Minh Nhài
... Sài Thành sau một đêm mưa sáng ra trời lành lạnh, sương tù mù từ đằng xa, cái ren rét nhè nhẹ lại khiến lòng chùng xuống và nhớ về câu ví của người xưa: “Tháng Giêng rét Đài, tháng Hai rét Lộc và tháng Ba rét Nàng Bân”.
Cái rét tháng ba thì đã rõ ràng qua câu chuyện của Nàng Bân “Nàng Bân may áo cho chồng, may ba tháng ròng mới trọn cổ tay” và nay trước sắc xuân bùng lên của cỏ cây hoa lá, chịu khó để ý và ngắm nhìn cho nôn nao cảm xúc tôi đã không còn băn khoăn, trăn trở trước câu ví của người xưa về tháng giêng, hai là rét Đài, rét Lộc. Giữa Sài Gòn này có mấy ai “dớ dẩn” mà nhớ mà thương ngẩn người về một rét Đài, như Lộc như tôi?!
|
|
Tháng Giêng do chỉ có mưa phùn và gió lạnh liên miên mà bông hoa chớm nở đã rụng rơi cánh mỏng chỉ còn trơ lại đài hoa… cho nên người ta gọi là rét Đài, có đúng thế chăng? Nhìn lại những gốc mai vàng quanh nhà, chẳng ở cái xứ sở rét hun hút mà sau những ngày xuân, khi những cánh hoa rụng hết cũng trơ Đài ra trước gió. Hay như một sự tìm tòi, khám phá tư duy của anh bạn khi đi tìm cái rét Đài trong sự ra hoa và thụ phấn của hoa bưởi đã đồng cảm với tản văn “Đường hoa Ngâu vào Hà Nội” của tác giả Thanh Hào như sau: “Bông hoa bưởi dù giống nào cũng chỉ có bốn cánh hoa nở xòe ra bốn phía. Màu trắng tinh khiết ôm một lớp nhị đực có chút phấn vàng. Nhị đực bao quanh một nhị cái ở giữa có hình đầu que diêm màu vàng xanh. Khi cánh hoa nở hết cỡ, 4 cánh hoa cong lại phía sau đài hoa cho nhị đực, nhị cái thu nhận thoải mái chất âm dương mà trời đất cho loài hoa lưỡng tính vốn có. Đó là sự giao cảm mãn khai của loài hoa…” mà tìm cái riêng cho mình thế này: “Như vậy thì đài hoa rõ ràng là có chức năng “tạo điều kiện” cho nhị hoa “yêu nhau” và cái rét ngọt (thường xuất hiện vào tháng giêng). Chính là môi trường của “Thiên thời “ để cho đài hoa vừa thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình vừa là cái nôi, cái “buồng tre buồng trúc hạnh phúc… lứa đôi”của muôn hoa cùng đua nở và mãn khai vào mùa xuân. Thế cho nên mới có cái sự rét Đài hết sức trang trọng trong tục ngữ”.
Và tháng Hai rét Lộc, có người bảo Lộc ở đây là Lộc vừng (còn gọi là cây mưng). Sau khi trổ lộc xong thì phải mùa sau mới trổ tiếp. Theo phong thủy, cây lộc vừng là loại cây mang lại sự may mắn về tài lộc. Theo cha ông xưa thì “lộc” ứng với “tài lộc”, “vừng” ngụ ý là nhỏ nhặt nhưng nhiều, ý nghĩa của sự thịnh vượng, phát lộc, nó mang lại cảm giác bình yên, an toàn cho sự phát triển kinh tế.
Trải lòng giữa thiên nhiên, chúng ta sẽ thấy trong cái rét Lộc tháng Hai còn là mùa để cây cối đâm chồi nảy lộc, giữa cái nền trời xám xịt của mưa xuân rét mướt hay cái nắng hanh hao nhè nhẹ, đất thủ đô đẹp và nồng nàn trong men say của tinh hoa đất trời với những loài hoa đẹp nhất, gợi cảm nhất biết chọn mùa trổ lộc, bung nở sức sống mãnh liệt.
Nói về rét Lộc Hà Nội còn phải nói đến Hoa sưa , một loại hoa cùng thay lá đâm chồi, ra hoa và lụi tàn chỉ trong một mùa. Những chùm hoa sưa nở rộ tươi tắn mê ly, say men hương nồng trời đất trong một màu sắc tinh khiết mang một quy luật vĩnh hằng của tạo hóa là cái đẹp thế gian chẳng thể giữ được cho riêng ai, rồi sẽ đến một lúc phải lụi tàn.
Một năm có bốn mùa, mỗi mùa có ba tháng và mỗi tháng lại có một mùa hoa. Ở Hà Nội - đất thủ đô ngàn năm văn hiến đã có những mùa hoa “để đời” đẹp đến nao lòng như thế, dù “trời có mưa dầm dề, ngày có dài lê thê” hay “mưa thối trời thối đất” thì cũng không cưỡng lại được sức sống thiên nhiên mãnh liệt và cái tình người đồng vọng yêu thương trước những mùa hoa, những hương hoa tinh khiết nhất trần gian.
Sài Gòn không có những gốc hoa sưa cổ thụ, không có những con đường lộc vừng tràn ngập phố, những mùa tháng ba với hoa gạo - mộc miên, những con đường ngập tán hương hoa sữa … Sài Gòn - “con đường có lá me bay” như hòa nhịp chung với cái rét Lộc tháng Hai của đất trời, vạn vật cây cối xung quanh cũng mơn mởn những chồi non xanh tươi đâm ra trước gió vẫy gọi lòng người, cây có hoa ra hoa, cây có lá ra lá, cây có quả ra quả cùng hòa nhịp vũ điệu mùa mãn khai và trổ lộc để không hổ danh là một “Hòn Ngọc Viễn Đông”.
Những lá me non tơ mỏng manh bay trong gió thiết tha, “những lá me rắt trên nụ cười…” gợi nhớ lòng người về một “con đường có là me bay, chiều chiều ta lại cầm tay nhau về” thơ mộng, trữ tình, lãng mạn trong tình yêu đôi lứa “Em đi đâu về mà tóc đầy me, Em ngồi em chải nghĩ gì vui thế, mà cười một mình…”.
Sài Gòn sau một đêm mưa, cái hơi gió lành lạnh mà thấy ấm áp trong lòng sợi nhớ sợi thương phấn chấn và nồng nhiệt trước những Lộc hoa đất trời gửi gắm vào mùa. Có ai đó giống tôi không, trước cái hối hả của nhịp cuộc sống mỗi sáng đi, mỗi chiều về mà chạy xe thật chầm chậm, ngân nga vài câu hát, đưa mắt ngắm nhìn những tán cây xanh dọc đường đi phía trước, ôi chao thật lãng mạn và tình tứ, từng búp non xanh mỡ màng nõn tơ e ấp, rung rinh, Lộc của đất trời ôi đẹp xiết bao.
“Hòn Ngọc Viễn Đông” đã “ôm” cả đất trời để hội tụ và mãn khai đa sắc những hương hoa đầy đường đầy phố. Lại ước ao giá mình có được đôi chân lãng tử không ràng buộc để rong ruổi, đắm mình giữa phố xá mênh mông đi tìm xem có bao nhiêu thứ cỏ cây hoa lá đang trổ lộc bừng sáng giữa “rét Lộc” này.
Một màu xanh biếc ngập tràn đường phố, trồi ra những búp non đầu cành. Chúng ta đang sống giữa một thiên nhiên xanh tươi thân thiện đấy thôi, chỉ còn chờ người người gìn giữ, nâng niu cho sinh sôi, nảy nở một môi trường sanh - sạch - đẹp đúng nghĩa.
(VNexpress, 26/3/2011)