quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
TẢN MẠN MÔI TRƯỜNG

Sông Nhật Lệ - Nàng công chúa ngái ngủ

Thứ Hai, 13/12/2010 | 09:27:00 AM

Ven bờ sông Nhật Lệ có vô số di tích danh thắng gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm qua, nhưng chính dòng sông Nhật Lệ kiều diễm của thành phố trẻ Đồng Hới đang tàn dần do cửa sông bị vùi lấp, kéo theo là nghề cá suy giảm. Du lịch Nhật Lệ như nàng công chúa còn ngái ngủ bên những cồn cát trắng Quảng Bình.

 
 

Nguyễn Đình Hoè, VACNE
 
 
 
·         Kho hồi môn của nàng công chúa
Dài trên 90km, Nhật Lệ là tên đoạn hạ lưu của một hệ thống sông bắt nguồn từ dãy Trường Sơn phía tây nam tỉnh Quảng Bình, với hai chi lưu chính là sông Long Đại và sông Kiến Giang. Là đoạn cửa sông,Nhật Lệ  mang tính biển rõ ràng: dòng nước mặn lợ, rộng gần 600m, chịu ảnh hưởng rất lớn của thuỷ triều, chảy hiền hoà giữa các cồn cát nguồn gốc biển - gió, là đường vận tải thuỷ với cảng Nhật Lệ nổi tiếng trong suốt chặng dài lịch sử cận đại và hiện đại của Quảng Bình, cho đến khi đập Mỹ Trung được xây dựng khoảng vài chục năm trước.
            Chiều tà, đứng trên cầu Nhật Lệ - một con cầu bê tông mới xây, bắc qua sông đẹp như chiếc cầu vồng - gió vẫn mát lộng như ngày nào. Nhưng làn gió đã trong hơn, tươi hơn vì hầu như không còn mùi cá, mùi mắm, mùi lưới. "Gió tươi thì dân chài nghèo" - một ngư phủ bỏ nghề đi làm xe ôm nhận xét. Sông Nhật Lệ hiền hoà, nước xanh biếc in màu trời, giống như một nàng công chúa lặng lẽ ngủ bên cồn cát.
            Gần cửa sông Nhật Lệ có một bàu nước ngọt tên là Bàu Tró. Với diện tích gần 100ha, chỗ sâu nhất khoảng 10m dưới mực nước biển trung bình, Bàu Tró là kho nước ngọt quý giá và quan trọng nhất của vùng đất nhiễm mặn và quanh năm khát nước của thành phố trẻ Đồng Hới. Dung tích trung bình 6,8 triệu mét khối nước ngọt, Bàu Tró mỗi ngày cấp cho thành phố gần 7.000m3. Nguồn nước quan trọng này được thành phố bảo vệ nghiêm ngặt. Một đai rừng phòng hộ xanh tốt bao quanh Bàu đã được trồng từ 5 đến 6 năm qua. Đàn cá trong Bàu mặc sức lớn. Cá chép có con nặng đến 6kg, cá giếc hàng đàn, con trung bình cỡ bàn tay người lớn, không ai được phép đánh bắt.


            Bàu Tró còn là đất phát tích của một nền văn hoá khảo cổ học danh tiếng của Việt Nam, với tên là "Văn hoá khảo cổ học Bàu Tró", đặc trưng bởi bộ sưu tập rìu và bôn đá có vai, bằng đá lửa, có mặt cắt ngang hình bầu dục. Di chỉ Bàu Tró được các nhà khảo cổ học người Pháp phát hiện từ năm 1923, thuộc Hậu kỳ Đá mới (khoảng 3.000 đến 5.000 năm trước) có tính trung gian giữa các nền văn hoá khảo cổ học Phùng Nguyên phía Bắc (Việt cổ) và Sa Huỳnh phía Nam (Chămpa cổ).
            Người dân địa phương cho rằng các nhà khảo cổ gọi tên Bàu Tró là không đúng. Bàu này thực ra có tên là Bàu Trú - Trú theo tiếng Quảng Bình có nghĩa là Trấu (vỏ hạt lúa). Không rõ từ đời nào, trên bờ Bàu có một ngôi miếu cổ thờ một tảng đá lớn có hình hạt trấu - một biểu tượng của Thần Lúa. Ngôi miếu này được cư dân nông nghiệp xây dựng và thờ cúng Thần Lúa để cầu được mùa. Rất tiếc ngôi miếu đã bị phá huỷ trong chiến tranh, có lẽ nên được xây cất lại làm điểm du lịch.
            Sau những năm khói lửa chiến tranh, vùng cửa sông Nhật Lệ vẫn còn sót ba di tích: phần còn lại của hệ thống Luỹ Thầy, gác chuông nhà thờ Tam Toà và thành cổ Đồng Hới.
            Hệ thống Luỹ Thầy do Đào Duy Từ thiết kế và chỉ đạo xây dựng, được hoàn tất trong hơn 3 năm (1630 - 1634) trong thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên, gồm bốn luỹ, dài tổng cộng 34km. Luỹ Thầy là nơi có nhiều trận chiến đẫm máu kéo dài gần 200 năm giữa hai nhà Trịnh - Nguyễn. Ngày nay, lũy đã đổ nát, vết tích rải rác đây đó trong cây rừng và cồn cát, còn riêng một đoạn được bảo tồn khá tốt gần cửa sông Nhật Lệ.
            Thành cổ Đồng Hới được xây dựng từ năm Gia Long thứ 10 (1824) lúc đầu được đắp bằng đất, sau đó vua Minh Mạng cho xây lại bằng gạch. Gần 500m tường thành còn sót lại vẫn rắn chắc bằng gạch gốm già và vữa truyền thống (thời đó chưa có xi măng). Lớp hào nước bao quanh thành thông ra sông Nhật Lệ vẫn còn, nhưng trở thành nơi chứa nước thải của dân cư xung quanh, đầy bèo, rác.
            Sau khi chia lại tỉnh, Đồng Hới đã xây lại Quảng Bình Quan (cửa Luỹ Thầy) và Cửa Đông của thành Đồng Hới. Kiến trúc như cũ nhưng chất lượng chưa rõ thế nào. Lên thăm Quảng Bình Quan, du khách thấy công trình đã bị nứt vỡ thảm hại.
            Bờ phải sông Nhật Lệ là cồn cát Bảo Ninh, quê hương của ba vị nữ anh hùng thời chống Mỹ: Nguyễn Thị Suốt (mẹ Suốt), Nguyễn Thị Khíu và Trần Thị Lý. Nhà cửa Bảo Ninh không bám biển mà bám sông để tránh bão. Cửa các căn hộ đều quay ra bến sông Nhật Lệ, phần lớn vẫn là những căn nhà gạch nhỏ, thấp và cũ kỹ. Bù lại, nước giếng Bảo Ninh vừa trong vừa mát "chỉ cần bỏ thêm đá lạnh là thành nước giải khát hảo hạng" - bà con Bảo Ninh tự hào nói vậy.
·       Nàng công chúa Nhật Lệ vẫn ngái ngủ
            Trong vòng bán kính 2 đến 3 km tính từ điểm giữa cầu Nhật Lệ, du khách có thể đến thăm các điểm di tích thắng cảnh nổi tiếng của Đồng Hới. Trung tâm thu hút du khách vẫn là dòng sông Nhật Lệ xanh ngắt và tràn ngập nắng gió. Du lịch Đồng Hới chưa tổ chức tua nội thành (City Tour), lại không có tài liệu hướng dẫn tham quan, nên phần lớn du khách đến Đồng Hới chỉ để tắm biển và chờ đi thăm động Phong Nha, cách Đồng Hới hơn 40km.
            Tượng đài Mẹ Suốt được xây dựng hoành tráng trên công viên bờ sông Nhật Lệ. Sinh thời Mẹ chuyên chở đò ngang qua sông "Một tay lái chiếc đò ngang, bến sông Nhật Lệ quân sang đêm ngày" – (Thơ Tố Hữu), nhưng các nhà điêu khắc đã xoay tượng đài theo hướng về thượng nguồn sông, biến Mẹ Suốt thành người chở đò dọc (!). Các căn nhà của Mẹ Suốt và hai vị nữ anh hùng khác vẫn chưa được tôn tạo thành các nhà tưởng niệm để du khách có thể viếng thăm.
            Khu du lịch cao cấp Sun Spa Resort toạ lạc ở đầu cồn cát Bảo Ninh, ngay cửa sông Nhật Lệ, chỉ thích hợp với các du khách nhiều tiền. Đại bộ phận du khách bình dân lưu trú tại các khách sạn trên đường Quách Xuân Kỳ để chờ đi động Phong Nha.
            Chiều muộn, ven sông và trên cầu Nhật Lệ, lẻ tẻ du khách và người địa phương tản bộ hóng gió mát. Mong ước có một vài du thuyền trên sông Nhật Lệ, trình diễn các điệu dân ca Quảng Bình như du thuyền trên sông Hương (Huế) còn là điều xa vời. Ven sông Nhật Lệ khoảng 9 giờ tối đã vắng lặng. Có Nhật Lệ mới có Đồng Hới, nhưng chàng hoàng tử Đồng Hới chưa đủ sức đánh thức cơn ngái ngủ của nàng công chúa. Kho của hồi môn vô giá mà nàng mang lại cho du lịch Đồng Hới hôm nay vẫn còn bị phủ dày dưới lớp bụi thời gian./.
 
 

Lượt xem: 9196

Các tin khác

QUYẾT BẢO VỆ

(20/04/2024 11:18:PM)

NGƯỜI THANH LỊCH

(15/04/2024 09:45:PM)

Cây Nghiến Di sản Lâm Bình

(08/04/2024 11:42:AM)

TÂM THƯ TƯ BẢN

(01/04/2024 11:09:AM)

CÂY KƠ NIA TRÊN ĐẤT TỔ

(30/03/2024 10:36:PM)

THƠ … SẠCH XANH

(21/03/2024 11:51:PM)

PHÙ HỘ

(20/03/2024 03:27:PM)

THI ... ĐUA

(17/03/2024 05:43:AM)

“Khúc nhạc” của rừng

(15/03/2024 06:17:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE