quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
HỘI THẢO KH

TG 14: Ngày xuân nói chuyện rượu ba kích

Thứ Năm, 31/05/2012 | 09:51:00 PM

Giáp Tết Nguyên đán, trong một loạt quán đối diện với UBND huyện Tây Giang chỉ có quán Bạn Tôi là còn rượu ba kích, lúc này 1lít có giá hơn 20.000 đồng. Tôi muốn mua một chút tím hoa cà này mang về, nhưng Clâu Nghi, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tây Giang, ngần ngại: “Tôi sẽ vào nhà đồng bào tìm cho anh, tất nhiên là hiếm, khó, nhưng đấy mới đúng là Đhong Jơn Jêê”.

B’riu Pố và bình rượu “hạnh phúc gia đình” ba kích.

Bắt người ta nghĩ nhiều đến nhất, nói nhiều đến nhất trong nhiều tháng qua, ở Đông Giang là huỳnh đàn, và ở Tây Giang là ba kích. Trước khi ba kích được đưa vào “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” (Đỗ Tất Lợi), nó đã là một loại cây thuốc quý của đồng bào Cơtu sống quanh ngọn núi A Dương. B'riu Pố, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Lăng (Tây Giang) - “thủ phủ” của ba kích Quảng Nam - kể rằng, từ xưa đồng bào Cơtu vẫn hay vào núi đào củ ba kích về ngâm rượu uống để chữa bệnh nhức mỏi, đau lưng, đau khớp. Củ của ba kích không thẳng đuột mà thắt lại từng đoạn như cái chày giã gạo, vì thế mà đồng bào gọi đây là cây Đhong Jơn Jêê (cây chày giã gạo). Ba kích đã ẩn danh dưới cái chày giã gạo đó không biết bao nhiêu lâu cho đến năm 2004, khi kỹ sư Ngô Trại và các nhà khoa học của Viện Dược liệu Trung ương (thuộc Bộ Y tế) vào xã Lăng tìm cây thuốc và tình cờ phát hiện. Trang 321-322 của cuốn sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, nơi ghi những công hiệu kỳ diệu của ba kích, đã được phô tô chuyền tay nhau đọc và bàn tán xôn xao cả trong giới mày râu của người Kinh lẫn Cơtu. Và những dòng chữ này của Giáo sư Đỗ Tất Lợi đã làm bao nhiêu đôi mắt sáng rực lên khi đọc đến: “Ba Kích có tác dụng ôn thận trợ dương, mạnh gân cốt... Là vị thuốc bổ trí não và tinh khí. Dùng chữa các bệnh liệt dương, sớm xuất tinh...”. Từ đây, cả vùng núi A Dương rộng lớn đã bị săn lùng đào hái, cây ba kích từ chỗ mọc dày, đi là gặp, nay đến cái bóng của nó cũng không còn. “Tuyệt chủng” - hai từ này dược sĩ Nguyễn Như Chính, Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam, nhiều lần nhắc đến.

Ba kích trong “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam ( Đỗ Tất Lợi).

Củ của cây ba kích ban đầu được bán với giá 10.000 đồng/kg, nay lên đến 40.000 đồng/ kg. Và khi dân buôn Đà Nẵng đổ về, giới quan chức chú ý đến, thì mỗi kg ba kích đã lên 80.000 đồng. Bây giờ thì không có giá vì đâu còn ba kích nữa mà bán. Quan khách đến Tây Giang, quý lắm mới được mời rượu ba kích. Nhiều lúc lùng mua 1 lít rượu ba kích ngay tại Tây Giang không ra. Và như mọi của hiếm trên đời, gần đây bắt đầu xuất hiện ba kích giả, cái màu tím không còn óng ánh nữa mà đục, bợn; và cái mùi rất riêng của ba kích, cái mùi thật khó kiếm ở bất cứ loại rượu nào, cũng nhạt phai đi.

Cũng vì thế mà Clâu Nghi mới đưa tôi ngược 5km từ trung tâm huyện lỵ Tây Giang lên xã Lăng trong một buổi sáng sùi sụt và trên một con đường mà tôi đã phát biểu thật lòng với B’riu Liếc (Chủ tịch UBND huyện Tây Giang): “Đi 100km từ Đà Nẵng lên huyện không ngán bằng bằng 5km từ huyện lên xã Lăng”. Cũng may nhà Briu Pố còn 4 lít rượu ba kích. Trong bình nhựa lèn chật những cái “chày giã gạo” là cả một màu tím hoa cà đẹp như thời hoa niên. Nó gợi nhắc lại một tuổi thơ hái hạt mồng tơi bóp nát ra làm mực để nắn nót chép những bài thơ, và sau đó là viết những lá thư tình tím ngắt... Bình rượu này đã vơi đi một nửa sau khi tôi rời nhà B’riu Pố. Pố ép tôi phải nhận bình rượu này, chí ít cũng phải lấy một nửa. Tôi e ngại nhìn... vợ Pố. “Biết đâu đây là bình rượu... hạnh phúc của gia đình họ, nếu mình mang đi, kẻ xót xa không phải là Pố mà là người phụ nữ kia!?”. Pố biết bụng tôi, cười: “Anh đừng lo, tôi vẫn còn củ ba kích”. Rừng núi trơ trọi, tìm đâu ra ba kích nữa mà còn? “Tôi trồng” - Pố nói. Pố dẫn tôi ra vườn. Pố đã trồng hơn 1.000 gốc ba kích, bằng cách vào rừng nhặt dây ba kích mà người ta đã đào gốc lấy củ cắt ra thành hom đêm về nhà trồng, và Pố là người đầu tiên làm chuyện này ở Tây Giang (thật ra ba kích chỉ có thể trồng được ở xã Lăng và Atiêng, và cũng chỉ một vài thôn của 2 xã đấy thôi). HĐND huyện Tây Giang có nghị quyết khuyến khích nông dân trồng ba kích, ai trồng 1 héc ta được hỗ trợ 5 triệu đồng. Việc này ngoài chuyện bảo tồn nguồn gien ba kích, còn giúp cho dân xóa đói giảm nghèo. Cây ba kích 3 năm là thu hoạch, năm đầu tiên thu một nửa gốc, năm sau thu nửa gốc còn lại, và cứ thế thu hoạch suốt. Theo kỹ sư Ngô Trại, ở Quảng Ninh, Vĩnh Phú, bà con cũng trồng, gốc tốt cho đến 11 kg/năm. Nhưng Pố tính chỉ cần mỗi gốc 1kg thôi, và bán với giá 40.000 đồng/kg thì mỗi héc ta cũng cho thu nhập cả trăm triệu đồng/ năm rồi... Những điều Pố tính dù chưa thành hiện thực nhưng cũng rất hấp dẫn đồng bào; nhiều người đã mang ba kích về trồng trong vườn nhà, trong đó đẹp nhất là vườn 500 cây ba kích 1 tuổi của Blinh Ương...

Tôi đã uống rượu ba kích trong một tâm trạng hồi hộp. Quá nhiều giai thoại chung quanh sắc tím hoa cà này. Blinh Ương nói: “Chỉ có uống rượu này là vợ không giận mà thôi!” Tôi vừa uống vừa... chờ. Và sáng hôm sau, điều tôi ngạc nhiên nhất là dù khi hôm uống nhiều rượu nhưng dậy không những không đau đầu mà còn sảng khoái, như khỏe hơn lên; những mệt mỏi do bầm dập trên đường núi suốt một ngày hôm qua đã biến mất, và ở trong miệng mình như ngậm cái gì đó rất thơm. Thế thôi. Rượu uống mà thấy khỏe hơn lên, phấn chấn hơn lên, như thế đã là ruợu quý hiếm lắm rồi.

PHƯỚC LÊ

(Báo Quảng Nam)

Lượt xem: 3655

Các tin khác

Tri thức bản địa và sinh kế cộng đồng nhìn từ nguồn gen

(02/06/2014 01:59:PM)

Dãy Trường Sơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu

(28/05/2014 11:49:AM)

Bảo tồn sự đa dạng văn hóa-sinh học của các dân tộc trên dãy Trường Sơn

(23/05/2014 10:48:AM)

Có nên phát triển vùng trồng ba kích Tây Giang?

(22/05/2014 05:29:AM)

Mời dự Hội thảo khoa học về sản xuất sạch hơn

(28/03/2014 03:30:PM)

Thăm vùng thảm họa động đất – sóng thần ở Nhật Bản: Cuộc sống đã phục hồi (Phần cuối)

(22/03/2014 09:28:AM)

Thăm vùng thảm họa động đất – sóng thần ở Nhật Bản: Cuộc sống đã phục hồi (Phần 1)

(20/03/2014 08:56:PM)

Một số vấn đề trong nghiên cứu đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường ở các quốc gia Đông Bắc Á và khuyến nghị (Phần cuối)

(01/03/2014 03:29:PM)

Một số vấn đề trong nghiên cứu đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường ở các quốc gia Đông Bắc Á và khuyến nghị (Phần 2)

(27/02/2014 09:00:PM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE