quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

Sau cải tạo, các hồ ở Hà Nội liệu có "hồi sinh"?

Thứ Tư, 26/05/2010 | 07:14:00 AM

Hướng tới Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai việc cải tạo các hồ trên địa bàn nhằm trả lại sự “trong sạch” như vốn có của chúng.

 
 

 


 

 

 

 

 
 
Tuy nhiên, để công việc này mang lại hiệu quả thực sự và những hồ được cải tạo tại Thủ đô “hồi sinh,” ngoài sự nỗ lực của các cơ quan chức năng rất cần sự hỗ trợ của cộng đồng vì nếu không, tiền tỷ của Nhà nước đổ xuống cũng chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa.”

Ông Phạm Văn Khánh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết bảy hồ ở Hà Nội được thử nghiệm xử lý ô nhiễm nước trong thời gian qua đã cho thấy những tín hiệu khá lạc quan. Công nghệ mới đang góp phần làm “hồi sinh” sự sống trong các hồ.

Tại hồ Quỳnh (phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng), hồ Ngọc Khánh (phường Ngọc Khánh, quận Đống Đa) và hồ Xã Đàn (phường Nam Đồng, quận Đống Đa), Công ty cổ phần Xanh với công nghệ "xử lý giảm thiểu ô nhiễm nước mặt bằng công nghệ quản lý tổng hợp các thủy vực với sự tham gia của cộng đồng" đã làm cho nước hồ trong hơn và không có mùi hôi.

Cảnh quan các hồ trên cũng đã được cải thiện. Vệ sinh trên và xung quanh hồ được thực hiện tương đối tốt, bước đầu đã nhận được sự ủng hộ của cộng đồng cư dân quanh hồ.

Hồ Hai Bà Trưng (phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng) sau sáu tháng xử lý bằng công nghệ "Phục hồi cảnh quan hồ bằng giải pháp tổ hợp sinh học, kết hợp với phương pháp kết tủa" của Viện Hóa học (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam), chất lượng nước hồ đã được cải thiện rõ rệt so với các số liệu quan trắc trước khi xử lý.

Người dân xung quanh hồ cho biết hiện tượng cá chết tại hồ này đã giảm hẳn.

Tại hồ Ao Đình, Ngọc Hà sau khi được Công ty trách nhiệm hữu hạn xử lý môi trường PQ thử nghiệm xử lý nạo vét, triển khai xử lý ô nhiễm nước, hàm lượng các chất ô nhiễm có xu hướng giảm. Tuy nhiên, do lượng nước thải chảy trực tiếp vào hồ lớn nên hiện nước hồ vẫn có màu xanh lục, có chỗ màu xanh đậm.

Trung tâm nghiên cứu công nghệ môi trường và phát triển bền vững cải thiện chất lượng hồ bằng phương pháp cơ-sinh-hóa học áp dụng cho hồ Dài và hồ Kim Liên.

Tiến độ triển khai tại hai hồ này chậm hơn so với kế hoạch đề ra do trang thiết bị xử lý và chế phẩm sinh học phải nhập khẩu, việc triển khai lắp đặt trên hồ gặp một số khó khăn như vị trí lắp đặt trạm, cung cấp nguồn điện.

Chất lượng nước hồ chưa được cải thiện nhiều, nồng độ một số chất ô nhiễm tăng lên do phải tiếp nhận liên tục lượng nước thải chảy, nhất là trong mùa khô.

Nước hồ Dài có màu xanh lục, mùi hôi tanh đã giảm đáng kể, thay đổi tích cực so với hồ Hữu Tiệp liền kề. Hồ Kim Liên nước đã chuyển màu xanh lục so với màu đen đặc khi vào đầu mùa khô, ít mùi hôi.

Theo ông Khánh, trong năm nay, dự kiến chín hồ là Giảng Võ, Văn Chương, Thiền Quang, Nghĩa Tân, Văn Quán, hồ Võ, Đền Lừ, Giáp Bát, Ao Lâm Dư sẽ được xử lý ô nhiễm đợt đầu để làm cơ sở cho việc xử lý ô nhiễm nước ở 24 hồ tiếp theo tại Hà Nội.

Vấn đề khó khăn hiện nay khi cải tạo các hồ là công nghệ đang được áp dụng chỉ có thể xử lý ô nhiễm với lượng nước trong hồ, còn nguồn nước xả vào hồ lại chưa được xử lý.

Trên địa bàn Hà Nội sau khi sáp nhập có trên 110 hồ tự nhiên, nhân tạo với tổng diện tích khoảng 1.165ha. Đa số các hồ đều đang ở trong tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng bởi hầu hết hệ thống nước thải vào hồ đều chưa qua xử lý.

Thêm vào đó, ý thức của cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ môi trường cho các hồ còn kém. Nhiều hộ dân sống quanh khu vực các hồ coi đây là bãi rác công cộng, xả rác, các chất thải bẩn xuống hồ.

Việc nuôi cá trong hồ không đúng kỹ thuật cũng góp phần gây ô nhiễm.

Ông Phạm Văn Khánh nêu ví dụ tại hồ Xã Đàn, địa phương tổ chức cho tư nhân đấu thầu nuôi cá trong hồ nên mỗi ngày, hàng tấn bã bia được xuống hồ để làm thức ăn cho cá.

Nhiều đoàn chuyên gia nước ngoài đã đến huyện Hoài Đức để khảo sát, tìm cách xử lý nước thải làng nghề tại đây để cải tạo ao hồ, nhưng đến nay cũng chưa đưa ra phương án giải quyết nào.

Rõ ràng, việc xử lý ô nhiễm tại các hồ hiện nay vẫn chỉ là hình thức xử lý hậu quả, trong khi nguyên nhân chính lại bắt nguồn từ khâu quản lý.

Sau khi cải tạo xong hồ, việc giữ gìn, duy trì vệ sinh cho hồ như thế nào vẫn đang là bài toán để ngỏ đáp án.

Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị thành phố sớm hoàn thiện quy chế quản lý hồ xây dựng kế hoạch tách nước thải ngăn không cho chảy vào hồ, đồng thời tìm giải pháp hỗ trợ để không cho nuôi cá ở các hồ, nhất là các hồ mang tính cảnh quan-sinh thái ở các khu dân cư./.

(TTXVN/Vietnam+, 25/5/2010)
 
 

Lượt xem: 3175

Các tin khác

Việt Nam ủng hộ có thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhự

(25/04/2024 07:01:AM)

Căn bản về tái hoang dã

(22/04/2024 08:37:AM)

Một nền kinh tế xanh cần nhiều thứ hơn chỉ là trợ cấp

(20/04/2024 06:23:AM)

Thúc đẩy phát triển đô thị theo hướng xanh, bền vững

(03/04/2024 07:56:AM)

Nước đã cạn

(30/03/2024 06:46:AM)

Bảo vệ môi trường – Nền tảng để phát triển kinh tế bền vững

(28/03/2024 07:08:AM)

Chuyển đổi xanh trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

(26/03/2024 05:49:AM)

Một số suy nghĩ về chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang phát triển dựa vào hệ sinh thái, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn - Từ phân tích thực

(25/03/2024 06:28:AM)

Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng lớn đối với Việt Nam

(24/03/2024 06:05:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE