịp đối phó như sơ tán dân và bảo vệ tài sản của dân.
Nhưng mâu thuẫn đã xẩy ra giữa quyền lợi (lợi nhuận) của các công ty cổ phần thủy điện với việc điều tiết lũ. Những công ty này muốn giữ nước hồ luôn luôn ở mức tối đa để đảm bảo chắc ăn sản lượng điện. Dù biết lũ có khả năng lũ sắp về họ cũng không muốn chủ động tháo nước vì nước là điện, là tiền và lợi nhuận của chính họ. Tình hình này là có thật khi Bộ Công Thương đã ào ạt cho phép xây dựng quá nhiều hồ nhỏ và vừa, kích thích người ta săn lợi nhuận rất lớn từ thủy điện. Ông Phạm Văn Tân – Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam từng khẳng định với báo chí rằng: “Việc đổ xô đầu tư vào thuỷ điện chắc chắn phải có yếu tố lợi nhuận” (trích Dân Việt) Việc xả lũ ngoài tác dụng bảo vệ công trình đập chắn còn do lợi ích riêng của nhà đầu tư ( công ty cổ phần) chi phối, đã bị ngay chính quyền địa phương ( như Phú Yên mới đây) phản đối gay gắt và yêu cầu quy kết trách nhiệm. Cho dù những người làm thủy điện tự bào chữa hùng hồn rằng “thủy điện vô can” nhưng dân mình lại quen đánh giá trên cơ sở “người thực việc thực” chứ không phải kiểu “an toàn trong lý thuyết”. Từ vụ Vu Gia năm ngoái đến Hố Hô (Hà Tĩnh) và Phú Yên, Khánh Hòa năm nay, trong thực tế, các miền hạ lưu đã thực sự thành nạn nhân của xả lũ, phải chịu thiệt hại lớn vì những trận lũ chưa hề có trước ngày xây dựng thủy điện. Lý thuyết và hiện thực luôn có khoảng cách lớn vì tác động của vô vàn yếu tố trong đó có lợi ích cục bộ của một nhóm hay một tập đoàn, có khi thậm chí một người!
Sự an toàn của hạ lưu và sinh mệnh, tài sản của toàn dân không thể đặt dưới lợi nhuận của người làm thủy điện. Nhưng chuyện đó vẫn đang xẩy ra và không chỉ trong ngành điện! Đó là nguồn gốc sâu xa của tham nhũng, của lãng phí và nhắm mắt làm bừa, nhắm mắt cam kết lấy được “an toàn trên lý thuyết” để dắt trâu qua rào là phủi tay, trong nhiều dự án kinh tế, văn hóa lớn hay nhỏ!
Không ít người cưới một cô vợ đễnh đoảng chỉ vì một cái răng khểnh có duyên. Không ít dự án ra đời, được thực thi bằng tiền mồ hôi nước mắt của dân chúng chỉ vì một khoản hoa hồng lớn, nhưng có khi thật thảm hại, chỉ vì một chuyến du lịch nước ngoài không mất tiền kèm cả vợ con. Đã nhỡn tiền biết bao dự án tiền tỷ đắp chiếu nằm hay thậm chí thành di chỉ khảo cổ. Người ta sẵn sàng “tham đĩa bỏ mâm” vì đĩa là của mình còn mâm là của thiên hạ.
Lợi ích của cá nhân luôn là động lực phát triển, cần được coi trọng. Nhưng lợi ích ấy phải tuyệt đối tuân thủ lợi ích chung. Làm ngược lại là một tội ác!
(Báo PNTPHCM 05/11/2010)